Bài giảng
Đại cương Kim Cương Thừa
06/12/2008 09:10 (GMT+7)
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

(Gỉang viên Đ.Đ.THÍCH GIÁC HIỆP)

Học Viện Phật giáo Việt Nam tại TP.Hồ Chí Minh

madala.jpg

1. GIỚI THIỆU

Tantra của Phật giáo sử dụng thuật ngữ và tư tưởng Phật giáo Đại thừa, đặc biệt là của Trung luận và Du-già tông hoặc đôi khi của A-tỳ-đàm. Kim cương thừa còn được gọi với những tên khác nhau tên thông dụng là Mật tông. Tantra có nghĩa là sợi giây, còn có nghĩa là gồm thâu tất cả mọi vật. Tantra còn chỉ cho cách thức thực hành thiền định và nghi lễ. Trung quốc dịch có 2 nghĩa: 1) bí mật: nói lên tính bí truyền của giáo lý này. Giáo lý không thể diễn đạt bằng ngôn từ bình thường. 2) chân ngôn: dịch từ: dhāraī hay matra.

2.    LỊCH SỬ:

Ở Ấn độ khi đề cập đến Mật tông ta phải hiểu rằng có 2 loại, một là của Ấn độ giáo, hai là của Phật giáo.

2.1 Mật tông của Ấn độ giáo:

Tư tưởng Mật tông bắt nguồn từ thời cổ đại Ấn độ. Trước khi Phật giáo ra đời, nó đã trở thành hình thức tôn giáo và chiếm vị trí quan trọng trong xã hội Ấn độ cổ. Khi nó kết hợp vào Phật giáo, nó đạt được sự phát triển hoàn thiện. Giới tu sĩ hình thành giai cấp thượng đẳng, Brāhmaṇas. Các tu sĩ, thực hành chú thuật, tụng Phệ-đà mantras theo hình thức phát âm rất khó. Người thường không bao giờ có thể phát âm đúng được. 

2.2 Mật tông Phật giáo:   

Một trong những điểm ưu việt của Tantra Phật giáo là sự tổng hợp các yếu tố đa dạng của văn hoá Ấn độ. Bất cứ một phong trào tôn giáo nào ở Ấn độ Mật tông Phật giáo cũng rút ra được một vài điểm có giá trị.

Người thầy mới có đủ tư cách truyền khẩu, giải thích trình tự và ấn chứng cho học trò. Người Thầy giống như một vị Phật. Do vậy, Mật tông khẳng định tầm quan trọng của khẩu truyền từ thầy cho trò. Nếu người thầy thấy họ trò không hợp căn cơ thì sẽ không truyền. Các tông phái Phật giáo khác cho rằng nhiễm ô là chướng ngại chính đối với Bồ-đề, và chúng ta phải hoàn toàn chế ngự chúng. 

Tāntras và mantras được thực hành từ thời đức Phật, nhưng chúng ta không có sử liệu về các sự kiện này. Đến bây giờ chúng ta có một vài dữ liệu về thái độ của đức Phật đối với việc thực hành Tāntra, chỉ có một vài đều cập trong văn chương Pāli, cho nên chúng ta không biết thời gian chúng được giới thiệu vào Phật giáo. Chúng ta chỉ biết một số tác phẩm nói về Dāraṇīs ắt hẳn tồn tại đầu kỷ nguyên Tây lịch. Trong Phật giáo chúng ta biết đức Phật cấm việc thực hành Dāraṇīs và bùa. Thế nhưng trong một số tác phẩm Đại thừa, mantras và Dāraṇīs được nói đến, như kinh Pháp hoa, Hoa nghiêm, Bát-nhã. Trong một số kinh khác chúng được đề cập với số lượng lớn.

Vào khoảng giữa thế kỷ thứ 7 Mật giáo đã trở thành dòng truyền chính của Phật giáo Ấn độ.Trong giai đoạn đại đế Pāla (thế kỷ thứ 8 đến thế kỷ 12 TL.), Tantra Phật giáo phát triển mạnh, đến khi Hồi giáo xâm lăng trong thế kỷ 12 chúng đã tiêu diệt tông này. Mật tông phát triển sang đông nam Á và Tây tạng.

Giới Phật giáo thường phân biệt 2 loại Mật tông trong Phật giáo: 1) Thuần Mật (純 密): Thuần Mật là Mật tông theo lời dạy trong pháp thân của Đại Nhật Phật và trong kinh Đại Nhật (Mahāvairocana-sūtra) và kinh Kim Cương Đỉnh (Tattvasamgraha) 2) Tạp Mật (雜 密): Là Mật tông trộn lẫn những trường phái Mật giáo với nhau.  

