Tư liệu
Để hoằng pháp thể nhập vào đời sống
29/12/2008 15:57 (GMT+7)
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

Thích Duy Trấn
(Phó đoàn Giảng sư THPG TP.HCM)

Đường hướng giáo dục của Thế Tôn là tuỳ theo điều kiện sống, điều kiện nhận thức và nhân duyên tu tập giải thoát của từng cá nhân mà giảng dạy pháp môn thích hợp. Theo nếp giáo dục ấy, chư Tăng Ni nói chung và các vị hoằng pháp nói riêng cũng tuỳ thời, tuỳ pháp, tuỳ cơ, tuỳ xứ mà có trách vụ, giảng dạy giáo lý làm cho sự nghiệp giáo dục của Thế Tôn ngày càng hưng thịnh, nhằm đem lại lợi ích, an lạc cho đời trên tinh thần “Thượng cầu Phật đạo, hạ hoá chúng sanh”.

Đời sống tu hành thanh tịnh, tinh cần của vị Tỳ kheo đã là một bài học và là niềm tin của các Phật tử có nhân duyên thân cận. Bằng sự giảng dạy, vị Tỳ kheo chỉ rõ cho Phật tử thế nào là lòng tin chân chánh? Và nên tin những gì? Lòng tin của Phật tử ngày càng dõng mãnh, chánh kiến, sự hiểu biết không lệch ra ngoài Thánh đạo. Trong giai đoạn hiện nay, ngành Hoằng pháp đã có những vận động đổi mới không ngừng, thể hiện cụ thể ở cuộc toạ đàm Hoằng pháp với chủ đề “Sứ Mệnh Hoằng Pháp Thời Hiện Đại”.

Trong thời gian hạn hẹp, xin được trình bày một vài ưu tư trong công tác giảng dạy giáo lý cho Phật tử vùng sâu vùng xa.

1. Sự phối hợp đồng bộ giữa Trung ương và địa phương

Nét đẹp của nền văn hóa giáo dục Phật giáo là món ăn tinh thần, là nguồn sống tâm linh không thể thiếu cho bất cứ một ai, từ thành thị cho đến thôn quê. Trước nhịp sống khoa học hiện đại, đời sống tâm linh là điều không thể thiếu, nguồn sáng tạo cho cuộc sống tương lai. Trên tinh thần đó, điểm thuận lợi lớn nhất của chúng ta là cái nhìn phát triển của các vị trụ trì luôn hoan hỷ tạo mọi điều kiện khai mở đạo tràng, lớp giáo lý để đáp ứng tinh thần tu học giáo lý của hàng Phật tử tại gia vùng sâu vùng xa. Điều này sẽ tạo nên niềm vui phấn khởi của Phật tử khi được thi đua giáo lý với các tỉnh thành bạn. Đây là điều đáng ghi nhận mà chư Tôn đức đã và đang phát triển cho mảng giáo lý vùng sâu vùng xa. Điểm vui mừng lớn nhất là sự quan tâm của chính quyền địa phương đã ca ngợi tán dương và thiết tha được đón tiếp chư tôn đức giảng sư về sinh hoạt thuyết giảng, mang lại niềm vui an lạc cho bản làng.

Bên cạnh đó, vì công việc Phật sự của tỉnh thành khá lớn, trong khi đó, thành phần nhân sự giảng sư tại tỉnh nhà thường không đáp ứng được nhu cầu thính pháp cho các đạo tràng, hay lớp giáo lý ở tận vùng sâu vùng xa, có tỉnh nhân sự còn quá hạn chế về chuyên môn, cho nên rất cần sự quan tâm ủng hộ của Ban Hoằng pháp Trung ương hỗ trợ cho các tỉnh thành, nhất là sự phát tâm ủng hộ nhiệt tình của chư tôn đức thành viên Đoàn giảng sư Trung ương về tận vùng sâu vùng xa để triển khai giáo lý cho hàng Phật tử. Ngoài ra, sự điều phối của Ban Hoằng pháp Trung ương về nhân sự cũng như phương tiện và khuyến tấn cho các thành viên Đoàn giảng sư Trung ương tạo sự liên kết và cầu nối với thành viên giảng sư các tỉnh thành trong công tác hoằng pháp vùng sâu vùng xa cũng là một điều hết sức cần thiết.

2. Xây dựng và phát triển các đạo tràng tu học

Ngày nay, đất nước thanh bình, cuộc sống tâm linh cũng được khơi nguồn. Phật pháp cũng được thịnh hành, các đạo tràng Bát quan trai, đạo tràng niệm Phật từ vùng sâu vùng xa cũng được phát triển. Nơi nào khai mở đạo tràng có Tăng Ni hướng dẫn tu tập là nơi ấy Phật tử tinh cần tu tập rất đông.

Chính vì vậy, nhóm giảng sư vùng sâu vùng xa của chúng tôi phát nguyện dấn thân đến các đạo tràng thuyết giảng và cùng với Phật tử tu tập, chia sẻ những gì Phật tử chưa thông. Đây là nguyên nhân mà chúng tôi kết hợp với các vị trụ trì để khai mởi các đạo tràng và thành tựu một cách mỹ mãn. Chánh kiến niềm tin của Phật tử đã được tăng lên, các đạo tràng không còn mê tín dị đoan, đốt giấy tiền vàng mã, Phật tử rất vui mừng không còn phụ thuộc vào hủ tục mê tín dị đoan. Chính vì vậy, Đoàn giảng sư Trung ương là niềm tin, là đuốc tuệ, là mạng sống tâm linh cho hàng triệu Phật tử.

