Tư liệu
Một cách đọc chuyện Tây Du
26/12/2008 17:07 (GMT+7)
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

LTS: Truyện Tây du, có thể nói, hấp dẫn bạn đọc mọi lứa tuổi. Tuy vậy, nó vẫn không được nhà phê bình văn học vĩ đại Kim Thánh Thán đưa vào "lục tài tử" (6 bộ sách hay nhất của Trung Hoa), nghĩa là nó không bằng Tam quốc, Thủy hử... Có thể, người ta chưa tìm được ý nghĩa triết học nhâm sâu đằng sau những câu truyện ma quái ly kỳ và những tình tiết hấp dẫn. Gần đây, trong nghiên cứu văn học đã xuất hiện những phương pháp phân tích văn bản cho phép người đọc "đọc" tác phẩm ở tầng sâu của nó. Giải mã truyện Tây du của Lê Anh Dũng đi theo đường hướng này. Bởi thế, cuốn sách của anh được bạn đọc rất thích và được in đến lần thứ 5. VHNT xin giới thiệu cách đọc Tây du của Lê Anh Dũng.

Nói “đọc lại” vì Giải mã truyện Tây du của Dũ Lan Lê Anh Dũng được in lần nầy nữa là đến lần thứ năm (không kể những lần nối bản). Chưa thể đo lường được chính xác sức thuyết phục của nó tới đâu, nhưng nội cái việc chỉ trong hơn mười năm (1993-2006), một tác phẩm được tái bản nhiều lần như vậy chứng tỏ tác giả của nó đã dụng công khá nhiều, và những điều viết ra hay “tán chuyện” trong sách cũng có lý sao đó mới đạt được sự hưởng ứng của độc giả như vậy, do ai cũng cảm thấy có nhu cầu tìm hiểu cặn kẽ hơn về một tác phẩm vốn được phổ biến rất rộng của Ngô Thừa Ân, từ lâu được xếp vào một trong tứ đại kỳ thư của thời Minh (Trung Quốc) mà già trẻ lớn bé đọc sách hoặc xem phim đều thấy có sức hấp dẫn hết sức kỳ lạ.

Ở Việt Nam, sách chuyên khảo về Tây du ký phải kể thuộc loại hiếm hoi. Trừ một quyển khác của nhà sư Chơn Thiện, dùng Tây du ký để diễn đạt đạo Phật, còn lại chỉ có quyển nầy, không kể một số bài viết đăng trên các báo, tạp chí, nghiên cứu không sâu lắm. Tác giả Lê Anh Dũng cho biết, ban đầu định đặt lên cho sách là “Huyền nghĩa truyện Tây du”, sau mới đổi ra tên có hai chữ “giải mã”, đủ thấy chiều hướng của tác giả là muốn khám phá, chỉ ra cho người đọc ý nghĩa sâu xa của tác phẩm về phương diện mà anh gọi là “hình nhi thượng học”, tạm hiểu là những triết lý sâu xa hàm ẩn do Ngô Thừa ân muốn gởi gắm thông qua những sự kiện, nhân vật, hoặc đồ vật... mà mới xem qua người ta thường chỉ tưởng là những chuyện yêu ma thần quái được thêu dệt bằng sức tưởng tượng phong phú để lôi cuốn người đọc.

Qua chín bài viết khá công phu và hấp dẫn, lời lẽ dí dỏm, tham khảo rộng các sách, Lê Anh Dũng đã dẫn dắt người đọc giải ra từng mã tức từng hàm ý cao sâu của tác phẩm chứa đựng trong các sự kiện, tựu trung là một bản giải trình khéo léo và hoàn chỉnh về các thuyết cơ bản của đạo Phật, đạo Lão, nhất là về Thiền học, thông qua những chương hồi gay cấn, tình tiết hấp dẫn ly kỳ tưởng như chỉ nhằm thỏa mãn thị hiếu giải trí của đại chúng. Nói cách khác, tác giả làm tiếp cái công việc giảng đạo của Ngô Thừa ân với vai trò của một nhà chú giải, chẳng khác nào Tây du ký nguyên bản là “kinh”, còn đây là “truyện” hay “chú, sớ” của người xưa vậy. Nhờ làm việc có phương pháp, trình bày mạch lạc, dễ hiểu, Giải mã truyện Tây du phần nào đáng được coi là một cuốn tiểu từ điển về danh tác của Ngô Thừa ân, có giá trị tham khảo tương đối tốt.

Đọc hết quyển sách, không thấy có chỗ nào chứng minh Tây du ký là tác phẩm mang nội dung hiện thực xã hội nói về phong trào phản kháng của nông dân hay chống phong kiến cả, như có nhiều thuyết khác đã từng bàn, mà chỉ thấy từ trước đến sau toàn đạo học phương Đông, Tam giáo đồng quy dẫn dắt con người đi đến bờ bên kia (giác ngộ, giải thoát), thông qua một quá trình tìm cầu chân lý hết sức gian khổ do phải luôn đấu tranh cật lực với chính bản thân mỗi con người, mà hình ảnh năm thầy trò Đường tăng (kể thêm con long mã) là một hiện thực sinh động, cụ thể.

