Tư liệu
Tính năng động của Phật giáo Việt Nam trong quá trình hội nhập
26/12/2008 17:09 (GMT+7)
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

Bài phát biểu của ĐĐ. Thích Phước Đạt
Ban Giáo Dục Tăng Ni TW

Đạo Phật là đạo đến để thấy, thấy để mà thực nghiệm hành trì và chứng ngộ quả vị Niết bàn. Sự thật đức Phật Thích Ca từ khi xuất gia, học đạo, thành đạo, thuyết giảng, nhập diệt là cuộc hành trình do Ngài tự thân tu tập, tự thân thân hành trì, tự thân chứng ngộ không có một ai, kể cả Thượng đế, thần thánh nào chi phối cả. Sự thật Ngài chứng ngộ chân lý lúc Thành đạo chính là sự thật Duyên sinh vô ngã. Chính sự thật Duyên sinh vô ngã này, nó quy định cuộc đời hoằng pháp độ sinh của đức Phật, nhất là quy định toàn bộ đặc trưng hệ thống giáo lý đức Phật tuyên thuyết trong 45 năm được kết tinh trong Tam Tạng kinh điển. Nó cũng chỉ ra con đường giác ngộ được thực thi theo một phương pháp giáo hóa, giáo dục với tinh thần, kiểu tư duy theo lý Duyên sinh vô ngã mà không có ở bất kỳ một nền văn hóa giáo dục nào được thiết lập theo hướng tư duy hữu ngã trước đó. Cụ thể, đạo Phật chủ trương tùy theo căn cơ, tùy theo trình độ của từng đối tượng, tùy theo từng lúc, từng thời mà chúng ta có phương thức, kỹ năng trao truyền giáo pháp thích ứng cho mỗi đối tượng, mỗi hội chúng với một nội dung, đề tài thích hợp để người học đạo tiếp nhận một cách đạt yêu cầu. Hay nói cách khác, tổ chức Phật giáo, với đặc trưng duyên khởi tính mà nó thể hiện “Tính năng động của Phật giáo VIỆT NAM trong quá trình hội nhập” để đáp ứng các nhu cầu lịch sử đặt ra đất nước, dân tộc, trong đó có Phật giáo.

Lịch sử của dân tộc Việt Nam là lịch sử dựng nước và giữ nước. Ngay từ những năm đầu thế kỷ Công nguyên, dân tộc ta phải đối phó chính sách bành trướng về phương Nam của các triều đại Trung Hoa bấy giờ. Trải qua 10 thế kỷ, chính sách xâm lược của chúng nhằm thôn tính và đồng hóa Đại Việt cũng không hóa thành hiện thực. Với ý chí ngoan cường, tinh thần độc lập tự chủ, trên hết là tấm lòng yêu nước nồng nàn, cả dân tộc đã đứng lên giành lấy nền độc lập tự chủ từ trong các thế lực phản động phương Bắc Trung Hoa. Trong cuộc hành trình chống lại sự bành trướng, đồng hóa của giặc ngoại xâm Trung Hoa, Phật giáo nghiễm nhiên trở thành một bộ phận, một lực lượng gắn bó khắng khít, không thể tách rời cùng với dân tộc Đại Việt.

Thực tế, ngay từ buổi đầu Phật giáo du nhập vào nước ta và vào bằng con đường hoà bình nên đã có sự gắn bó và hoà nhập với dân tộc trong tiến trình dựng nước và giữ nước. Mặt khác, cốt tuỷ tinh thần của đạo Phật là dân chủ và rộng mở, từ bi và hỷ xả nên dễ dàng nhanh chóng bắt rễ rồi ăn sâu vào trong tâm thức cộng đồng người Việt vốn có những phẩm chất, đức tính như thế. Nhà nghiên cứu sử học lão thành Trần Văn Giàu đã ghi nhận “Bình minh lịch sử dân tộc ta cũng gắn liền với Phật giáo”. Thế nên, Phật giáo vào thời điểm đó được xác định như là một thực thể cấu thành tạo ra sức mạnh kết đoàn của cả dân tộc, song hành cùng dân tộc trong sự nghiệp dựng nước. Nói theo cách nhận định của Mâu Tử được ghi trong Lý Hoặc Luận vào cuối thế kỷ thứ II sau Tây lịch, thực tế đã một nhà nước độc lập đầu tiên của người Việt ra đời và nó mang các thuộc tính Phật giáo.

Cụ thể, Phật giáo được xác định như là con đường thể nhập “mà ra ngoài xã hội có thể cứu dân giúp nước, còn ở nhà thì có thể thờ phụng mẹ cha và lúc ở một mình có thể dùng để hoàn thiện bản thân”. Như thế, Phật giáo từ thuở ban đầu đã nghiễm nhiên trở thành một tôn giáo có tầm ảnh hưởng lớn đối với một dân tộc, một đạo Phật có nếp sống đạo không chỉ giáo dục tự thân đối với từng cá nhân, gia đình, xã hội mà còn có thể xem như là một học thuyết chính trị giúp dân tộc Việt chống lại sự đồng hóa xâm lược phương Bắc nhằm bảo tồn bản sắc nền văn hóa quốc gia, bảo vệ chủ quyền độc lập trọn vẹn biên cương lãnh thổ. Xuất phát từ nhận thức như thế, mỗi người dân Việt đều theo đạo Phật, đã định hình nên một Phật giáo của cộng người Việt mà khi tìm hiểu, chúng ta sẽ nhận ra nó không giống bất cứ Phật giáo nào khác ở quanh ta với những đặc trưng riêng biệt làm nên bản sắc Phật giáo của người Việt.

1. Tính năng động đầu tiên của Phật giáo thể hiện trong quá trình hội nhập cần phải được đề cập đến là Phật giáo của cộng đồng người Việt kể từ thời du nhập cho đến thời đất nước độc lập, bao giờ nó cũng đặt sự tồn vong, sự phát triển của mình trong sự tồn vong và phát triển chung của dân tộc. Điều đó có nghĩa đời sống sinh hoạt Phật giáo người Việt luôn song hành với đời sống chính trị, kinh tế, văn hóa, giáo dục của đất nước. Và thực tế, dân tộc Việt đã mất 1000 năm đứng lên đấu tranh để chống lại sự đồng hóa phương Bắc để tồn tại, và Phật giáo hẳn nhiên cũng trực tiếp tham gia đồng hành cùng cả dân tộc để bảo vệ sự tồn vong chính mình.

Đến khi nước nhà giành được độc lập, ý thức tự chủ của dân tộc càng được phát huy cao độ thì Phật giáo càng có điều kiện phát triển và ảnh hưởng sâu rộng trong quần chúng. Đất nước được phục hưng, việc nước cần chấn chỉnh, triều chính cần ổn định, việc bang giao cần người giúp đỡ, ai sẽ là người đảm nhận trọng trách này nếu không phải là những trí thức mà những trí thức hồi ấy phần lớn là tăng lữ. Do đó, Phật giáo thời này không chỉ bó hẹp trong khuôn viên nhà chùa, lo truyền đạo, chăm sóc phần hồn cho con người mà còn đóng góp nhiều công sức trong công cuộc kiến thiết đất nước. Nhờ triều đình thời này coi trọng đạo Phật, có lúc được xem là Quốc giáo và nhờ vua chúa, quý tộc, quan lại sùng mộ đạo Phật; có vị khi về già vào chùa khoác áo cà sa, sống đời muối dưa thanh đạm; có vị quy y thọ giới nên Phật giáo từ đầu đời Trần trở về trước rất thịnh. Các triều đại phong kiến Đinh, Tiền Lê, Lý, Trần đều quy định các chức tăng quan, ấn định phẩm hàm cấp bậc cho tăng đạo, mời các vị thiền sư đạo cao đức trọng làm cố vấn cho triều đình với tư cách là Quốc sư (vị thầy của nước).

Việc nhà sư Ngô Chân Lưu đã được Ngô Quyền, Đinh Tiên Hoàng và Lê Đại Hành phong làm Tăng thống, ban chức Quốc sư, làm cố vấn cho triều đình; nhà vua còn ban hiệu Khuông Việt đủ để chứng tỏ vai trò và vị trí của Phật giáo đối với đất nước. Thiền sư Đỗ Pháp Thuận là “người có công dự bàn sách lược”, đại diện triều đình để tiếp sứ thần nhà Tống cùng với Khuông Việt Quốc sư, làm cho sứ thần phải kính nể”.

Thiền sư Nguyễn Vạn Hạnh không chỉ đảm nhận vai trò cố vấn triều đình nhà Tiền Lê mà còn là người có công đưa Lý Công Uẩn lên ngôi hoàng đế khi ông vua cuối cùng của nhà Tiền Lê vô đạo bất nhân, làm cho đất nước suy yếu. Và còn có rất nhiều thiền sư khác nữa đã đóng góp công sức của mình cho công cuộc xây dựng đất nước như Mãn Giác, Nguyễn Minh Không, Giác Hải,Viên Thông, Từ Đạo Hạnh đời Lý, Phù Vân Quốc sư Trúc Lâm Đại Sa môn (Viên Chứng), Đại Đăng đời Trần. Lúc này, đạo pháp với dân tộc là một. Chính vua Lý Nhân Tông đã từng nói với thiền sư Mãn Giác rằng “Bậc chí nhân hiện thân ở cõi đời tất phải làm việc để cứu chúng sinh, không hạnh nào là không cần có đủ, không việc gì không phải chăm lo, chẳng những đắc lực về thiền định và trí tuệ mà cũng có công giúp ích cho nhà nước”. Hay như trước đó, thiền sư Lâm Huệ Sinh đã theo vua Lý Thánh Tông đi chinh phạt Chiêm Thành vào năm 1069 . Đây chính là sự tuỳ duyên bất biến theo tinh thần Phật giáo. Hoặc như vua Lý Nhân Tông đã từng tán thán công đức thiền sư Vạn Hạnh “Vạn Hạnh dung tam tế, Chân phù cổ sấm thi. Hương quan danh Cổ Pháp, Trụ tích trấn vương kỳ.” (Vạn Hạnh thông ba cõi, Lời ông nghiệm sấm thi. Quê hương làng Cổ Pháp, Chống gậy trấn kinh kỳ.) .

