Tư liệu
Về một bước đi của ngôi chùa Nam Định
26/12/2008 17:07 (GMT+7)
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

Nam Định thuộc Sơn Nam hạ, nơi người dân cũng có nghề trồng lúa nước như nhiều vùng thuộc châu thổ Bắc Bộ. Song, đã từ rất sớm, do giáp biển và lắm sông ngòi, nên bên cạnh nghề nông, người Nam Định còn phát triển nghề chài lưới và cả nghề buôn... Vì thế, dân vùng đất này đã có tiếng là khá phóng khoáng, “Ăn sóng nói gió”.... Mặt khác, do những điều kiện riêng mà tổ chức làng xã có phần không được chặt chẽ như nhiều nơi khác. Người Nam Định thời xưa luôn mở rộng cửa đón người tứ phương tới khai phá, nhất là trong việc lấn biển lập làng.... Và, họ cũng sẵn sàng ra đi, để có mặt ở khắp mọi miền đất nước. Như thế, có thể nghĩ, ở chừng mực nào đó, nơi đây là một miền đất mở, tất nhiên không chỉ với chính con người, mà còn với một số tôn giáo tín ngưỡng. Nếu như, vào thời cận hiện đại, Nam Định đã sẵn sàng đón nhận Gia Tô giáo để có một trung tâm lớn là Bùi Chu, thì ngược về trước nó cũng dễ đón nhận các hệ phái tôn giáo tín ngưỡng á Đông cùng tín ngưỡng dân dã. Trong đó đạo Phật đã một thời dài chiếm thế “thượng phong”, đạo thờ Mẫu cũng tràn lan khắp nơi, để rồi nổi lên với một trung tâm gần như của cả đất nước là Phủ Giày. Bên cạnh đó là nhiều di tích thờ đức vua cha đã được Việt hoá, nên có lúc là Lý Nam Đế (phủ Vân Cát), nhưng đặc biệt là với đức thánh Trần Hưng Đạo. Tất nhiên, trong sự “cởi mở” ở lĩnh vực tâm linh như vậy, thì hầu như không thể đòi hỏi ở nơi đây có những ngôi chùa thuần Phật, cũng khó có được một trung tâm tu hành theo lối “xuất thế gian” để tìm cứu cánh ở yếu nghĩa sâu xa đầy chất trừu tượng. Đó là một đặc điểm chung, như ở nhiều nơi trên đất nước ta, biểu hiện sâu đậm về hiện tượng dung hội giữa Phật giáo và tín ngưỡng dân dã.

