Tư liệu
Tính nhất quán về mặt lịch sử của GHPG Việt Nam
26/12/2008 17:09 (GMT+7)
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

Bài phát biểu của Đại đức Thích Thiện Thống
Ủy viên Hội đồng Trị sự GHPGVN

Kính bạch Chư Tôn tịnh đức, kính thưa Quý Đại biểu,

Cách đây 25 năm, tại Thủ đô Hà Nội trong không khí đoàn kết hòa hợp của ngàn năm đồng vọng lại, Hội nghị Đại biểu thống nhất Phật giáo cả nước và Giáo hội Phật giáo Việt Nam chính thức được thành lập. Đây là một sự kiện trọng đại mang tích bước ngoặc của Phật giáo Việt Nam trong những năm tháng cuối thế kỷ 20. Hôm nay, Giáo hội Phật giáo Việt Nam long trọng tổ chức Hội thảo Kỷ niệm 25 năm ngày thành lập để rút ra những ưu khuyết điểm, những kinh nghiệm thực tiễn, phát huy tinh thần đoàn kết hòa hợp nội bộ, đặc biệt là tính nhất quán về mặt lịch sử để từ đó hoạch định chiến lược phát triển bền vững Giáo hội Phật giáo Việt Nam trong thế kỷ 21, trong đó có vấn đề đoàn kết hòa hợp và tính thống nhất trong toàn Giáo hội. Hôm nay, chúng con được vinh dự tham dự Hội thảo và được Chư tôn Giáo phẩm lãnh đạo Giáo hội và Quý Đại biểu cho phép trình bày phần tham luận “Tính nhất quán về mặt lịch sử của Giáo hội Phật giáo Việt Nam”. Trước hết chúng con xin kính chúc Chư tôn Giáo phẩm pháp thể khinh an, huệ đăng thường chiếu, xin chân thành gởi đến Quý Đại biểu lời chúc mừng tốt đẹp nhất.

Kính bạch Chư Tôn tịnh đức, kính thưa Quý Đại biểu,

Phật giáo từ khi chính thức được công truyền vào Việt Nam, trong quá trình phát triển và tồn tại, dù lúc thịnh hay suy, Phật giáo Việt Nam luôn là một thể thống nhất trong tinh thần đoàn kết hòa hợp. Sau ngày hòa bình lập lại - 1975, lịch sử Phật giáo Việt Nam đã bước sang một kỷ nguyên mới – kỷ nguyên của sự thống nhất từ nội dung đến hình thức, thống nhất lãnh đạo và tổ chức, thống nhất ý chí đến hành động từ Trung ương đến địa phương, đoàn kết hòa hợp và thống trong Giáo hội về mọi mặt, từ mốc son lịch sử của 25 năm về trước, chúng ta dễ dàng nhận thấy sự kế thừa và tính nhất quán về mặt lịch sử của Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Ngược dòng lịch sử, Phật giáo Việt Nam trong nữa cuối thế kỷ 20, đã bộc lộ khá nhiều hạn chế trong việc phát huy truyền thống đoàn kết hòa hợp trong nội bộ Phật giáo, điển hình là việc nhiều lần thống nhất nhưng chưa lần nào được trọn vẹn và đầy đủ ý nghĩa của công cuộc thống Phật giáo Việt Nam.

Vào nữa cuối thể kỷ 20, nền khoa học công nghệ tiến nhanh chưa từng thấy, đồng thời dân tộc Việt Nam đã lập nên những kỳ tích lịch sử mới - độc lập dân tộc và thống nhất tổ quốc. Từ cơ sở đó, Phật giáo Việt Nam đã vận dụng những thuận lợi và thời cơ, khắc phục mọi khó khăn để phát triển Phật giáo. Giai đoạn trước thập niên 30, do những điều kiện khách quan và chủ quan, Phật giáo Việt Nam đang trong giai đoạn suy thoái cục bộ; về mặt khách quan giai đoạn này Việt Nam là một nước nửa thuộc địa nửa phong kiến, do đó Phật giáo Việt Nam gặp phải nhiều khó khăn và trở lực trong tiến trình phát triển; về mặt chủ quan, Phật giáo Việt Nam lúc bấy giờ còn không ít dị đồng chưa được hóa giải. Bằng tất cả tấm lòng của những người đệ tử Phật, với hào khí của phong trào chấn hưng Phật giáo Việt Nam, Chư Tôn đức tiền bối của ba miền Nam – Trung – Bắc đã khắc phục mọi khó khăn, dị đồng để phát huy tinh thần đoàn kết hòa hợp, quyết tâm thống nhất các tổ chức Giáo hội, Hệ phái và thành lập một tổ chức Giáo hội duy nhất đại diện cho Tăng Ni, Phật tử Việt Nam. Hoài bảo của các bậc cao Tăng tiền bối quả thật tuyệt vời, nhưng đất nước chưa được thống nhất, nhiều dị đồng chưa được hóa giải nên công cuộc thống nhất chưa thể trọn vẹn như mong đợi của các bậc cao Tăng tiền bối.

