Tư liệu
Hoằng pháp trong thời đại ngày nay nói gì với nạn nhân ma túy và HIV
26/12/2008 17:14 (GMT+7)
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

TT. Thích Huệ Thông
(Trưởng BHP tỉnh Bình Dương)

1. Hoằng pháp trong thời Đức Phật.

Ngay khi thành đạo dưới cội bồ đề, Đức Thế Tôn đã quán niệm: “Giáo pháp mà Như Lai đã chứng ngộ quả thật thâm diệu, khó nhận thức, khó lãnh hội, vắng lặng, cao siêu, không nằm trong phạm vi luận lý, tế nhị, chỉ có bực thiện trí thức mới hiểu... Nếu Như Lai truyền dạy giáo pháp ấy thì kẻ khác không thể hiểu được, thật là phí công vô ích, thật là phí công vô ích”. Suy nghĩ như vậy, Đức Phật chưa quyết định truyền giáo pháp. Lúc đó vị Phạm vương Sahampati sợ Ngài không truyền bá giáo pháp, thế gian sẽ chịu diệt vong, nên đến thỉnh Đức Phật 3 lần, Đức Thế Tôn dùng thiên nhãn quan sát thế gian, Ngài nhận thấy chúng sanh có kẻ ít người nhiều cát bụi trong mắt, người thông minh sáng suốt, kẻ mù mịt tối tăm, bẩm tánh của người này tốt, người kia xấu, có chúng sanh dễ dạy, cũng có chúng sanh khó dạy và một số ít khác nhận định mối hiểm họa của đời tội khổ và của kiếp sống tương lai. Do quán sát như vậy, Đức Phật tuyên bố: “Cửa vô sanh bất diệt đã mở cho chúng sanh, hãy để cho ai có tai muốn nghe đặt trọn niềm tin tưởng” (Maha-vagga). Thế là Đức Phật quyết định hoằng pháp lợi sinh bằng cách lên đường thuyết pháp, khai mở chân lý, dạy bảo cho con người thấy, thông hiểu và thể nhập (khai, thị, ngộ, nhập).

Điều này đã khẳng định hoằng pháp trong thời kỳ đầu, chủ yếu Đức Phật đã dùng những lời thuyết pháp để khai ngộ cho hàng môn đồ đệ tử, vấn đề ở chỗ là trong lời thuyết pháp ấy, chuyển tải cả 3 chuyển và có năng lực nhiếp phục được hàng đệ tử sơ khai và kiến tạo được Phật, Pháp, Tăng 3 ngôi Tam bảo. Cho đến khi Tăng đoàn có 60 vị A la hán, thì Đức Phật dạy chư Tỳ kheo: “Này chư Tỳ kheo, hãy đi đi, đi khắp nơi vì lợi lạc và hạnh phúc của số đông, do lòng từ bi đối với cuộc đời vì lợi lạc và hạnh phúc của Trời và Người. Chớ đi hai người chung đường với nhau. Này các Tỳ kheo, hãy thuyết giảng giáo pháp cao thượng ở lúc khởi đầu và cao thượng ở lúc giữa, cao thượng ở lúc cuối trong tâm trí và trong ngôn từ. Hãy rao giảng sự toàn hảo viên mãn, đời sống thanh tịnh của trạng thái cao cả. Có những kẻ mà trí óc chỉ bị che mờ bởi đôi chút bụi bặm, nhưng nếu không được nghe giảng Pháp, thì họ không thể đạt được giải thoát: những kẻ ấy sẽ hiểu Pháp.” (Mahàvagga I, 11- Đại phẩm). Như vậy, hình ảnh những nhà truyền giáo đầu tiên, với nhiệm vụ thay Phật để hoằng pháp lợi sinh đã được Đức Phật chuẩn hóa bằng phẩm vị của một bậc A la hán, điều này đã minh định một cách rõ nét về “Đặc tính hoằng pháp trong thời Tăng đoàn của Đức Phật” tập trung vẫn là thuyết pháp, tuy nhiên mỗi nhà truyền giáo, hay nói cách khác mỗi vị giảng sư thời bấy giờ phải có phẩm cách của một vị A la hán. Mãi đến khi Tăng đoàn đã đông đúc, và biết chắc rằng trong hàng Tỳ kheo có nhiều vị chưa đắc quả A la hán, Thế Tôn đã khéo léo chọn hình ảnh của Phú Lâu Na để làm một vị giảng sư tiêu biểu cho ngành hoằng pháp lúc bấy giờ. Trong Tạp A Hàm, Trung Bộ kinh, Trưởng lão Tăng kệ đều có kể chuyện Tôn giả Phú Lâu Na đại diện cho Tăng già đến xứ Sronàparanta (Du-Lãn-na) để dạy đạo cho người xứ này, qua nhận thức cũng như sự giác ngộ của Phú Lâu Na về sự nghiệp hoằng pháp, Đức Phật dạy: “Này Phú Lâu Na, ông có thiện tâm, nhẫn nhục cao nhất. Hãy đi đi mà dạy cho họ làm sao để họ giải thoát như chính ông, ông đã giải thoát”. Điều này một lần nữa đã cho chúng ta thấy rõ: nếu chứng đắc quả A la hán, thì phẩm cách và đạo đức của một nhà truyền giáo trở thành một tính năng vô cùng quan trọng, giúp cho việc hoằng pháp thành tựu viên mãn.