Hiện nay, dù cho có đôi người đã nghĩ, Nam Định giáp biển, có đường thông ra ngoài, nên nơi đây là một cửa ngõ để đạo Phật theo luồng thương mại của người nước ngoài mà sớm du nhập(?). Nhưng, thực tế cho thấy, khoảng trên dưới 2000 năm về trước, mảnh đất này có lẽ chưa phải là nơi tụ cư đông đảo, chưa có điều kiện để trở thành một trung tâm văn hoá.... Vào thời Bắc thuộc, cũng còn quá hiếm những dấu tích để lại. Vì thế, mở cuộc “hành hương” vào các ngôi chùa Nam Định chỉ có thể tạm khởi đầu từ thời tự chủ. Thông thường, người ta nghĩ tới chùa Tháp Phổ Minh rồi chùa Keo, Cổ Lễ..., nhưng đó chỉ là những ngôi chùa có liên quan tới các nhân vật và thần linh có gốc khá xưa, với dấu tích không phải đã là sớm nhất. Ở lĩnh vực kiến trúc và tạo hình, thì chùa Chương Sơn (Yên Lợi – Ý Yên) đã giữ một vai trò to lớn không chỉ với Nam Định mà với cả đất nước, chúng ta từng biết, nhà Lý đã sử dụng đạo Phật như một hệ tư tưởng chính thống, để tập hợp lực lượng toàn dân, nên triều Lý đã cho dựng khá nhiều chùa trên địa bàn trực trị của mình. Nếu như trứơc đó chỉ thấy sử sách đề cập tới một vài ngôi lớn như: Khai Quốc (nay là Trấn Quốc) rồi các chùa Vùng Dâu… thì ngay từ lúc mới định đô ở Thăng Long, các vua Lý đã cho dựng khá nhiều chùa như Hưng Phúc, Vạn Tuế, rồi Chân Giáo, Diệu Hựu, Sùng Khánh, Báo Thiên… và theo sự phân loại từ thời Đinh, nhà Lý cũng chia chùa ra làm dặi danh lam, trung danh lam và tiểu danh lam. Tất nhiên chùa của vua và triều đình thường là đại danh lam và phần nhiều được làm bằng chất liệu bền vững, vì thề dấu vết của chúng còn lại tới ngày nay chủ yếu thuộc kiến trúc của triều đình. Song, ngoài những ngôi chùa ở Thăng Long, mà nay hầu như không gặp được một dấu vết nào của dương thời (ngoài vài dòng trên sách vở) thì di tích Lý cũng còn quá ít ỏi, chúng tập trung vào quê hương Bắc Ninh cũ, vào các quả đồi gần đường bộ từ Bắc Ninh về Đông Triều, nhánh khác men theo biển từ Hải Phòng vào Bắc Thanh Hóa… Trong cái gia tài ít ỏi đó thì chùa Chương Sơn được nổi lên như một điểm nhấn để hằn vào lịch sử tạo hình dân tộc. Cũng như nhiều chùa dạng tương tự (mà cụ thể như Phật Tích, Long Hạm, Long Đọi, Tường Long), chùa Chương Sơn được dựng trên đỉnh đồi (với đồi thấp thì dựng trên đỉnh, đồi cao thì ở lưng chừng). Đây là một ngôi chùa kiêm hành cung. Trong tạo hình của thời Lý, có một nguyên tắc là, chỉ di tích nào gắn với vua thì mới được chạm đền tài rồng (đại danh lam không gắn với vua, dù của Ý Lan Phu nhân dựng, như chùa Bà Tấ, cũng chưa tìm thấy rồng thời Lý). Việc dựng chùa trên đồi đã như một định lệ, phải gần sông, có dòng chảy thường từ phải qua trái và ở ohía Nam của đồi, vì thế không phải đồi nào cũng thìch hợp với việc dựng chùa. Rõ ràng tính chất phong thủy ở đương thời đã được quan tâm, với “Thánh nhân nam diện nhi thính thiên hạ”, đó là hướng của quyền năng, của đế vương. Chùa Chương Sơn mặt quay hướng Nam, gần con sông Sắt thuộc chi lưu sông Đáy. Từ sông này một ngòi “Con tên” được đào thẳng tắp vào chân đồi (cũng là nguyên tắc chung cho mọi chùa cùng loại). Đây là đường thuận tiện nhất để thuyền vua và ra dễ dàng. Từ bến nước một con đường được bạt hoặc tạo bậc lên chùa. Ở Chương Sơn (cũng như ở chùa Long Đoi và Tường Long), người đương thời đạ bạt phẳng đỉnh đồi để dựng chủa (ở Phật Tích và Long Hạm do làm ở lưng đồi nên chủa phải dựng trên vài ba cấp nền nhân tạo). Trước hết là về kiến trúc bằng vào kết qua đã nghiên cứu được về chùa thời Lý, chúng ta biệt Phật điện thời này còn rất ít tượng, chủ yếu chỉ một pho cùng các phù điêu (tới nay mỗi chủa mới chỉ tìm được một bệ tượng, dù cho sách vở thời sau đã nói tới có một số Phật và Bồ Tát ngoài Thích Ca Mầu Ni, cùng