Công cuộc thống nhất Phật giáo Việt Nam đã trãi qua từng thời điểm, từng giai đoạn lịch sử và để lại cho chúng ta hôm nay những bài học vô giá. Tâm nguyện thống nhất Phật giáo Việt Nam luôn được các bậc cao Tăng tiền bối của các tổ chức Giáo hội, Hệ phái đều quan tâm và nỗ lực thực hiện. Nhưng hoài bảo đó phải đợi đến khi đất nước thống nhất, dân tộc độc lập, đó chính là thắng duyên để các bậc cao Tăng tiền bối các tổ chức Giáo hội, Hệ phái cùng nhau khởi động lại sự nghiệp thống nhất Phật giáo Việt Nam chưa thể thực hiện trước đây. Và năm 1981 lịch sử, Phật giáo Việt Nam có một tổ chức Giáo hội duy nhất đại diện cho Tăng Ni, Phật tử Việt Nam trong và ngoài nước với đầy đủ tiêu chí đoàn kết hòa hợp, thống nhất trọn vẹn từ nội dung đến hình thức, thống nhất trong đa dạng, đồng thuận trong các hoạt động Phật sự, thống nhất ý chí và hành động, thống nhất lãnh đạo và tổ chức, đồng thời gắn liền với lợi ích của dân tộc, theo phương châm “Đạo pháp – Dân tộc – Chủ nghĩa Xã hội”. Nói cách khác, Giáo hội Phật giáo Việt Nam là sự kết tinh hoài bão của các bậc tiền nhân, sự nhất quán về mặt lịch sử và sự kế thừa những thành quả của các tổ chức Giáo hội, Hệ phái trước đây đã dày công vun đắp.

Tại sao chúng con nói Giáo hội Phật giáo Việt Nam là sự kết tinh bao hoài bão, sự nhất quán về mặt lịch sử, thống nhất trọn vẹn từ nội dung đến hình thức với đầy đủ tiêu chí của nó. Ngược dòng lịch sử, chúng ta thấy thời Trần, ngài Điều Ngự Giác Hoàng đã nỗ lực thành lập Giáo hội Trúc Lâm, mục đích duy nhất là: Phật giáo Việt Nam phải trở thành một khối thống nhất, thực sự đoàn kết hòa hợp mới làm cho đạo thịnh nước hưng. Giáo hội Trúc Lâm tuy không còn hiện hữu, nhưng dư âm của nó vẫn sống mãi trong lòng những người đệ tử Phật. Theo dòng thời gian, do những điều kiện khác nhau, Phật giáo Việt Nam trải qua những giai đoạn thịnh suy, thậm chí có giai đoạn suy thoái, nhưng việc thống nhất Phật giáo luôn được các thế hệ tiền bối nỗ lực thực hiện. Có những lúc việc thống nhất Phật giáo có khó khăn trở ngại, nhưng với quyết tâm của Chư Tôn đức, kết quả cuối cùng vẫn thành công, điển hình là sự ra đời của Giáo hội Phật giáo Việt Nam hôm nay.

Kính bạch Chư Tôn tịnh đức, kính thưa Quý Đại biểu,

Việc thành lập Giáo hội Phật giáo Việt Nam là một hệ quả của tính nhất quán về mặt lịch sử, có nghĩa là khi Phật giáo trở thành một khối thống nhất, đoàn kết hòa hợp thì các Phật sự đều hoàn thành. Chúng ta thấy chặng đường 25 năm tuy không dài so với một kiếp người hữu hạn, nhưng thế và lực của Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã lớn mạnh hơn nhiều, nhiều Phật sự trọng đại được hoàn thành, đã tạo thành dấu ấn sâu sắc trong lòng Tăng Ni, Phật tử. Sự phát triển như vậy là phù hợp với quy luật khách quan và lịch sử. Chúng ta thấy Phật giáo Việt Nam thời Lý Trần đã đạt đến đỉnh cao của nó, nguyên nhân chính là sự đoàn kết hòa hợp và thống nhất về mọi mặt trong trong nội bộ Giáo hội, đồng thời chính sự đoàn kết hòa hợp của Phật giáo đã góp phần tạo nên khối đại đoàn kết dân tộc trong sự nghiệp dựng nước và giữ nước. Những thành tựu của các tổ chức Giáo hội, Hệ phái trước năm 1975 đều xuất phát từ tinh thần đoàn kết hòa hợp và sự thống nhất cao trong nội bộ, hoặc ngược lại. Từ ý nghĩa đó, chặng đường 25 năm thành lập Giáo hội Phật giáo Việt Nam tuy không dài so với lịch sử, nhưng Chư Tôn đức lãnh đạo các tổ chức Giáo hội, Hệ phái, Tăng Ni, đồng bào Phật tử luôn là một khối thống nhất, đoàn kết hòa hợp và kế thừa thành quả của các tổ chức Giáo hội, Hệ phái trước đây và đã viết tiếp những những trang sử vàng mới của Phật giáo Việt Nam trong suốt một phần tư thế kỷ đã qua.