Thiền sư Pháp Bảo trong bài bia ở chùa Linh Xứng núi Ngưỡng Sơn – Thanh Hoá (Ngưỡng Sơn Linh Xứng tự bi minh) đã ca ngợi và đồng nhất người anh hùng cứu quốc Lý Thường Kiệt với con người Phật tử là một. Điều đó như là một niềm vinh dự cho cả dân tộc và Phật giáo Đại Việt. Và còn rất nhiều dẫn chứng khác nữa. Những điều vừa nêu trên đủ để khẳng định vai trò Phật giáo đối với sứ mệnh dân tộc là rất lớn. Bởi đạo Phật sau một thời gian dài được truyền vào Việt Nam lúc này đã được “bản địa hoá” .

Chính tinh thần này đã làm cho Phật giáo Đại Việt bấy giờ có một diện mạo và đặc trưng riêng biệt, trở thành lực lượng chủ lực trực tiếp tham gia trên vũ đài chính trị với một hệ thống tổ chức Phật giáo chặt chẽ tiêu biểu để chống lại sự đồng hóa văn hóa ngoại xâm của các thế lực phương Bắc. Cụ thể Phật giáo thời Lý Trần đã định hình cho một nền văn học Phật giáo Lý Trần ra đời trong dòng chảy của nền văn học Việt Nam. Và hệ quả tất yếu là Phật giáo Trúc Lâm ra đời sau khi hợp nhất ba thiền phái: Tỳ Ni Đa Lưu Chi, Vô Ngôn Thông, Thảo Đường vào đời Trần. Chính Thiền phái này đã tạo ra các giá trị văn hóa, văn học qua những tác phẩm tiêu biểu của thiền phái để lại cho đời. Do đó, chúng ta không có gì ngạc nhiên, các thiền sư, các thiền gia Phật tử phát biểu qua các tác phẩm văn học của mình cất lên tiếng nói mang âm hưởng chính trị đối với quyền lợi đối với quốc gia dân tộc. Cũng chính trong cuộc đấu tranh và phát triển đầy cam go gian khổ nhưng rất hào hùng và hoành tráng của dân tộc trước những thời khắc lịch sử gay gắt quyết liệt nhất với kẻ thù thì lại xuất hiện những anh tài đứng ra gách vác trọng trách đất nước, góp sức đưa còn thuyền dân tộc cập bến vinh quang. Tự thân các thiền sư, thiền gia, Phật tử là những người trực tiếp tham gia vào hoạt động chính trị, văn hóa qua các cuộc chiến tranh vệ quốc chống Tống và Nguyên Mông thần thánh. Do đó, các vị thiền sư, Phật tử tên tuổi thời này không chỉ có công với đất nước, gắn đạo pháp với dân tộc mà còn là nhà văn, nhà thơ dạt dào cảm hứng. Hầu hết các tác phẩm họ tham gia sáng tác đều xoay quanh vấn đề chính trị, hoặc các chủ đề khác nhau nhưng vẫn bày tỏ tấm lòng yêu nước, yêu đạo của mình liên hệ đến vấn đề quốc gia, dân tộc.

Chính đây là cơ sở, là diện mạo làm nên nét đặc trưng toàn bộ thơ văn thiền Phật giáo Đại Việt thời Lý Trần.

Thực tế, những tác phẩm mang âm hưởng chính trị rõ nét như bài Quốc Tộ của thiền sư Pháp Thuận nói về vận nước; cho đến bài Thị Đệ Tử của thiền sư Vạn Hạnh diễn dịch triết lý hành động, suy nghĩ về đạo đức con người trước sự thịnh suy cuộc đời; rồi đến lời khuyên của Quốc sư Phù Vân trên núi Yên Tử đối với vua Trần Thái Tông trở về kinh đô vừa làm vua, vừa chuyên tâm tu hành để làm Phật khi nhà vua có sự bất đồng chính kiến với Trần Thủ Độ vào năm 1236 cũng nói lên tinh thần phóng khoáng, một quan điểm trị quốc an dân mang dấu ấn đặc thù của Phật giáo. Quốc sư phát biểu thật rõ ràng: “Trong núi vốn không có Phật, Phật ở ngay trong lòng. Lòng lặng mà biết, đó chính là chân Phật”. Và “Phàm là bậc quân nhân thì phải lấy ý muốn của thiên hạ làm ý muốn của mình, lấy tâm thiên hạ làm tâm của mình. Nay thiên hạ muốn đón Bệ hạ về thì Bệ hạ không về sao được! Duy chỉ có việc nghiên tầm kinh điển xin Bệ hạ đừng chút sao lãng mà thôi”. Trần Thái Tông thực hiện lời khuyên chân thành của Quốc sư, trở thành bậc minh quân xuất sắc của nhà Trần, đồng cũng là thiền gia chứng ngộ, đặt nền móng tư tưởng cho thiền phái Trúc Lâm ra đời sau này với những tác phẩm thiền học đầy chất thi ca văn học cho cả thời đại.

2. Tính năng động thứ hai mà Phật giáo thể hiện trong quá trình hội nhập cần được bàn đến là mối quan hệ giữa Phật giáo và nhà nước qua các triều đại, qua các thời kỳ, bao giờ cũng song hành cùng nhau tồn tại và phát triển. Sự thật này đã được quy định rõ từ thời Mâu tử về chức năng và nhiệm vụ của Phật giáo thông qua sự phát biểu về con đường Phật giáo như đã nói trên. Các nhà lãnh đạo Phật giáo sau này, nhất là thời Lý Trần đã kế thừa và vận dụng tinh thần này một cách triệt để nên không bao giờ có sự tranh chấp giữa giáo quyền và thế quyền. Ngay cả khi những người Phật giáo trực tiếp tham gia chính trị và đầy đủ quyền uy và hội đủ các điều kiện cần thiết, họ vẫn không có tham vọng tách rời ý thức giữa giáo quyền và thế quyền theo một ý đồ, mục đích riêng tư nào cả. Các thiền sư, Phật tử hành đạo, ngộ đạo có đủ lý do để trả lời vì sao họ không có tham vọng xây dựng một giáo quyền áp đặt với chính quyền. Tinh thần vô trụ, vô ngã đã cung cấp cho người Phật tử một cái nhìn duyên sinh, duyên diệt trong tiến trình vận hành bao la của vũ trụ, kể cả cuộc đời con người. Vì thế, tự thân mỗi người Phật tử là không ngừng nỗ lực đi đến sự chứng ngộ mà không hề sợ hãi trước sự thay đổi của thế giới tự nhiên cũng thế giới con người. Đây chính là cơ sở, động lực mà giới Phật tử Đại Việt làm nên hào khí Đông A hào hùng bấy giờ, thúc đẩy sự phát triển đất nước. Hơn nữa, đời sống đạo của người Phật tử cần thể hiện thái độ sống xả ly, tri túc, khoan dung độ lượng, nhất là biết tôn trọng con người là những vị Phật sẽ thành. Do đó, sự thiết lập giáo quyền trong đạo Phật là sự thật không bao giờ xảy ra trong lịch sử Phật giáo Đại Việt thời đó, và Việt Nam sau này.

Từ sự nhận thức như thế, các thiền sư Phật tử tham gia đóng góp cho sự nghiệp dựng nước và giữ nước không bao giờ đòi hỏi đất nước bất cứ điều gì mà chỉ nghĩ mình đã đóng góp gì cho đất nước. Chính điều này mà các nhà lãnh đạo quốc gia và nhân dân qua từng giai đoạn, qua thời đại đặt trọn niềm tin vào giới Phật giáo trong quá trình hội nhập. Thế nên, thơ văn của các thiền sư Phật tử bao giờ cũng cất lên tiếng nói yêu thương suy ngẫm về những thân phận con người, những nỗi niềm ưu đời mẫn thế, hoặc cất lên lời tán dương thiên nhiên hữu tình với bao kỳ quan của đất nước, thậm chí ghi lại sự trực cảm tâm linh trước giờ phút chứng ngộ, cũng không đi ra ngoài việc trả lời câu hỏi con đường Phật giáo là gì mà chúng ta đã nêu. Điều này càng khẳng định chủ trương của Phật giáo thời Lý Trần trước sau như một là đặt sự tồn vong của chính mình trong sự tồn vong của dân tộc Đại Việt. Hẳn nhiên sự tồn của dân tộc, của Phật giáo có tính liên hệ hữu cơ liên quan đến từng cá thể làm nên dân tộc và Phật giáo. Thế nên, Phật giáo dù có đề ra mục đích tối hậu của mình là giải thoát khổ đau, chứng ngộ Niết bàn, tức là mỗi cá nhân phải đạt đến giác ngộ giải thoát trong đời sống đạo thì mục tiêu đó chỉ thành tựu khi cá thể đó tự đặt mình trong tương quan tương duyên với từng cá thể khác nhau cùng tồn tại trong một cộng đồng. Cụ thể, nó lý giải quan điểm duyên sinh của Phật giáo, không ai có thể sống riêng biệt một mình mà phải sống hòa điệu với thiên nhiên, con người, xã hội làm nên tất cả. Từ đây, con người có một cái nhìn bao dung độ lượng với con người xung quanh và thế giới hiện hữu, nhất là ý thức sự cần thiết của niềm tin, của ý niệm hòa bình, đoàn kết và thân ái cùng nhau xây dựng một đời sống hạnh phúc thật sự. Kết qủa Phật giáo thời Lý Trần đã hiện thực hóa hào khí Đông A làm nên lịch sử huy hòang cho cả dân tộc.

