Bài giảng
Du-già tông (1)
14/11/2008 14:29 (GMT+7)
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

Du-già tông

(法相 宗)

(Đ. Đ. Thích Giác Hiệp, HVPGVN tại TP.HCM)



Du-già tông là một trong 4 trường phái lớn của Ấn độ: Nhất thiết hữu bộ (Sarvāstivāda), Kinh lượng bộ (Sautrāntika), Trung luận tông (Mādhyamika) và Du-già tông (Yogācāra). Du-già tông phát triển ở Ấn độ từ thế kỷ thứ 4 đến thế kỷ thứ 12. Đến thế kỷ thứ 12 trường phái này suy tàn và biến khỏi Ấn độ cùng với các trường phái Phật giáo khác. Đây là giai đoạn  Hồi giáo xâm lăng Ấn độ.[1] Du-già tông do 2 anh em ngài Vô Trước và Thế Thân thành lập.

I.  DANH XƯNG:

Tông này có các tên gọi như sau:

1.Du già tông (Yogācāra, 瑜伽宗): bắt nguồn từ bộ Du-già sư địa luận (Yogācārabhūmi).

2.Duy thức tông (Vijñānavāda, 唯識): Em ngài Vô Trước, ngài Thế Thân, thiết lập vững chắc hệ thống Duy thức (vijñapti-mātratā).

3.Hữu tông (Realistic School, 有宗): Tông này nghiên cứu bản tánh và tính chất của các hiện hữu.

4.Tướng tông (Idealistic School 相宗): Giáo l‎ý của tông không ủng hộ các giáo lý chủ trương mọi vật thật hữu hoặc mọi vật không, chỉ chủ trương pháp phương tiện.

5.Pháp tướng tông (法相): Pháp tướng là dịch từ tiếng Phạn từ: dharma-lakṣaṇa, có nghĩa là tướng của pháp, hay các đặc điểm của pháp.

II.LỊCH SỬ:

1. Ấn Độ:


Ngài Mã Minh (Aśvaghoṣa) đánh dấu giai đoạn sơ khởi của nền triết học Du già, nhưng người thành lập tông này là ngài Di-lặc (Maitreya hoặc Maitreya-nātha) (c.270-350 TL.)

Ở Ấn độ tồn tại 3 dòng chính của tư tưởng duy thức sau khi ngài Thế Thân tịch:[2]

a.  Dòng truyền của ngài Trần Na (Dignāga hay Diṇnāga) (thế kỷ thứ 5), và ngài Hộ Pháp (Dharmapalā, 護 法), trung tâm truyền bá của dòng này là đại học Nālandā. Ngài Giới Hiền (Śīlabhadra) và ngài Huyền Trang thuộc dòng này.

b.  Dòng truyền của ngài Đức Huệ (Guṇamati) và An Huệ  (Sthiramati, 安 慧), trung tâm truyền bá là Đại học Valabhī, ngài Chân Đế (Paramārtha), người thành lập Nhiếp luận tông, thuộc dòng này.

c. Dòng truyền của ngài Nanda, ngài Chân đế và Thắng Quân (Jayasena) theo giáo lý của ngài này, người đã hướng dẫn ngài Huyền Trang trong một số nghi vấn. Dòng này không thịnh hành ở Ấn độ và dường như bị phai tàn nhanh.

2. Trung Quốc:

Hệ thống tư tưởng duy thức được truyền vào Trung quốc vào khoảng thế kỷ thứ 6 TL. Tuy nhiên, kinh điển của tông này đã được truyền vào từ thế kỷ thứ 5. Hai bản dịch Bồ-tát địa của ngài Pháp Hộ (Dharmarakṣa) (385-433 TL.) và ngài Cầu-na-bạt-ma (còn gọi là Công Đức Khải Guṇavarman) (367-431 TL.) được cho là những tác phẩm sớm nhất của Du-già tông.