Điểm lại những những giai đoạn, thời điểm thành lập Giáo hội trước và sau năm 1975, chúng con không hàm ý so sánh sự hơn kém, chỉ muốn chứng minh rằng khi nhân duyên hội đủ, tất cả đệ tử Phật một lòng đoàn kết hòa hợp, Phật giáo là một thể thống nhất trọn vẹn, nội lực được phát huy thì tất cả Phật sự tầm vĩ mô hay vi mô đều đạt được những thành quả tốt đẹp và Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã làm được điều này. Tuy Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã đạt những thành quả to lớn, nhưng vẫn còn đó một vài Phật sự tồn đọng về mặt khách quan lẫn chủ quan, không phải một sớm một chiều khắc phục xong. Bên cạnh đó, hiện nay vẫn còn một số ít cá nhân lợi dụng việc thống nhất Phật giáo của thời điểm trước năm 1975, từ đó đã làm tổn thương bao tâm huyết, hoài bão của Chư Tôn đức đã quyết tâm thực hiện năm 1981. Thông qua bản đúc kết thành quả 25 năm thành lập Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã chứng minh khi nội lực được phát huy, tinh thần đoàn kết hòa hợp và thống nhất trong Giáo hội Phật giáo Việt Nam được nâng lên ở tầm cao mới, thì Giáo hội đã, đang và sẽ làm nên những kỳ tích lịch sử. Nhân Hội thảo hôm nay, chúng con xin có một vài góp ý nhỏ trong việc xương minh Phật pháp, phát triển Giáo hội Phật giáo Việt Nam trong những năm tháng tiếp theo của thế kỷ 21:

1. Khoa học và công nghệ sẽ có bước tiến nhảy vọt, đất nước ngày càng phát triển về mọi mặt, kinh tế tri thức ngày càng nắm vị trí quan trọng trong tiến trình phát triển đất nước và xã hội. Hiện nay, Tăng Ni trẻ có trình độ Phật học và thế học rất đông, nhưng tính chuyên môn, chuyên sâu ở từng lĩnh vực phát triển của Giáo hội, còn đó những khoảng trống cần được khắc phục. Do đó, để kiện toàn bộ máy Giáo hội từ Trung ương đến địa phương, các hoạt động Phật sự trong thời gian tới, chúng con đề nghị Trung ương Giáo hội cần hoạch định chương trình lâu dài trong khâu đào tạo Tăng Ni trẻ kế thừa trong nhiều lĩnh vực. Nếu Giáo hội có một đội ngũ Tăng Ni trẻ am tường từng lĩnh vực chuyên môn, chúng con tin tưởng rằng Giáo hội sẽ không ngừng phát triển trong hôm nay và mai hậu.

2. Hệ thống giáo dục Phật giáo đã và đang phát triển với số lượng Tăng Ni theo học rất đông. Tuy nhiên còn đó không ít bất cập trong khâu đầu vào và đầu ra theo dạng hình vuông của các trường Phật học, và theo chúng con đầu ra nên theo hình tháp để Giáo hội luôn có những Tăng Ni khi tốt nghiệp đều thiện xảo trong từng lĩnh vực chuyên môn. Hiện tại, Ban Giáo dục Tăng Ni Trung ương vẫn chưa soạn xong bộ sách giáo khoa dành cho các trường Sơ cấp, Trung cấp và Cao đẳng Phật học, do đó chương trình mang tính chấp vá, chưa hội đủ yếu tố sư phạm, từ đó làm phát sinh thực trạng thừa thiếu trong việc sử dụng nguồn nhân lực cho các công tác của Giáo hội.