Như vậy, ba đặc tính hoằng pháp mà ta có thể nhìn thấy được trong thời Đức Phật, đó là: Nhân cách của Đức Phật-Giáo pháp mà Đức Phật đã chứng đắc-Phẩm cách và đạo đức của một nhà hoằng pháp, nếu như không muốn nói là phẩm cách và đạo đức của mỗi vị Tỳ kheo trong Tăng đoàn.

2. Tính cách hoằng pháp trong thời đại ngày nay.

Sau khi Đức Phật nhập Niết bàn, khi có người hỏi ai là người có thể thay thế Phật thì Tôn giả Ananda đáp: “Chúng tôi là những người mất cha, chỉ biết nương tựa vào Pháp, nương tựa vào Tăng già, thống nhất với Tăng già” (Moggallàna sutta 11).

Câu nói trên của Ananda đã trở thành “kim chỉ nam” của tính hoằng pháp qua các thời đại, điều này ta có thể xác định rõ ràng trong suốt chiều dài phát triển của lịch sử Phật giáo, nhất là từ khi Phật giáo du nhập vào nước ta cho đến ngày hôm nay cũng có những bước thăng trầm theo 2 tính năng chủ yếu:

* Thứ nhất là: Tăng đoàn hòa hợp và ổn định.
* Thứ nhì là: Chánh pháp của Phật được minh định rõ ràng.

Từ hai tính năng trên, ta có thể phân tích và nhận định rõ ràng hơn về Tính hoằng pháp trong thời hiện đại như sau:

* Tăng đoàn hòa hợp và ổn định

Tất cả chúng ta đều biết rằng muốn cho Phật pháp được hưng thịnh thì Tăng đoàn phải vững mạnh, vì Tăng đoàn bao gồm lực lượng Tăng Ni trực tiếp thay Phật để làm thầy hướng dẫn chúng sanh đi từ bờ mê về bến giác. Đời sống phạm hạnh của mỗi vị Tăng, Ni đều ảnh hưởng trực tiếp đến niềm tin Chánh pháp của họ.