được thờ). Tư liệu khảo sát điền dã khiến chúng ta có thể tin rằng Tháp và Phật điện thời này là đồng nhất, đã có tháp thì hầu như không có phật điện nào khác, tháp chưa mang tính chất ngôi mộ theo lối của Trung Hoa. Tuy đương thời ý thức khẳng định về độc lập dân tộc là rất mạnh mẽ, triều đình cũng như dân chúng đều muốn “giải Hoa” về mặt tư tưởng, không muốn bị lệ thuộc và bị chi phối. Song, không có nghĩa là chối bỏ tinh hoa của trung tâm văn minh nhân loại này. Vì thế, có thể dưới thời Lý ít nhất đã có hai dạng tháp Phật điện, một là dạng tháp ảnh hướng lối dựng nhiều tầng kiểu Trung Hoa, như tháp Long Đọi, Báo Thiên… với số tầng khá nhiều (Báo Thiên 12 tầng, Long Đọi 13 tầng), hao là dạng tháp kiểu Chương Sơn (đã bị quân Minh phá, nên tháp không còn, năm 1966 Viện Khảo cở học đã khai quật làm lộ đế nền…). Tháp có chân móng gần như vuông và điều đáng quan tâm là. Với Việt Nam thì chân đế này khá lớn, mỗi cạnh xấp xỉ 19m. Do quan niệm tháp Việt là một hình thức biến tướng của tháp Trung Hoa, nên nhiều học giả Pháp và Việt trước đây đã cho rằng chiều cao của tháp thường gấp từ 2,5 lần tới khoảng 5 lần chân đế. Đó là một thực tế có thể đúng với các tháp mộ sau thời Lý. Nếu theo tỷ lệ này thì tháp Chương Sơn có thể cao từ gần 50m, tới gần 100m, đó là điểu khó chấp nhận được trong thực tế lịch sử ở nước ta. Vì, tháp trở nên quá vĩ đại, khó tránh khỏi mang tính áp chế (nhất là đồi chỉ cao khoảng 70m), vượt ra ngoài cả điều kiện kinh tế, nhân vật lực, kỹ thuật và tâm lý của người Việt đương thời. Chỉ riêng việc sử lý móng cho cây tháp cao to như vậy ở trên đỉnh đồi đất để ít nhất tháp tồn tại 400 năm (tới lúc quân Ngô pha) đã là điều hết sức phức tạp, điều đó mặt nào không thịch hợp với một đất nứơc mà kinh tế tiểu nông là cơ bản. Mặc khác, khó có thể tòm thấy được những dấu ấn sâu sắc tác động tới các sử gia Nho học hay Phật học của nhà Trần (và ngay cả thời Lý nữa) dù cho Chương Sơn chỉ cách trung tâm văn hóa Thiên Trường- Nam Định khỏang 20km. Như vậy, khó có thể tin được thấp có độ cao như cách định tỷ lệ trước đây của ngừơi Pháp, nhất là khi tâm lý người Việt vẫn vừa thực dụng vừa chưa có ý thức đẩy thần linh lên cao. Và, như trên hcúng tôi đã trình bày, vào thời Lý, xu hướng “giải Hoa” và phần nào quy về với cội nguồn văn hóa Đông Nam Á của nghệ thuật tạo hình Việt là một thực tế lịch sử, đã cho phép đặt ra một giả thiết để làm việc là: Có một dạng tháp theo phong cách phương Nam, phi Hoa, đã tồn tại dưới thời Lý. Cũng có thể tháp này được dựng dưới dạng Bảo Châu (tháp một tầng, phù hợp với kiến trúc Phật giáo ở cổ truyền), chúng mang tính chất Phật điện, trong lòng có ban thờ Phật, có nhang án và các đồ trần thiết tương ứng. Người ta có thể vào lòng tháp để thực hiện các nghi lễ, hoặc nhiễu Phật ở quanh bản thờ và phần nhiều nhiễu (chạy đàn) tháp ở ngoài. Ở Chương Sơn hiện nay, chúng ta chỉ biết được một nền tháp, các cửa lên có bó đá “thành bậc hình tam giác, mặt bên của “thành bậc” nổi nhiều lớp “síng hình núi”, một lan can đá tạc cả hai mặt mỗi bên hình bảy vũ nữ Thiên Thần dâng hoa sen và đang trong địêu múa vũ trụ. Có thế thấy rất rõ hình tượng này bắt nguồn từ văn hóa phương Nam, với trung tâm là Ấn Độ. Tuy nhiên đến đất Việt, dù cho vũ nữ Thiên Thân (Apsaras) không thay đổi động tác, nhưng nứơc Đông Nam Á thì các hình tượng này có động tác mềm hơn, đầy chất trữ tình, khôn mặt đôn hậu, ít chú ý tới sự cường điệu… Rõ ràng, tạo hình Việt, ngay từ thời Lý dù cho có ảnh hưởng Chàm hoặc các nứơc khác, thì vẫn nổi bật lên một thần thái “hướng nội”, gần gũi tư duy nông nghiệp, còn các nền tạo hình khác đã có thần thái như muốn “bật” ra ngoài cơ thể, phần nào có tính “hướng ngoại”.