3.    THÁNH ĐIỂN:

Thánh điển Mật giáo có 2 khuynh hướng: chú trọng đến chân đế và tục đế (1) Chân đế: dạy những phương pháp giúp phát khởi tâm Bồ-đề. (2) Tục đế: dạy chúng ta làm thế nào để đạt được những ước muốn thế tục như: an toàn, thịnh vượng v.v. Thực sự mục đích chân thật của Mật tông là bản tính siêu việt, tức chân đế còn những khuynh hướng khác chỉ là phương tiện để đưa chúng sanh bình thường đến giáo lý‎ Phật giáo. Thánh điển Tantra Phật giáo có thể được viết vào thế kỷ thứ 2 TL hoặc sớm hơn. Kinh Bí Mật Tập Hội (Guhyasamāja) được viết vào thời ngài Vô Trước, thế kỷ thứ 3. Ở Trung quốc và Nhật bản kinh Đại Nhật, và kinh Kim cang Đảnh được xem là nền tảng của Mật tông thuần túy. Kinh Đại Nhật theo bản dịch Hán ngữ có 36 chương và 7 quyển, bao gồm 2 phần, (1) phần giáo lý, chương một, giới thiệu giải thích đầy đủ giáo lý quan trọng. và (2) Phần thực hành, chương 2 và những chương còn lại. Có thể nói nội dung chính yếu của giáo lý là biết được tâm thật của mình. Tâm của chúng ta là tâm Bồ-đề thanh tịnh. Mật tông tuyên bố thẳng tất cả những ai chưa ngộ đều là Phật. Chủ đích của kinh Đại Nhật là bày tỏ giá trị tuyệt đối của các pháp. 

4.    TRIẾT HỌC VÀ BIỂU TƯỢNG:

Phong trào Tantra tiêu biểu cho sự sửa đổi toàn diện giá trị thực hành, và biểu tượng của Phật giáo. Là một mô hình mới, Tantra thúc đẩy các hoạt động như nghệ thuật, văn chương. Mật giáo chủ trương thành Phật trong đời này. Thực hành của Mật tông bắt buộc hành giả phải thấy bản chất mọi vật và kinh nghiệm là thanh tịnh và hoàn thiện. Một số phương pháp thực hành của Mật tông ngay tức khắt phá vỡ tư tưởng nhị nguyên. Những phương pháp này đôi khi tạo ra những cú shock tinh thần, mọi khía cạnh của tâm đều được chiếu khai. Do vậy, Mật tông thường được gọi là phương pháp tu hành nhanh (tức thân thành Phật). Mật tông có thể thực hành trong mọi khung cảnh. Mặc dù Mật tông đưa ra nhiều phương pháp thực hành, không có một phương pháp duy nhất nào được quy định một cách chính thức.

4.1  MANTRAS

Mantras thường là một cụm từ không có nghĩa, mang những âm tiết huyền bí, tạo nên xương sống của Tantra Phật giáo. Chúng có nhiều loại. Mantra của Kim cương thừa dường như là một sự phát triển của Dhāraṇīs. Theo H.Kern, Dhāraṇīs dường  được giới thiệu vào Phật giáo cho lợi ích những người căn cơ thấp. Mật tông cho rằng mantra có những thần lực kỳ diệu, thông qua việc hành trì mantra, năng lực được tạo ra có thể làm kinh ngạc thế giới. Năng lực của mantra có thể đạt quả vị Phật. Công đức trì mantra vô lượng, chư Phật không thể đo lường. Nó có thể làm trong sạch ngũ nghịch tội.

Mantra có được hiệu nghiệm chỉ khi nào áp dụng đúng với những luật lệ. Thật sự, các luật lệ này rất nghiêm khắc, chi tiết, và nhiều. Một người bình thường khó có thể thực hành đúng. Ví dụ, Mantra không được tụng nhanh hoặc chậm. Tâm hành giả lúc hành trì phải lìa hết vọng niệm nhiễm ô và phải hoàn toàn tập trung vào từng chữ của mantra, phải tụng đến lúc không còn cảm thấy mỏi mệt. Mục đích của Tantra là để đạt được sự giải thoát và hoàn thiện (siddhi), thịnh vượng và an lạc ở đời này.

4.2  KIM CƯƠNG XỬ (Vajra)

Tiêu biểu cho bất hoại, đôi lúc còn được so sánh với chất kim cương. Trong nghi lễ Mật tông, Vajra thường được cầm bằng tay phải và khánh ở tay trái. Trong sự kết hợp này, vajra tượng trưng cho phương pháp, an lạc, và tính dương và khánh tượng trưng cho trí tuệ, tánh không, và tính âm.  

