Bài giảng
Tham
22/12/2008 17:03 (GMT+7)
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

Do lòng tham, sự chấp thủ nên có sự hiện hữu. Trong cuộc sống sự tìm kiếm an lạc đó là việc bình thường của chúng sinh. Chúng ta luôn tìm cách thoát khỏi những khổ đau, lánh xa những não phiền và cố tạo ra hoàn cảnh tốt đẹp...

Tham là một trong 3 loại phiền não chính, tham, sân, si. Chúng được gọi là tam độc, tam hoả, tam bệnh. Sở dĩ gọi tham, sân, si với những tên như vậy vì chúng gây độc hại, mê hoặc, điên đảo, bức bách, và hoại thiện tâm xuất thế của hữu tình. Tham là ưa muốn, ham mê, đắm say, thích thú, cố giữ, keo kiết, ưng được thỏa mãn, mong được khoái lạc, danh vọng...

Tham gồm tham dục, tham hiện hữu, tham không hiện hữu. Con người đối với cảnh bên ngoài, sinh khởi tâm tham đắm, nhiễm trước từ đó bắt đầu truy tìm, chấp thủ. Đối với người bình thường không hiểu rõ được kết quả của những thú vui tạm bợ nên luông tham lam truy cầu, cố thủ, và cho rằng đó là vui. Nhưng thật sự vui đó là nhân của khổ. Tổ Quy Sơn, Trong Quy Sơn Cảnh sách, dạy: “Một thời theo vui, không biết vui là nhân của khổ” (Nhiên tắc nhất kỳ sấn lạc, bất tri lạc thị khổ nhân.)

1. Các tướng của tham: Tham có 10 tướng:

1) Khởi tâm: khi thấy, tiếp xúc đối tượng tâm khởi ưa thích, 2) Muốn đạt được: vì ưa thích nên muốn đạt được, muốn chiếm giữ đối tượng, 3) Hình thành kế hoạch: tâm muôn chiếm giữa nên hình thành một dự định, một kế hoạch để hành động, 4) Nghĩ nhớ: tâm luôn nghĩ nhớ đến đối tượng, 5) Bắt chước động tác, 6) Quên xấu hổ, 7) Thường ám ảnh trước mắt, 8) Buông lung, 9) Điên cuồng, 10) Chết ngất .

Tham không cùng sinh với sân và nghi. Vì đối với một vấn đề chúng ta không thể vừa tham, thích vừa sân cùng một lúc. Đối với cảnh còn nghi ngờ, không chắc chắn thì không có tham đắm. Tham có thể tương ưng với mạn và kiến.

2. Nhân của tham: Nhân của tham là những yếu tố, pháp, cảnh có thể khiến lòng ham muốn khởi lên, thường chúng dẫn đến hậu quả khổ đau. Nhân sinh tham như đứng trước một pháp, một đối tượng hoặc là sắc, hoặc hình, hoặc xúc, hoặc điệu bộ vừa lòng sinh nghĩ nhớ. Do các nhân dưới đây đưa đến tham:

1) Không giữ gìn mắt khi thấy sắc, 2) Ăn uống chẳng tiết lượng, 3) Gần gũi sắc đẹp không kiểm soát tâm, 4) Thưởng thức các thú vui, 5) Ngu si, 6) Ác tri kiến, 7) Gần với người đa dục.

3.Tác hại của tham: Tham tuy tội nhẹ hơn sân, thế nhưng cũng chính vì lòng tham mà con người không từ bất cứ thủ đoạn nào để thỏa mãn lòng tham. Tham là yếu tố đẩy đưa con người vào vòng sinh tử và khiến con người cách xa niết bàn, tịnh xứ. Người ta thường ví dụ:

Tham như thuỷ: thuỷ có thể cuốn trôi mọi thứ. Thuỷ cũng có thể trưởng dưỡng ác tâm và thiện tâm
Tham như bộc lưu, nước chảy mạnh nó làm suy nhược tâm của con người, làm trôi mất thiện căn, khiến chúng ta trôi mãi trong biển sinh tử chẳng đến được bờ
Tham như cái ách, như ách trâu ngựa làm phương tiện kéo xe. Nếu như chúng ta không tri túc ách tham đè nặng trên vai ta. Thân tâm ở trong ác nghiệp không được tự do tự tại.
Theo Thành Thật luận: “Tham dục thật sự là khổ. Phàm phu điên đảo tưởng lầm là vui, người trí biết là khổ nên đoạn trừ” (Đại 32:310.2). Cho nên tham dục có nhiều tội lỗi. Phật nói tham có 5 điều tội lỗi lớn:

1) Ý vị ít lỗi nhiều, 2) Tăng thêm sự ràng buộc, 3) Đến chết không chán, 4) Thánh quở trách, 5) Không ác nào mà không làm (Đại 32:310.2)

Tham dục khiến cho chúng sinh thường thuận theo sinh tử và ngày một xa lìa niết-bàn. Tham dục là một loại trói buộc kể cả tham đắm các cảnh thiền. Do vậy tham dục sẽ không giải thoát. Chính vì tham dục nên chúng sinh bị trói buộc (hệ phược).

Do lòng tham, sự chấp thủ nên có sự hiện hữu. Trong cuộc sống sự tìm kiếm an lạc đó là việc bình thường của chúng sinh. Chúng ta luôn tìm cách thoát khỏi những khổ đau, lánh xa những não phiền và cố tạo ra hoàn cảnh tốt đẹp. Nhưng thật sự với tâm tham thì cho dù chúng ta có đạt được hạnh phúc, những gì tạm gọi là hạnh phúc cũng sẽ không tồn tại lâu dài.

4.Đoạn tham: Hành giả muốn đọan trừ tham phải biết tướng trạng, chủng loại của tham. Tham có tham thô và tham vi tế. Trước tiên hành giả sử dụng bất tịnh quán để diệt trừ tham thô và sau đó sử dụng vô thường tưởng để đoạn trừ tham vi tế.

Luận Thành Thật nói rằng: “Nếu ai khéo tu tưởng vô thường có thể phá trừ được tất cả tham dục, tham sắc, tham vô sắc, tất cả hí trạo, kiêu mạn và vô minh” (Thiện tu vô thường có tắc năng phá hoại nhất thiết dục tham, sắc, vô sắc tham, nhất thiết hí trạo, kiêu mạn, vô minh, Đại 32:311.2)

Nếu người thấy được sự khổ của tham pháp thế gian, lạc của các cõi thiền thời có thể phá trừ được tham dục. Cũng nhờ sự tu tập thiền định, trì giới, đa văn tăng trưởng trí tuệ mà có thể phá trừ được phiền não. Tất cả giáo pháp của Phật đều để phá trừ phiền não, tuy nhiên mỗi pháp có một công năng khác nhau. Như chúng ta sử dụng quán bất tịnh để ngăn ngừa tham dục, sau dùng quán vô thường mà dứt trừ. Bất tịnh quán là để dứt trừ tham dục thô, tham dục vi tế phải dùng vô thường quán mới dứt trừ được. Trong các trường phái Phật giáo có những phương pháp dứt trừ tham dục khác nhau. Như trong kinh Tăng Chi, phẩm tham, có 4 pháp cần phải tu tập để đoạn trừ tham

“Tỳ-kheo sống tùy quán thân trên thân, nhiệt tâm, tỉnh giác, chánh niệm, nhiếp phục tham ưu ở đời; tùy quán thọ trên các cảm thọ … tùy quán tâm trên tâm … tùy quán pháp trên các pháp, nhiệt tâm, tỉnh giác, chánh niệm, nhiếp phục tham ưu ở đời.”

Do tham nên con người tạo ra nhiều nhân xấu cho tương lai. Tỳ kheo nên thường nghĩ có bao nhiêu điều khổ, và những điều khổ này do đâu mà có. Khi tìm cầu các vui là khổ, vì để đạt được một sự vừa lòng, thích ý con người phải bỏ ra biết bao nhiêu thời gian và sức lực. Có khi phải sử dụng thủ đoạn để đạt được mục đích. Cho nên gọi truy cầu là khổ. Khi đã đạt được vấn điều mình truy tầm rồi phải giữ gìn, lo sợ mất nên sinh tâm khổ. Khi chưa đạt được mục đích người tham có thể sử dụng mọi thủ đoạn thấp hèn để đạt mục đích, kể cả quy luỵ, không có khí khái của đại trượng phu. Những thành tựu bằng thủ đoạn sẽ không tồn tại lâu dài.

Vĩnh Nghiêm Hạ 2005
(Báo Giác Ngộ, số 292)


» Ảnh đẹp
» Liên kết website
Search
» Từ điển Online
Từ cần tra:
Tra theo từ điển:
» Âm lịch