3. Tính năng động thứ ba trong quá trình hội nhập mà là Phật giáo thể hiện đã góp phần tạo nên bản sắc văn hóa dân tộc. Đó là hệ quả tất yếu từ hai đặc trưng nói trên. Tại đây, nó không chỉ cho ta cái nhìn về văn hóa Đại Việt từ trong quá khứ hào hùng của cha ông tạo dựng mà còn từ nền văn hóa quá khứ ấy để xây một nền văn hóa mới nhưng vẫn đậm đà bản sắc dân tộc, thích ứng với xu hướng hội nhập toàn cầu. Cụ thể một nền văn học dân tộc tiếp tục vận hành theo sự biến chuyển dòng mạch lịch sử dân tộc qua những áng văn chương mà chủ yếu của các thiền sư Phật tử. Những sáng tác của các vị tuy hiện nay không còn là bao, bởi do binh hoả chiến tranh, thiên tai lũ lụt, nhưng những gì còn lại có ghi trong Thiền uyển tập anh cũng đủ để chứng minh có một bộ phận văn học với một tiếng nói rất riêng trong văn chương Việt Nam: Văn học Phật giáo mà văn học Phật giáo thời Lý Trần là tinh hoa, đỉnh cao của văn học Phật giáo Việt Nam. Bộ phận văn học này là một thành tố không thể thiếu của văn học Việt Nam. Nó có diện mạo riêng, đặc điểm riêng trong dòng chảy văn học nói chung. Điều cần nhấn mạnh là văn học Phật giáo thời Lý Trần đã vinh dự là một bộ phận văn học chính thức mở đầu, có nhiệm vụ khai phá và mở đường cho văn học viết Việt Nam kể từ sau khi nước nhà giành độc lập. Những sáng tác đầu tiên của văn học viết cũng thuộc về nhà chùa mà tác giả của nó là những cao tăng đắc đạo. Và nếu yêu nước và nhân đạo là hai nội dung lớn, hai tư tưởng lớn, hai chủ đề xuyên suốt của văn học Việt Nam từ xưa đến nay thì văn học Phật giáo Lý Trần được vinh dự là một bộ phận văn học góp phần đặt nền móng vững chắc cho hai nội dung, tư tưởng, chủ đề nói trên.

Chỉ cần xem qua Thiền uyển tập anh và một số thư tịch cổ xưa khác cũng đủ minh hoạ cho lực lượng sáng tác văn học Phật giáo thời này thật hùng hậu. Tác giả của bộ phận văn học này chủ yếu là thiền sư, thứ đến là vua chúa, quý tộc, quan lại và một bộ phận nhỏ nho sĩ sùng mộ đạo Phật. Nội dung sáng tác thể hiện rõ thế giới quan, nhân sinh quan Phật giáo, triết lý, đạo đức, giáo dục, lễ nghi mang âm hưởng màu sắc văn hoá đạo Phật hoặc mang cảm hứng Thiền đạo. Về mặt thể loại ngoài kệ và thơ thiền là thể loại chiếm số lượng lớn, văn học Phật giáo còn có các thể loại khác như: sấm vĩ, từ khúc, ai, điếu, tán tụng, tụng cổ, niêm tụng kệ, ngữ lục, luận thuyết tôn giáo, bi, minh, ký, truyện truyền đăng, thiền phả... Nhìn ở góc độ thể loại văn học mà nói, việc các tác giả sử dụng nhiều thể loại để sáng tác đủ minh chứng cho tình hình sáng tác văn học Phật giáo thời kỳ này thật phong phú về nội dung phản ánh và hình thức thể hiện. Suy cho cùng, văn học Lý Trần, trong đó có văn học Phật giáo Lý Trần, theo quy luật chịu ảnh hưởng của hệ thống thể loại, thi pháp văn học trung đại, đậm đặc tính chức năng, giáo hoá, giáo huấn, bác học trang nhã, quy phạm, bút pháp ước lệ tượng trưng và chịu ảnh hưởng thế giới quan tôn giáo. Cho dù bộ phận văn học ấy được sáng tác dưới ánh sáng của tư tưởng Phật giáo Thiền tông nhưng tư tưởng ấy mang tính Tam giáo đồng nguyên đã được dung hoà rồi Việt hoá. Cho nên không lấy làm lạ, đọc các tác phẩm văn học thời này ta bắt gặp các yếu tố như điển tích, thi văn liệu lấy từ Thánh kinh Hiền truyện, các yếu tố ngôn ngữ của Nho, Lão. Đó chỉ là sự tiếp biến của nguyên lý nhà Phật “một là tất cả, tất cả là một”, sự thể hiện chẳng qua là “phương tiện quyền xảo” để giáo hoá mà thôi.

Rõ ràng, việc xác định cụ thể các thể loại, thể tài văn học thời Lý Trần, trong đó có văn học Phật giáo chỉ mang tính chất tương đối. Nguyễn Huệ Chi đã định hướng cho cách phân loại thể loại văn học Lý Trần như sau trong phần “Khảo luận văn bản”, trong bộ Thơ văn Lý Trần, tập 1: “Chỉ có thống kê tỷ mỷ tất cả mọi đặc điểm riêng và chung, về nghệ thuật cũng như về phương thức biểu hiện nội dung tác phẩm, của mọi thể thức viết văn mà thời đại Lý Trần đã thông dụng thì mới phân định được thật hợp lý các thể loại văn học Lý Trần. Những đặc điểm chung nhất và bền vững nhất cho một số hình thức văn chương sẽ có tác dụng tập hợp các hình thức đó vào trong một loại. Những đặc điểm thấp hơn, riêng biệt hơn và cũng kém bền vững hơn, sẽ làm cho mỗi loại phân thành nhiều thể. Và những đặc tính trung gian giữa từng loại, thể lại có tác dụng nối các loại các thể trong một chỉnh thể với nhau” .

Văn học Phật giáo đã thể hiện hầu hết các thể loại và không ngừng phát triển về hình thức thể hiện để đáp ứng nhu cầu đời sống văn học. Bằng chứng từ kệ và thơ thiền, tụng, từ khúc, bi, ký, minh… thể hiện ở các tác phẩm đời Lý thì sang đầu đời Trần và về sau đã xuất hiện thêm ca, tụng cổ, phú, luận thuyết tôn giáo, thơ trữ tình, thơ tự sự, các thể truyện, truyền đăng...Thậm chí, trong một tác phẩm lại dùng nhiều thể loại, thể tài để sáng tác như Khoá hư lục của Trần Thái Tông chẳng hạn.

Về ngôn ngữ, văn học Phật giáo Lý Trần bên cạnh sử dụng chữ Hán là chủ yếu thì còn sử dụng chữ Nôm để sáng tác. Dù mảng văn học chữ Nôm của bộ phận văn học này qua thư tịch hiện còn lại rất ít nhưng cũng phải khẳng định rằng nhà chùa là nơi đầu tiên chế tác ra chữ Nôm. Việc các nhà sư do yêu cầu thực hiện lễ nghi tôn giáo khi cầu nguyện cho thập phương bá tánh, cần ghi tên thí chủ, tên làng, tên xã vào các văn tự sớ điệp để hành lễ mà những tên tuổi, địa danh quê quán này trong chữ Hán không có.

Về sau, các vị Tổ phái Trúc Lâm đời Trần sử dụng chữ Nôm để sáng tác văn học đủ chứng tỏ sự tiếp biến ngôn ngữ văn tự nước ta thật hoàn mỹ, như là một gia sản quý báu, chứng tỏ bản lĩnh văn hoá của dân tộc đã được khẳng định, phát triển và nâng cao. Nhà ngôn ngữ học Nguyễn Tài Cẩn đã viết: “Sự xuất hiện chữ Nôm đáng được coi như là một cái mốc lớn trên con đường tiến lên của lịch sử. Và kho tàng văn bản chữ Nôm cũng như bản thân chữ Nôm được coi như là một gia tài văn hoá quý báu của dân tộc ta” . Tại đây, chúng ta có đủ cơ sở để lý giải sự phát triển sự không ngừng nền văn học thời kỳ này, nhất là văn học Phật giáo trên mọi phương diện, từ nội dung tư tưởng cho đến hình thức nghệ thuật biểu hiện tính dân tộc. Nó có tác động mạnh mẽ trong đời sống học thuật bấy giờ và định hướng cho văn hóa, giáo dục Việt Nam sau này.