Trong bối cảnh đất nước Việt Nam sau ngày hoàn toàn thống nhất 1975, tạo điều kiện thuận lợi cho 9 tổ chức hệ phái của Phật giáo ngồi lại với nhau trong tinh thần hòa hợp, đoàn kết, thống nhất mọi sinh hoạt Phật sự: Hoằng pháp, Giáo dục, Tăng sự vv... dưới sự lãnh đạo trực tiếp của GHPGVN. Đây được xem như là thế mạnh của PGVN trong thời kỳ mới, một thời kỳ mà Tăng già của PGVN cùng sống chung với nhau trong Chánh pháp, ngồi lại bàn thảo với nhau trong Chánh pháp, và đứng lên trong tinh thần hòa hợp, đoàn kết của Chánh pháp dưới sự điều hành nhịp nhàng của một tổ chức PGVN duy nhất. Sự kiện này, đã phát huy toàn vẹn sức mạnh của PGVN, đáp ứng được mọi nhu cầu hoằng pháp trong thời đại mới, thời đại mà đất nước đang từng bước công nghiệp hóa, hiện đại hóa, công nghệ thông tin đang bùng nổ dữ dội v.v.., thì hình ảnh của mỗi vị Tăng, Ni có trang bị kiến thức, có tư cách giới hạnh, biết chia sẻ và đồng cảm yêu thương gần gũi với mọi người, thì đó là hình ảnh của một sứ giả Như Lai đang hành Như Lai sự. Trong tương lai, hình thức hoằng pháp cũng có thể được nhìn bằng hình ảnh của một vị giáo sư thuyết trình về quan điểm giáo lý ở các khóa tu, trường lớp Phật học, ở các buổi tọa đàm hoặc dịch thuật in ấn các tư liệu giáo lý, phổ biến kinh sách, cũng là hình thức hoằng pháp trong thời kỳ phát triển văn minh hiện nay. Như vậy, hoằng pháp trong thời đại mới là một sự điều phối tổng hợp giữa các ngành: Tăng sự, Giáo dục, Hoằng pháp, in ấn v.v..., trong lòng của Giáo hội, cho nên ta có thể nói: “Duy trì và phát triển sự hòa hợp ổn định của GHPGVN” là tính năng thứ nhất của sự nghiệp hoằng pháp trong thời đại mới.

* Chánh pháp của Phật được minh định rõ ràng

Mặc dù đã có một bước dài tiến bộ, tuy nhiên, giữa các giảng sư vẫn còn có sự khác biệt nhất định về trình độ, quan điểm, phương pháp giảng dạy v.v..., dẫn đến cùng một bài pháp, cùng một đề tài giáo lý mà mỗi vị giảng sư giảng đều mỗi khác đưa đến sự băn khoăn cho người nghe và nghiên cứu giáo pháp. Do đó, muốn đáp ứng một cách chính đáng đối với nhu cầu hoằng pháp trong thời đại ngày nay, chúng tôi thiết nghĩ Ban Hoằng pháp Trung ương cần phải phối hợp với các Ban Giáo dục v.v …, để soạn ra những giáo trình căn bản mang tính sư phạm và nhất quán cả về nội dung lẫn ý nghĩa, để có thể thu ngắn lại sự khác biệt giữa các giảng sư về một đề tài giáo pháp nhằm mang lại hệ quả cao nhất cho những người muốn nghiên cứu giáo lý trên bước đường tu học giải thoát. Do vậy, ta có thể nói: “Minh định rõ ràng giáo pháp của Phật” là tính năng thứ 2 trong sự nghiệp hoằng pháp của thời đại ngày nay vậy.

* Sự am hiểu thông tuệ của người hoằng pháp.

Như chúng ta đã biết, vai trò hoằng pháp trong thời Đức Phật đã xây dựng hình ảnh của nhà hoằng pháp là mẫu người mô phạm, chứng quả và am hiểu sâu sắc về chân lý. Trong thời đại khoa học ngày nay, ngoài những giá trị căn bản trên, người làm nhiệm vụ hoằng pháp phải trang bị cho mình thêm những kiến thức thực tiễn, khoa học, phải am hiểu mọi lãnh vực: giáo dục, văn hóa, tâm lý xã hội, lịch sử và cả về công nghệ hiện đại, tất nhiên đây cũng chỉ là phương tiện thứ yếu, nhưng không thể thiếu đối với một hành giả hoằng pháp trong thời hiện đại, và như vậy ta cũng có thể xem sự am hiểu đa dạng là tính năng thứ 3 trong sự nghiệp hoằng pháp của thời đại ngày nay.

