Tư liệu
Mong mỏi về một chiến lược hoằng pháp trong các trung tâm cải huấn
26/12/2008 17:15 (GMT+7)
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

Thích Nữ Hạnh Nghiêm
(Thành viên BHP tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu)

Do suy thoái về đạo đức, nên nhân cách sống của một số người không hoàn thiện, bởi nhận thức sai lầm. Vì lẽ ấy mà họ đã vô tình, hoặc cố ý gây ra bao điều tác hại dẫn đến tội lỗi. Từ đó các trung tâm cải huấn phải được hình thành, nhằm cải thiện con người và ổn định trật tự xã hội. Nhiều lần tôi tự hỏi tại sao đất nước của chúng ta đã qua rồi những cuộc chiến loạn ly, bạo tàn, đau khổ, hiện tại, mọi nguời sống trong cảnh bình an, không có đạn bom đe doạ, không có cảnh tương tàn, tương sát, máu chảy, đầu rơi thế thì lý do gì con người lại phạm tội một cách dễ dàng như thế? Một chiếc bánh mì, một dĩa cơm, một ly rượu, một vài phân vàng, một vài trăm ngàn,... ai đó bỗng dưng trở thành tội phạm. Có rất nhiều loại hình tội phạm, xin tạm cử ra:

1. Giới thanh thiếu niên phạm tội

a. Hiện trạng: Thanh thiếu niên là giới trẻ, nhiều triển vọng tài năng và đầy nhiệt huyết. Phải nói họ là giới tiêu biểu cho tương lai của đất nước, có thể trở thành hiền tài trong mai hậu. Có lẽ trong tất cả chúng ta ai cũng biết: “Hiền tài là nguyên khí quốc gia”. Thế mà nay nhiều người trẻ lại rơi vào con đường tội lỗi, bê tha! Họ sống không biết ngày mai, không định hướng cuộc đời, dối gian, tàn nhẫn... làm băng hoại nền đạo đức, giết chết tương lai, thật đáng tiếc!

Những đứa trẻ không cha mẹ, vô gia đình, sống bụi đời, đói thiếu, không được giáo dục đàng hoàng, không được đến trường lớp rồi trở thành tội phạm. Điều này ta không ngạc nhiên lắm và có thể hiểu để cảm thông, tìm cách cứu giúp. Ngược lại, có nhiều em sống trong cảnh giàu sang sung sướng, tiền của dư thừa, tiện nghi đầy đủ, cha mẹ chức quyền, trường kia lớp no mà trở nên hư hỏng, thành tội phạm. Đó là điều cho chúng ta suy nghĩ, vậy nguyên nhân từ đâu?

b. Nguyên nhân: Có những nguyên nhân từ tổ ấm gia đình: “Cơm không lành, canh không ngọt”. Từ các bậc cha mẹ thiếu quan tâm, chăm sóc. Có những bậc cha mẹ chỉ lo kinh doanh sự nghiệp, củng cố địa vị, chức quyền, làm ăn, tiền bạc mà quên đi việc dạy bảo con cái. Họ cứ ngỡ cung cấp đủ đầy nhu cầu vật chất cho con là được, là giải quyết tất cả. Họ có biết chăng đôi khi quá dư thừa vật chất, mà thiếu điểm tựa tinh thần con trẻ sẽ hư hỏng, hụt hẫng, ỷ lại, buông lung! Còn việc giáo dục, học hành họ phó thác cho nhà trường lo liệu. Đó là một sai lầm lớn. Nên nhớ rằng ở thời nào và ở đâu cũng vậy, gia đình là chiếc nôi êm ấm nhất để con trẻ tìm về khi hụt hẫng, lạc lối, cô đơn. Cha mẹ là người thầy đầu tiên cần thiết nhất để dìu con qua ngưỡng cửa cuộc đời. Cái đạo đức về nhân cách làm người ở buổi bình minh của nhận thức cũng từ cha mẹ truyền trao. Thiếu sự quan tâm, dạy bảo của cha mẹ, không có sự giáo dục tốt từ phía gia đình, con trẻ sẽ chơi vơi, không biết đâu định hướng, dẫn đến hư hỏng là điều tất yếu. Nhạc sĩ Thập Nhất đã gởi đến trẻ thơ một thông điệp: “Bố là bờ đê cho con nằm ngủ, bố là phi thuyền đưa con bay vào không gian”. Có lẽ hầu hết bé thơ nào cũng thuộc, và người lớn phần nhiều cũng đã nghe qua.

