Tư liệu
Hoằng pháp, một phương hướng để hoàn thiện nhân cách con người
26/12/2008 17:13 (GMT+7)
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

Thích Thiện Quý
(Thành viên Ban Điều hành ĐGS T.Ư)


Ngày nay, chúng ta sống trong một thời đại khi mà khoa học và kinh tế đã sản xuất ra quá nhiều của cải và phát minh kỳ lạ. Chính những điều này khiến cho chúng ta khó có thể tưởng tượng được những gì sẽ đi đến tiếp theo. Tuy nhiên khi chúng ta tận hưởng những lợi ích từ sự phát triển của khoa học và kinh tế trong thời đại của chúng ta thì chúng ta phải tự hỏi làm cách nào mà những thành tựu về vật chất này có thể ảnh hưởng đến cách cư xử có đạo đức của tất cả mọi người trên thế giới.

Thế giới hiện tại đã trở nên quá phức tạp, con người hơn bao giờ hết có đủ tư cách để chọn lựa những thực tại riêng của họ và đi đến những quyết định được căn cứ trên những cảm nghĩ cá nhân hoặc những hành động đánh giá cá nhân của những gì là đúng và sai. Khi con người lựa chọn cho chính họ những gì là đúng và những gì là sai thì chính những điều này thường dẫn đến những hậu quả có hại cho cả đời sống chính họ và của những người khác. Để nói về vấn đề này, tôi nghĩ vai trò của người hoằng pháp trong thời hiện đại thật là cần thiết để trình bày một số đề tài chủ yếu liên quan đến những giáo lý thiết thực mang đậm tính nhân bản của Phật giáo nhằm giúp con người thấy được sự can đảm trong chính họ để sống một cuộc sống phù hợp với chân lý và để thiết lập trong xã hội những tiêu chuẩn có lý lẽ và khách quan.

1. Phật giáo và cảnh giới con người (Sự hoàn thiện về nhân cách con người)

Trong Phật giáo có năm cảnh giới hiện hữu mà tất cả chúng sanh bị luân hồi trong đó, tức là: thiên, nhơn, địa ngục, súc sanh và ngạ quỷ(1). Cảnh giới cao nhất trong năm cảnh giới này là cảnh giới của chư thiên. Nhưng vì chúng sanh ở đây do quá mải mê tận hưởng những niềm vui khoái lạc nên quên làm bất cứ những thiện nghiệp công đức nào Vì vậy, họ vẫn phải bị đoạ vào bất cứ một trong ba cảnh giới thấp nhất (địa ngục, ngạ quỷ và súc sanh) khi thân thể của họ xuất hiện năm tướng suy(2). Những cảnh giới khác vì sự đau khổ quá khốc liệt với những hình phạt khác nhau, chúng sanh bị đau đớn quá nhiều nên ít có cơ hội để thực hiện những hạnh nghiệp tốt và những sự tiến bộ về mặt tinh thần(3) Liên quan đến vấn đề này, Đức Phật đã trả lời vị Tỳ kheo rằng thân phận tốt nhất là được tái sanh làm người. Khi ở địa vị con người họ sẽ đạt được niềm tin trong pháp và luật do Như Lai thuyết giảng và thiết lập được sự an trú trong chánh pháp. Đó là lý do tại sao Đức Phật nói: “Khó thay được làm người, khó thay được sống còn, khó thay nghe diệu pháp, khó thay Phật ra đời!”.

Mục đích của lời dạy ấy chứng tỏ rằng Đức Phật muốn nhấn mạnh vị trí thù thắng cảu con người. Chính Đức Phật, Ngài được sinh ra trong thế giới này, cũng có cha mẹ, gia đình và sống cuộc sống của một con người bình thường. Sau khi tu tập và đạt được giác ngộ, Ngài chia sẻ với mọi người trong thế giới chân lý tối thượng mà Ngài đã đạt được. Như là một người theo chủ nghĩa kinh nghiệm, mối quan tâm về con người, giá trị và sự hoàn thiện về nhân cách con người được thể hiện trong giáo lý của Ngài để đảm bảo an lạc và hạnh phúc cho con người ngay tại đây trong đời này và đời sau. Chính cuộc đời của Đức Phật như là một con người đã trở thành tấm gương sáng cho chúng ta nguồn cảm hứng để hoàn thiện nhân cách con người của chúng ta.