4. Tính năng động thứ tư của Phật giáo trong quá trình hội nhập là sự thể nhập vào đời sống thực tiễn trên mọi lĩnh vực. Cụ thể, tinh thần nhập thế của Phật giáo trong sự đồng hành cùng dân tộc bảo vệ và xây dựng đất nước qua từng thời đại. Ngay từ thời du nhập, Phật giáo chức năng cũng hoàn thành sứ mệnh của nó, một mặt Phật giáo, trong đó chủ thể là các nhà sư và Phật tử phải tham gia tích cực cùng toàn dân chống lại đô hộ của phương Bắc Trung Hoa, một mặt phải chống lại nền văn hóa nô dịch đồng hóa xâ hội. Không phải ngẫu nhiên mô hình kiến lập quốc gia được thiết lập theo kết cấu “Đất vua – Chùa làng – Phong cảnh Bụt” được giới giới lãnh đạo Quốc gia và Phật giáo bấy giờ nỗ lực xây dựng nhằm bảo vệ chủ quyền đất nước, cũng là bảo vệ đạo pháp, bảo vệ văn hóa nước nhà. Ba thành tố đó thực chất chỉ là một, bởi vì suy cho cùng đất là của vua, tức là của dân; trong đó mỗi làng đều có chùa, mà chùa thì do sư ở và trông coi đời sống số đông quần chúng Phật tử thực thi đời sống đạo. Hóa ra, khắp cả nước đâu cũng có chùa, mà nhiều chùa trở thành phong cảnh Bụt là ước nguyện chung cả đồng dân tộc Việt Nam từ xưa đến nay. Và như thế Phật giáo đã hoàn thành sứ mệnh trong một bối cảnh lịch sử dân tộc ta phải luôn đối diện sự xâm lược phương Bắc một cách thường trực. Việc kiến thiết quốc gia, bảo lưu văn hóa nước nhà thông qua chương trình hành động cụ thể mà giới Phật giáo khuyến khích làm là:

“Xây chùa, dựng tượng, đúc chuông
Trong ba việc ấy thập phương nên làm”

Xây chùa là xây dựng tâm thức đời sống người dân Việt Nam bấy giờ sống theo nếp sống đạo. Chùa là cơ sở sinh hoạt văn hóa, giáo dục, đạo đức, tín ngưỡng cộng đồng duy nhất mà thời đó có thể thiết lập. Nhà chùa trở thành nhà trường, nhà sư trở thành nhà giáo, thầy thuốc, nhà địa lý, nhà kiến trúc ….khi mà mọi việc, mọi yêu cầu nhỏ nhất của mỗi người cho đến việc quốc gia đại sự đều được giải quyết từ trong những ngôi chùa làng thân thương. Có thể nói, bấy giờ xây chùa là xây dựng sự phát triển sự sinh hoạt cộng đồng trên mọi lĩnh vực từ văn hoá, kinh tế, chính trị văn hoá, trên hết là nơi tập họp sức mạnh đoàn kết toàn dân, bởi vì nội lực cộng sinh cả dân tộc đều hình thành và lớn mạnh xuất phát từ trong đời sống sinh hoạt và tu tập ở các ngôi chùa. Dựng tượng là dựng lại hình ảnh ông Phật ở trong lòng phải được hóa hiện qua việc tu thân sửa tánh, hiếu thảo cha mẹ và chị em trong nhà, ra ngoài xã hội thì đóng góp cho dân cho nước mà Mâu Tử từng nói. Đúc chuông là đúc kết quá trình thực nghiệm tâm linh trong đời sống vốn biến động không ngừng để tỉnh thức mà hành xử cho đúng đạo lý làm người. Kết quả là dân tộc đã vượt ra khỏi sự đồng hóa văn hóa phương Bắc trong tâm thức người dân Việt.

Khi đất nước độc lập kể từ sau chiến thắng Bạch Đằng lịch sử vào năm 939, sau các triều đại Đinh, Lê đến triều đại Lý Trần thì Phật giáo đứng trước một vận hội mới đầy thách thức khi nước nhà bước sang một kỷ nguyên độc lập, tự chủ. Hướng đi Phật giáo ắt hẳn phải thay đổi cụ thể mới đáp ứng nhu cầu lịch sử dân tộc đặt ra.. Từ một nền Phật giáo chức năng theo xu hướng hội nhập thời đại dần dần đã chuyển sang một nền Phật giáo thế sự. Các thiền sư đã sát cánh các vị vua và quan lại triều đình để vạch định chính sách quốc gia với hai nhiệm vụ chiến lược: tái thiết đất nước và đối phó các cuộc chiến tranh vệ quốc có nguy cơ xảy ra thường trực. Phật giáo bấy giờ chủ động đứng trên vũ đài chính trị, mục đích là xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân trong thời kỳ đầu đất nước mới độc lập. Vận nước ngắn dài tùy thuộc vào lòng dân. Người lãnh đạo phải biết nắm lấy lòng dân, biết đoàn kết với dân thì vận mệnh của triều đình sẽ dài lâu. Hình ảnh “vận nước như đằng lạc” mà Pháp Thuận cổ xúy cũng như hình ảnh bó đũa để chỉ cho sự đoàn kết. thực chất đó chính là quan điểm chủ trương của dân tộc ta, khi mọi người dân biết kết hợp từng sợi dây, từng chiết đũa thì không có một thế lực nào cắt ly sức mạnh đoàn kết của dân tộc.

Dưới triều đại nhà Tiền Lê, chúng ta thấy thiền sư Vạn Hạnh hết lòng phò tá vua Lê Đại Hành giúp nhà Tiền Lê trị vì đất nước và bảo vệ biên cương lãnh thổ. Sư là người giúp vua quyết định đánh Chiêm Thành thắng lợi. Tuy nhiên, đến đời vua Lê Ngọa Triều hoang dâm vô độ, bỏ bê việc nước thì sư Vạn Hạnh sẵn sàng đưa Phật tử Lý Công Uẩn đang giữ chức Thần vệ, người được đào tạo trong nhà chùa lên thay, lập ra triều đại nhà Lý như Thiền Uyển tập anh tờ 51b7- 53a8 ghi “… Ngày Thái Tổ lên ngôi, sư ở chùa Lục Tổ đã biết trước gọi vương vào chú bác vào nói: “Thiên tử đã băng, Lý Thần vệ đang ở nhà. Tay chân họ Lý túc trực trong thành lên đến số ngàn, nội trong ngày Thân vệ ắt sẽ được thiên hạ”. Rõ ràng, trong trường hợp vị vua triều đại nào đi ngược lòng dân, thì các thiền sư cũng sẵn sàng thay ngựa giữa dòng để lập triều đại mới lãnh đạo đất nước giữ vững nền độc lập. Điều đó chứng tỏ, tính năng động của Phật giáo dựa trên nguyên lý tùy duyên bất biến, bất biến tùy duyên được vận dụng cụ thể hóa để giải quyết các vấn đề thách thức trong quá trình hội nhập trước vận hội mới của đất nước.

Nhà Lý lên ngôi mở đầu bằng vị vua Lý Công Uẩn, một Phật tử thuần thành, ngay từ nhỏ ăn cơm chùa, sống với chùa và học giáo lý nhà chùa, nói chung là mẫu người được đào tạo trong chùa Lục Tổ, ắt hẳn sẽ lãnh đạo đất nước theo tư tưởng mà Vạn Hạnh đã truyền đạt. Công việc đầu tiên của vị vua là dời đô mà ta hiện ta còn bảo lưu văn bản Thiên đô chiếu (Chiếu dời đô) là một minh chứng. Dưới tác động của thiền sư Vạn Hạnh, là người từng được vua Lý Nhân Tông xem là người “Chống gậy tầm xích trấn vững kinh kỳ”, thì việc dời đô là mở mang đất nước, đồng nghĩa mở mang ngôi nhà Phật pháp trên tầm cao mới. Rõ ràng tư tưởng Nhậm vận, vô trú, vô trước mà Vạn Hạnh đề xuất được thể hiện qua tính năng động của Phật giáo tùy thời, tùy mỗi giai đoạn lịch sử của đất nước trước những thách thức và cơ hội. Việc dời đô, định đô là công việc quan trọng, liên quan đến quốc kế dân sinh của cả dân tộc. Một việc trọng đại như thế không phải là chủ trương của một người, mà nhà vua chỉ là người thay mặt toàn dân thực thi ý muốn của trăm họ. Trong Chiếu dời đô, vua cho rằng vận mệnh hai nhà Đinh và Tiền Lê bị non yểu là do họ lại “theo ý riêng mình”, cứ đóng yên nơi đô thành cũ. Việc xác định kinh đô mới là xuất phát từ một vận hội mới của đất nước trước một thực tiễn của một tầm nhìn mới mà bài Chiếu dời đô nói rõ: “Thăng Long được cái thế rồng cuộn hổ ngồi…tiện hướng nhìn sông tựa núi. Địa thế rộng mà bằng, đất đai cao mà thoáng…Xem khắp đất Việt ta chỉ thấy nơi đây là thaắng địa. Thật là chốn hội tụ trọng yếu của bốn phương đất nước, cũng là kinh đô bậc nhất của đế vương muôn đời”.

Kế đến là nhà Lý thực thi chính sách dùng Chánh pháp để quản dân, an dân trong việc xây dựng và bảo vệ thành quả độc lập tự chủ. Mô hình lý tưởng để đào tạo mẫu người vừa có lòng yêu nước vừa biết giữ nếp sống đạo là xây dựng trường đào tạo con người trong khuôn viên nhà chùa một cách tự nhiên với tinh thần thoáng mở dân chủ. Do đó, trái hẳn các vị vua trước đó chỉ lo xây dựng cung điện, Lý Thái Tổ lên ngôi, sau việc dời đô, ông đã kiến thiết rất nhiều chùa để giữ dân, quản dân, an dân. Chúng ta chẳng ngạc nhiên gì khi Lê Văn Hưu, tác giả Đại Việt sử ký đứng trên lập trường Nho giáo mà phê phán những người theo Phật giáo lãnh đạo đất nước Đại Việt như vua Lý Thái Tổ lên ngôi chưa bao lâu không lo xây dựng xã tắc, mà tập trung xây chùa: “Lý Thái Tổ lên ngôi chưa được hai năm, nhà tông miếu chưa lập mà đã tạo dựng ngôi chùa ở phủ Thiên Đức, trùng tu chùa chiền ở các lộ, độ hơn một nghìn người ở kinh sư làm tăng, hao phí thổ mộc tài lực không kể xiết”. Hoặc: “Ôi! Trù mưu trong màn trướng quyết thắng ở ngoài nghìn dặm đều là chiến công của tướng giỏi. Thái phó Lý Công Bình phá giặc Chân Lạp ở châu Nghệ An, sai người báo tiếp về, thì vua Thần Tông… lại quy công cho đạo Phật mà đến chùa bái tạ, không có gì để úy lại cho kẻ có công”. Xem ra các lời phê phán Phật giáo của danh nho Lê Văn Hưu, Trương Hán Siêu, Phạm Sư Mạnh, Lê Quát đều không vượt ra ngoài những lời của Hàn Dũ (thời Đường) phê phán Phật giáo như sử sách đã ghi. Nó càng minh chứng tính năng động của Phật giáo trong quá trình hội nhập trước thời cuộc là hợp với tình hình thực tiễn của đất nước qua từng thời kỳ phát triển.