Nguyên nhân thứ hai là do ảnh hưởng nhiều văn hóa không lành mạnh. Chẳng hạn như phim, ảnh, sách, nhạc… bằng hiện thực, cũng như trên mạng Internet. Tuổi trẻ là tuổi nhiều hiếu động, nhiều khả năng, nhưng cũng thiếu quá nhiều kinh nghiệm và nông nổi, dại khờ. Do đó, họ dễ bị lôi cuốn vào những cạm bẫy. Hơn nữa, tâm hồn trẻ như tờ giấy thấm trinh nguyên, nên rất mau chóng thấm hút từ nhiều thứ sắc màu tốt-xấu.

“Bởi vì mắt ngó trời xanh
Cho nên mắt cũng long lanh màu trời
Bởi vì mắt thấy biển khơi
Cho nên mắt cũng xa vời đại dương”. (Thơ Trụ Vũ)

Vì thế mà người xưa thường dạy, hãy: “Chọn bạn mà chơi”, “Chọn sách để đọc”, đó cũng là cách giáo dục tốt cho con người vậy.

Điều đáng nói thứ ba và lo ngại chung cho toàn xã hội là chẳng biết từ đâu, với con đường nào và bắt nguồn từ ai mà các chất kích thích, xì ke, ma tuý,... làm điên loạn, say người như thế đã lan tràn khắp nơi trên đất nước, đã giết chết bao con người, giết chết bao cuộc đời, trong đó có biết bao nhiêu đầu xanh, tuổi trẻ? Thử hỏi, nếu tuổi trẻ đều rơi vào những tệ nạn trên thì nguyên khí quốc gia còn đâu? Tương lai đất nước sẽ thế nào? Thịnh hay suy? Còn hay mất? Ngoài ra, chúng ta cũng thấy rất nhiều người có học thức, có địa vị lại đi vào con đường tội lỗi.

2. Giới trí thức phạm tội

Không phải những người ít học, thiếu học, đói khát phạm tội thôi đâu, mà đã có những nhà trí thức, tài năng cũng phạm tội. Vậy họ là ai? Và họ đã làm gì?

a. Thực trạng:
Có thể họ là một nhà doanh nghiệp, một cán bộ, một nhân viên, một nhà giáo, một kỹ sư,… nói chung họ là những con người có địa vị nhất định trong xã hội. Đã là con người thì đầy đủ những đức tính tốt và xấu. Nếu được hấp thụ cái tốt để trưởng dưỡng và phát huy, thì đời sống con người sẽ thăng hoa và điểm tô giá trị cho xã hội. Ngược lại, cái xấu cứ được dưỡng nuôi, rồi chiếm ưu thế thì cán bộ cũng có thể biến chất, nhà giáo cũng không còn thanh cao, nhà doanh nghiệp trở thành tên lừa bịp, nhân viên lại là người thụt két, v.v... Sở dĩ như vậy là do đâu? Do lòng tham quá mức, do nhận định sai lầm, do tư tưởng thiếu phần Mỹ- Đức.

b. Lý do:
Theo thiển nghĩ, tư tưởng là la bàn của cuộc sống, là mầm móng để thực hiện những ước mơ và hoài vọng. Thế sao những nhà trí thức đó không đem cái trí thức của mình để thực hiện ước mơ đẹp nhà, lợi nước, hoài vọng tốt cho quê hương, đến nỗi phải vào vòng lao lý? Phải chăng trong tư tưởng thầm kín của họ, đã thiếu đi chất Đạo để soi đường, thiếu đi chất Đức để làm thuần lương cuộc sống. Đạo là cái tối tôn, Đức là vẻ đẹp tuyệt vời, cho nên Thiền Lâm Bảo Huấn khẳng định: “Tôn mạc tôn hồ đạo. Mỹ mạc mỹ hồ đức”. Như vậy đạo đức là phương thức sống phù hợp với nhân tình, là nghĩa vụ cần thiết với cộng đồng xã hội, là cái chất sáng thiêng liêng để thẩm định và không đánh mất mình. Mất mình, quên mình dễ bị bạc tiền, địa vị, danh vọng, sắc dục... cuốn lôi, trở thành tội phạm. Song song với những trường hợp trên, ta cũng thấy:

3. Nhiều thành phần có mặt tại các trung tâm cải huấn

Trung tâm cải huấn hoặc nhà lao là nơi lưu giữ những tội phạm, hoặc nghi phạm để chấn chỉnh lại tư tưởng con người, ngăn chặn những hành vi đáng tiếc đã xảy ra hoặc có thể xảy ra. Đồng thời để cho số người đã một lầm hai lỡ có cơ hội làm lại cuộc đời. Nhiều thành phần có mặt ở nơi đây, điều đó cũng đồng nghĩa với sự suy thoái đạo đức từ nhiều phía.

Con người ở đời đừng nghĩ rằng chỉ có vật chất mới làm nên cuộc sống, mới đem lại sự sống đích thực cho con người. Vì hiểu một cách phiến diện như thế, nên có người cứ chạy theo, cứ lao vào vật dục để tìm cầu, để thỏa mãn, rốt cuộc cứ thế khổ đau, lao lý dài dài. Cái lầm lẫn của họ là ở chỗ đó. Nên nhớ cho rằng vật chất không phải là tất cả, mà phần đạo đức để nuôi dưỡng tinh thần mới là điều quan trọng. Hiểu được như thế thì chắc hẳn cõi trần bớt được cảnh nhà giam, con người bớt khổ đau, lao lý, muộn phiền. Nói đến đây, sực nhớ đến lời thơ của thi sĩ Bùi Giáng:

“Cõi trần gian từ đó
Phố có kẻ lang thang
Hỏi đường về địa ngục
Bảo: vui hơn thiên đàng”.

Mới nghe qua, ta ngỡ như nhà thơ nói chơi, ta ngỡ như mâu thuẫn, nhưng thực tế giữa đời thường hẳn biết bao nhiêu người sống như thế và trả lời như thế. Có lẽ trong tất cả chúng ta, ai cũng biết rằng địa ngục không ở đâu xa, không ở sâu dưới lòng đất lạnh, để chờ đợi những ai đó tội lỗi chết rồi mới trở về nơi ấy. Không! Địa ngục khắp nơi nơi, khi lòng người chứa đầy tham lam, hận thù, tật đố, ganh ghét, bạo tàn, v v... và khi hành tác của con người đi ngược lại đạo đức, luân lý, thuần phong, luật pháp. Như vậy, ta có thể hiểu nơi nào có hình phạt, có sự dày vò, dằn vặt của lương thức, có tội lỗi, khổ đau, bất an và ray rứt là nơi đó có địa ngục. Cụ Nguyễn Du nói: "Nước trôi hoa rụng đã yên, hay đâu địa ngục giữa miền trần gian", cũng là nghĩa đó vậy.