Tóm lại, tính hoằng pháp trong thời đại ngày nay rất phong phú và đa dạng, ở đây chúng tôi chỉ nêu lên hai đặc tính căn bản để hỗ trợ phần nào sự nghiệp hoằng pháp trong thời đại ngày nay mà thôi.
Trong sự phát triển của nhân loại, bao giờ cũng đi theo sự phát triển giữa cái thiện và cái ác, giữa hạnh phúc và đau khổ. Để chia sẻ và làm giảm bớt nỗi đau của con người, người hoằng pháp phải xả thân vào đời, hòa nhập vào cuộc đời theo tinh thần lời dạy của Đức Phật: đó là giáo lý đến để mà thấy, để mà làm và để đem lại hạnh phúc cho số đông. Chính vì vậy, sự nghiệp hoằng pháp không chỉ để nói suông, mà phải đem lại một kết quả thực tiễn, một sự thật hạnh phúc cho con người trong cuộc sống và xã hội.

3. Hoằng pháp trong thời đại ngày nay: nói gì với HIV và ma túy

3.1 Đặc điểm tình hình:

Cho đến hôm nay, chúng ta đều nhìn nhận HIV/AIDS và ma túy đã trở thành một đại dịch nguy hiểm có tính toàn cầu, cả cộng đồng quốc tế đều phải vào cuộc để phòng chống sự lây lan và những tác hại to lớn do ma túy và HIV/ AIDS gây ra. Ở Việt Nam, hơn 15 năm qua, kể từ khi phát hiện ca nhiễm HIV đầu tiên vào tháng 12 năm 1990 đến nay, Đảng, Nhà nước và nhân dân ta đã càng ngày càng nhận rõ tình hình quan tâm nhiều hơn về việc phòng chống đại dịch nguy hiểm này. Theo báo cáo mới nhất của Ủy ban Phòng chống HIV/ AIDS của Liên Hiệp Quốc (UNAIDS) và Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) về dịch HIV/ AIDS thì chỉ mới 25 năm kể từ khi ca bệnh AIDS đầu tiên được phát hiện vào đầu năm 1981, cho đến nay trên toàn thế giới đã có trên 65 triệu người bị lây nhiễm (thông thường lây qua đường tình dục và ma túy) và 25 triệu người đã chết vì chứng bệnh quái ác này. Riêng về Việt Nam chúng ta theo báo cáo và thống kê sơ bộ của tổ chức UNAIDS, hiện nay trên toàn quốc có khoảng 260 ngàn người nhiễm bệnh HIV/ AIDS, chiếm 0,5% tổng dân số và đã được biết có khoảng 13 ngàn trường hợp bệnh AIDS đã tử vong, hiện nay mức độ lây lan ở nước ta là từ khoảng 6.000 người đến 8.000 người trên mỗi năm.

Trước tình hình nói trên, vấn đề được đặt ra là tìm phương pháp để ngăn chặn việc lây lan đối với những ai chưa bị nghiện ma túy hay nhiễm HIV/ AIDS, và điều trị kịp thời đối với những ai đã bị nghiện ma túy và đã bị nhiễm HIV/ AIDS. Ở đây, trong khuôn khổ bài viết, người viết chỉ xin trình bày một vài thiển ý đối với những nạn nhân đã bị lây nhiễm HIV/ AIDS và đã bị nghiện ma túy mà thôi.

3.2 Những hệ quả tâm lý của nạn nhân

Thường đối với những nạn nhân đã bị nghiện ma túy hay bị lây nhiễm HIV/ AID đều rất nhạy cảm với những tâm lý tuyệt vọng, bế tắc, chán nản, hận đời vv..., từ đó sinh ra những thái độ tiêu cực như là trả thù, buông thả thậm chí trở thành những tệ nạn xấu nhất của xã hội như trộm cướp, đĩ điếm, đua xe thí mạng trên đường phố, xem thường mạng sống của mình và mọi người xung quanh v.v… Nhưng vấn đề được đặt ra ở đây là phát xuất từ đâu mà những nạn nhân của HIV/ AIDS và ma túy lại có những mặc cảm tiêu cực đến như vậy? Tìm hiểu được nguyên nhân sâu xa này, một mặt ta có thể hóa giải được những tệ nạn không cần thiết trong xã hội, mặt khác ta có thể tìm ra những phương pháp tích cực nhất, hữu hiệu nhất để điều trị bệnh cho họ cũng như dần dần đưa họ trở về đời sống bình thường và ổn định trong khả năng có thể, nhằm trong sạch hóa và bình ổn xã hội.