Sự kiện đáng chú ý nữa là vua Lý Thái Tông ban hành bộ luật Hình thư mà Đại Việt sử ký toàn thư ghi:“Nhâm ngọ (1042), mùa đông tháng 10 (…) ban hành Hình thư. trước kia thiên hạ kiện tụng rối rắm, viên chức luật pháp câu nệ văn luật, cốt làm khắc nghiệt, thậm chí có người bị oan uổng. Vua lấy làm thương xót, sai trung thư san định luật lệnh, châm chước cho thích thời bấy giờ, chia làm muôn loại, biên ra điều khoản, riêng làm hình luật cho một triều đại, để cho người xem dễ hiểu. Sách làm xong, xuống chiếu ban hành, dân lấy làm tiện. Đến đó, phép xử thắng thắn, rất rõ ràng, nên có lệnh làm cải nguyên Minh Đạo”

Bộ luật này khi ban hành đã đáp ứng được nguyện vọng của nhân dân Đại Việt bấy giờ, trong đó nó mang dấu ấn tư tưởng Phật giáo mà chúng ta thấy rõ ở trong văn bản còn bảo lưu. Đó là ngoài nội dung bảo vệ hoàng triều, thể chế trung ương tập quyền, bảo vệ nguồn thu nhập của nhà nước là ruộng đất, củng cố đẳng cấp xã hội, và thừa nhận quyền tư hữu về ruộng đất, đề cao sản xuất nông nghiệp, nó còn được Lý Thái Tông bổ sung một điều khoản hết sức quan trọng vào tháng 11 năm 1042 mà Đại Việt sử ký toàn thư ghi: “Tháng 11 xuống chiếu rằng: “Những người 70 tuổi trở lên, 80 tuổi trở xuống, 10 tuổi trở lên, 15 tuổi trở xuống và những người thân thuộc nhà vua để tang chín tháng, một năm trở lại, có phạm thì cho chuộc. Phạm thập ác thì không ở trong lệnh này” . Ở đây, thập ác được ghi nhận: 1. Mưu phản, 2. Phá hủy tôn miếu cung cấm, 3. Nổi loạn theo giặc. 4. Giết ông bà cha mẹ. 5. Giết người vô tội. 6. Trộm cắp hoặc giả dấu ấn của vua. 7. Không để tang cha mẹ. 8. Đánh giết thân thuộc. 9. Giết thầy bạn lính tráng. 10. Thông dâm với bà con. Rõ ràng, nội dung Thập ác được xuất phát từ Kinh Thập thiện được giới Phật giáo làm tiêu chuẩn hình thành nhân cách con người cũng là nếp sống đạo đức Phật giáo từ lâu. Một người dân nào đó mà không sống theo mười điều thiện nghĩa là phạm thập ác thì trời đất không thể dung tha, huống gì là luật nhân quả nhà Phật đã vạch định.

Và như thế, hướng phát triển Phật giáo dần dần chuyển dịch theo vận hội mới của đất nước. Công cuộc chấn hưng văn hóa giáo dục sau chiến tranh đòi hỏi Phật giáo mở rộng đối tượng gíao dục và phạm vi giáo dục để đào tạo ra những mẫu người lãnh đạo đất nước trước mắt từ cấp Trung ương cho đền các làng xã. Chúng ta chẳng ngạc nhiên gì một vị vua Phật tử Lý Thánh Tông sau khi tiến hành sáp nhập Địa Lý, Ma Linh và Bố Chính của Chiêm Thành vào bản đồ Đại Việt vào tháng 7 năm 1069 và quyết định lập Văn Miếu vào tháng 8 năm Canh Tuất (1070) để làm nơi thờ tự Khổng Tử và 72 vị Thánh Hiền của Nho giáo. Đến năm 1076, Lý Thánh Tông cho xây dựng Quốc Tử Giám làm trường Đaị học đầu tiên trong lịch sử nước nhà. Nền Đại học Việt Nam được khai sinh từ đó. Quyết định này khẳng định Đại Việt, trong đó chủ thể lãnh đạo là Phật giáo đã sẵn sàng “hội nhập” mọi trào lưu tư tưởng bấy giờ kể cả Nho giáo. Khoa thi đầu tiên trong lịch sử nước ta là 1075, sau đó một số khoa thi minh kinh bác học khác cũng được mở để đào tạo người hiền tài cho đất nước. Thực tế, khi nước nhà chưa độc lập, chưa có hệ thống đào tạo giáo dục theo trường lớp, thì nhà chùa phải đảm đách việc dạy học đủ các môn học. Khi nước nhà độc lập, việc ông vua Phật tử chủ động lập trường Đại học Quốc Tử Giám để đào tạo ra những con người lãnh đạo và phục vụ đất nước và đạo pháp với số lượng động là điều tất nhiên. Về sau, Trần Thái Tông vị vua đầu đời Trần đã thẳng thắn phát biểu trong Thiền tông chỉ Nam tự sự đào tạo và giảng dạy ấy thực chất là: “Phương tiện dụ quần mê, đường tắt tỏ sinh tử, là đại giáo của đức Phật ta. Làm cán cân cho hậu thế, làm khuôn mẫu cho tương lai, là trọng trách tiên Thánh” . Rõ ràng một người Phật tử không chỉ học kinh điển Phật giáo mà còn phải học những môn học khác ngoài Phật giáo mới đủ tri thức vận dụng vào thực tiễn đáp ứng các nhu cầu con người đặt ra trong cuộc sống. Cũng trong Thiền Tông chỉ Nam tự, Trần Thái Tông còn nói rõ, “Giáo pháp của đức Phật ta, lại nhờ vào Thánh nhân xưa để truyền lại cho đời” . Tại đây, nền học thuật nước nhà được nâng lên tầm cao, làm cơ sở để xây dựng và phát triển trong công cuộc chấn hưng đất nước.

Với những chuyển đổi trong sinh hoạt Phật giáo mang tính năng động như thế trước thời cuộc, kết quả Thiền phái Thảo Đường ra đời. Thiền phái này do vị sư bị ta bắt làm tù binh từ kinh đô Chiêm Thành trong cuộc chiến tranh 1069 sáng lập. Với thân phận là tù binh, Thảo Đường được đem cho một vị tăng lục làm nô tỳ là một sự việvc không có gì đáng ngạc nhiên. Thảo Đường đã chữa bản Ngữ lục của một vị tăng để trên bàn nhân vị đó đi ra ngoài. Điểm đáng nói là vị Tăng đó đem bản chữa Ngữ lục trình vua Lý Thánh Tông. Vua cảm phục và suy tôn làm Quốc sư. Dưới sự bảo trợ của triều đình, dòng Thiền ra đời và truyền qua 5 thế hệ:

- Khai Tổ: thiền sư Thảo Đường của Khai Quốc Thăng Long, truyền tông phái của Tuyết Đậu Minh Giác.

- Thế hệ 1: Hoàng đế Lý Thánh Tông, thiền sư bát Nhã chùa Từ Quang, cư sĩ Ngộ Xá. Ba vị này nối pháp Thảo Đường.

- Thế hệ 2: Tham chính Ngô Ích nối pháp Hoàng đế Thánh Tông, thiền sư Hoàng Minh hương An Lãng, Vĩnh Hưng nối pháp bát Nhã, Thiền sư Không Lộ chùa Nghiêm Quang, Hải Thanh, thiền sư Định Giác, tức Giác Hải vậy. hai vị này nối pháp Ngô Xá.

- Thế hệ 3: Thái phó Đỗ Vũ, nối pháp Ngô Ích. Thiền sư Phạm Âm, An La nối pháp Thiệu Minh. Lý Anh Tông, thiền sư Đỗ Đô, hai người này nối pháp Định Giác.

- Thế hệ 4: Thiền sư Trương Tam Tạng nối pháp Phạm Âm, thiền sư Chân Huyền, Đỗ Thường nối pháp thiền sư Đỗ Đô.

Thế hệ 5: Thiền sư Hải Tịnh, Lý Cao Tông, Nguyễn Thức, nối pháp Trương Tam Tạng, Phụng ngự Phạm Đẳng nối pháp Chân Huyền.

Nhìn vào sự kế thừa trên, chúng ta thấy sự đắc pháp đã chuyển dịch sang giới Cư sĩ, hình thành một giới Phật tử đắc pháp, chứng tỏ Phật giáo đã lan tỏa và năng động tích cực hội nhập trong đời sống thực tiễn. Họ có thể sống trọn vẹn cuộc đời trần thế nhưng vẫn đắc pháp như vua Lý Thánh Tông chẳng hạn. Như vậy, dưới sự bảo trợ của thể chế vua quan triều đình, dòng thiền Thảo Đường với chủ trương Phật giáo thế sự đã tích cực đóng góp cho công cuộc chấn hưng đất nước, trong đó có Phật giáo.

