Tư liệu
Một vài ý kiến đóng góp về vấn đề hoằng pháp ở vùng sâu vùng xa
26/12/2008 17:14 (GMT+7)
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

Thích Nguyên Liên
(Thành viên BHP tỉnh Đồng Nai)


Thực tế tình hình Phật giáo Việt Nam chúng ta hiện nay, ngoài các trung tâm đô thị Phật giáo phát triển mạnh, số lượng Tăng Ni, tín đồ đông đảo, bên cạnh đó vẫn còn không ít một số địa bàn thuộc vùng sâu vùng xa, tình hình Phật giáo tại các địa phương đó rất yếu.

Có nhiều vùng như từ Quảng Trị đổ ra đến Nam Định, hoặc các tỉnh thuộc khu vực Cao nguyên và một số tỉnh thuộc khu vực miền tây như Cà Mau, Bạc Liêu… Tăng Ni rất thiếu. Tăng Ni thiếu thì làm sao đáp ứng được nhu cầu giảng kinh thuyết pháp cho quần chúng Phật tử. Nếu một người Phật tử đến chùa, tuy có tín tâm Tam bảo nhưng không được quý thầy, cô hướng dẫn tu học, giảng kinh thuyết pháp, tất yếu sẽ có hai trường hợp xảy ra, là sẽ rơi vào mê tín dị đoan hoặc tín tâm lần hồi mai một; nếu không khéo họ sẽ bỏ đạo đi theo tôn giáo khác.

Đứng trước thực trạng đáng báo động về số lượng tín đồ tại một số vùng sâu ngày có nguy cơ mất mát khi không có người hướng dẫn tu học, đây là điều mà Giáo hội cần quan tâm và có hướng giải quyết cụ thể. Thiết nghĩ, trong tọa đàm chuyên đề của Ban Hoằng pháp lần này, trước khi quý Ngài đề ra một chiến lược hoằng pháp cụ thể, người viết xin trình bày một vài ý kiến cá nhân trong việc hoằng pháp tại các vùng sâu, nơi Phật giáo chưa được phát triển.

Bài viết tập trung vào ba điểm, là: đào tạo con người hoằng pháp; xây dựng cơ sở hoằng pháp và ứng dụng hoằng pháp vào hoàn cảnh thực tế.

1. Đào tạo con người hoằng pháp

Nói đến việc hoằng pháp, trước hết phải có con người có khả năng hoằng pháp. Cụ thể Giáo hội hiện nay phải có kế hoạch đào tạo đội ngũ giảng sư có đầy đủ tri thức và phạm hạnh để có thể gánh vác trách nhiệm vô cùng khó khăn nhưng đầy cao cả này.

1. 1. Các điều kiện cần có của một vị giảng sư
Muốn làm tròn trách nhiệm hoằng pháp, giảng sư phải hội đủ ba điều kiện sau.

a. Đời sống phạm hạnh
Nếu một người lãnh sứ mạng đi rao giảng tiếng nói của Phật, khuyến khích mọi người tu hành nhưng tự thân mình không tu tập, tư cách đạo đức không có, thử hỏi làm sao quần chúng có thể tin và làm theo những gì mình nói được.
Vì thế, vị giảng sư trước hết phải sống đời sống có lý tưởng giải thoát, có đời sống của một vị xuất gia phạm hạnh, thể hiện đúng tinh thần giới định tuệ.

b. Kiến thức nội điển vững chãi
Giảng sư là người làm công việc nghiên cứu kinh điển và đem sự hiểu biết đó giảng giải cho quần chúng Phật tử, vì thế vị đó phải am tường giáo điển, thông suốt kinh, luật, luận. Bởi làm giảng sư mà không thông suốt Phật pháp, điều này vô cùng tác hại, sẽ giảng sai lời Phật và dẫn dắt quần chúng Phật tử đi lầm đường lạc lối.
Lại đối với ngoại điển, vị đó phải có chút nghiên cứu, để có thể sử dụng làm công cụ chuyển tải nội dung giáo lý, khiến người nghe tiếp nhận dễ dàng hơn.

c. Hiểu biết pháp luật, phong tục tập quán địa phương
Đến một vùng nào, vị giảng sư phải nắm được tình hình sinh hoạt cũng như phong tục tập quán của vùng đó, để rồi tùy nghi ứng xử mới có thể dễ hành đạo. Do vậy, vị giảng sư ngoài việc nắm vững pháp luật quốc gia và những nghị định về tôn giáo, còn phải am hiểu ngôn ngữ, biết rõ đời sống kinh tế, văn hóa, tín ngưỡng đặc thù... tại những nơi mình sẽ giảng pháp.