Ngoài hiện vật bằng đá, chúng ta gặp khá nhiều gạch ngói, đặc biệt là những tháp thờ nhỏ, có lẽ là một thứ hàng hoá tín ngưỡng đặc biệt, được gửi lên chùa như kiểu đội bát hương thời gần đây. Cũng trong “đống đổ nát” ấy, chúng ta đã tìm được đấu ba chạc (con sơn, đấu củng) bằng đá, dấu vết của đầu “xà đai” đá của tháp, những “mặt thớt” đá tròn chạm rồng ở trung tâm và bao quanh bằng hoa dây, rồi tượng đầu người mình chim.... Trong những hiện vật ấy, Kinnara (tượng thân chim đầu người) đã mang tư cách tôn vinh đạo Phật khá rõ rệt (theo tích phương Nam). Chúng thường đứng ở “đòn tay” đặt trên đấu ba chạc, có khi tay cầm nhạc cụ hoặc chắp trước ngực; về hình thức, chúng không xa cách với Kinnara của chùa Phật Tích và chùa Long Đọi. Đó là những con chim của đất Phật, biết dùng nhạc pháp và giọng dịu hoà để giảng về đạo lý.

Nổi lên trong các hiện vật điêu khắc, chủ yếu chỉ còn pho tượng Phật bằng đá, hiện để trong chùa Chương Sơn (xã Yên Lợi - huyện ý Yên - Nam Định). Đây là pho tượng Phật còn lại duy nhất của thời Lý, khá nguyên vẹn ở nước ta. Nếu như tượng chùa Phật Tích hiện có đầu không cân xứng với thân (do được làm lại vào khoảng thế kỷ XVII đầu thế kỷ XVIII), bệ tượng đã thay đài sen và mất một tầng đế bát giác cùng sư tử, thì tượng của Chương Sơn chỉ bị phá mất một phần đài sen, song vẫn còn đủ để hiểu được về bố cục và nghệ thuật tạc tượng. Tỷ lệ của tượng gần đạt chuẩn “toạ tứ” (độ cao tượng ngồi bằng bốn đầu), có bộ mặt nam giới, phần nào có nét chân dung, chưa ảnh hưởng đạo thờ Mẫu dân dã. Một giả thiết được đặt ra là pho tượng này còn gần gũi với nguyên tắc tạo tượng gốc và ít nhiều ảnh hưởng từ nghệ thuật ấn qua các nước Đông Nam á, đó là sản phẩm của tầng lớp trên. Tượng có thân mỏng, vai rộng, bụng thon, áo bó sát người để hằn lộ các bộ phận cơ thể bên trong, nếp áo ít và là những đường gân nổi theo dòng nghệ thuật Gandhâra (âm Hán Việt: Kiền Đà La - dòng nghệ thuật điêu khắc Phật giáo coi là sớm nhất; Gandhâra là đô thành của vua Kaniska thuộc vùng Peshawar, nơi chịu ảnh hưởng của nghệ thuật Hy La rồi phát triển thành nền nghệ thuật riêng, gọi là nghệ thuật Gandhâra(1).

Đài sen tượng ngồi, dưới dạng mãn khai, có tới bốn lớp cánh, hai lớp chính ở trên, lòng cánh được chạm đôi rồng kiểu Lý (thế kỷ XI - XII), lớp cánh dưới chạm hoa dây cách điệu. Nhìn chung các cánh sen đầu múp phồng, mũi cao vừa phải. Dưới đài sen là đôi lân, như hiện thân của âm dương đối đãi, của bát nhã tức trí tuệ minh triết, thiêng liêng, trong sáng, huyền linh, là biểu tượng của sức mạnh tầng trên của vận động và tĩnh tịch.... Lân có mũi sư tử, mắt giọt lệ, miệng lộ răng, tai thú... trên thân và tóc đầy các biểu tượng vũ trụ (thiêng liêng). Suy cho cùng, đôi lân (tạc cùng chung một khối đá với đài sen và một tầng đế bát giác) đội đài sen của đức Phật, như đội chân lý bao trùm, nhằm cứu độ hết thảy chúng sinh ở mọi miền vũ trụ.