4.3  ẤN KHẾ (MUDRā):

Để hoàn thiện việc tu tập, hành động thân, khẩu, ý của hành giả phải được chuyển biến. Ví dụ tiêu biểu nhất của hành động của thân là việc thực hành mudrā. Mudra là bắt ấn, quyết. Đây là những cử động và vị trí của tay và ngón tay có những ý nghĩa tượng trưng cao siêu. Ví dụ bắt nhiều kiểu ấn tiêu biểu cho nhiều loại như: cúng dường, thuyết pháp hay thiền định. 10 ngón tay tiêu biểu cho 10 lực (đàn tức bố thí, nhẫn, tấn, giới, thiền, tuệ, nguyện, tiện, lực, trí). Ấn tiêu biểu cho thể của pháp giới. Cho nên đôi khi chúng ta nói 10 ngón tay biểu thị cho toàn thể pháp giới. Sự di chuyển và biến đổi vị trí của 10 ngón tay nói lên thiên sai vạn biệt.   

4.4  CHUỖI:

Chuỗi dùng trong Tantra Phật giáo có nhiều mục đích. Tuỳ theo mỗi mục đich và câu mantra mà số lượng hạt và chất liệu khác nhau. Chuỗi làm bằng hạt Bồ-đề hay gỗ có thể sử dụng cho mọi mục đích, tụng mọi loại mantra, và mọi loại cầu nguyện. Giây xâu chuỗi phải 9 giây, tượng trưng cho Kim Cương Tát-đỏa và 8 vị Bồ-tát. Hạt chuỗi đứng cuối tiêu biểu cho trí tuệ nhận rõ vô minh và hạt hình trụ phủ trên nó là tính không, cả hai tượng trưng cho đánh bại mọi đối thủ.

5.    CÁC LOẠI MẠN ĐÀ/TRÀ LA maṇḍala

Trọng tâm trong nghi lễ và biểu tượng của Mật tông là maṇḍala. Maṇḍala là một vòng tròn huyền bí hoặc hình cầu được vẽ trên đất hoặc sơn trên bệ của cột hay bục để tiêu biểu cho vũ trụ tâm lý‎ và vật lý. Nó thường tiêu biểu cho một thành trì, pháo đài chống lại sự xâm nhập và chỗ chứa đựng sự thịnh vượng và quyền lực. Mandala tượng trưng cho cung điện thanh tịnh, một khoảng không tâm linh thanh tinh không chướng ngại, không nhiễm ô. 

Trong thiền định, maṇḍala là một sự chiếu tỏa của thế giới nội tâm, sự soi sáng của vũ trụ làm cho những chuyển động của hành động thực tế hàng ngày vào một điểm thiền định và sự soi sáng của khả năng vô tận của sự giác ngộ. Nó cũng có thể chuyển tải dòng giác ngộ thâm nhập vào mọi khía cạnh của thế giới. Mandala không phải chỉ có lý thuyết mà còn là thực hành. Như vậy nó là công cụ (yantra). Có rất nhiều loại mandala tuỳ thuộc vào bản tánh của vị thần trung tâm. Phần lớn các loại mandala là ngũ Phật. Loại này xuất hiện trong Tantra xưa nhất.

5.1 Nhị Mạn đà la (Kim, Thai lưỡng bộ):

5.1.1 Thai tạng thế giới mạn đà la:

Nó tiêu biểu Đại nhật (Mahāvairocara) như lý‎ thân. Nó tiêu biểu cho lòng từ, sự phát triển và khả năng giác ngộ. Mỗi chúng sanh được tin tưởng rằng có tiềm năng hay hạt giống Phật nó có thể được nuôi dưỡng trong thai tạng từ bi này để giúp cho sự giác ngộ.       

5.1.2    Kim cang giới mạn trà la

Nó biểu thị cho trí đức của Như lai không bị bất cứ vật gì làm tổn hoại, có công năng phá trừ tất cả phiền não.  

5.2 Tứ mạn đà la:

5.2.1 Đại mạn đà la: Đại có nghĩa là thù thắng, viên mãn. Còn gọi là Đại ấn, Đại trí ấn. Vũ trụ do Lục đại (tức 6 đại: đất, nước, gió, lửa, không, thức) hình thành. Tất cả sắc tướng, pháp trần gọi là Đại mạn đà la.