1. 2. Những điểm chú ý khi giảng
Như cố Hòa thượng Thiện Siêu từng nói: “Giảng pháp để rồi được mọi người vỗ tay chưa phải là hay, giảng sao cho người nghe phát tâm quy y Tam bảo mới gọi là hay”. Muốn đạt được điều đó, vị giảng sư khi đứng trước hội chúng, đề tài mình đưa ra giảng cần chú ý hai điểm.

a. Đề tài giảng phải giải quyết được những vấn đề con người và xã hội hiện đang vướng mắc
Khổ đau là muôn thưở, nhưng cấp độ khổ đau và những biến tướng của nó chắc chắn mỗi thời đại sẽ có sai khác. Vị giảng sư phải nắm bắt được tâm lý và những vấn đề khúc mắc hiện tại của quần chúng để rồi ứng dụng giáo lý tùy cơ nhằm chuyển hóa những nỗi đau, những bế tắc mà xã hội và con người hiện đang vướng phải.
Chúng sanh đa bịnh nên Phật pháp cũng có vô lượng pháp môn đối trị. Vị giảng sư phải tùy hoàn cảnh tâm bịnh của chúng sanh để giảng những đề tài thích hợp trong việc chữa trị bịnh khổ đau cho mọi người.

b. Trình bày được những kinh nghiệm sở chứng của mình
Phật giáo là một tôn giáo đặt nặng việc tu tập và chứng ngộ chứ không phải là một thứ triết lý suông. Học Phật là nhằm mục đích chuyển hóa thân tâm, là chuyển mê khai ngộ, ly khổ đắc lạc. Vì thế, người chuyển tải giáo lý cũng chính là người chuyển tải sự sở tu sở chứng của mình đến cho người nghe.
Khi chúng ta giảng một pháp môn nào, thì ít nhất cũng phải có sự công phu tu tập pháp môn đó, có được một vài kinh nghiệm sở chứng pháp mình đang giảng, như thế mới có thể chuyển hóa người nghe và hướng dẫn họ đi vào con đướng thực nghiệm tâm linh được.

2. Xây dựng cơ sở hoằng pháp

2.1. Thiết lập các ban đại diện cấp huyện, xã
Một số điểm vùng sâu hiện nay vẫn chưa có các Ban Đại diện cấp huyện, xã, khiến cho mọi hoạt động của Phật giáo tại vùng đó bị tê liệt. Điều này Giáo hội cần nỗ lực bằng mọi cách xúc tiến thành lập, để điều hành sự sinh hoạt tín ngưỡng của quần chúng địa phương.
Thực tế có một số địa phương chính sách về tôn giáo của Nhà nước và Hiến chương Giáo hội chưa được các cấp chính quyền sở tại quan tâm, do đó họ gây ra nhiều sự khó khăn cho Tăng Ni đến giảng đạo và quần chúng Phật tử trong việc sinh hoạt tín ngưỡng. Thiết nghĩ, Giáo hội phải có phương cách tháo gỡ, bằng không thì việc sinh hoạt tôn giáo sẽ gặp rất nhiều chướng ngại.

2.2. Xây dựng cơ cở tín ngưỡng
Cơ sở tín ngưỡng của Phật giáo là chùa, niệm Phật đường, thiền viện, tinh xá, am, thất… đây là nơi để chư Tăng Ni tu học và quần chúng Phật tử quy tụ sinh hoạt tín ngưỡng. Thực tế hiện nay có quá nhiều địa phương, nhất là các địa phương vùng sâu, chưa có chùa.
Việc xây dựng chùa tại các địa phương này gặp rất nhiều cản trở, một là sự gây khó dễ của chính quyền sở tại về mặt thủ tục, hai là điều kiện kinh tế địa phương còn nhiều khó khăn. Giáo hội cần quan tâm hơn nữa trong việc xây dựng cơ sở vùng sâu, hoặc giúp đỡ về mặt pháp lý, hoặc tạo điều kiện vật chất để người Phật tử tại đó xây dựng cơ sở tín ngưỡng.
Việc còn thiếu hụt các cơ sở tín ngưỡng là một lý do để tín đồ vùng này không có nơi quy tụ sinh hoạt tôn giáo và chư Tăng Ni cũng không có cơ sở để đến hoằng pháp. Thứ nữa, vấn đề mô hình chùa chiền ở vùng sâu nào, nên chăng chúng ta xây dựng theo bản sắc văn hóa từng vùng đó.

3. Ứng dụng hoằng pháp vào hoàn cảnh thực tế

Nguyện vọng của mỗi người con Phật là muốn đem Phật pháp truyền bá, khiến cho mọi người đều được bình đẳng tắm mát trong ánh hào quang của chư Phật, Bồ tát. Tuy nhiên, để biến được niềm mong ước đó được trở thành hiện thực, chúng ta cần phải nắm rõ được những mặt thuận lợi và khó khăn thực tế tại các địa phương vùng sâu, ngõ hầu khéo vận dụng nhuần nhuyễn vào từng hoàn cảnh để đạt được mục đích.