3. Hiện nay đã, đang xuất hiện một bộ phận Tăng Ni trẻ có những tư tưởng đi ngược lại phương châm của Giáo hội. Tại sao có thực trạng đáng buồn này, trong khi những người này được Giáo hội chăm lo, đào tạo. Theo chúng con, có thực trạng này, nguyên nhân thì có nhiều nhưng tựu trung bộ phận Tăng Ni trẻ này hiểu khái niệm đoàn kết hòa hợp không bằng chiều sâu của tâm hồn, mà hiểu bằng hình thức bên ngoài, đồng thời cũng không hiểu tính nhất quán về mặt lịch sử của công cuộc thống nhất Phật giáo Việt Nam năm 1981, dùng yếu tố bên ngoài làm chỗ dựa, đồng thời họ không trân trọng giữ gìn những đặc thù của Phật giáo Việt Nam là đoàn kết hòa hợp trong việc tiếp thu những cái hay của người để góp phần làm cho đạo pháp xương minh. Do đó chúng con kiến nghị Trung ương Giáo hội ngoài việc đào tạo trình độ học vấn cho Tăng Ni trẻ, cũng nên quan tâm hơn nữa đến việc giáo dục tư tưởng và nhận thức của Tăng Ni trẻ trong việc giữ gìn nét đặc thù của Phật giáo Việt Nam, về phương châm của Giáo hội. Theo thiển ý của cá nhân, chúng con nghĩ rằng chỉ cần thiếu quan tâm đến mặt giáo dục tư tưởng và nhận thức thì sự phát triển của Giáo hội sẽ gặp không ít lực cản của những nhận thức đi lệch phương hướng.

4. Đất nước đang hội nhập và mở rộng giao lưu trên nhiều bình diện, vì thế việc cảnh giác về tình huống trong thời gian tới cần được Giáo hội quan tâm đúng mức, nhất là luận điệu gây phân hóa trong nội bộ Giáo hội trong và ngoài nước đối với sự nghiệp thống nhất Phật giáo Việt Nam năm 1981. Theo cảm nghĩ của chúng con, vấn đề vừa nêu đã, đang và sẽ tồn tại, đan xen và diễn biến phức tạp, có thể coi đây là một trong những nguy cơ thường trực và không thể xem nhẹ. Chúng con đề nghị Trung ương Giáo hội thường xuyên phổ biến những chủ trương đường lối của Giáo hội Phật giáo Việt Nam đến các địa phương, qua đây sẽ giúp cho các Tự viện, Tăng Ni, Phật tử hiểu rõ giá trị của công cuộc thống nhất Phật giáo Việt Nam năm 1981, đồng thời phát huy truyền thống đoàn kết hòa hợp như lời Phật dạy đến các Tự viện, Tăng Ni, Phật tử.

5. Phát triển và suy thoái, thuận lợi và khó khăn luôn là hai mặt của vấn đề mà Giáo hội cần có đối sách phù hợp trong thời gian tới, nhất là Hiến chương của Giáo hội đã có không ít điều chưa đáp ứng đầy đủ sự phát triển bền vững của Giáo hội trong tương lai; nhất là giáo quyền hiện nay chưa được tổ chức thực hiện theo đúng nghĩa của nó, thậm chí có địa phương không tuân thủ sự chỉ đạo của Trung ương Giáo hội, trên nói dưới không nghe v.v… Điển hình như căn hộ 294bis Nam Kỳ Khởi Nghĩa, quận 3, cơ sở pháp lý đã rõ, thế nhưng một quãng thời gian tương đối dài vẫn chưa giải quyết xong, tại Trung ương Giáo hội còn lắm nhiêu khê khi thực hiện giáo quyền, thì xuống địa phương sẽ càng không thể thực hiện. Nếu chỉ xem quá khứ tốt đẹp là nền tảng, là động lực, là sức mạnh để phát triển Giáo hội, nhưng xa rời thực tế thì nguy cơ suy thoái sẽ không sao tránh khỏi. Chúng con đề nghị Trung ương Giáo hội nên tu chỉnh một số nội dung trong Hiến chương, vì không còn phù hợp với nhu cầu phát triển hiện nay; tổ chức thực hiện giáo quyền của Giáo hội một cách kiên quyết đối với từng trường hợp cụ thể. Chúng con nghĩ nếu được thế thì Giáo hội sẽ không ngừng phát triển về mọi mặt ở hôm nay và trong tương lai.

Kính bạch Chư Tôn tịnh đức, kính thưa Quý Đại biểu,

Nhân Hội thảo kỷ niệm 25 năm thành lập Giáo hội Phật giáo Việt Nam, chúng con vinh dự được Chư tôn Giáo phẩm Lãnh đạo Giáo hội và Quý Đại biểu cho phép trình bày tham luận và quan tâm theo dõi phần trình bày của chúng con. Những vấn đề được trình bày trong tham luận đều là những ý kiến thô thiển, không sao tránh khỏi làm phật lòng Chư Tôn đức cùng Quý Đại biểu, ngưỡng mong được sự hoan hỷ lượng thứ và chỉ giáo của Quý Liệt vị. Kính chúc Chư tôn Giáo phẩm, Quý Đại biểu vô lượng an lạc, sở nguyện tuỳ tâm, sở cầu như ý.

Xin chân thành cám ơn và trân trọng kính chào. Kính chúc Hội thảo thành công tốt đẹp.

Nam mô Hoan Hỷ tạng Bồ tát.

» Ảnh đẹp
» Liên kết website
Search
» Từ điển Online
Từ cần tra:
Tra theo từ điển:
» Âm lịch