Tư liệu
Những thuận lợi, và khó khăn trong công tác hoằng pháp ở vùng xâu vùng xa
26/12/2008 17:14 (GMT+7)
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

Thích Nữ Như Thượng
(Thành viên BHP tỉnh Bến Tre)

Chúng con kính nghe: “Đạo chi long thể khởi thường da, tại nhân hoằng chi nhỉ” (Thiền lâm bảo huấn). Nghĩa là: Sự thịnh suy của đạo đâu phải là lẽ thường, mà đều do người hoằng đạo vậy.
Đức Phật hiện hữu trên cõi đời này cách đây hơn 25 thế kỷ, trải qua bao thăng trầm lịch sử… nhưng Chánh pháp của Ngài vẫn rực sáng đến hôm nay. Phải chăng điều mà chư tôn đức trong Ban Hoằng pháp kỳ vọng nơi đàn hậu học thừa kế mạng mạch Phật pháp này vẫn không ngoài một điều tâm huyết: “Hãy sống và hành xử xứng đáng với danh nghĩa người con họ Thích, người mặc pháp phục của Như Lai” kèm theo lời xưng tán “Quý vị là rường cột của Phật pháp, là bậc mô phạm của trời người, là ruộng phước của nhân gian”.

Những “sứ giả Như Lai” dấn thân vào đời giáo hóa đồ chúng, phụng sự nhân sinh là một việc rất khó, nhưng không vì sự khó đó mà người đệ tử Phật chùn bước, nhất là người hoằng pháp càng phải tinh tấn nỗ lực nhiều hơn, nơi nào Phật sự cần thì con đến, Đạo pháp cần thì con đi, không ngại gian lao, chẳng từ khó nhọc. Với khả năng và điều kiện còn giới hạn, chúng con quyết tâm hoằng pháp ở vùng sâu, vùng xa, ngõ hầu giữ vững đạo pháp để tiếp nối ngọn đèn Như Lai sáng mãi.

Với hoài bão ấy, bằng tinh thần Bồ tát, mỗi vị giảng sư phải là người khơi dòng suối ngọt, đem tươi mát nơi đồng khô cho cây lá xanh tươi. Dòng suối từ bi ấy, đã làm sống lại những mầm non sau bao ngày thiếu nước. Vì đạo quên mình, làm lợi ích cho tất cả chúng sanh không nhàm mỏi là hạnh nguyện của sứ giả Như Lai.

Để có năng lực cảm hóa lòng người, vị giảng sư phải thể hiện tinh thần Bồ tát, trải tâm như đất, vì tính cách của đất là không phân biệt đối tượng tiếp xúc, muôn vật đều sanh sôi và lớn lên từ đất, mỗi thành viên hoằng pháp cũng chấp nhận đủ loại người, nhờ nhiều hạng người mà tăng trưởng tâm Bồ Đề và thành tựu quả vị tối thượng.

Với sự nghiệp hoằng pháp ở vùng sâu vùng xa, theo suy nghĩ của riêng con, có những thuận lợi và khó khăn như sau:

1. Về thuận lợi:
- Vùng nông thôn xa xôi hẻo lánh rất hiếm có những sinh hoạt văn hóa tinh thần. Do đó, Phật tử tại gia rất nhiệt tình tham gia các tổ chức sinh hoạt. Nếu ở các vùng đô thị có rất nhiều phương tiện giải trí, dễ dàng cho mọi người lựa chọn, thì ngược lại, người dân ở nông thôn rất “khao khát” những món ăn tinh thần. Các chùa hay đình làng… nếu tô chức những sinh hoạt lễ hội thì rất dễ quy tụ Phật tử hay không phải Phật tử cũng tham gia.
- Người dân vùng quê vốn chơn chất, thuần thiện, rất tin vào đời sống tâm linh; tâm hồn họ là những mảnh đất màu mỡ, trống trải, chưa bị tạp nhiễm, chỉ cần có hạt giống tốt là bám rễ, nảy mầm. Giáo lý nhà Phật lại gần gũi với truyền thống, đạo lý nhân nghĩa, tín ngưỡng dân gian, nên rất thích hợp với người dân vùng nông thôn.

