Tư liệu
Một vài ý kiến về công tác hoằng pháp
26/12/2008 17:14 (GMT+7)
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

ĐĐ. Thích Thiện Nhật
(Thành viên BHP tỉnh Kiên Giang)

Ngày nay, ngành Hoằng pháp và đào tạo trở nên cần thiết và quan trọng, vì đã góp phần phát triển trên mọi lĩnh vực của Phật sự hoạt động. Trên tinh thần đó, công tác hoằng pháp và đào tạo giảng sư phải xem như là một kế hoạch để nâng cao chất lượng hiệu quả đào tạo đội ngũ giảng sư trẻ.

Trước những yêu cầu cấp bách của thời đại, xin đề nghị mấy điểm như sau:

1. Đào tạo đội ngũ giảng sư có trình độ Phật học có chuyên môn cao.

Bởi Hoằng pháp là ngành mũi nhọn của Giáo hội nên công tác giảng dạy cần phải có tính sư phạm và chuyên môn cao, để vị giảng sư biết các vận dụng “khế lý khế cơ” trong mọi tình huống.

Mục đích hoằng dương Phật pháp của người con Phật là làm sao để giáo lý và đạo đức Phật giáo đến với quần chúng Phật tử một cách toàn diện và có sức thuyết phục. Xã hội ngày nay với trình độ khoa học kỹ thuật và công nghệ phát triển, trình độ dân trí cũng được nâng cao, các phương tiện thông tin ngày càng phong phú đa dạng thì Phật giáo nói chung, ngành Hoằng pháp nói riêng không thể đứng ngoài những thay đổi đó.

Khi con người có trình độ kiến thức cao thì nhu cầu học hỏi, tu học Phật pháp ngày càng lớn và đã trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu của đông đảo quần chúng. Lúc bấy giờ, con người sẽ tiếp cận tìm hiểu nghiên cứu Phật giáo ở mức độ cao hơn, sâu hơn. Vì lẽ đó mà đội ngũ giảng sư cần phải có trình độ nghiệp vụ chuyên môn cao hơn, sâu hơn và toàn diện hơn để đáp ứng nhu cầu ngành Hoằng pháp, không chỉ nghĩ đến chất lượng mà còn phải có cả số lượng giảng sư đối với những vùng sâu, vùng xa để kích thích tinh thần học hỏi và tu học Phật của tín đồ Phật tử.

2. Biên soạn, chỉnh lý giáo án, giáo khoa.

Khi đã có đội ngũ giảng sư chuyên nghiệp có chuyên môn cao thì cần phải nghĩ đến công tác biên soạn, chỉnh lý giáo án, giáo khoa mang tính thống nhất và phù hợp cho tất cả các lớp học, các khoá học Phật tử ở các lớp giáo lý và các khoá tu học từng bậc từ thấp đến cao.

Chúng tôi nhận thấy 25 năm qua, ngành Hoằng pháp đã có nhiều cố gắng và nhiều nỗ lực nhưng chưa đạt kết quả như mong muốn. Ban Hoằng pháp T.Ư chưa có sự hướng dẫn cụ thể, cũng như chưa có các sự hỗ cần thiết trợ cho các Ban Hoằng pháp ở các tỉnh thành, để địa phương các tỉnh thành tự mày mò và tự phát các chương trình hoằng pháp. Do đó chưa có một chủ trương nhất quán và xuyên suốt trong công tác hoằng pháp. Người Phật tử vùng sâu, vùng xa, cuộc sống luôn thiếu thốn, đời sống tinh thần lại càng thiếu thốn hơn. Người Phật tử ở những nơi này nhìn chung, dân trí còn thấp, ánh sáng chánh pháp cần được trải rộng, hoằng pháp được phổ cập thì nạn mê tín dị đoan sẽ được giảm dần.

Như vậy Ban Hoằng pháp T.Ư cần hoạch định chương trình, kế hoạch lâu dài, biên soạn những bài giáo lý sơ cấp, dễ hiểu, thực tế làm cho Phật tử dể hiểu, dễ thực hành theo để có lợi ích nhiều mặt và giữ được tín đồ Phật tử của từng bổn tự. Một điều nữa, Ban Hoằng pháp T.Ư cần phải có kế hoạch để thuyên chuyển giảng sư từ địa phương này đến địa phương khác để kích thích tinh thần tu học của tín đồ Phật tử.

3. Thành lập Ban Thông tin liên lạc :

Ban này gồm các vị có kỷ thuật chuyên môn sư phạm, hành chánh hoằng pháp để làm nhiệm vụ thông tin, giải thích chủ trương văn bản, văn thư về hoằng pháp của Giáo hội, tìm hiểu tình hình hoạt động của từng trường hợp, đóng góp ý kiến đề nghị Ban Hoằng pháp giúp đỡ từng việc cụ thể. Ban này cũng làm gạch nối giữa Ban Hoằng pháp T.Ư với Ban Hoằng pháp các tỉnh thành hội để học hỏi rút kinh nghiệm trong công tác giảng dạy. Với mục đích này Đoàn giảng sư các tỉnh thành hội sẽ có những bổ sung, điều chỉnh kịp thời tạo được hiệu quả cao trong kế hoạch và công tác giảng dạy.

Trên đây là một số điểm cần thực hiện để phục vụ tốt cho ngành Hoằng pháp nhằm nâng cao chất lượng giảng dạy, đào tạo. Vì ưu tư lớn nhất mà Ban Hoằng pháp chúng ta quan tâm là sự nghiệp giáo dục con người toàn diện. Đây chỉ là những biện pháp nhỏ để làm tăng thêm tính toàn diện cho ngành Hoằng pháp.

Trên đây là những tâm tư, nguyện vọng của một giảng sư thành viên của Đoàn giảng sư Ban Hoằng pháp T.Ư, xin kính trình đến buổi Hội thảo của Ban Hoằng pháp T.Ư. Sau cùng xin kính chúc chư tôn đức Ban Hoằng pháp T.Ư, chư tôn đức Ban Hoằng pháp các tỉnh thành hội, quí vị đại biểu thân tâm an lạc, Phật sự viên thành.

Kính chúc buổi Hội thảo thành công tốt đẹp.

» Ảnh đẹp
» Liên kết website
Search
» Từ điển Online
Từ cần tra:
Tra theo từ điển:
» Âm lịch