Đế bệ chia hai phần, phần trên tạc giật cấp ba tầng, mỗi tầng có mặt nằm chạm hoa dây ổ tròn cách điệu bằng các biểu tượng liên quan tới thế lực tự nhiên (của bầu trời), phần đứng chạm rồng. Đó là những con rồng điển hình của thời Lý. Song, điều đáng quan tâm không phải ở tạo hình mà lại ở nhận thức với đạo Phật. So sánh với bệ Phật ở chùa Phật Tích (Bắc Ninh), nếu như vào năm 1056, người ta tạc rồng đuổi nhau vòng quanh thành bệ để chầu vào một lá đề ở trung tâm mặt trước, riêng trung tâm mặt sau cũng có một lá đề nhỏ, thì đôi rồng tương ứng đã không theo chiều của các rồng bên mà quay ngược hẳn lại để cùng chầu lá đề đó. Có nghĩa là: Lá đề (bodhi) tượng cho trí tuệ, giác ngộ Phật pháp... là cốt lõi của đạo. Vì đạo Phật chủ trương lấy trí tuệ làm cứu cánh, nhờ đó mà diệt trừ vô minh tức ngu tối, mà ngu tối là mầm mống của tội ác. Cho nên, ở Phật Tích, dưới thời Lý thường có một đề tài cơ bản là rồng chầu lá đề. Nhưng, tới Chương Sơn (muộn hơn khỏang 60 năm) ý thức này không được tuân thủ triệt để, có lẽ nó đánh dấu một khía cạnh mang tính khởi đầu về sự suy lạc thuộc nhận thức, để, cũng cứ quay đầu ra theo dòng mà chạy về phía trước. Hình thức này tuy nhỏ trong tạo hình, song có thể nó đã phản ánh mấy vấn đề sau:

+ Từ chi tiết này và nhiều biểu hiện káhc đã cho thấy sự không ổn định của tạo hình Việt (moi thời khác cũng đều có đặc điểm này), có thể nó đã xuất phát từ một bản gốc nhận thức với dạo chưa vững bền, cộng thêm vào đó là do bị o ép của người phương Bắc và nhiều điều kiện khác mà lịch sử và xã hội Việt luôn có sự biến động.

+ Ngừơi Việt không có ý thức đi sâu vào triết thuyết trừu tượng, mà chủ yếu thờ Phật theo lối bình dân, nhiều khi còn nặng tính tùy tiện… Trở lại với bệ đá, phần dưới của bệ được tạc nổi hai hệ “sóng” rõ ràng, lớp sát đất là sóng nước thì không có gì phải bàn cãi, nhưng “sóng” ở các lớp trên với dạng hình tam giác, hoặc hình nấm (Phật tích) thì từ lâu, đã nhiều người cho rằng chúng không phải là sóng nước trong những giả thiết được đặt ra đã coi chúng là bóng dáng của núi hoặc cây, mang tư cách như một “ trục vũ trụ”, nối tầng trên với tầng dưới, nhằm đem lại sinh lực mới cho muôn loài… Suy cho cùng, tất cả đều nói lên uy lực hơn hết của đức Phật, của đao hay mặt nào cũng là uy lực của nhà vua…

Vào thế kỷ XIII – XIV, thời Trần, Nam Định đã là một trong không nhiều trung tâm văn hóa của thời này. Nếu như, ngoài kinh đô Thăng Long, thì di tích của thời Trần đã tập trung nhiều ở Yên Sinh – Đông Triều – Hải Dương; ở Yên Tử - Thanh Mai thuộc Quảng Ninh; Thâm Động ở Thái Bình, và nơi nổi lên với trung tâm lập nghiệp của nhà Trần là khu Tức Mặc (Thiên Trường) Nam Định, trong đó một chính điểm gắn với Phật giáo là chùa Phổ Minh (tức chùa Tháp).