Triết lý nhân quả nghiệp báo của Phật giáo góp phần cho sự hoàn thiện về nhân cách đạo đức của con người. Mỗi một hành động đều có kết quả của nó: tốt hay xấu, khổ đau hay hạnh phúc đều phát xuất từ tâm thiện hay ác mà ra. Chúng ta với đầy đủ lý trí và khả năng của con người nhận biết được khổ đau và hạnh phúc, hiểu thấu được ý nghĩa của cuộc sống, những khái niệm của thiện và ác để tự cải thiện, tự hoàn hảo và giải thoát. Đức Phật, một lần nọ, đã nói với Tỳ kheo Cunda rằng “con người tự mình bị rơi vào bùn lầy không thể kéo lên một người bị rơi vào bùn lầy. Nhưng này Cunda, con người tự mình không rơi vào bùn lầy có thể kéo lên một người bị rơi vào bùn lầy.”(4) Giá trị đạo đức của lời tuyên bố trên là rằng phúc lợi xã hội và sự nổ lực để phục vụ xã hội trong bất cứ phạm vi nào hoàn toàn tuỳ thuộc vào sự phát triển đạo đức của con người. Quan điểm của Đức Phật về một con người hoàn hảo bao gồm những đức tính sau đây: Có khả năng, trực tánh, thật thà, trung thực, nhu nhuyến, không cao ngạo, sống biết đủ, trầm tĩnh, sống đạm bạc, giản dị, kiềm chế được các dục, khôn ngoan, thận trọng, không tham ái và tham vọng.(5) Những phẩm chất của một con người như vậy sẽ tràn ngập trong tâm với những ước muốn chân thành mong cho tất cả mọi người được an ổn, sung sướng và hạnh phúc. Không tổn hại sẽ phát ra từ họ, họ sẽ là những nhân tố tích cực trong xã hội, đối xử với mọi người xung quanh bằng lòng từ bi và yêu thương. Như vậy, Niết bàn là quả vị cao nhất mà họ dễ dàng đạt được thực sự ngay trong đời sống này và ngay trong cảnh giới con người này. Cho nên việc hoàn thiện về nhân cách con người là một cơ hội quý giá mà không được lãng quên.

“Nay vui, đời sau vui
Làm phước hai đời vui
Người ấy vui, an vui
Thấy nghiệp tịnh minh làm”(6)

2. Quan điểm quan tương của Phật giáo

Quan điểm tương quan được thể hiện trong giáo lý Duyên khởi, liên quan đến toàn thế giới như là một đại gia đình. Không có một ai có thể tồn tại mà không có mối quan hệ gần gũi với người khác, với xã hội và với thiên nhiên. Sự giúp đỡ lẫn nhau để an toàn thoát khỏi nhà lửa của một người mù, một người điếc, một người câm và một người không thể đi được đã nói lên được ý nghĩa của sự tương quan. Xã hội cũng vậy, xã hội không chỉ đơn thuần là sự tập hợp của những cá nhân mà còn là sự quan tâm qua lại lẫn nhau tuỳ thuộc vào điều kiện vật lý, môi trường, văn hoá, những hy vọng và nguyện vọng của mỗi cá nhân. Theo quan điểm Phật giáo, một xã hội lý tưởng nên đặt trọng tâm vào việc sáng tạo ra những điểu kiện tốt để giúp cho sự phát triển tinh thần. Phật giáo tin rằng con người có thể thay đổi tốt hơn dưới những điều kiện tốt. Tăng đoàn Phật giáo là một điển hình, các vị tu sĩ mặc dù từ bỏ xã hội thế tục nhưng họ đã xây dựng một xã hội mới được căn cứ trên những mối quan hệ có đời sống tinh thần cao hơn: “Không có giai cấp, không có sự khác nhau, không có sự quyền thế; tất cả đều bình đẳng”.

Mỗi một người trong chúng ta nên đóng góp vai trò của mình vào việc duy trì và đề xướng sự bình đẳng và trật tự của xã hội. Đức Phật đã giải thích rất rõ ràng những vai trò này như là những bổn phận hỗ giữa tương bố mẹ và con cái, thầy và trò, chồng và vợ, bạn bè, thân nhân và hàng xóm, chủ và tớ, tu sĩ và thế tục... Không một ai có thể bỏ quên những bổn phận này. Những bổn phận này được xem như là những bổn phận thiêng liêng, chúng có thể tạo ra một xã hội hoà bình và hoà hợp.