Theo sử liệu, có 3 dòng tư tưởng duy thức được truyền vào Trung quốc:

(1) Năm 513 do ngài Bồ-đề-lưu-chi (Budhiruci), kết quả là việc thành lập tông Địa luận.

(2) Năm 563 do ngài Chân Đế (Paramārtha), kết quả là việc thành lập tông Nhiếp luận.

(3) Năm 659 do ngài Huyền Trang, kết quả là tông Pháp Tướng được hình thành.

Tông Địa luận và Nhiếp luận sau này nhập vào tông Pháp Tướng.

III.TỔ SƯ:

1. Ngài Vô Trước, Asaṇga (c.310-390 TL):

Mặc dù có nhiều tranh cãi về niên đại của ngài Vô Trước, nhưng mọi người có quan điểm chung là ngài xuất hiện khoảng thế kỷ thứ 4. Ngài sanh ra ở Tây-bắc Ấn, nay là Pakistan. Ban đầu ngài theo Sarvātivāda, và Hoá địa bộ (Mahīsāsaka) sau đó ngài quay về Đại thừa. Ngài theo học cả Tiểu thừa lẫn Đại thừa sơ kỳ, các kinh Bát-nhă. Theo truyền thuyết Di Lặc Bồ-tát đưa ngài lên cung trời Đâu xuất, giảng cho ngài 5 bộ kinh luận. Sau khi học xong, ngài bắt đầu làm việc lợi ích chúng sanh, xây dựng 25 tu viện. Ngài giỏi biện luận, được vua Gambhirapaksa ngoại hộ, nhờ vậy ngài thành lập nhiều tu viện hơn. Trước ngài Vô Trước Đại thừa Ấn độ suy tàn.

2. Ngài Thế Thân, Vasubandhu (320-400 TL)….

3. Ngài Huyền Trang (599-664 TL)….[3]

IV.THÁNH ĐIỂN:

Thánh điển của Duy thức tông gồm 6 bộ kinh và 11 bộ luận, một số kinh luận không có bản dịch tiếng Hán.

1. Sáu bộ kinh:

1) Hoa Nghiêm Kinh (nói đủ là Đại phương quảng Phật Hoa nghiêm kinh Buddhāvataṃsaka nāma mahāvaipulya-sūtra, 華嚴經 )

2) Giải Thâm mật kinh (Saṃdhinirmocana-sūtra, 解深密經)

3) Lăng già kinh (Laṇkāvatāra-sūtra, 楞伽經)

4) Đại thừa A-tỳ-đạt ma kinh (阿毗達磨經)

5) Hậu nghiêm kinh (Ghana-vyūha-sūtra, 厚嚴經)

6) Như lai xuất hiện công đức trang nghiêm kinh (如來出現 功德莊嚴經)

2. Mười một bộ luận:

Di-lặc Bồ-tát:

1)  Du già sư địa luận (Yogācāra-bhūmi, 瑜伽師地論)

2)  Năng đoạn Kim cang luận (Vajracchedikā-vyākhyā, 能斷金剛論)

3)  Đại thừa trang nghiêm kinh luận (Mahāyāna-sūtra-laṇkāra, 大乘莊嚴經論)

4)  Biện trung biên luận (Madhyāntavibhāga, 辨中邊論)

Ngài Vô Trước:

5)  Nhiếp Đại thừa luận (Mahāyāna-saṃgraha, 攝大乘論)

6)  Đại thừa A-tỳ-đạt ma tạp tập luận (Abhidharmasamuccaya, 大乘阿毘達磨集論)

7)  Hiển dương Thánh giáo luận (顯揚聖教論)

Ngài Thế Thân:

8)  Bách pháp luận (百 法 論)

9)  Ngũ Uẩn luận (五 薀 論)

10) Nhị Thập duy thức luận (Viṃśtikā, 二十唯識論) 

11) Duy thức tam thập tụng (Triṃśikā, 唯 識 三 十頌): Bộ luận này là một trong những tác phẩm quan trọng nhất của Duy thức tông.

