Tư liệu
Dị nhân
29/12/2008 15:58 (GMT+7)
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

Rẽ lau lách trong đầm nước mênh mông, vượt quả núi với hơn 300 bậc đá, một vườn tượng như từ cổ tích hiện ra trước mắt chúng tôi. Đó là công trình 10 năm của "dị nhân" đất Quán Sơn Nguyễn Văn Thìn.

Đi hơn 40 km từ Hà Nội đến vùng đất phật Tế Tiêu, chúng tôi không rẽ vào động Hương Tích mà đi thêm 4 km nữa để đến Quán Sơn, Mỹ Đức (Hà Tây). Thêm chừng 1 km đường đê trơn trượt, hai bên cỏ mọc kín, chúng tôi vào đến nhà ông chủ đò tên Tư ở thôn Bình Lạng, xã Hồng Sơn, huyện Mỹ Đức.

Con đò lọt thỏm giữa một vùng bạt ngàn lau, sậy, trang, súng... Xa xa là vách núi dựng đứng uy nghiêm, trầm mặc. Đò càng đi sâu, tiếng cò lửa, quốc, tiếng chim lạ vụt bay lên từ lau sậy... khiến chúng tôi thi thoảng phải giật mình.

Sau gần 40 phút qua bãi sậy bạt ngàn, con đò rẽ vào một khe núi nhỏ ngập hút trong làn mây nước. Một dáng người mảnh dẻ bước ra từ căn nhà nhỏ (đặt trên cột bê tông) soi bóng xuống đầm. Đó là một ông già thân hình gầy gò, vầng trán cao, bộ râu trắng như cước dài tới ngực, mái tóc búi chỏm, da dẻ hồng hào, giọng nói sang sảng. "Tôi sinh năm Thìn, 1940, hồi trước tôi ở một chùa trên Hương Tích, rồi ở nhiều chùa lắm, đi khắp cái huyện Mỹ Đức này. Cảnh đời ồn ào quá, tôi đành chạy vào trong núi này sống với cỏ cây". Ông giải thích lý do một mình sống ẩn dật trong hang núi Quán Sơn.

Khi chúng tôi hỏi về "vườn tượng", lúc ấy đã gần giữa trưa, mặt trời đứng bóng, ông cắp chiếc mũ nan, lên đò và bảo chúng tôi theo.

Con đò rẽ sóng đi ngược ra chừng 500m thì tấp vào một bờ đá có lùm cây rậm rạp. "Trên đó là Thung Phật", ông Thìn chỉ tay vào những bậc đá nằm hun hút trong rừng cây rồi phăm phăm đi ngược dốc.

Người đắp tượng giữa rừng sâu

Đi chừng nửa đường, chỉ vào tấm đá nhỏ bên tay trái, ông bảo: "Đây là nơi tôi nghỉ khi vác xi măng lên xây tượng. Tôi và các cháu (người cùng ông Thìn xây tượng Phật) cứ vác một mạch từ thuyền lên đây, nghỉ một lát rồi lại vác tiếp lên đỉnh núi, quãng đường từ chân lên đỉnh là 309 bậc đá".

Sau bậc đá nghỉ, qua một gốc cây to, đập vào mắt chúng tôi là "Gác chuông nhất trụ". Chỉ tay vào một ô đất bằng phẳng, ông Thìn kể: "360 kg đồng đã được luyện thành chuông ở đây, rồi đặt lên gác chuông này". Bên trái gác chuông là một bức tường đá phẳng lỳ, trên đó khắc bài thơ: Ngẩn ngơ tiên cảnh hay phàm/Nước trong mây đục ai làm nên đây/Cả đồi núi lẫn cỏ cây/Như dìm xuống nước trên mây dưới trời...

Và chỉ bước thêm vài bước nữa, một cảnh tượng thật đặc biệt hiện ra. Trong thung lũng rậm rì cây xanh là một quần thể gồm vài chục bức tượng. Cái uy nghiêm đứng nhô cao trên tảng đá, cái thấp thoáng ẩn mình trong cỏ cây. Ông Thìn giới thiệu tên các bức tượng. Bên ngoài là tượng Ngũ hỏa tinh, Tứ linh chuyển bát, xa hơn một chút là tượng mô tả các ấn quyết của Quan Thế Âm, Bồ tát. Trong một khe đá là tượng Đức Thế tôn tu theo pháp môn khổ hạnh, đi thêm vài bậc đá là tượng Đức Thế tôn niết bàn, Đức Tổ sư Đạt Ma...

Ấn tượng nhất là bức tượng Phật Di Lặc cao hơn 3 mét trên vị trí gần đỉnh núi. Hai bên là hai chữ "Từ Bi" cao 1,2m. Ông Thìn kể: "Tôi cùng mấy học trò làm bức tượng ấy trong khoảng 8 năm trời, phải xách từng can nước, vác xi măng, gạch, cát từ dưới hồ lên để trộn vữa, lúc làm phần thân tượng, phải dùng 14 cây tre dài 14 -15m gác vào núi để làm dàn giáo". Chúng tôi leo 309 bậc đá lên đây và không khỏi thán phục khi nghĩ đến ông già đang đứng trước mặt đã vận chuyển ít nhất 280 bao xi măng loại 50 kg/bao, chưa kể sắt thép, vôi, cát... lên đỉnh núi này.