Phải nói rằng chùa thời Trần có xuất phát điểm tư tưởng khác thời Lý. Nhà Lý được Phật phái Vinitaruci ủng hộ tích cực nên đã thành công, nhưng một trớ trêu lịch sử là bản chất của đạo Phật lại vừa vô thần vừa từ bi và thọat tục. Nó không đủ tư cách tổ chức xã hội, dẫn tới Phật phái Thảo Đừong được xúât hiện để đáp ứng nhu cầu phát triển của đất nước. Với phái này, Phật Nho đã dung hội, đó là điều kiện để Văn Miếu ra đời, và tầng lớp Nho sĩ ngày một đông đảo. Tầng lớp này dần dần chiếm địa vị then chốt của xã hội, đẩy trí thức Phật giáo về với ngôi chùa. Đương nhiên, một điều như tất yếu đã xảy ra là, một bộ phận Nho sĩ xa lìa dần văn hóa dân tộc, tôn sùng văn hóa ở quê hương Nho giáo… tạo tiển đề cho một tại họa khó lường, vì thế nhà Trần đã buộc phải lại trông cậy vào Phật giáo để mong lập thế quân bình xã hội. Và, sự xuất hiện của Phật phái Trúc Lâm đã đáp ứng được phần nào yêu cầu này. Có thể tin rằng đây là một cơ sở cho sự ra đời và hình thành các ngôi chùa mang tính chất trung tâm của triều đình như Yên Tử, Thanh Mai và Phổ Minh…

Ở Nam Định còn có chùa Đô Quan (Ý Yên), chùa Bi (Trực Ninh) và một vài chùa khác… được tạm xếp vào thời Trần, do có chiếc nhang án đá hình hộp chữ nhật với đài sen bao quanh tương tự như các nhang án đá có niên đại cụ thể vào cuối thế kỷ XIV, nằm ở ven sông Đáy thuộc Hà Tây. Song, trên thân chúng không có minh văn và vẫn còn nhiều hoa văn tạo sự nghi ngờ. Vì thế, gần như chỉ một chùa Phổ Minh là điển hình thuộc văn hóa vật thể Phật giáo của thành Nam thuộc niên đại thế kỷ XIII – XIV. Riêng dấu vết thời Trần, ngôi chùa này đã có nhiều điểm phải chú ý:

Về bố cục: với niên đại 1305 thì ở đây có ngôi tháp Phật xưa nhất nước ta còn lại tới nay, tuy nhiên, điều trước hết đáng lưu tâm là ở chỗ, chùa vừa có tháp lại vừa có điện Phật riêng. Tháp thì còn rõ rệt , nhưng Phật điện chỉ được xác nhận bằng nhựng con rồng thành bậc hiện hiện đang tồn tại ở cửa toà tiền đường. Mặt khác, lần đầu tiên chúng ta gặp một ngôi chùa có mặt bằng khá đầy đủ của đương thời. Mở đầu là Tam quan (có đôi lân đá của thời Trần), rồi một con đường thẳng nằm trên trục linh đạo, ngay sau tam quan có hai ao tròn, tượng cho hai vầng nhật nguyệt, như ánh sáng của Phật pháp. Con đường dẫn tiếp thẳng vào Tháp và vào Thượng điện.

+ Tuy chùa thuộc Phật phái Trúc Lâm, nhưng ở lĩnh vực tạo hình nói chung có nhiều vấn đề đáng quan tâm và cũng rõ ràng yếu tố phương Nam của tạo hình đang bị thay đổi, bao gồm ở mấy lĩnh vực sau:

- Khẳng định về dạng tháp nhiều tầng, kiến trúc này đánh dấu sự chuyển hoá từ ngôi tháp mang tính chất Phật điện sang mang tính chất khác, lòng tháp hẹp, chật không phải là nơi để ra vào khi hành lễ. Về tạo hình, nếu theo dấu vết thời Trần thì pháp Phổ Minh chỉ có 11 tầng, đó là tháp của vị Phật sau thời Thích Ca Mẫu Ni (xem Từ Nguyên - trang 365). Tháp có bố cục với đế và tầng thứ nhất được làm toàn bằng đá, 10 tầng trên xây bằng gạch, chỉ bó đá tại bốn góc và diềm cửa tò vò ở bốn mặt mỗi tầng. Toàn bộ ngôi tháp được đặt trong một “hồ” vuông có nền lát đá phiến, có lẽ để trữ nước nên lòng “hồ” có sâu hơn mặt sân nền đôi chút (cạnh “hồ” 8,6m), cạnh chân tháp 5,2m). Bao quanh “hồ” có lẽ trước đây cũng có lan can, nên hiện chính tâm bốn hướng vẫn còn bốn cửa với rồng thành bậc cửa thời đó.