V. TRIẾT HỌC:

1. Ālaya Vijñāna:

Trong tất cả các thức chúng ta có thể nói A-lại-da thức có tầm quan trọng hơn hết. Theo chủ trương của Du-già các pháp duyên khởi thông qua A-lại-da thức. Chủ trương này được gọi là A-lại-da duyên khởi. Thức này chứa tất cả chủng tử thiện và ác. Cho nên, nó còn được gọi là tạng thức. Tạng có nghĩa là chứa đựng. Tạng có 3 nghĩa: năng tạng, sở tạng và chấp tạng.

Đặc tính của A-lai-da là vô phú, vô ký, bản chất thanh tịnh. Nó nhận lấy tập khí từ vô thỉ nên biến thành tánh hữu phú, vô ký, tức chủng tử(種子). Vô ký tánh nhận lấy nhiều loại huân tập biến thành tánh tạp nhiễm thiện ác, tức hiện hành (現行). Hiện hành lại huân tập chủng tử, chủng tử lại huân bản thức, bản thức sanh chủng tử, chủng tử sanh hiện hành, như vậy tuần hoàn không thôi.

2. Chủng tử:

Chủng tử là hạt giống của các pháp, là biểu tượng là danh ngôn của các pháp tiềm ẩn trong Alạida.

Hữu tình hiện hữu trong lục đạo đều do chủng tử thiện hay ác làm nhân. Du-già giải thích nhiều cách về sự khởi nguyên của chủng tử:

1) Thuyết bổn hữu chủng tử (câu hữu): Thành Duy thức luận nói rằng “Tất cả chủng tử sẵn có, không phải mới sanh. Do sức huân tập nên tăng trưởng”

2) Tân huân chủng tử: Chủng tử mới được đưa vào Alạida thức. Chủ trương này cho rằng chủ tử không phải sẵn có mà do sự huân tập hỗ tương nhau chủng tử sanh khởi.

3) Bổn hữu và tân huân: Luận sư Hộ Pháp chủ trương cả hai thuyết trên. Ngài lý luận bổn hữu và tân huân hoà hợp, dung hoà với nhau để thành. Bổn hữu nếu không trải tân huân thời không có pháp sanh khởi. Tân huân nếu không có bổn hữu làm căn bản thời các pháp không thành tựu.

Chủng tử của A-lại-da có 6 đặc tính:

(1) Sát-na diệt(剎那滅): Chúng được tạo ra trong khoảnh khắc.

(2) Hằng tùy chuyển (恆隨轉): Chủng tử sau khi diệt, liền có một chủng tử mới sanh khởi.

(3) Quả câu hữu (果俱有): Khi chủng tử hoạt động, hiện hữu chức năng của nó đồng thời hoà hợp. Một khi nó nhận một vật, nó thiết lập một mối liên hệ tương thuộc.

(4) Đãi chúng duyên (待眾緣): Chủng tử không thể hiển hiện hoặc hoạt động nếu như không có nhiều nhân khác.

(5) Tánh quyết định(性決定): Chủng tử có đặc tính đặc biệt như thiện, ác, trung tính.

(6) Dẫn tự quả (引自果): Chủng tử và quả hiện khởi có tính chất tương đồng. Tức chủng tử sắc pháp sinh ra sắc pháp. Chủng tử tâm pháp sinh ra tâm pháp.


------------------------------------------------
[1] T. E. Wood, Mind Only: A Philosophical and Doctrinal Analysis of the Vijnanavada (Delhi: Motilal Banarsidass Publishers, 1999) ix.

[2] J.Takakusu,  The Essentials  of Buddhist Philosophy (Delhi: Motilal Banarsidass Publishers, 1998) 85.

[3] T 50.2052.

 Thích Giác Hiệp

Phatgiao.vn

» Ảnh đẹp
» Liên kết website
Search
» Từ điển Online
Từ cần tra:
Tra theo từ điển:
» Âm lịch