Đối với việc hoằng pháp vùng sâu, qua tình hình thực tế hiện nay, cần phải chú ý một vài điểm sau:

3.1. Giáo hội các cấp cần tạo mối quan hệ tốt với chính quyền sở tại
Ban Đại diện Phật giáo huyện, xã cần tạo mối quan hệ tốt với chính quyền sở tại, để có sự thuận lợi hơn trong việc xây dựng cơ sở và cử Tăng Ni đến hoằng pháp. Điều này vô cùng quan trọng, bởi hiện nay vẫn có một số vùng, chính quyền sở tại vẫn chưa tạo thiện duyên đối với những hoạt động tôn giáo, nếu không nói là gây khó dễ.
Đối với các vùng chưa có Tăng Ni, hằng năm vào các ngày đại lễ (Phật đản, Vu lan), Giáo hội nên xin phép chính quyền cho Tăng Ni đến làm lễ và thuyết giảng tại các địa phương này. Hình bóng oai nghiêm của Tăng Ni xuất hiện sẽ có tác động rất lớn trong việc tăng trưởng niềm tin của quần chúng Phật tử.

3.2. Quan tâm hơn nữa Tăng Ni đến hoằng pháp vùng sâu
Giáo hội cần động viên và tạo mọi điều kiện thuận lợi để Tăng Ni đến hoằng pháp tại các vùng sâu. Ngoài ra, nên phân bổ các vị giảng sư đến cư trú tại các địa phương này để hành đạo. Thực tế hiện nay có một số tỉnh, số lượng giảng sư chỉ đếm trên đầu ngón tay, nhưng cũng có một số vùng thì lại tập trung quá nhiều giảng sư, do đó nơi thiếu nơi thừa, khiến việc giảng dạy tại một số vùng sâu hầu như tê liệt.
Giáo hội cần phải quan tâm hơn nữa và có sự hỗ trợ cần thiết về mặt tinh thần cũng như vật chất cho những Tăng Ni nào phát tâm dấn thân đến hoằng pháp tại các vùng này.

3.3. Tổ chức các khóa tu cho tín đồ Phật tử
Ngoài các ngày rằm, mồng một Phật tử đến chùa sám hối cầu an, chúng ta nên tổ chức các khóa tu Bát quan trai, khóa tu niệm Phật. Trong các khóa tu này, Giáo hội phải nắm sát tình hình để rồi cử giảng sư về giảng trong các ngày đó.

Lại nữa, tín đồ Phật giáo chúng ta đa phần là những vị lớn tuổi, còn một số lớp trẻ tuy có sự ảnh hưởng nhưng không nhiều. Do vậy, bước đầu hoằng pháp các vùng sâu, Giáo hội cần chú trọng đào tạo lớp trẻ kế thừa này, tổ chức các lớp học Phật pháp vào chiều chủ nhật; tạo thêm sân chơi cho các em thanh thiếu niên mang đậm bản sắc văn hoá dân tộc và văn hóa Phật giáo.
Một thực tế cần phải thấy rõ, đó là hiện nay đời sống kinh tế của nhân dân vùng sâu vô cùng khó khăn. Trong vấn đề này, thiết nghĩ Giáo hội nên kêu gọi các đoàn thể Phật giáo đẩy mạnh việc từ thiện, mở các lớp học tình thương và nỗ lực đáp ứng các nhu cầu văn hóa tiến bộ ở các địa phương này. Đó là những việc cần thực hiện song song với công cuộc giảng kinh thuyết pháp.
Tóm lại, kế thừa tinh thần vị pháp vong thân của các bậc cao Tăng tiền bối, chúng ta những hàng hậu bối càng phải ra sức tu hành và nỗ lực hoằng dương chánh pháp, ngõ hầu Phật pháp được thường trụ ở thế gian để lợi lạc chúng hữu tình. Mà cụ thể hiện nay tại một số tỉnh vẫn còn một đại bộ phận nhân dân vùng sâu, họ chưa được hưởng hương vị giải thoát, đó là đối tượng cần thiết để chúng ta hoằng truyền chánh pháp.

Tất nhiên, việc hoằng pháp đối với các vùng sâu vùng xa trong hoàn cảnh thực tế hiện nay không phải là chuyện đơn giản, nhưng dù khó khăn đến mấy, nếu chúng ta chịu cố gắng, với trí tuệ quyền biến tùy nghi khéo vận dụng vào mọi hoàn cảnh, tất sẽ có ngày thành tựu, chỉ sợ chúng ta không bền gan vững chí mà thôi.

» Ảnh đẹp
» Liên kết website
Search
» Từ điển Online
Từ cần tra:
Tra theo từ điển:
» Âm lịch