5.2.2 Tam muội da mạn đà la: còn gọi là Tam muội da ấn, Tam muội da trí ấn.

5.2.3 Pháp mạn trà la: Còn gọi là Pháp trí ấn, chủng tử mạn trà la. Nói chung, tất cả các pháp đều gọi là pháp mạn đà la.

5.2.4 Yết mạn trà la: Còn gọi là yết ma trí ấn, nghĩa là đức nghiệp, công năng tạo tác hay hoàn thành công việc. Đây là oai nghi, oai đức của chư Phật và Bồ tát, như hiện ngàn vạn ức thân, thực hành nhiều việc công đức, tuỳ căn cơ hoá độ chúng sinh.

6.    TỨC THÂN THÀNH PHẬT:

Mật tông chủ trương tức thân thành Phật (即身成佛), tức thành Phật trong đời này. Tông này chủ trương nhờ tam mật gia trì cho nên có thể thành Phật ngay trong đời này. Có 3 loại thành Phật (三種成佛)

6.1  Lý cụ thành Phật (理具成佛): Nghĩa là tất cả chúng sanh thân, tâm là bổn thể Kim cang thai tạng. Phàm phu xưa nay tuy luân hồi trong lục đạo nhưng đều có đủ bản giác bồ đề. Chúng sanh cùng với Phật đồng một Pháp thân

6.2 Gia trì thành Phật  (加持成佛): Nghĩa là tất cả chúng sanh có đủ bản giác công đức, lại tu tập Du-già, cùng chư Phật hỗ tương cảm ứng. Đây là tam mật gia trì. Do vậy ngay thân trong đời này đạt được diệu hạnh của Phật, lại đem diệu hạnh này để khai hiển chúng sanh.

6.3 Hiển đắc thành Phật (顯得成佛): Nghĩa là tu hành thành mãn, chứng nhập vô thượng bồ-đề. Xưa nay chúng sinh có đủ lý‎ trí, vạn đức, đến giai đoạn này các công đức hoàn toàn khai hiển, nghĩa là hiển đức thành Phật

6.4 Tam Mật

6.4.1 Thân mật: Bất cứ hình tướng gì cần thiết làm cho chúng sanh thuần phục. Thân, tay bắt ấn (mudrā)

6.4.2    Khẩu mật: Lời nói đúng chính xác với từng loài chúng sanh. Khẩu, miệng đọc thần chú (mantra)

6.4.3    Ý mật: Biết tất cả thật tướng của các pháp.  Tâm, nhập định (samādhi).

7.    NGŨ PHẬT:

5 vị Phật tiêu biểu cho sự diệt trừ 5 loại phiền não.

1) Đại Nhật (Vairocana)- trừ- vô minh

2) A-súc-bệ Phật, dịch nghĩa là Bất động Phật (Akṣobhya)- trừ -thù hận

3) A-di-đà Phật (Amitābha)-trừ-tham ái

4) Bảo Sinh Phật (Ratnasambhava)-trừ-phỉ báng

5) Bất Không Thành Tựu Phật (Amoghasiddhi) -trừ-đố kỵ.

8. HÀNH TRÌ và QUẢ CHỨNG:

8.1 Quán đỉnh:

Tức dùng nước rưới trên đỉnh đầu. Ấn độ cổ đại vua lên ngôi hoặc khi lập thái tử, quốc sư dùng nước tứ hải để trong bình báu rải lên đầu người sắp nhậm chức, biểu thị chúc phúc. Căn cứ theo kinh Hoa Nghiêm, phẩm Thập địa, có ghi rằng Bồ tát ở địa thứ 9 bước vào địa thứ 10, chư Phật trí thuỷ để quán đỉnh để chứng minh. Mật tông dùng nghi thức quán đỉnh để xác chứng địa vị truyền thừa của đệ tử. hành giả trước phải hành Tứ quy y, thọ pháp quán đỉnh mới chính thức nhập môn.

8.1.1    Sự nghiệp quán đỉnh: Trước lễ pháp quán đỉnh 7 ngày người thọ pháp phải chí thành lễ bái, sám hối. Vị thầy trong 7 ngày cũng phải trì tụng mật chú, thiết lập đàn tràng quán đỉnh, cúng dường rộng rãi sau đó mới tiến hành lễ quán đỉnh.