Mặt khác, tương quan cũng có nghĩa là hoà hợp và từ bi. Ngang qua hòa hợp, mọi người cùng hiện hữu; ngang qua từ bi, mọi người có thể chia sẻ khổ đau và bất hạnh của người khác, cố gắng khắc phục những hành động tiêu cực có thể xảy ra, thay đổi những điều này thành hạnh phúc, lợi ích và an lạc. Ngày nay nạn đói xảy ra khắp nơi trên thế giới do thiên tai lũ lụt, động đất, chiến tranh..., điều này đồng nghĩa với sự xuất hiện của bệnh tật, như bệnh tê phù, bệnh còi xương, bệnh thiếu máu, bệnh dịch và sự suy nhược cơ thể... Thay vì chia sẻ với nỗi bất hạnh của những người đang trong tình trạng thiếu ăn, một số người đã làm ngơ trước những vấn nạn này mặc dù cuộc sống của họ rất xa hoa, sung túc. Như là kết quả của sự ăn chơi quá độ, sự nguy hiểm về sức khoẻ của họ cũng đang bị đe doạ bởi những căn bệnh béo phì, xơ cứng động mạch, dư chất dinh dưỡng, v.v... Lời khuyên của Đức Phật dành cho những người có tài sản là nên biết sử dụng tiền một cách xứng đáng. Một người với tài sản thu được do nỗ lực tinh tấn, tích luỹ được do sức mạnh của cánh tay, do mồ hôi đổ ra đúng pháp, thâu hoạch đúng pháp giúp cha mẹ được sung sướng, an lạc; giúp vợ con, người phục vụ, người làm công được sung sướng, an lạc; giúp bạn bè thân hữu được an lạc, hoan hỷ; hiến cúng cho những người bất hạnh, những tổ chức từ thiện, viện dưỡng lão, hội khuyết tật... Với tài sản kiếm được do những sự nỗ lực ở trên, người ấy tự làm mình an lạc, hạnh phúc và chơn chánh đem lại an lạc cho người khác. Tuy nhiên, từ thiện không chỉ bố thí những món quà vật chất như thuốc men, quần áo, thực phẩm mà còn bao gồm nhiều hình thức khác nhau, trong đó những sự phục vụ xã hội như là một trong những phương diện của nó. Nếu một người không có gì để cho người khác, có thể cho sự phục vụ của mình như chăm sóc người bệnh, người già neo đơn, người tàn tật... Như vậy, cộng sinh với ý nghĩa của từ bi và hoà hợp, con người hơn bao giờ hết rất cần sự chia sẻ của cộng đồng. Thú vật và cây trồng cũng cần được bảo vệ để môi trường sinh thái được cân bằng.

Tóm lại, tương quan với sự kính trọng quyền của người khác thì luôn luôn là đường hướng của Phật giáo để đề xướng một xã hội hoà bình, ổn định và hòa hợp mà không có bất cứ sự tổn hại nào có thể xảy ra. Ngoài ra, quốc gia cũng đóng một vai trò quan trọng trong việc thiết lập một triết lý xã hội đầy nhân tính ngang qua giáo lý Duyên khởi của Phật giáo để phù hợp với Hiến chương nhân quyền trên toàn thế giới.

3. Quốc gia và xã hội có thể được lợi ích từ Năm giới (Năm giới góp phần ổn định trật tự xã hội)

Chỉ riêng Năm giới của Phật giáo có thể mang lại hoà bình cho quốc gia và toàn thế giới. Đức Phật dạy không sát sanh để chỉ ra sự kính trọng đối với đời sống của người khác. Nếu một người không xâm phạm quyền sống của người khác, người đó tận hưởng được sự tự do của cuộc sống mà không sợ sự trả thù của bất cứ một ai. Không trộm cắp có nghĩa là kính trọng tài sản của người khác. Người không trộm cắp sẽ được an lạc mà không phải nơm nớp lo sợ bị phát hiện hay bị truy nã. Không tà dâm chỉ ra sự kính trọng tiết hạnh của chính mình và người khác. Không nói dối và nói lời gian trá để tránh cho mọi người nghi ngờ danh tiếng của người khác, thanh danh của chính mình cũng không bị tổn hại. Không uống rượu hoặc chất gây kích thích là để thân tâm của mình không bị tổn hại cũng như trách làm tổn hại người khác.