Đạo Phật là đạo từ bi, đạo luôn xem trọng con người. Giáo lý của Đức Phật là giọt nước cành dương để tẩy trừ bao oan khiên và lay tỉnh con người. Chỉ từng ý nghĩa ấy thôi, thì vấn đề đem Phật chất vào những mảnh đời ở trung tâm cải huấn thật vô cùng cần thiết. Vì mục đích của những nơi nầy là ngăn chận lỗi lầm, đào tạo lại con người, xây dựng lại niềm tin và nhân cách sống. Song đôi khi không đạt dược kết quả như ý muốn. Bằng chứng là có biết bao người đã nhiều lần vào ra chốn lao tù, mà tánh xưa, tật cũ vẫn còn nguyên. Thường khi nói đến nhà giam, đến trại cải huấn là không tách rời được nguyên tắc, lý lẽ, bằng chứng, hình phạt, tội danh... để rồi có những lúc ta phải ngậm ngùi vì “tình ngay, lý gian” mà luật pháp không thể nào làm khác hơn được. Giáo lý của đạo Phật chỉ chú trọng đến con người bằng phương tiện thiện xảo, bằng đối cơ, bằng tuỳ bịnh cho thuốc, đôi khi chẳng cần rạch ròi tội lỗi, chẳng máy móc nhặt-khoan mà đã cảm hoá được vô số con người, nhân danh tội lỗi. Thời Đức Phật há chẳng có một chàng sát nhân Vô Não, trở thành đệ tử hiền lương? Và sau 200 năm Phật Niết bàn, bạo chúa Asoka nhờ đức từ bi đưa lối, quay đầu chuyển hướng để đến bây giờ được vạn thế tôn xưng: A Dục Vương của Chánh pháp. Rồi hình ảnh ngài Đạo Sinh thuyết pháp đá gật đầu, ngài Pháp An và Pháp Thông đời Tấn dạy cọp, quy y cho cọp đem lai sự sống thanh bình cho dân làng ở huyện Tần Dương, sử sách hãy còn ghi. Rồi cớ gì vua Thành Thái đời Nguyễn lặng lẽ đến thăm chùa, ngồi dưới đất bên chân Tổ Hải Thiệu để được ngài nắm tay và mời ăn khoai mì? Còn và còn rất nhiều hình ảnh tuyệt vời khác nữa, cũng chỉ nhờ giọt nước từ bi mà đã làm êm mát bao biển lửa giữa cuộc đời. Như vậy, từ bi là nền tảng của đạo đức. Đạo là kim chỉ nam để soi đường cho hành động, Đức là năng lượng chuyển hoá để đi đến cái đích tốt đẹp tối cần. Bởi vậy mới có câu: “Đức trọng quỷ thần kinh”.

Năm 1997, báo Kiến Thức Ngày Nay số 257 có đăng bài dự thi 299 với tựa đề “Tôi Đi Học”. Câu chuyện được viết bằng sự thực cuộc đời của một người từng là tên cướp nổi danh. Tên anh là Thái Kim Bản, hiện ở Daklak. Nguyên trước 1975, anh từ một đứa trẻ không rõ lai lịch, nguồn gốc mẹ cha, không gia đình, sống bụi ở vỉa hè, đói khát, khổ sở. Hành trang vào đời của anh là giựt dọc, cướp bóc, tay đấm, tay súng, giết người... Chân lý của anh là kẻ mạnh, nên không hề sợ tội ác, không biết thế nào là tình nhân loại, nghĩa đồng bào, không biết quý cái Thiện, không biết đường tìm đến cái Chân cũng không thấy được sắc thái long lanh của cái Mỹ. Cứ thế mà anh lăn lóc, buông trôi không định hướng. Thế rồi sau nhiều cú trượt đau đớn đến não nề để tranh giành sự sống và cú trượt dài nhất với bản án giết người, chung thân 20 năm tù. Anh vẫn là anh với bản chất côn đồ, tàn bạo trong trại cải tạo được 10 năm. Một hôm nghe tên mình được vào học lớp Bổ túc văn hoá, do trại tổ chức. Anh cười khẩy, anh khinh thường: Học là cái quái gì? Mình mà học được ư ? Gần 40 năm làm người, lần đầu tiên giật mình với danh từ “Đi học”, ngỡ ngàng với phấn trắng, bảng đen; run rẩy trước chữ viết tập tành; sợ hãi, ngượng ngùng khi không thuộc bài trước cái nét dịu hiền của cô giáo trẻ hơn mình cả con giáp. Cô giáo dịu hiền đã thay đổi cuộc đời của kẻ muốn hoàn lương. Nhờ có học chữ, đọc sách báo, anh học được cách làm ăn, vạch ra trong tư tưởng. Từ đó anh nhận ra chân lý của cuộc sống thật tuyệt vời, nhận ra giá trị đích thực của kiếp người. Phấn đấu, tiến bộ anh được giảm án trở về khai khẩn đất hoang, mở đồn điền cao su, trở thành ông chủ tốt, có vợ con đàng hoàng với doanh thu 500 triệu hàng năm. Rồi hằng năm, anh chạy xe vượt cả trăm cây số đường dài về Gia Lai, thăm cô giáo trẻ ngày nào, nhân ngày Hiến chương Nhà giáo. Đức chân thật và dịu hiền của cô giáo đã cảm hoá được kẻ sát nhân. Một cô giáo ở đời mà còn có khả năng như thế, hà huống một sứ giả Như Lai!