- Đế tháp được xây giật nhiều cấp, cấp giữa thót lại, phần trên đế tạo một đường diềm lớn để chạm chìm đặc kín các cụm vân xoắn đa dạng trong một bố cục nhất định. Điểm xuyết cách đều trên diềm này là những ổ hoa văn tròn với tâm thể hiện cách điệu hình chữ Lôi cổ (hình số 3, có thể mang ý nghĩa về sấm chớp). Suy cho cùng, các hình tượng này không đơn giản chỉ mang tính trang trí, mà mới bằng cảm giác người ta đã như nhận thấy chúng là những biểu tượng (có thể gắn với sấm chớp, nguồn nước, gốc của hạnh phúc no đủ) nhằm thiêng hoá cây tháp. Phía trên, giáp với tầng thứ nhất, là một đài sen vuông ôm lấy cả bốn mặt tháp. Hình thức vuông này rất hiếm thấy ở thời Lý, đồng thời các cánh sen lại được thể hiện kép, “dẹo”, theo lối nhìn nghiêng từng cánh, mũi cánh nhô ra cuộn đầu thành vân xoắn, lòng cánh chỉ trang trí hình hoa cúc cách điệu.... Thân của tầng một chạm đầy biểu tượng về nguồn nước, về mây cuộn ken nhau thành dải ngang, rồi hoa lá dưới dạng biểu trưng... Các tầng trên, trước thế kỷ XX vẫn còn lộ gạch đỏ với khá nhiều hoa văn (nay đã bị trát vữa kín). Như thế, tháp Phổ Minh là một hình tượng của kiến trúc tháp Phật giáo mang tính vũ trụ luận về sự sáng thế và nguồn gốc(2). Với nước (biểu tượng bằng “hồ” nước, hoặc biểu tượng) mà từ đó tháp mọc lên là nước “vũ trụ”, thân tháp là biểu tượng cho sức sáng tạo tiềm tàng, các tầng trên xây gạch đỏ như tượng trưng cho cột lửa thiêng, còn với nhiều hoa văn đặc trưng khác nó mang hình ảnh của đại giác... Như thế cả cây tháp như một chiếc cột linh quang rực rỡ nhô lên từ đại dương vũ trụ bao la để chiếu diễu ánh sáng đạo pháp cho thế giới, để mọi sinh linh hướng về luồng sáng chói ngời đó mà giải thoát..

- Về lĩnh vực điêu khắc tượng tròn: Nếu thời Lý khó có thể kiếm được những rồng thể hiện theo khối tròn, có nghĩa là nguyên con, thì ở chùa Phổ Minh đã gặp được khá nhiều, những con rồng thời Trần về cơ bản có nét còn giống rồng thời Lý, song, thân doãng khúc và mập hơn, đặc biệt là đầu rồng đã nảy sừng và tai, mà các chi tiết này ở thời Lý chưa hề có. Đây là một biểu tượng về sự hội nhập yếu tố thú vật, nhiều nhà nghiên cứu cho rằng hình thức này đã ảnh hưởng từ tạo hình Trung Hoa, trong mối giao lưu hữu thức, ít nhiều có sự tác động của tầng lớp Nho sĩ. Cũng ở nơi đây, lần đầu tiên gặp được rồng mọc 5 lông đuôi ngắn lượn nhẹ bay ra sau, có thể coi hiện tượng này như sự mở đầu mang tính tiền đề cho một số rồng thời sau.