Năm giới này nếu được duy trì và tuân giữ trong tâm của một người thì chắc chắn tư cách và đạo đức của người đó ngay thẳng, đáng tin cậy. Nếu một gia đình có thể giữ được năm giới, gia đình đó luôn sống trong sự hoà thuận. Nếu một cộng đồng có thể giữ được năm giới, cộng đồng đó sẽ được phồn vinh. Nếu quốc gia có thể giữ năm giới, quốc gia đó chính là cõi Tịnh độ ngay trong thế giới này. Đức Phật nói rằng một quốc gia có thể trở nên cường thịnh và hùng mạnh nếu quốc gia đó được căn cứ trên pháp và luật. Trong Trường Bộ kinh(7), Đức Phật đã vạch ra cho chúng ta thấy rằng đức vua hay người lãnh đạo đất nước nếu không có những chiến lược kinh tế đúng đắn cho con người kiếm sống một cách lương thiện, chắc chắn quốc gia đó sẽ dẫn đến nghèo đói, và như là một sự tất yếu nạn cướp bóc, thói hư tật xấu, tệ nạn xã hội sê xảy ra.

Nhà tù là nơi cho chúng ta thấy rõ nhất sự vi phạm của Năm giới. Chẳng hạn như, những người phạm tội giết người, tội ngộ sát hoặc tội đe doạ mạng sống của người, họ đã vi phạm giới sát. Tội tham nhũng, tham ô, trộm cướp là vi phạm giới cắp. Sự khiêu dâm, ngoại tình, đa thê, cưỡng hiếp, mại dâm là những tội trái với bất dâm. Chiếm đoạt bằng sự gian trá, sự hăm doạ và giựt nợ là tổn hại đến giới cấm vọng ngữ. Lại nữa xì ke, ma tuý, thuốc lắc và những chất kích thích bất hợp pháp khác có tác hại bất lợi đến tâm của con người, tổn hại đến khả năng nhận thức của con người và khiến cho con người có những hành động tán tận lương tâm. Như vậy, nhà tù sẽ không còn tác dụng nếu mọi người tuân thủ Năm giới này.

Ngày nay, Phật giáo đang ngày một phát triển rộng rãi khắp nơi trên thế giới. Phật giáo được xem như là tôn giáo của con người. Một số người bày tỏ lòng kính trọng đối với Đức Phật vì họ muốn cầu xin tuổi thọ, giàu có, gia đình hạnh phúc, danh tiếng, sức khoẻ... Thật ra, nếu họ có thể tăng trưởng niềm tin vào giáo lý của Đức Phật để giữ gìn năm giới trọn vẹn, họ sẽ hưởng được niềm hạnh phúc lớn lao mà không cần bất cứ sự cầu xin nào. Chẳng hạn như, một người không sát sanh mà còn bảo vệ sự sống, làm sao người này không có tuổi thọ được? Một người không trộm cắp mà còn bố thí, cúng dường, giúp đỡ người khác, làm sao người này không giàu có được? Một người không ngoại tình, không có những hành vi sai trái về dục vọng, làm sao gia đình không hạnh phúc và hoà hợp được? Một người không nói dối mà còn thật thà, lương thiện, an ủi và khuyến khích người khác, làm sao người này không có tiếng tốt được? Một người không nghiện ngập mà còn chăm sóc thân thể, làm sao người này không có sức khoẻ được?

Sự phân tích ở trên cho thấy năm giới thực sự có ảnh hưởng lớn đến cá nhân, xã hội và quốc gia mà không một ai có thể phủ nhận được giá trị đích thực của nó. Vậy trách nhiệm của người hoằng pháp cần phải tích cực quảng bá rộng rãi những giới điều hết sức căn bản này.

Trên đây là một vài suy nghĩ thiển cận về những điều kiện cần và đủ của một vị giảng sư trong thời hiện đại, người viết chỉ xin đóng góp một vài kiến thức nhỏ nhoi của mình vào việc truyền bá Chánh pháp như lời Đức Thế Tôn thường nhắc nhở các Tỳ kheo: “Này các Tỳ kheo! Hãy truyền bá Chánh pháp, hãy đem lợi ích đến chi mọi người... thì các ông mới làm tròn được nhiệm vụ”.

Ghi chú:
(1) D.III. 234; M.I. 73; A.IV. 458.
(2) It.83. (Ngũ suy tướng hiện: các vòng hoa héo úa, áo quần bị uế nhiễm, mồ hôi chảy ra từ nách, thân sắc trở nên xấu xí và thiên nhân không hoan hỷ tại chỗ ngồi của chư thiên)
(3) M.III.167.
(4) M.I.45.
(5) Sn.142,143.
(6) Dh.Vs.16.
(7) D.III.58.

» Ảnh đẹp
» Liên kết website
Search
» Từ điển Online
Từ cần tra:
Tra theo từ điển:
» Âm lịch