Ở các nước Tây phương, các giáo sĩ cũng đã từng đến nhà giam để rửa tội, hoặc trao truyền một vài thông điệp từ Đức Chúa Trời cho con chiên phạm tội. Và gần đây, phương pháp toạ thiền cũng được hướng dẫn ở một vài trại giam trên thế giới đã đem lại kết quả đáng kể. Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn có bài hát rằng: “… Mỗi ngày tôi chọn ngồi thật yên. Nhìn rõ quê hương rồi nghĩ lại mình. Tôi chợt biết rằng vì sao tôi sống. Vì đất nước đang cần một trái tim”.

Hãy cho họ ngồi xuống lặng lẽ, định tĩnh để lắng dịu và tìm lại con người chính họ, giây phút này gọi là phương pháp để “gạn đục khơi trong”. Bởi trong tận cùng tâm khảm của con người, dù là người xấu đến đâu đi chăng nữa, vẫn có khát vọng vươn lên, làm mới lại cuộc đời, làm mới lại con người, làm mới lại cuộc sống. Đạo Phật có đủ tư cách và khả năng “làm mới” đó. Giáo lý của Đức Phật có khả năng “Chuyển mê khai ngộ, ly khổ đắc lạc” kia mà! Nhưng làm thế nào để mang chất Phật đến được những nơi đó? Vì ánh sáng mặt trời không thể nào xuyên qua lòng chậu úp.

4. Một vài kiến nghị sơ khởi:

Nên chăng phải có các trường Bồ Đề? Có chương trình Phật học trong giáo dục? Có mỗi ngày 5-10 phút truyền tải những bài pháp hay của chư tôn sư có uy đức? Thiết nghĩ từ buổi sơ cơ đến trưởng thành, cho hết cả đời đều được nghe, học, hiểu, hấp thụ đạo đức như thế, trẻ thơ sẽ thánh thiện hơn, mọi người sẽ hành xử hiền lành, đúng đắn hơn! Nếu những người ở trung tâm cải huấn, ngoài việc được giáo dục của nhà giam, họ có sách Phật để xem, có băng dĩa giảng để nghe, có 10-15 phút tĩnh toạ, được tiếp xúc, học hỏi với những nhà đạo đức, có lẽ họ sẽ mau chóng phục thiện hoàn lương.
Điều này, các nhà chức trách và chư tôn đức lãnh đạo Giáo hội ngồi lại với nhau để đưa ra những phương thức cụ thể, rồi áp dụng mới mong cứu vãn kịp thời. Bên cạnh đó, phải có chính sách do các doanh nghiệp, công ty... đầu tư ngân khoản cho ngành giáo dục, văn hoá để gầy dựng nhân tố tài đức cho nước nhà. Phải đặt nền tảng từ cái NHÂN đầu tiên, từ tư tưởng đạo đức là thứ nhất. Như vậy, muốn đất nước giàu mạnh, trước hết phải xây dựng con người có ý chí, đạo đức, nhận thức và tài năng.

Tóm lại, do bị hụt hẫng về niềm tin, thiếu điểm tựa tâm linh, không chỗ dựa tinh thần, không có ánh ĐẠO soi đường, không có Mỹ ĐỨC định hướng, con người dễ sa ngã và phạm tội. Thế nên hình bóng của Tăng sĩ và chân lý của Phật Đà cần đến được những nơi đây. Nơi mà giữa cái thiện-ác, tốt-xấu, đúng-sai, tối-sáng,… đang tranh đấu trong tư tưởng con người. Hãy đến một cách trong sáng, từ ái, sâu lắng và nhẹ nhàng như tiếng Chuông Ngân Qua Miền Tối Sáng.

Kính bạch chư tôn đức!

Trên đây là vài ý kiến thô thiển, xin mạo muội trình bày, nếu có điều gì sơ sót, ngưỡng mong quý ngài lượng tình chỉ giáo.

» Ảnh đẹp
» Liên kết website
Search
» Từ điển Online
Từ cần tra:
Tra theo từ điển:
» Âm lịch