2. Khó khăn:
- Trên thực tế, ở vùng nông thôn phương tiện vật chất thiếu thốn không thuận tiện cho những sinh hoạt đông người, kinh tế nhà chùa khó khăn, khả năng tài chính của Phật tử có giới hạn, rất khó thực hiện những sinh hoạt mang tính chất bề nổi, lâu dài.
- Trình độ dân trí thấp, nhiều hủ tục mê tín dị đoan còn ăn sâu trong tâm thức. Đem Chánh pháp xóa những nếp nghĩ lạc hậu ấy, cần phải có thời gian lâu dài và phải uyển chuyển, hết sức khéo léo mới thành tựu được.

Trên đây là thuận lợi và khó khăn từ phía đối tượng hoằng pháp, ngoài ra còn có những thuận lợi và khó khăn từ phía những người đi hoằng pháp nữa. Ở đây xin nói riêng đoàn thể hoằng pháp là Tăng Ni trẻ. Chúng ta những người xuất gia trẻ có thuận lợi là sức khỏe và lòng nhiệt tình, sức sáng tạo có thể “bám trụ lâu dài” và đủ sức, đủ khả năng đảm đương sứ mạng đầy khó khăn đó. Tuy nhiên đối với chúng con, cũng là điều kiện thuận lợi mà cũng vừa là điều khó khăn, vì trong tôn giáo, sự tôn kính là rất quan trọng.

Trong truyền thống phương Đông, buộc người già kính ngưỡng người trẻ là điều rất khó. Tin tưởng, giao trọng trách cho người trẻ cũng là điều rất khó. Do vậy, ngoài việc có một khả năng trình độ thật sự, vấn đề thân giáo, đạo đức của Tăng Ni trẻ cũng cần quan tâm. Riêng bản thân chưa có kinh nghiệm giảng dạy, chúng con cũng hết sức cẩn thận, sâu sắc. Phấn đấu được điều này là một thử thách rất lớn đối với bản thân.

Thuận lợi và cũng là khó khăn thứ hai, vì chúng con xuất phát từ vùng quê, chúng con có thuận lợi am hiểu tâm lý, phong tục tập quán, nếp nghĩ của bà con hàng xóm xung quanh mình nên dễ dàng tiếp cận. Tuy nhiên, song song đó cũng có khó khăn vì khó giáo hóa như thành kiến “Bụt nhà không thiêng”, điều này ảnh hưởng không ít đến công việc hoằng pháp. Do đó, để hoàn thành sứ mạng được giao, đòi hỏi người làm công tác hoằng pháp phải có một sự phấn đấu; lòng kiên nhẫn và tác phong uy đức khi hoằng pháp ở chính quê hương mình. Ngoài những thuận lợi và khó khăn trên, việc quan trọng là chính bản thân Tăng Ni xác định sự quyết tâm, phát nguyện độ sanh của mình qua “ Tứ hoằng thệ nguyện”. Hơn thế nữa, người hoằng pháp vùng sâu vùng xa cần phải thể hiện bằng tinh thần nhập thế Bồ tát được biểu thị qua hành động như:

“Dẫu cho đi trọn đường trần
Đạo tâm há dễ một lần phôi pha”
(Toàn Nhật thiền sư)


Vì thế, nói đến sự nghiệp thì phải tính đến việc lớn, việc lâu dài nhưng khi khởi sự thì phải bắt đầu từ những việc nhỏ. Để làm nên một tác phẩm văn học nổi tiếng khắp thế giới… nhà văn cũng phải ngồi viết từng chữ cái, xây dựng công trình hoành tráng vĩ đại cũng phải bắt đầu từ những hạt cát nhỏ. Việc hoằng pháp chúng ta không chỉ chú tâm đến những việc lớn, đến tập thể đông người, mà ngay từ những việc quan tâm đến từng con người cụ thể, từng số phận bé nhỏ… Điều này cũng rất cần thiết và quan trọng, vì chính những cử chỉ, hành động cụ thể thiết thực này dù nhỏ, nhưng sẽ đem lại an lạc hạnh phúc cho mọi người.