8.1.2    Bí ấn quán đỉnh: Đệ tử học pháp tâm niệm kiên cố, tin tưởng mật hạnh, truyền trao mật ấn.

8.1.3    Tâm thọ quán đỉnh: Vị thầy thành tựu Tam muội, trong tâm tưởng kiến lập đàn tràng lấy tâm tưởng quán đỉnh.

8.1.4    Quang minh quán đỉnh: Chư Phật, Bồ-tát phóng hào quang để gia trì cho hành giả.

8.1.5 Cam lồ quán đỉnh: Kiết ấn, tụng thần chú trong nước, rải nước trên người hành giả.

8.2 Ngũ tướng thành thân quán:

8.2.1 Thông đạt Bồ-đề tâm: Trước tiên tu tập điều phục tâm, sau đó tu quán tính không, hoặc tu thập duyên câu sinh quán, và cuối cùng thông đạt được tự tánh vốn có đủ tâm Bồ-đề.

8.2.2    Tu Bồ-đề tâm: Do tâm Bồ đề bị phiền não che phủ, nên quán lìa bỏ các loại phiền não cấu nhiễm, đến mức độ quang minh hiển hiện, như mây trôi trăng sáng.

8.2.3    Thành Kim cương tâm: Để cho tâm Bồ đề kiên cố, hành giả quán tưởng mặt trăng tròn đầy, trong đó quán tưởng có hoa sen và chày kim cang. Quán tưởng chày kim cang lớn dần đồng với vũ trụ, và lại quán chày kim cang nhỏ dần. Quán  chày kim cang lớn dần gọi là ngã nhập vũ trụ. Quán chày kim cang nhỏ dần là vũ trụ nhập ngã.

8.2.4    Chứng kim cương thân: Hành giả quán tất cả các pháp trong vũ trụ thâu nhiếp vào tâm, Tam muội của tự thân và Phật hoà hiệp thành một.

8.2.5    Phật thân viên mãn: Đây tiêu biểu cho ý nghĩa tức thân thành Phật. Nghĩa là thành Phật ngay nơi thân này, trong đời này. Thân của mình và thân của Phật hoà hợp thành một.

8.3 Thành tựu 4 loại thân:

4 loại thân này bao gồm pháp thân của Phật Đại Nhật và 10 phương pháp giới. Chư Phật, thiên long, quỷ thần, hữu tình, vô tình đều gồm nhiếp trong pháp thân của Phật Đại Nhật, Tỳ Lô Giá Na Như lai.

8.3.1    Tự tính pháp thân

8.3.2    Thọ dụng pháp thân

8.3.3    Biến hoá pháp thân

8.3.4    Đẳng lưu pháp thân

9. KẾT LUẬN:

 Ba yếu tố quan trọng trong Kim Cương thừa: tính không (śūnyatā), thức (vijñāna), và Đại lạc (mahāsukha). Mỗi tâm cá nhân là tâm Bồ-đề. Tính không là tinh thần cao nhất và kho tàng năng lực vô tận, tạo nên sự chuyển động cả vũ trụ. Do vậy, mục đích của Bồ-tát là hòa nhập với tính không (śūnyatā) và thành tựu trí (vijñāna) và hạnh phúc bất diệt (mahāsukha).

SÁCH THAM KHẢO:

 

1. Bhattacharyya, B.   An Introduction to Buddhist Esoterism, Delhi: Motilal Banarsidass Publishers, 1989.

2. Jansen, Eva Rudy., The Book of Buddhas: Ritual Symbolism used on Buddhist Statuary and Ritual Objects, New Delhi: New Age Books, 2001.

3. Kern, H. Manual of Indian Buddhism, Varanasi: Indological Book House, 1972.

4. Matsunaga, A. & D. Foundation of Japanese Buddhism, Vol I, Tokyo: Kenkyusha Printing Co., 1974.

5. Wayman, Alex & R. Tajima, The Enlightenment of Vairocana, Delhi: Motilal Banarsidass Publishers, 1998. 

6. Shaw, M.  Pasionate Enlightenment: Women in Tantric Buddhism, New Delhi: Munshiram Manoharlal Publishers, 1994.

7. Wayman, A.  Yoga of the Guhyasamajatatantra: The Arcane Lore of Forty Verses, Delhi: Motilal Banarsidass Publishers, 1999.

8. Wayman, A. The Buddhist Tantras: Light on Indo-Tibetan Esotericism, Delhi: Motilal Banarsidass Publishers, 1996

9. Yoshinori, T. (ed.) Buddhist Spirituality: Indian, Southeast Asian, Tibetan, Early Chinese, Delhi: Motilal Banarsidass, 1995.

10. 何仕騰, 密宗綱要, 香港, 浸信出本社:1990

11. 山口瑞鳳,西藏的佛敎,  台灣, 法爾出本社: 2003

 

Đ.Đ.THÍCH GIÁC HIỆP

» Ảnh đẹp
» Liên kết website
Search
» Từ điển Online
Từ cần tra:
Tra theo từ điển:
» Âm lịch