* Tìm hiểu nguyên nhân: Theo thiển ý của người viết, có hai nguyên nhân căn bản dẫn đến những mặc cảm tâm lý tiêu cực của nạn nhân HIV/ AIDS và nghiện ma túy:

ª Nguyên nhân chủ quan:

Theo y học hiện nay, chứng bệnh HIV/AIDS là một chứng bệnh chưa có thuốc trị, người bị nhiễm HIV sẽ dần mất đề kháng trong cơ thể và các bệnh cơ hội sẽ phát khởi nhanh chóng dẫn đến cái chết, vì thế cho nên những bệnh nhân đã nhiễm HIV/ AIDS thì mạng sống xem như chỉ còn là thời gian nhanh hay chậm mà thôi, dễ dàng đưa đến tình trạng bế tắc, mất phương hướng.

Đối với những nạn nhân đã chính thức nghiện ma túy, tuy không phải là không có phương pháp cai nghiện, nhưng phải cai nghiện kịp thời, nếu không cơ hội bị lây nhiễm HIV rất cao, và khi đã bị lây nhiễm rồi thì xem như không còn đường quay trở lại, cho nên đối với người kém ý chí, khi đã nghiện ma túy rồi mà không được sự quan tâm giúp đỡ của người thân hay gia đình thì cũng rất dễ dàng rơi vào tình trạng bế tắc, hư hỏng.

ª Nguyên nhân khách quan:

Nguyên nhân khách quan dẫn đến tâm lý tiêu cực của nạn nhân HIV/ AIDS và ma túy đó là thái độ khe khắt của xã hội và mọi người xung quanh. Chúng ta thấy rất rõ, một người bị nghiện hoặc nhiễm HIV thì áp lực tâm lý rất nặng, họ rất nhạy cảm với cái nhìn của mọi người xung quanh dù là vô tình hay cố ý, nhất là những thái độ miệt thị, rẻ rúng, thái độ tỏ ra không thông cảm, xua đuổi v.v… sẽ dễ dàng đưa đến những tình cảnh tâm lý xấu nhất đối với nạn nhân. Ở đây, chúng tôi rất đồng cảm với một bác sĩ của Bệnh viện Nhân Ái tỉnh Bình Phước, khi được phỏng vấn trên kênh truyền hình VTV2, Đồng Nai, ông đã tha thiết kêu gọi cái nhìn thân ái, thông cảm của cộng đồng, xã hội, nhằm xóa đi những mặc cảm tiêu cực của bệnh nhân HIV/ AIDS, và tạo điều kiện thoải mái cho bệnh nhân trong việc điều trị và ổn định cuộc sống trong cuộc đời còn lại của họ, đưa đến một xã hội trật tự và nhân ái giữa người mạnh khỏe và kẻ bệnh đau, tạo nếp sống lành mạnh, văn minh và tiến bộ.

3.3 Ý kiến đóng góp của ngành hoằng pháp với nạn nhân HIV/ AIDS và ma túy

Với vai trò của một “sứ giả Như Lai” trong ngành Hoằng pháp của GHPGVN ngày nay, chúng tôi mạo muội có vài ý kiến xây dựng như sau:

Đối với nạn nhân đã nhiễm HIV/ AIDS, và nghiện ma túy

Đối với những nạn nhân đã bị nhiễm HIV/ AIDS, cũng như những người đã nghiện ma túy đã và đang điều trị tại các bệnh viện hoặc tập trung tại các trại cai nghiện, Ban Hoằng pháp nên làm những việc như sau:

a/ Vận dụng triệt để ý nghĩa “Tứ nhiếp pháp”, chỉ đạo các Tiểu ban Hoằng pháp tại các tỉnh thành, địa phương thường xuyên vận động vào tổ chức những chuyến viếng thăm từ thiện các trại cai nghiện, các bệnh viện đang điều trị cho bệnh nhân nhiễm HIV/ AIDS, nhằm tiếp cận, động viên, chia sẻ những tâm sự vui buồn với bệnh nhân: Ái ngữ nhiếp: nói cho họ biết được tinh thần tự chiến thắng mình là sự chiến thắng cao thượng, chính ý chí phấn đấu phục hồi của chính bản thân họ, mới có một năng lực mầu nhiệm nhất để đưa họ trở về cuộc sống bình thường. Bố thí nhiếp: những vật thực, mền gối v.v..., mà mình đem đến cho họ chứa đựng sự cảm thông và xóa đi những mặc cảm tội lỗi, bịnh hoạn trong tâm hồn họ. Lợi hành và Đồng sự nhiếp: an ủi, khích lệ, và thân cận thăm hỏi có thể đem đến cho họ những thang thuốc bổ mầu nhiệm về mặt tinh thần, khiến cho sự phân biệt mặc cảm của họ tan biến và không cảm thấy có sự ngăn cách giữa họ và cộng đồng xã hội. Ở đây, chúng tôi đồng tình với một số trung tâm cai nghiện như là Trung tâm Cai nghiện Trường 5, thôn 2, xã Đăk R’tih, huyện Đăk R’lấp, tỉnh Đăk Nông, đã tổ chức được trường đại học từ xa, để giúp cho những nạn nhân lấy bằng đại học ngay tại trung tâm cai nghiện (Bài viết “Lấy bằng đại học tại trường cai nghiện” của phóng viên Hồ Doãn, đăng trên báo Thanh Niên số ra ngày thứ Hai, 27 tháng 11 năm 2006), đã làm cho những con nghiện hoàn toàn đánh mất phương hướng sống của chính mình trở nên vui vẻ, lạc quan tìm lại niềm tin trong cuộc sống, để làm lại cuộc đời mới tốt đẹp hơn ngay từ những trung tâm cai nghiện, quả đúng với câu thơ Trung Quốc:
“Chỉ cần trong lòng còn tràn đầy hy vọng,
Thì đâu đâu cũng sẽ có thiên đường” .

b/ Ban Hoằng pháp và các Tiểu ban Hoằng pháp tại các tỉnh thành, địa phương, thường xuyên phối hợp với chánh quyền địa phương, các bệnh viện điều trị HIV/ AIDS và các trung tâm cai nghiện, tổ chức rộng rãi những buổi thuyết pháp, tọa đàm về giáo lý Phật Đà để từng bước sách tấn các con nghiện. Một khi những nạn nhân HIV/ AIDS có dịp được nghe pháp sẽ nâng trình độ hiểu biết Phật pháp của họ, phần nào có thể chuyển hóa nghiệp thức của họ, đưa họ trở lại cuộc sống an lạc ngay trong con người của chính họ.

Đối với cộng đồng xã hội

Ban Hoằng pháp chỉ đạo các Tiểu ban Hoằng pháp các tỉnh thành thường xuyên liên kết với các tiểu ban khác để viết báo đăng tải rộng rãi trên báo Giác Ngộ hoặc các báo khác nếu được, cũng như những buổi pháp thoại Bát quan trai, các khóa tu Phật thất v.v..., khiến cho cộng đồng xã hội hiểu được nhân cách khoan dung, lòng từ bi bình đẳng của đạo Phật. Người có tâm hướng Phật phải tự khe khắt với chính bản thân mình, cũng như khoan dung, độ lượng với mọi người xung quanh. Nêu cao tinh thần từ bi, vô ngã của Đức Phật trong kinh Pháp Hoa khi Ngài tuyên bố Đề Bà Đạt Đa là thiện hữu tri thức của Như Lai, và thọ ký cho Đề Bà qua vô lượng vô số kiếp sau sẽ thành Phật. Đối với cái nhìn của Phật giáo, thì không có gì là muộn màng, không có tội ác nào mà không thể sám hối, bởi vì đạo lý nhà Phật từ bao đời vẫn là: “Bể khổ mênh mông, hồi đầu thị ngạn”, có nghĩa là bể khổ mênh mông, không bờ, không bến nhưng mà biết thức tỉnh, giác ngộ, quay về với điều thiện thì quay đầu lại đâu đâu cũng là bờ. Hiểu được như vậy, mỗi người trong cộng đồng xã hội sẽ là bến bờ bình an cho những nạn nhân của HIV/ AIDS và những con nghiện trên con đường điều trị bệnh và tìm lại chính bản thân mình.