Tuy nhiên điều vừa nêu trên cũng có thể là một điểm hơi thái quá của Giải mã truyện Tây du. Trên thực tế, không bao giờ có tác phẩm lớn nào đi sâu rộng rãi dài lâu vào lòng người đọc như Tây du ký mà chỉ có một ý nghĩa đơn thuần hay chủ yếu như vậy cả. Tỉ như Truyện Kiều của Nguyễn Du, trong đó có thể có chút luân lý hoặc tôn giáo (đạo Phật), thuyết tài mệnh tương đố, tâm sự tác giả nầy khác, và cũng có hiện thực xã hội thối nát của triều đại phong kiến vốn là cái chất liệu hoàn cảnh xã hội từ đó nội dung tác phẩm được dựng nên, nhưng cái hay còn thể hiện ở nhiều chỗ khác như miêu tả tính cách, tâm lý nhân vật thần tình đến nỗi ai đọc vào cũng thấy dường như có mình trong đó, và thấy hiện lên một cuộc sống hiện thực toàn diện nhiều màu nhiều vẻ của một cõi nhân sinh hoan lạc nhưng cũng đầy thống khổ. Nếu xét theo chiều nhìn nhận nầy thì có thể nói sự giải mã Tây du của Lê Anh Dũng cũng chưa thật toàn diện đủ giúp cho người đọc thấy hết mọi khía cạnh ý nghĩa đáng chú ý trong một danh tác hoàn chỉnh vốn dĩ không phải chỉ là một sách đơn thuần giảng đạo. Điều nầy cũng tương tự như thời gian gần đây, ở Trung Quốc có một số người tìm cách giải mã các truyện võ hiệp kỳ tình xuất sắc của Kim Dung vậy, mà nói chung là đều thông qua cách tiếp nhận tác phẩm của Kim Dung bằng nhãn quang riêng (hay cặp kính màu?) để phát biểu những nhận định và mong ước của mình về nhân sinh và thế giới, hay về lý tưởng chính trị, đạo đức...

Bỏ qua những quan điểm cực đoan tìm cách cường điệu Tây du ký theo hướng coi nó là một tác phẩm chuyên phê bình hiện thực xã hội, trên thực tế Tây du ký vẫn cần được nhìn nhận một cách khách quan hơn, đúng với những gì nó muốn chứa đựng, mà không cần câu nệ làm như vậy là theo phương pháp hoặc trường phái nào, bởi chính Ngô Thừa ân cũng đâu thuộc hẳn trường phái nào. Theo nhận định của Lỗ Tấn (trong Trung Quốc tiểu thuyết sử lược), “Tây du ký là bộ tiểu thuyết tràn ngập những xúc cảm, tưởng tượng, ly kỳ, rất dễ giải thích gán ghép (TVC nhấn mạnh). Người đời Thanh có bình luận đó là một bộ tiểu thuyết khuyến học, cũng có thể giải thích đó là một bộ tiểu thuyết nói về Thiền, hoặc cũng có thể giải thích đó là bộ tiểu thuyết nói về Đạo, muốn nói thế nào cũng có lý lẽ rõ ràng cả, vì văn từ trong bộ tiểu thuyết nầy rất dồi dào”.

Tôi có đọc chuyên luận Giá trị thời đại của Tây du ký của Tả Tùng Siêu (người Đài Loan, in trong Văn học hân thưởng, Tam Dân thư cục ấn hành, Đài Bắc, 1964), trong đó đưa ra rất nhiều thí dụ cụ thể để so sánh, chứng minh giá trị phê phán của Tây du ký đối với hiện thực thối nát của triều đình nhà Minh, lý lẽ cũng đầy sức thuyết phục. Tả Tùng Siêu cho biết đến thời nhà Thanh, ý kiến bình luận về Tây du ký đưa ra rất nhiều, mỗi nhà đều giữ sở kiến riêng, “tự viên kỳ thuyết” (vo tròn cho hợp với chủ kiến của mình), như có thể kể Tây du chân thuyên của Trần Sĩ Bân, Tây du tân thuyết của Trương Thư Thân, Tây du nguyên chỉ của Lưu Nhất Minh, Tây du chứng đạo thư của Uông Tượng Húc, Tây du chính chỉ của Trương Phùng Nguyên... Nhưng ở những tác giả này cũng như ở Lê Anh Dũng, dường như ít ai chú ý đến khía cạnh Tây du ký ngoài ý nghĩa Tam giáo khá rõ ràng, chủ yếu nó là một nỗ lực cố miêu tả cho thật đúng và một cách sinh động bản lai diện mục không phải chỉ của con người mà của cả một cõi nhân sinh phức tạp, tế nhị và khó nói sao cho phải...

(Văn Hoá Nghệ Thuật, số 3,(261) 2006)

» Ảnh đẹp
» Liên kết website
Search
» Từ điển Online
Từ cần tra:
Tra theo từ điển:
» Âm lịch