3. Hoằng pháp kết hợp từ thiện

Thông thường, tháng Bảy là tháng xá tội vong nhân, là tháng mang lại tình thương cho muôn loài. Vào những tháng này, nhóm giảng sư vùng sâu vùng xa cũng như Đoàn giảng sư Phật giáo người Hoa chúng tôi thường tổ chức đi phát quà ở các tỉnh như Kon Tum, vào các thôn làng của người dân tộc, chúng tôi đã bỏ ra hơn một tiếng đồng hồ cùng trò chuyện, ca hát và dạy họ niệm Phật, hướng dẫn họ quy y Tam bảo và khuyên họ học giữ Ngũ giới. Khi nghe nói thọ trì 5 giới thì được phước, bà con dân tộc rất vui mừng, nhưng họ yêu cầu cho uống rượu vì thiếu niên nam nữ 12 tuổi đã ghiền rượu, ghiền thuốc rê do họ sống trong thôn làng, sống trên núi khí hậu rất lạnh. Chúng tôi dạy họ từ bỏ rượu vì khi uống rượu vào con người sẽ mất đi lý trí, không thể làm chủ được bản thân đưa tới những hành động sai trái, và họ đã từng bước nghe theo.

Với cương vị là Phó ban TTXH Báo Giác Ngộ, những ngày tháng 7 ÂL, được sự phân công của Thượng tọa Trưởng ban, chúng tôi đã hướng dẫn đoàn lên đường đi phát quà tại xã Măng Cành, huyện Kon Plong, Kon Tum, chúng tôi đã để lại rất nhiều nhu yếu phẩm như muối hột, mì ăn liền, mì chín, nước tương, gạo v.v… Chúng tôi rất vui mừng nhận được 1 tiếng: “Mơ Ne” (tiếng dân tộc nghĩa là cám ơn). Chùa Liên Hoa Q.11 nơi chúng tôi đang trụ trì, chúng tôi khéo vận dụng nắm bắt được tinh thần hiếu nghĩa, báo ân cho cha mẹ qua đời là phải đốt nhiều giấy tiền vàng mã để hồi hướng, hầu như 95% Phật tử là người Hoa đều mang tư tưởng cổ hữu dị đoan này; năm 1998 chúng tôi đã dùng giáo pháp của Đức Phật khuyên răn các Phật tử gần xa: Các Phật tử, khi vào chùa lễ Phật, cúng vong linh xin miễn đốt giấy tiền vàng mã mà hãy tiết kiệm số tiền mua vàng mã, dùng vào công tác từ thiện hoặc công tác trợ duyên cho giáo dục. Tám năm đã qua, việc không đốt giấy tiền vàng mã đã trở thành “Quỹ không đốt vàng mã”, số ngân quỹ này đã được đưa vào công tác hoằng pháp.

Chúng tôi đã hấp thụ được tinh thần giáo dục của Hoà thượng Trưởng ban Hoằng pháp, ý thức qua việc từ thiện lồng vào chương trình hoằng pháp rất thành tựu. Có một lần, được Ban Từ thiện phân công đi phát quà tại huyện Triệu Phong, Quảng Trị, đến nơi Ban Từ thiện tỉnh Quảng Trị kết hợp với Chữ thập đỏ huyện ra đón tiếp và hướng dẫn chúng tôi đến niệm Phật đường Triệu Trạch. Trong lúc xuống làng cứu trợ, chính quyền địa phương đã gợi ý Đoàn giảng sư nên để lại pháp âm gì cho bà con. Chúng tôi đã dành hơn 40 phút để thuyết giảng luật nhân quả cho hơn 500 người nghe. Và pháp môn niệm Phật đã làm an tâm cho tất cả bà con tận vùng xa xôi nơi đất Quảng Trị.

4. Kết luận

Chúng ta là một sứ giả của Như Lai, mang nhiệm vụ hoằng pháp, tức đem Chánh pháp ứng dụng vào cuộc đời. Chư Tăng mãi mãi là địa vị Chúng Trung Tôn, là niềm tin, là nơi quy hướng của toàn thể Phật tử tại gia. Điều ưu tư là làm thế nào để Tăng già phát triển, xứng đáng là ngôi báu, xứng đáng là vị thầy khả kính về tinh thần của toàn thể nam nữ Phật tử đang phát triển mạnh cả hai mặt chất và lượng. Để hoằng pháp thể nhập vào đời sống, đúng vai trò của mình trong một nền văn hoá phát triển của cộng đồng.

Sau đây, chúng tôi xin được đệ trình một ý kiến nhỏ về thành viên Đoàn giảng sư người Hoa Ban Hoằng pháp THPG TP.HCM. Kính xin Ban Tổ chức cứu xét cho Đoàn giảng sư người Hoa tăng thêm thành viên, ngõ hầu cùng Giáo hội Phật giáo Việt Nam đem Phật pháp đến vùng sâu vùng xa, nơi có nhiều người Việt gốc Hoa ở các tỉnh thành được thấm nhuần Phật pháp.

Trước khi dứt lời, thay mặt Đoàn Giảng sư Phật giáo người Hoa, Ban Hoằng pháp Thành hội Phật giáo TPHCM, chúng tôi xin kính chúc chư tôn đức pháp thể khinh an, Phật sự viên thành. Kính chúc quý đại biểu, quý nam nữ Phật tử vô lượng kiết tường, vô lượng an lạc.

» Ảnh đẹp
» Liên kết website
Search
» Từ điển Online
Từ cần tra:
Tra theo từ điển:
» Âm lịch