Ông Thìn tiếp tục dẫn chúng tôi vào xem nơi ở. "Nơi ở" đầu tiên là đây - ông chỉ vào một hang đá. Ông bảo: "Đầu tiên lên đây tôi ở trong hang này, sau là vào chỗ kia" - tay ông chỉ ra một khe đá gần đó. Chúng tôi bước theo những bậc thang chênh vênh lên tận trên đỉnh hang hun hút. Cả một đoạn dây điện dài còn trong khe đá minh chứng cho việc cả khu này từng có điện. Không chờ chúng tôi thắc mắc, ông chỉ ra chỗ đất rộng, kể: "Trước tôi có để máy phát ở đây, cả khu này có điện, sạch không một cọng rác, nhưng mấy năm không ở nên giờ nó mới thế này đây".

Chúng tôi bước vào một cánh cổng sắt, nơi đó cũng từng là nhà của "dị nhân" trong thời gian dài. Ngôi nhà nhỏ nằm giữa hai chữ "Vô Hạnh". "Tôi nói tôi là người chưa có hạnh, tôi ở trong núi rèn mình bao nhiêu vẫn chưa đủ nên tôi đặt hai chữ Vô Hạnh", ông giải thích.

Đến rồi lại đi...

Chúng tôi không thể không thắc mắc về "dị nhân" Nguyễn Văn Thìn. Vì sao ông Thìn lại lên đắp tượng giữa rừng núi này? Và vì sao ông lại rời bỏ nơi đã dồn hơn 10 năm tâm sức xây nên?

Ông trầm ngâm kể: "Hơn 10 năm trước, tôi đến vùng núi này, lênh đênh trên thuyền hàng chục ngày ăn củ ấu gai, đội mưa đội gió sống trong vùng đầm nước. Một ngày tôi nhìn lên Thung Phật - tên Thung Phật này có từ lâu đời rồi chứ không phải do tôi đặt ra đâu - tôi không hiểu sao dân gian gọi tên là Thung Phật mà lại không có Phật. Nghĩ vậy nên tôi quyết xây tượng ở đây. Còn vì sao tôi lại rời khỏi nơi đây ư, vì tôi không muốn làm cho hoàn chỉnh, tôi nghĩ rằng con cháu sau này sẽ làm tiếp. Nếu mình làm hoàn thiện rồi, chúng sẽ không có ý thức xây dựng nữa. Sau này tôi sẽ tiếp tục xây dựng ở nơi tôi đang sống, đến khi nó ra hình ra dáng rồi, tôi lại lùi vào sâu, sâu nữa, tôi sống cùng cành cây ngọn cỏ".

Ông già lại lên thuyền chèo vào nơi căn nhà và những bức tượng đang xây dở. Một học trò của ông, người được giao nhiệm vụ coi sóc vườn tượng giải thích với chúng tôi: "Các bác ạ, cụ em bảo rằng kể cả chùa Hương Tích, có như ngày hôm nay cũng là do người xưa đã bỏ công xây dựng. Hôm nay có xây dựng thì mới có cái để lại cho đời sau. Cụ em bảo, bây giờ còn khỏe ngày nào cụ sẽ còn xây ngày đó. Xây để cho con cho cháu thập phương, cho đời, cho xã hội chứ cụ em cũng chẳng có con cháu gì".

Tác giả bên tượng Phật Di lặc tại Thung Phật - Ảnh: Lưu Quang Phổ

Không ai biết ông Thìn xây hết bao nhiêu tiền, cũng không biết ông cụ còn xây bao nhiêu tượng, chỉ biết rằng ở vùng Quán Sơn trùng điệp có một Thung Phật đang ẩn mình trong núi...

Ông Vũ Minh Siêu, Chủ tịch UBND xã Hồng Sơn:"Ông Thìn về địa phương từ năm 1990-1992, có đăng ký tạm trú, chưa bị ai kiện cáo, chưa làm gì ảnh hưởng xấu đến phong trào của địa phương. Ông Thìn từng sống ở chùa Hương, sau đó đi nhiều nơi và về sống trong núi ở Bình Lạng, Hồng Sơn này. Việc ông Thìn bỏ Thung Phật, lùi sâu vào núi, ấy là do tự ông muốn thế, không ai đuổi cũng không ai ép buộc. Việc xây tượng trên núi là tự ông ấy xây, không xin phép. Chúng tôi cũng có mời ông ra trụ sở xã nhắc nhở là xây dựng phải có thiết kế, phải xin phép. Nhưng sau đó ông bảo đây là tâm tư nguyện vọng của các cụ già trong thôn, mong lãnh đạo xã tạo điều kiện. Thấy cũng không có việc gì biểu hiện vi phạm pháp luật, nên chúng tôi cũng chỉ nhắc nhở thôi. Bây giờ cây cối trong khu vườn tượng ấy vẫn mọc như rừng".

(Theo:Thanh Niên 09-08-2007)

» Ảnh đẹp
» Liên kết website
Search
» Từ điển Online
Từ cần tra:
Tra theo từ điển:
» Âm lịch