Tư liệu
Những vấn đề hoằng pháp vùng sâu, vùng xa
26/12/2008 17:15 (GMT+7)
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

Thích Giác Tạng
(Trưởng BHP tỉnh Bạc Liêu)

Như chúng ta đã biết, Hoằng pháp là một ngành có thể nói đi đầu trong tất cả các ngành công tác Phật sự khác, bởi chúng mang tính chất đặc thù: “Tác Như Lai sứ, hành Như Lai sự”. Đây chính là hoài bão của hàng Chúng Trung Tôn, là bản nguyện vô cùng cao quý của các bậc thượng sĩ xuất trần, luôn xem lợi ích chúng sanh làm trọng, không xao lãng trách vụ trong sự nghiệp hoằng pháp, phát huy tinh thần kế thừa đạo nghiệp của chư Phật, chư Tổ.

Thuở xưa, sau khi chứng đạo Bồ đề, việc đầu tiên của Đức Phật là thuyết giảng giáo pháp. Ngài độ 5 anh em Kiều Trần Như trước rồi đến ông Da Xá và lần lượt đến những người bạn của ông. Sau đó, Đức Phật dạy các vị Thánh Tỳ kheo rằng: “Này các Tỳ kheo, hãy đi đi, đi khắp nơi vì lợi lạc và hạnh phúc của số đông, do lòng từ bi đối với cuộc đời vì lợi lạc và hạnh phúc của trời, người, hãy thuyết giảng giáo pháp cao thượng ở lúc khởi đầu, và cao thượng ở lúc giữa, cao thượng ở lúc cuối trong tâm trí và ngôn từ. Hãy rao giảng sự hoàn hảo, viên mãn, đời sống thanh tịnh của trạng thái cao cả. Có những kẻ mà trí óc chỉ bị che mờ bởi đôi chút bụi bặm, nhưng nếu không được nghe giảng pháp thì họ không thể đạt được giải thoát, những kẻ ấy sẽ hiểu pháp” (Mahavagga I: 11 Đại phẩm).

Khi đoàn thể Tăng già vừa thành lập thì các vị Tỳ kheo liền được Phật giao trọng trách đi bố giáo, một sứ mệnh thiêng liêng cao cả của người sứ giả Như Lai mang bản hoài lợi sinh, phải chăng đây là một đoàn giảng sư đầu tiên và hùng hậu nhất lần đầu tiên cất bước hoằng hóa du phương, đem Chánh pháp cao quý rao giảng, khiến chúng sanh tỏ ngộ đạo mầu.

Trong suốt 49 năm, du hành từ nước này sang nước khác, Đức Phật thể hiện lòng từ bi và bổn nguyện duy nhất của mình là thuyết giảng giáo pháp, đem lại lợi ích, an vui, hạnh phúc cho chư Thiên và nhơn loại vì muốn chúng sanh khai thị ngộ nhập tri kiến Phật.

Sự kiện đó đã nói lên trọng trách vô cùng thiêng liêng của sự nghiệp hoằng pháp mà tất cả hàng xuất gia Tỳ kheo không thể xem nhẹ, hay hờ hững yên phận, nhất là trong thời kỳ sau Phật diệt độ như thời đại hiện nay.

Trên xu thế phát triển đất nước, ngành Hoằng pháp hiện nay đã đi vào đời sống bằng trí sáng tạo đa dạng, phương tiện thiện xảo, tùy thuận thế gian, từ kinh điển bằng giấy trắng mực đen, cho đến băng từ, phim, đĩa, những buổi tọa đàm, những hội thuyết giảng, lớp dạy giáo lý cho đến những bài thơ, khúc hát, những vở tuồng trên sàn diễn… do Phật giáo thực hiện có nội dung lồng ghép đạo lý, nhân quả, cách sống mang tính nhân bản hướng con người đến với đạo giác ngộ.

Tuy nhiên, hoằng pháp với người hiền thiện, hàng trí giả ở thành thị không khó lắm, có thể nói là dễ đạt kết quả và thành công cao; còn hoằng pháp với người bình dân ở vùng sâu, vùng xa thì kết quả ra sao? Phải chăng đây là một vấn đề thiên nan, vạn nan?

Qua kinh nghiệm thực tiễn, tôi xin đơn cử một số vấn đề nan giải trước mắt để được cùng chia sẻ với chư tôn đức giảng sư phát nguyện đem giáo pháp về vùng sâu, vùng xa.

1- Hiện nay, những huyện xa xôi nằm ở cuối miền đất nước hay vùng duyên hải, dân cư sinh sống khá đông đúc, nhưng đa số là nghèo, lại thêm không có chùa am, thì một vị giảng sư đến đó sẽ dùng địa điểm nào để tập hợp quần chúng Phật tử đến thính pháp?