Ngày nay, hầu hết các tự viện, dù là vị hoằng pháp ở tỉnh khác đến cũng phải “nhập gia tùy tục” với chánh quyền địa phương, nếu nhận được sự ủng hộ từ phía họ thì công tác hoằng pháp rất thuận tiện. Nếu bước đầu khó khăn, chúng ta chưa có khả năng tổ chức những hoạt động từ thiện thì phối hợp cùng với chánh quyền, chánh quyền thuận lợi về danh nghĩa, người hoằng pháp có công, cố gắng tham gia phong trào, tạo chỗ đứng đem đến niềm vui tin tưởng Phật pháp trong dân trước một bước. Khi có niềm tin rồi, sau đó mọi công tác Phật sự sẽ rất thuận lợi.

Với câu nói “Có thực mới vực được đạo” trong xã hội hiện nay, nếu không có cơ sở vật chất thì rất khó hoằng pháp. Mà ngay cả thời Đức Phật cũng phải nhờ những người như: vua Ba Tư Nặc, trưởng giả Cấp Cô Độc v.v... thì Tăng đoàn của Phật mới vững mạnh, phát triển rộng rãi, mới đem nhiều lợi ích cho nhiều người. Người hoằng pháp thời hiện đại chúng ta cũng cần phải vận động “biết trọng dụng” các mạnh thường quân có khả năng về kinh tế tài chánh để họ phát tâm cùng chúng ta giúp đỡ những người nghèo vùng sâu vùng xa. Thiết nghĩ cái tài, cái trí của người làm công tác hoằng pháp thời hiện đại là ở chỗ này.

Bằng tinh thần từ bi của đạo Phật, người hoằng pháp thực hiện chương trình “Hoằng pháp vùng sâu, vùng xa” vừa làm tốt công việc hoằng pháp, lại vừa cùng chánh quyền giúp đỡ cho người dân vùng sâu vùng xa có được một đời sống tinh thần tốt đẹp hơn.

Có thể nói, lịch sử truyền bá của đạo Phật, luôn trân trọng và ghi nhận công đức cao vời của chư vị Thánh Tăng trong công cuộc hoằng dương Chánh pháp.

Quả thật, trong sự thành công đó, các Ngài đã đánh đổi biết bao sự hy sinh thân mạng, bao sự gian lao khó khổ. Do công đức hy sinh vì đạo cao cả đó, mà Phật giáo đã lan truyền khắp năm châu bốn bể, và trở thành một trong tôn giáo lớn của nhân loại ngày nay.

Trên cơ sở đó, những giảng sư trẻ chúng ta nên biết tận dụng và tranh thủ lợi thế là tuổi trẻ của mình để góp phần nhỏ vào việc xây dựng tòa nhà Chánh pháp. Đuợc biết Hòa thượng Trưởng ban Hoằng pháp thượng Trí hạ Quảng cũng bắt đầu sự nghiệp hoằng pháp của mình khi mới 20 tuổi ở vùng hẻo lánh. Tăng Ni trẻ chúng ta hãy phát nguyện noi gương chư tôn đức, sẵn sàng dấn thân vào những nơi khó khăn nhất để hoằng hóa, ngõ hầu đền đáp chút công ơn thầy tổ, đàn việt và cũng để tạo cho mình một hành trang tìm về bảo sở.

» Ảnh đẹp
» Liên kết website
Search
» Từ điển Online
Từ cần tra:
Tra theo từ điển:
» Âm lịch