Sang đời Trần, vị vua Phật tử khai sáng nhà Trần là Trần Thái Tông. Dưới tác động của Quốc sư Phù Vân, vua đã lấy lời khuyên của Quốc sư để làm kim chỉ nam trong việc tu học và hành xử: “Phàm làm đấng nhân quân, phải lấy ý muốn của của thiên hạ làm ý muốn của mình, lấy tâm thiên hạ làm tâm của mình”. Tinh thần này thể hiện rõ trong Khóa hư lục. Ở đó, ông vừa làm vua, vừa làm Phật ngay giữa cõi đời này. Trên hai phương diện đó, ông đều có đủ khả năng để cứu dân thoát khỏi xiềng xích của giặc ngoại xâm Nguyên Mông luôn nhòm ngó thôn tính nước ta và cứu độ người dân ra khỏi bờ mê. Thực tế, Trần Thái Tông là người mở mang cơ nghiệp nhà Trần, đồng thời cũng là vị thiền gia triển khai thành công Phật giáo Nhất tông, nhập thế, tùy tục. Vì thế, ông chấp nhận từ bỏ ý nguyện vào núi Yên Tử làm Phật. Bởi Phật luôn ở trong tâm, khi tâm thanh tịnh trong sáng thanh tịnh chính là Phật. Cái ý muốn cá nhân, cái tâm cá nhân ấy phải là ý muốn của nhân dân, cái tâm của đồng bào, xứng đáng là “bậc làm cán cân cho hậu thế, làm khuôn phép cho tương lai” (Thiền Tông chỉ nam tự ). Tấm lòng ấy trở thành một tư tưởng chính trị để lãnh đạo quốc gia Đại Việt thắng quân Nguyên trong cuộc chiến tranh vệ quốc lần thứ nhất và xây dựng bảo tồn văn hóa Đại Việt. Trên hết, vua là người đặt nền móng tư tưởng cho thiền phái Trúc Lâm ra đời. Theo Nguyễn Duy Hinh, thiền phái Trúc Lâm ra đời dựa trên tiền đề xã hội và tôn giáo hình thành trong quá trình vận động lịch sử nước nhà. Nhà Trần trong buổi đầu thành lập, công việc cấp bách thiết thực nhất được đặt ra trước mắt với các nhà lãnh đạo quốc gia là xây dựng cho kỳ được một ý thức hệ độc lập thống nhất hòan toàn khác phương Bắc. Họ Trần lựa chọn Phật giáo Thiền tông làm ý thức hệ tiêu biểu, nhưng cũng cần thay đổi chút ít cho phù hợp với thực tiễn thời đại. Thiền phái mới được thiết lập nhằm bốn mục đích chính:


1. Biểu lộ tính độc lập dân tộc.
2. Thay đổi phần nội dung tiêu cực và thân ngọai.
3. Mục đích thống nhất ý thức hệ để tạo nên Phật giáo Nhất tông.
4. Khoác cho mình chiếc áo của một tôn giáo mới.

Thực tế, tư tưởng lập thiền phái mới được manh nha từ khi Phật giáo Thiền tông chủ trương nhập thế. Trần Thái Tông là vị vua đầu tiên nhà Trần, dưới cái nhìn của một nhà chính trị thì càng cương quyết thực hiện ý tưởng đó. Khi chấp nhận lời khuyên của Quốc sư Phù Vân như là quan điểm đạo pháp phục vụ chính trị và dân tộc thì ý tưởng thống nhất các thiền phái thành Phật giáo Nhất tông là điều tiên quyết đối với Trần Thái Tông. Dưới ảnh hưởng và uy tín của nhà vua vào thế kỷ XIII, ba thiền phái Tỳ Ni Đa Lưu Chi, Vô Ngôn Thông, Thảo Đường đã được sáp nhập và trở thành Thiền phái Trúc Lâm duy nhất đời Trần. Đây là chủ trương đúng đắn nhằm tạo ra sức mạnh đoàn kết và hợp nhất tư tưởng các thiền phái để phục vụ đạo pháp và dân tộc trong một bối cảnh lịch sử mới. Sự hợp nhất, thống nhất ý thức hệ này sẽ góp phần tạo ra hợp nhất tư tưởng dân tộc trong công cuộc mở mang đất nước với những yêu cầu và nhiệm vụ mới. Và lần nữa, Phật giáo luôn luôn năng động tùy duyên, tùy thời để đề ra những chương trình hoạt động cụ thể trước những vận hội mới, những cơ hội và thách thức mới mà những biến động xã hội, thời cuộc đưa lại. Người có công đặt nền móng cho tư tưởng thiền phái Trúc Lâm ra Trần Thái Tông, Tuệ Trung, Trần Thánh Tông nhưng phải đến thời Trần Nhân Tông với mệnh danh là Trúc Lâm Đầu Đà Điều Ngự Giác Hoàng thì Thiền phái mới chính thức đi vào hoạt động tích cực vào lòng xã hội Đại Việt.

Thiền phái Trúc Lâm trở thành một trong những đặc trưng nổi bật của Thiền tông Việt Nam khi nhìn nhận nó trong dòng chảy lịch sử nước nhà. Trong bài viết “Tìm hiểu về Trần Nhân Tông, vị Tổ sáng lập dòng thiền Trúc Lâm”, Mạn Đà La đã phát biểu: “Tinh thần của Thiền học Trúc Lâm là thiền học dân tộc, nghĩa là một mặt không ngừng phát triển tận cùng khả năng giác ngộ giải thoát để vươn lên đỉnh cao của con người: giác ngộ giải thoát hoàn toàn; mặt khác, không ngừng tích cực, xây dựng an lành cho chúng sinh bằng cách trước hết phục đất nước, dân tộc những gần mình và có ân nghĩa đối với cuộc sống của mình”.

Rõ ràng, Thiền phái Trúc Lâm đã đồng hành cùng dân tộc, mở ra trang sử huy hoàng cho cả thời đại. Thực ra, tinh thần nhập thế đã có từ thời Mâu Tử khi đạo Phật mới du nhập, nhưng phải đến Phật giáo đời Trần với Thiền phái Trúc Lâm thì tinh thần nhập thế mới được phát huy cao độ. Nó không chỉ tạo ra bản sắc Thiền tông Đại Việt mà còn tác động mạnh mẽ vào đời sống chính trị văn hóa xã hội nước nhà. Việc định hướng bảo vệ chủ quyền dân tộc, mở rộng biên cương, chấn hưng văn hóa Đại Việt của nhà Trần đều mang dấu ấn quan điểm Phật giáo, nhất là tư tưởng tùy duyên mà vui với đạo của Thiền phái. Sự thành công của nhà Trần là có các ông vua lãnh đạo đất nước biết vận dụng tư tưởng Cư trần lạc đạo để huy động sức mạnh đoàn kết toàn dân. Tiềm lực dân tộc trước hết nằm ở lòng yêu nước của toàn dân để xây dựng Đại Việt thành một quốc gia hùng cường mà không có một thế lực nào ngăn cản được.

Với tinh thần “tùy duyên bất biến và bất biến mà tùy duyên”của kinh Hoa Nghiêm, nó đã quy định tính chất nhập thế của Thiền phái. Khái niệm nhập thế không phải là thuật ngữ chỉ dành cho Nho giáo - một hệ thống triết học mang tính thực tiễn chính trị và luân lý đạo đức rất cao… Theo Trương văn Chung nhận định trong “Tư tưởng triết học của thiền phái Trúc Lâm đời Trần” thì khái niệm nhập thế này nhằm phân biệt và đối lập với khuynh hướng xuất thế của triết học Lão Trang. Cả hai khái niệm nhập thế của Nho giáo và xuất thế của Lão Trang mà tác giả này đề cập càng không thể đánh đồng với khái niệm nhập thế và xuất thế mà Phật giáo quy định. Khái niệm nhập thế đã được Phật định hình từ lâu theo tinh thần “Này các Tỳ kheo, hãy du hành, vì hạnh phúc cho quần sinh, vì an lạc cho quần sinh, vì lòng thương tưởng cho đời, vì lợi ích, vì hạnh phúc, vì an lạc cho chư Thiên và loài người” . Và các đệ tử của Phật từ xưa đến nay đã đi từ thành thị đến nông thôn…để làm lợi cho đời.

Xét cho cùng, khái niệm xuất thế của đạo Phật thì mang ý nghĩa nhập thế mà Phật đã vạch định. Bài văn Cảnh sách của Quy Sơn (771 – 853) rất phổ biến trong các thiền đường Việt Nam đã nêu khái niệm xuất thế khá rõ “Phù xuất giả phát túc siêu phương, tâm hình dị tục, thiệu long thánh chủng, chấn nhiếp ma quân, dụng báo tứ ân, bạt tế tam hữu” (Người xuất gia là cất bước thì muốn vượt tới phương cao rộng, tâm tính và hình dung khác hẳn thế tục, tiếp nối một cách rạng rỡ dòng giống của Phật, làm cho quân đội của ma phái rúng động, với mục đích báo đáp bốn ân, cứu vớt ba cõi” . Phật giáo Đại Việt với nền Phật giáo thế sự, lấy chủ trương tùy tục để nhập thế. Thông Thiền đệ tử Thường Chiếu đề xuất khái niệm xuất thế được xác lập theo tinh thần duyên sinh vô ngã “Chỉ xem ngũ uẩn đều không, tứ đại vô ngã, chân tâm không tướng, không đến không đi, khi sinh tính không đến, khi chết chẳng đi, yên tỉnh vên tịch, tâm cảnh như một. Phải hiểu được như vậy mới chóng đốn ngộ, không bị ba đời ràng buộc. Như thế, người xuất thế, tất thảy các điều ấy không thể tách rời nhau” .

Quy định nội dung xuất thế như thế, con người không nhất thiết xuống tóc xuất gia, chỉ cần ngộ cái lý năm uẩn là không, chân tâm không tướng… thể nhập đời trong mối tương quan mà có thái độ sống thích hợp, cống hiến cho đời là cho đạo. Huống nữa, Thiền phái còn y cứ kinh Pháp Hoa làm cơ sở lý luận cho việc nhập thế, thì quan điểm Phật giáo đi vào đời đã trở thành nét đặc trưng với lời dạy nổi tiếng về nhiệm vụ của một vị Phật là “khai thị ngộ nhập Phật tri kiến cho chúng sinh”. Và quan điểm vào đời ấy tùy thời, tùy yêu cầu từng giai đoạn của lịch sử giao phó mà Phật giáo tham gia đóng góp cho nước nhà. Đạo Phật nhập thế trở nên có một thế nhập lớn trong lòng dân tộc. Nó trở thành sợi chỉ đỏ xuyên suốt cho đường lối Thiền phái hoạt động từ đó và sau này:

“Trần tục mà nên, phúc ấy càng yêu hết tấc
Sơn lâm chẳng cốc, họa kia thực cả đồ công”.