2- Do điều kiện kinh tế khó khăn, từ miếng ăn, sự mặc đối với những người nghèo là vấn đề mang tính sống còn, nên không còn thời gian nghe thuyết giảng. Trong trường hợp này, hoằng pháp có kết hợp với từ thiện đi nữa cũng chưa phải là giải pháp tối ưu.

3- Ở những nơi có cơ sở Phật giáo, nhưng do vì tự viện thuộc vùng sâu, vùng xa nên vị trụ trì ở nơi đó có khi kém năng lực, đời sống đạo hạnh không đủ sức thuyết phục quần chúng, mặc cảm, tiêu cực không tạo điều kiện cho giảng sư tiếp xúc với Phật tử địa phương mình.

4- Một vị giảng sư với tâm huyết phát nguyện đem ánh sáng Chánh pháp soi rọi đến những nơi xa xôi, biên địa, nhưng phương tiện đi đứng và những chi phí khác dựa vào đâu trong mỗi lần đi thuyết giảng? Nếu ở địa phương mà vị giảng sư muốn đến không có khả năng thỉnh giảng, cũng như không có đủ kinh phí bồi dưỡng tương xứng cho một chuyến đi của giảng sư, tức nhiên lần thuyết giảng sau sẽ bị gián đoạn hoặc không thể thực hiện lâu dài.

5- Đối với những người tuy có tín tâm Phật pháp, nhưng trình độ căn cơ thấp kém, cộng thêm nghiệp dày phước mỏng, khác nào mặt nước phủ đầy bèo, có người lấy tay khỏa nước, bèo tạm dạt ra nhưng khi dừng tay thì bèo sẽ kết lại. Ví như nắng hạn nhiều năm, chỉ một vài cơn mưa đâu đủ ướt đất. Bởi thế, giảng pháp ở vùng sâu, vùng xa cần phải thường xuyên thì Phật pháp mới thấm nhuần tâm địa, nếu không như vậy thì chỉ gieo duyên chứ kết quả thực tế sẽ không đạt khả quan.

Do những hạn chế vừa nêu, nên công tác hoằng pháp vùng sâu, vùng xa cần phải có nhiều nhân tố thích hợp, chẳng những phải vận dụng giáo pháp khế cơ, khế lý mà còn phải tùy xứ tùy thời, bên cạnh đó đạo hạnh của một vị giảng sư cũng như nếp sống hòa mình của một vị Tăng hay Ni đối với Phật tử địa phương là chất liệu để khơi dậy lòng khát khao kính ngưỡng Tam bảo của tín đồ.
Thế nên hoằng pháp vùng sâu, vùng xa ngoài bổn nguyện lợi sanh bằng khẩu giáo, vị giảng sư ấy còn phải phát đại nguyện cứu độ chúng sanh thể hiện qua thân giáo, qua đạo hạnh tu tập thanh cao của mình, luôn tâm niệm lời Phật dạy: “Ta không vào địa ngục thì sao có thể độ chúng sanh trong địa ngục ấy”.

Quả thực, “không có việc gì khó, chỉ sợ lòng không bền”, một vị sứ giả Như Lai, xả thân cầu đạo, xả phú cầu bần, bền chí với mọi gian lao thử thách thì không việc gì mà không thành. Nhưng trên thực tế, có những ngôi chùa thuộc vùng sâu, vùng xa hiện nay vẫn còn khuyết trụ trì, vì không ai chịu về đó đảm trách. Những vị Tăng, Ni sinh từ các tỉnh thành được đưa đi đào tạo để trở thành người tài đức, tương lai kế thừa tiền nhân, phò trì mạt vận nhưng mười người đi chỉ có một trở về. Thử hỏi, tinh thần hoằng pháp đối với Phật tử vùng sâu, vùng xa có phải là một vấn đề bức xúc cần quan tâm sâu sắc hay không? Chính điều này mà cách nay hơn 40 năm, Hòa thượng Thích Thiện Hoa, Viện trưởng Viện Hóa đạo, từng phát nguyện: “Nơi nào Phật pháp cần con đến, chúng sanh mời con đi, không kể gian lao, chẳng từ khó nhọc”.

Trước khi dứt lời, xin chân thành cảm ơn chư tôn đức Ban Tổ chức đã cho phép con được thố lộ nỗi ưu tư trong công tác hoằng pháp đối với các vùng sâu vùng xa. Kính mong chư tôn đức từ bi chỉ giáo. Kính chúc chư tôn giáo phẩm HĐCM, HĐTS GHPGVN, chư tôn giáo phẩm BHP T.Ư, quý Hòa thượng, Thượng tọa, Ni trưởng, Ni sư, chư tôn đức Tăng Ni tuệ đăng thường chiếu, Phật quả viên thành, chúng sanh dị độ.

Kính chúc buổi tọa đàm thành công tốt đẹp.

» Ảnh đẹp
» Liên kết website
Search
» Từ điển Online
Từ cần tra:
Tra theo từ điển:
» Âm lịch