* Kinh nghiệm cá nhân

Trước khi giải quyết vấn đề này, chúng ta nên tìm hiểu thực tế từ những người đang nghiện ngập ma túy để dẫn đến thảm họa HIV, chúng ta sẽ thấy con đường đến với cái chết này thật là phi lý và mù quáng. Bởi vì những người hầu hết sử dụng ma túy là do tò mò muốn thử ra sao, có người vì muốn cảm giác mạnh trong khoái lạc, có người vì thiếu hiểu biết bị rủ rê, bị lợi dụng, có người đến với ma túy cũng như đến với rượu chè, cờ bạc vì buồn chán, vì những hoàn cảnh bi đát trong cuộc sống… tất cả nguyên nhân dẫn đến ma túy thật là ngớ ngẩn, nhưng hậu quả thì lại vô cùng khủng khiếp.

Thật ra con người đến với ma túy là thông qua bản năng tò mò, hiếu kỳ, mê muội, tất cả những hành vi này được xem là bắt nguồn từ tâm điên đảo vọng tưởng, si mê và cuối cùng họ phải chấp nhận kết quả đau thương, bệnh hoạn cho chính họ và cho cả thế hệ mai sau của xã hội. Từ những nguyên nhân trên, ta có thể rút ra một nguyên lý trị bệnh và chuyển hóa tâm thức cho bệnh nhân.

Trong khóa tập huấn không kỳ thị với nạn nhân nhiễm HIV và ma túy, chúng tôi có dịp tiếp xúc với người bệnh, qua kinh nghiệm chúng tôi thấy toa thuốc “Tứ nhiếp pháp” là phương thuốc hiệu quả đối với người bệnh. Đến với họ, chúng tôi luôn thể hiện sự gần gũi, bao dung và nhân ái, đồng cảm, chia sẻ, họ khóc khi chúng tôi ôm lấy họ và giây phút này chúng tôi dành cho họ một bài pháp ngắn. Chúng tôi nói với họ: bạn sẽ chiến thắng, bạn sẽ là Phật tương lai, bạn sẽ là người vĩ đại nhất khi bạn chiến thắng được mọi đau khổ và dục vọng của chính mình. Đây là lời Phật dạy, bạn hãy tin lời dạy của Phật và hãy tin tôi. Chúng tôi chỉ cho họ tập quên những gì khổ đau của quá khứ và sống an lạc trong hiện tại, chỉ cho họ đếm hơi thở trong thiền định, tạo cho họ có một niềm tin bằng cách là cam đoan với họ là bạn sẽ chiến thắng, sẽ chuyển hóa được nghiệp lực khổ đau và bạn sẽ hết bệnh. Những người bệnh nhìn chúng tôi với cái nhìn lạc quan và tự tin, họ nói: nếu được gần thầy, chúng tôi chắc sẽ bớt bệnh và bớt khổ. Không phải buổi thuyết pháp trên giảng đường, mà chỉ là cuộc trò chuyện ngắn cũng đã giúp họ có được một chút niềm tin trong cuộc sống.

Qua đây, chúng tôi nghĩ rằng sự nghiệp hoằng pháp nói chung, người hoằng pháp nói riêng, chúng ta phải tùy thuận ở mọi hoàn cảnh, mọi điều kiện để gieo vào tâm hồn của bao chúng sanh niềm an lạc khi họ khổ đau. Người hoằng pháp là một đại y vương tùy bệnh cho thuốc, tuy nhiên người thầy thuốc giỏi phải biết kê toa đúng bệnh và phải làm thế nào cho người bệnh chịu uống thuốc.

» Ảnh đẹp
» Liên kết website
Search
» Từ điển Online
Từ cần tra:
Tra theo từ điển:
» Âm lịch