Chính tư tưởng tu hành và giác ngộ ngay giữa trần tục đã hình thành nên mẫu người Phật tử biết đem đạo ứng dụng vào đời thật hữu ích. Chính Trần Thái Tông là người sống trong thế giới vật chất, sặc mùi danh lợi, thế mà ông vẫn hướng tâm giải thoát và lãnh đạo nhân dân ta đập tan cuộc chiến chống quân Nguyên lần thứ nhất và cũng là người chủ trương đặt nền móng cho Thiền phái Trúc Lâm ra đời. Không chỉ Thái Tông mà một loạt thiền sư xuất gia hay tại gia của giai đoạn này đều tích cực tham gia vào đời sống kinh tế, chính trị của đất nước. Họ có thể là những nhà tư tưởng chiến lược, tướng cầm quân, những nhà trí thức lớn, nhà thơ, nhà văn, thầy thuốc tùy theo sự phân công và khả năng của mình mà sẵn lòng tham gia không có một yêu cầu đòi hỏi nào cả, sống đúng đạo lý như Trần Nhân Tông nói trong Cư Trần lạc đạo:

“Sạch giới lòng, chùi giới tướng, nội ngoại nên Bồ tát trang nghiêm
Ngày thờ chúa, thảo thờ cha, đi đỗ mới trượng phu trung hiếu
Tham thiền kén bạn, nát thân mình mới khá hồi ân
Học đạo thờ thầy, dọt xương óc chưa thông của báo”

Hình tượng này là tiêu biểu cho mẫu người Đại Việt thời đại Đông A nói chung, chứ không phải riêng gì cho Phật giáo. Những người làm nên sự nghiệp hào hùng của dân tộc ta vào thời này hầu hết là Phật tử. Điển hình cho mẫu người lý tưởng này là Tuệ Trung Thượng sĩ. Ông có thái độ sống nhập thế tích cực vì dân, vì nước chứ không vì sự giải thoát cho mình. Ông trở thành vị tướng tài có công trong cuộc kháng chiến chống Nguyên Mông, đồng thời cũng là thiền sư ngộ đạo thể hiện rõ sự tự tại, giải thoát như bài Mê ngộ bất dị mô tả:

“Bất sinh hoàn bất diệt
Vô thủy diệc vô chung”
(Không sinh mà không diệt
Vô thủy lại vô chung)

Tinh thần này khiến người ta sống tự tại, nhất là luôn ý thức làm những việc nên làm, và không nên làm và có khi tạo những điều kỳ diệu cho nước nhà bất chấp mọi chướng duyên mà Trần Thánh Tông khuyến cáo trong bài Tự thuật:

“Nhất đàn chỉ phá vạn trùng san
Giá cá công phu dã thị nhàn”
(Búng tay phá đổ núi muôn trùng
Dường ấy công phu cũng nhẹ không)

Vận dụng tinh thần nhập thế của Thiền phái, ông đã cùng Trần Nhân Tông làm nên điều kỳ tích của lịch sử là lãnh đạo thành công hai cuộc chiến tranh vệ quốc xảy ra năm 1285 và 1287 khi ông xác định “Thiên hạ là thiên hạ của Tổ tông, người nối nghiệp của tổ tông phải cùng hưởng ứng phú quý với anh em trong họ. Tuy bên ngoài có một người ở ngôi tôn, được cả thiên hạ phụng sự, nhưng bên trong thì ta với các khanh là đồng bào ruột thịt. Lo cùng lo, vui thì cùng. Các khanh nên truyền những lời dạy này cho con cái để chúng không bao giờ quên, thì đó là phúc muôn năm của tông miếu xã tắc”.

Quan điểm đoàn kết thân dân chỉ thực hiện được khi mọi người dân cùng chung một quyền lợi và nghĩa vụ với người lãnh đạo đất nước. Và Trần Hưng Đạo viết Hịch tướng sĩ để cụ thể hóa vấn đề đó với toàn bộ tướng tá binh sĩ dưới trướng của mình. Còn Trần Nhân Tông thì với chủ thuyết Cư trần lạc đạo, hướng đến việc xây dựng mẫu người Phật tử nhằm bảo vệ độc lập và chấn hưng đất nước. Mỗi khi sự tồn tại quyền lợi của người này là điều kiện nhân tố cho quyền lợi người khác thì tất cả đồng phát triển. Mọi người dân hiểu yêu nước là yêu đạo, yêu gia đình là yêu cha mẹ, bà con, yêu mối tình vợ chồng, con cái trẻ thơ, yêu mộ phần tổ tiên ông bà, yêu hồn thiêng sông nước nuôi dưỡng con người.

Vì vậy, Thiền phái Trúc Lâm nhập thế tích cực hơn nữa. Sau thời kỳ Bắc thuộc, Đại Việt không ngừng vạch định chính sách phát triển đất nước bằng cách mở rộng bờ cõi. Nhà Lý đã sáp nhập ba châu Đại Lý, Ma Linh và Bố Chính, cùng với việc thành lập Thiền phái Thảo Đường. Đến đời Trần, yêu cầu phát triển kinh tế, phục hưng các giá trị văn hóa, việc gia tăng dân số trong thời bình trở nên vấn đề hàng đầu. Trần Thánh Tông đã cho phép các vương hầu, công chúa, phò mã, cung phi chiêu mộ dân nghèo các địa phương khai hoang, dãn dân nhằm đáp ứng việc gia tăng dân số mà Đại Việt sử ký toàn thư ghi rất rõ “Mùa Đông, tháng 10 (1266) xuống chiếu cho vương hầu, công chúa, phò mã, cung tần chiêu tập dân phiêu tán không có sản nghiệp làm nô tỳ để khai khẩn ruộng bỏ hoang, lập thành điền trang. Vương hầu có trang thực từ đấy.”
Rõ ràng, sự phát triển đất nước sau chiến tranh khiến nhà Trần có chính sách lâu dài về vấn đề dân số, kéo theo vấn đề kinh tế, an ninh chính trị. Bốn năm sau, Trần Nhân Tông tiếp tục sự nghiệp Nam tiến của cha mình là sáp nhập hai châu Ô Mã và Việt Lý vào bản đồ Đại Việt. Từ đây, Đại Việt không chỉ giải quyết được vấn đề áp lực gia tăng dân số mà còn thiết lập được một nền an ninh vững mạnh. Về mặt lý luận, Thiền phái Trúc Lâm ra đời với Phật quan Phật ở trong lòng tạo ra sự bình đẳng về con người giải thoát, bình đẳng về quyền lợi xã hội và khi đi vào hoạt động thực tiễn với tinh thần nhập thế, nó đã tác động mạnh mẽ trong công cuộc Nam tiến của dân tộc. Vào năm 1470, vua Lê Thánh Tông đã cắm cột mốc phía Nam của Tổ quốc trên núi Đá Bia ở Phú Yên, đến triều Nguyễn thì cuộc Nam tiến mở mang bờ cõi của dân tộc mới hoàn thành.

Hơn nữa, công cuộc chấn hưng đất nước đòi hỏi việc tái thiết các công trình văn hóa do kẻ thù tàn phá. Dưới tác động xây dựng mẫu người Phật tử lý tưởng của Thiền phái, mọi người dân đã tích cực tái thiết. Trong Cư trần lạc phú, Trần Nhân Tông nói rõ việc tái thiết quốc gia đó thật là sinh động: “Dựng cầu đò, giồi chiền tháp, ngoại trang nghiêm sự tướng hãy tu” . Việc Trần Nhân Tông đem mười điều thiện dạy khắp đã phản ánh chính sách dùng Chánh pháp để an dân mà trước đó hơn một nghìn năm đã được ghi vào kinh Lục độ tập. Một bản kinh được Phật giáo nước ta vận dụng nhuần nhuyễn phù hợp với đạo lý truyền thống. Nó được các nhà lãnh đạo quốc gia dùng làm “pháp luật quốc gia” nhằm đem lại sự bình an cho xã hội. Kết quả, Tổ quốc Đại Việt sau bao năm nỗ lực kiến thiết quốc gia là kiến lập cõi Phật ngay giữa cõi đời, được mô tả qua bài Vịnh Vân Yên tự phú của Huyền Quang Tam Tổ:

“Vào chưng cõi Thánh thênh thênh
Thoát rẽ lòng phàm phây phấy
Bao nhiêu phong nguyệt, thề thốt chẳng cùng
Hễ cảnh giang sơn, ai nhìn thấy đấy”

Vậy là thiền phái Trúc Lâm với tinh thần nhập thế đã góp phần giải quyết một loạt vấn đề đặt ra cho Phật giáo Đại Việt, đáp ứng các nhu cầu đòi hỏi của dân tộc. Sau thời Trần Nhân Tông, Phật giáo còn tích cực nhập thế với những nhiệm vụ mới mà lịch sử giao phó.

5. Ngày nay, đất nước ta đang trên đà phát triển và hội nhập vào nền kinh tế thị trường thế giới. Đời sống sinh hoạt của Phật giáo cũng nằm bối cảnh theo xu hướng toàn cầu hóa mà vận hành. Huống chi thuộc tính của Phật giáo là duyên khởi tính, vì thế Phật giáo cũng năng động uyển chuyển trong quá trình hội nhập trên mọi phương diện. Vấn đề là trong quá trình hội nhập, Phật giáo vẫn giữ sắc thái riêng của Phật giáo, của dân tộc, nhưng đồng thời cũng mang những tính chung của cộng đồng quốc tế, nhân loại.