- Về lĩnh vực trang trí: Ngoài hình các cụm vân xoắn, cánh sen, mây cụm kết dải, sóng nước, thì ở tháp Phổ Minh còn nhiều đề tài đáng quan tâm khác, đó là hình chạm chìm về các ô tròn kề nhau làm đường diềm cửa tháp. Ô này gồm có hai nhành lá thiêng lộn đầu đuôi, uốn cong như đuổi nhau kết thành vòng tròn để bao lấy ở trung tâm một bông cúc cách điệu mãn khai nhìn chính diện. Một bố cục tương tự như vậy cũng được diễn ra dưới dạng chạm nổi ở trần tầng thứ nhất của tháp, song với đề tài là hình tượng đôi rồng lộn đầu như đuổi nhau trên một thớt tròn, rồi quay đầu vào giữa để cùng chầu một vành tròn trung tâm. Tạm có thể giải thích như sau: Thớt tròn tượng cho bầu trời, rồng tượng cho mây, cho âm dương đối đãi, còn vành tròn ở giữa được nghĩ là mặt trời, nguồn sinh lực khởi nguyên và vô biên. Tuy nhiên điều đáng quan tâm là: có thể tin được ý nghĩa của hai ngành lá cùng hoa cúc đã đồng nhất với đôi rồng chầu mặt trời và trước hết chúng như một hình tượng liên quan tới Dịch học. Mặt khác, với niên đại dựng tháp vào năm 1305 (có người nói 1310) lần đầu tiên gặp loại rồng uốn võng lưng yên ngựa và cũng lần đầu tiên thấy hình tượng mặt trời được diễn ra dưới dạng vành tròn, mở đầu cho những đĩa tròn về sau. Nhìn chung đó là những hình thức bắt nguồn từ Trung Hoa. Từ đây cũng như thấy được một cách khá cụ thể về sự đồng nhất giữa mặt trời và hoa cúc.

- Về mặt tên gọi: Nếu như ở thời Lý, với xu thế của một xã hội mới đang chú ý tới sự khẳng định nền độc lập dân tộc, khẳng định vương triều, con người quan tâm nhiều tới cuộc sống thực tại... nên có lẽ ngôi chùa cũng đặt một trọng tâm vào kiếp trần gian hơn các kiếp đời đã qua, vì thế, mà tên chùa thường gặp với sự cầu mong và ước vọng, như: Thiên Phúc, Vạn Phúc, Phật Tích, Long Hạm, Báo Thiên, Chân Giáo, Diên Hựu, Diên Phúc..... Nhưng, sang thời Trần, thì bên cạnh những chùa kiểu trên đã xuất hiện dần các chùa có tên đậm nhất triết học sâu lắng của nhà Phật như: Đại Bi, Phổ Quang, Thanh Mai, động Thanh Hư.... và rồi Phổ Minh. Rõ ràng là phần nào từ sự phát triển của nhận thức (cả Phật và Nho) kèm theo với những sự biến đổi của lịch sử và xã hội đã tác động tới cách đặt tên cho chùa. Và, có thể tạm hiểu Phổ Minh đã đồng nhất với “Hoà Quang đồng trần” (đem ánh sáng Phật pháp hoà vào cuộc đời bụi bặm) hay đem ánh sáng Phật pháp phổ cập vào chúng sinh đau khổ để giáo hoá và cứu vớt.

- Nhìn chung, những dấu tích thời Trần ở chùa Phổ Minh đã đánh dấu một bước phát triển mới của tạo hình Phật giáo Việt Nam. Cùng với các chùa thời Trần khác, Phổ Minh phản ánh được phần nào về sự riêng biệt của dòng Trúc Lâm, nêu được sự giao lưu hữu thức với nghệ thuật Trung Hoa mà vẫn đậm ý thức bảo vệ bản sắc văn hoá dân tộc.

(Còn nữa)
____________

1. Thích Thanh Kiểm, Lịch sử Phật giáo ấn Độ, Nxb Quê Hương, Sài Gòn, 1971.
2.Ngô Văn Doanh, Tháp Phổ Minh - biểu tượng vũ trụ và đại giác, Tạp chí Văn hóa nghệ thuật.

(Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật, số 4, 2002 (214)

» Ảnh đẹp
» Liên kết website
Search
» Từ điển Online
Từ cần tra:
Tra theo từ điển:
» Âm lịch