Bản chất của nền kinh tế thị trường đòi hỏi sự tư duy sáng tạo để tạo ra các sản phẩm mới phục vụ tiện nghi đời sống con người trong chiều hướng cạnh tranh công bằng. Nó cũng bảo đảm tính thực dụng và mang lợi nhuận về cho nhà đầu tư, người tiêu dùng được hưởng sản phẩm chất lượng và giá cả phải chăng. Ưu việt của nền kinh tế thị trường sẽ tạo ra động lực phát khả năng sáng tạo của mỗi cá nhân, làm đòn bẩy cho xã hội phát triển trên mọi lĩnh vực. Như chúng ta đã đề cập, Phật giáo luôn phát triển song hành cùng dân tộc trong sự nghiệp xây dựng - bảo vệ và phát triển đất nước. Do đó, khi kinh tế đất nước hưng thịnh thì sự sinh hoạt Phật giáo ắt hẳn phát triển. Cũng dễ hiểu, tiềm lực của Phật giáo không chỉ nằm trong giới xuất gia mà còn chứa đựng trong khối đại đoàn kết của quần chúng Phật tử. Giáo lý Phật giáo là giáo lý thể hiện tính năng động trên tinh thần duyên khởi. Vả lại, đức Phật từng dạy “Phật pháp tại thế gian bất ly thế gian pháp”, do đó sự năng động và uyển chuyển đó chính là “tùy duyên mà bất biến”, “bất biến mà tùy duyên” mà thôi. Và như thế, trách nhiệm mỗi người Phật tử là tích cực học đạo, hành đạo tùy theo từng thời đại, hoàn cảnh với tính đa dạng của nền kinh tế thị trường mà tham gia tích cực đóng góp cho tự thân, gia đình và xã hội. Tính đa dạng của nền kinh tế thị trường vốn chẳng xa lạ gì giáo lý Phật giáo. Người Phật tử đã nắm rõ nguyên lý duyên khởi, vô thường, vô ngã thì họ sẽ dễ dàng thích nghi và tiếp cận chuyển hóa.

Vấn đề cuối cùng chúng tôi muốn đề cập là khi con người sống trong một xã hội phát triển của nền kinh tế thị trường, nếu không làm chủ tâm thức thì sẽ rơi vào dòng xoáy của cơn lốc đắm say hưởng thụ vật chất và chạy theo lợi nhuận, xa xút đời sống tâm linh. Thực tế cho thấy khi đời sống văn minh vật chất càng cao bao nhiêu thì đời sống tâm linh có chiều hướng đi xuống, nếu con người nếu không t ỉnh th ức tu tập, không đủ tỉnh thức nhận biết sự thật chân giá trị hạnh phúc. Bằng chứng, khi con người cố sức khai thác tận tài nguyên thiên nhiên thì chính họ phải gánh chịu những hậu quả khổ đau từ muôn phía đem lại. Đó là sự phá vỡ cân bằng sinh thái, sự ô nhiễm môi sinh, sự băng hoại đạo đức kéo theo các giá trị truyền thống. Tất cả đều phát xuất từ lòng tham vô tận của con người.

Thực tế , không ít người hiện đại hôm nay ít nhiều đã tự đánh mất phẩm chất của mình để chạy theo hiệu năng và số lượng kỹ thuật đòi hỏi, chạy theo lợi nhuận, mẫu mã dưới sự gào thét của công nghệ dịch vụ quảng cáo. Các nhà đạo đức, tâm lý học đã gióng chuông cảnh báo: con người hiện đại đang tự nhốt mình trong các cao ốc nghẹt thở, với một guồng máy quản trị máy móc. Trong sự ồn ào của đô thị, con người cảm thấy chơi vơi lạc lõng, cô đơn khủng khiếp. Một quan điểm gần như một thứ tôn giáo mới được thiết lập khi lòng tin con người đặt trọn vào sức mạnh của khoa học kỹ thuật và sức mạnh đồng tiền. Cơ cấu tổ chức quản trị những hoạt động của con người có khi được đồng nhất với sự quản trị máy móc đồ vật.

Trong khi đó, đức Phật là từng chủ trương sống hoà điệu với thiên nhiên trong tinh thần tự do, sáng tạo của mỗi cá nhân. Lịch sử đức Phật Thích Ca là lịch sử con người, từ khi xuất gia, thành đạo, nhập niết bàn, bao giờ Ngài cũng tham thiền, toạ lạc dưới gốc cây Bồ đề hoặc cây Sa-la. Phật cũng từng tuyên bố: “Con người là chủ nhân ông của nghiệp, là người thừa tự nghiệp”. Đây là một thái độ giáo dục mang tính tích cực, sáng tạo, dân chủ trong tinh thần vô ngã có giá trị xuyên suốt thời gian, không gian., có khả năng hoá giải các vấn đề nan giải của thời đại. Đó cũng là con đường thoát khổ được thực thi bằng con đường thánh đạo tám ngành đã được đức Phật chứng nghiệm bao gồm: “Chánh kiến, chánh tư duy, chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng, chánh tinh tấn, chánh niệm, chánh định.” Đi vào lộ trình này là đi vào lộ trình tu tập Giới định tuệ thể hiện nếp sống đạo đức Phật giáo, có giá trị thiết thực hiện tại, xa lìa hai cực đoan như đã nói. Tại đây con người hiện đại sẽ tự chiến thắng mình trước sự cám dỗ cuộc đời như kinh Pháp cú dạy:

“Dẫu tại bãi chiến trường
Thắng vạn ngàn địch quân
Không bằng tự chiến thắng mình
Thắng mình thắng tối thượng”

Khi đã làm chủ được chính mình, con người hiện đại cảm nhận được sự an lạc từ trong tâm thức, không có sức mạnh nào chi phối cả. Họ chính là những người biết sống theo tinh thần thiết thực hiện tại:

“ Quá khứ không truy tìm,
Tương lai không ước vọng,
Quá khứ đã đoạn tận,
Tương lai lại chưa đến,
Chỉ có pháp hiện tại,
Tuệ quán chính nơi đây”.

Một quan niệm sống như thế, con người mới thoát khỏi sự lo âu sợ hãi. Vô minh, phiền não, quá khứ ưu buồn sẽ được lãng quên cùng với sự mơ màng tương lai. Chỉ có pháp hiện tại đang vận hành theo lý duyên khởi mà con người cần hướng tâm đến nhằm bước ra sự hệ luỵ và thể nhập cuộc sống chân thật cho chính mình và mọi người.

Tóm lại, con người hiện đại hôm nay đang đứng trước những thách thức của thời đại. Với tốc độ phát triển khoa học kỹ thuật, nhảy vọt chưa từng thấy như hiện nay, mọi chướng ngại về không gian địa lý, vật lý hầu như bị xoá bỏ. Khi những chướng ngại này không còn nữa thì những chướng ngại khác về mặt trái của sự xâm thực văn hoá có thể len lỏi thâm nhập dẫn đến những tác hại lớn trong nếp sống đạo đức đời thường. Không phải vì thế con người hiện đại phải tuyệt vọng đầu hàng. Mỗi vấn đề nan giải đều có cách giải quyết của nó. Tự mình suy tư, tự mình chiêm nghiệm, tự mình lý giải, tự mình quay về với chính mình để sống theo tinh thần Phật giáo, theo nếp sống của đức Từ phụ, chắc rằng chúng ta sẽ xây dựng được một đời sống hạnh phúc, tốt đẹp hơn.

20/12/06
Viện Phật giáo Việt Nam tại TP.HCM

Tài liệu tham khảo
1. Trương Văn Chung, Tư tưởng triết học của Thiền phái Trúc Lâm, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 1998.
2. Đại Việt sử ký toàn thư, Bản Kỷ, Quyển 2.
3. Đại Việt sử ký toàn thư, tập 2, Nxb KHXH, hà N ội, 1998.
4. Mạn Đà La, “Tìm hiểu về Trần Nhân Tông, Vị sáng lập dòng thiền Trúc Lâm, bản inroneo, 1987.
5. Minh Chi, “Vài ý kiến góp phần tổng kết Phật giáo đời Trần”, Tập văn Vu Lan, số 21, Ban Văn hóa Trung Ương – GHPGVN.
6. Nhiều tác giả, Tìm hiểu Xã hội Việt Nam thời Lý Trần, Nxb KHXH, Hà Nội, 1981.
7. Lê Mạnh Thát, Nghiên cứu về Mâu Tử, tập 2, Tu thư Vạn Hạnh, 1982.
8. Lê Mạnh Thát, Lịch sử Phật giáo Việt Nam, tập 3, Nxb Tp.HCM., 2002.
9. Thiền Uyển tập anh, Ngô Đức Thọ và Nguyễn Thúy Nga dịch, PVNCPHVN, Nxb, Hà Nội, 1990.
10. Trần Thái Tông, Khóa hư lục, Thích Thanh Kiểm dịch, THPG.TP.HCM, 1997.
11. Sa di và Sa di ni giới, tập 1, Trí Quang dịch, Nxb TP. HCM, 1994.
12. Tương Ưng bộ kinh, tập 1, Thích Minh Châu dịch, Trường CCPHVN, 1988.
13. Viện Văn học, Thơ văn Lý Trần tập 1, Nxb. KHXH, Hà Nội, 1977.
14. Viện Văn học, Thơ văn Lý Trần tập 2, Nxb. KHXH, Hà Nội, 1998.

» Ảnh đẹp
» Liên kết website
Search
» Từ điển Online
Từ cần tra:
Tra theo từ điển:
» Âm lịch