Tư liệu
Hoằng pháp xưa và nay
26/12/2008 17:13 (GMT+7)
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

Thích Minh Thành (Ph.D)
(Phó ban Điều hành ĐGS T.Ư)


Về phương diện truyền giáo, so với những tôn giáo lớn khác, Phật giáo có một lịch sử phát triển dài nhất dài hơn Thiên Chúa giáo khoảng 5 thế kỷ, dài hơn Hồi giáo khoảng 10 thế kỷ. Tuy dài hơn khoảng 500 năm đến 1.000 năm như vậy, nhưng chúng ta phải thừa nhận rằng hiệu quả truyền giáo, cụ thể là số lượng tín đồ, số lượng quốc gia, số lượng cơ sở thờ tự, khi so với những tôn giáo trên vẫn là con số khiêm tốn. Lý do chắc chắn không phải là vị giáo chủ không đủ cao minh; cũng không phải triết thuyết Phật giáo kém sâu xa, mầu nhiệm; càng không phải nhân sự truyền bá Phật giáo kém phẩm chất và tài năng. Về phương diện khách quan, chắc chắn không phải vì tính xâm lấn, cạnh tranh của các tôn giáo bạn, cũng không phải vì thiếu sự ủng hộ của các nhà cầm quyền, nhiều triều đại Phật giáo đã được vua chúa đưa lên thành quốc giáo; càng không phải vì người dân không ủng hộ. Như vậy phải vì những lý do nào khác lẩn khuất đâu đó mà chúng ta chưa nhận ra. Theo nguyên lý thì sự thật nào cũng cần phải nhìn thẳng, phân tích thẳng thắn và triệt để, nhưng trong thực tế có những sự thật chúng ta phải tiếp cận dần dần. Vì vậy, khi chưa có thể nêu thẳng thừng câu trả lời là tại sao thì chúng ta hãy tạm thời tiếp cận từng khu vực, vài góc cạnh của vấn đề.

Ở đây, người viết xoay quanh một số vấn đề như ý chí hoằng pháp, đặc điểm của những giai đoạn trong lịch sử hoằng pháp và vấn đề hoằng pháp thời hiện đại. Đồng thời người viết cũng bộc bạch những suy nghĩ sơ bộ về một vài xu hướng của tôn giáo thời hiện đại qua ba phụ lục đặt ở cuối bài.

1. Ý CHÍ TRUYỀN GIÁO

Trước hết là vấn đề ý chí truyền giáo: Ngay từ khi có được những vị A la hán đầu tiên, lập thành một giáo đoàn 6 thành viên gồm 5 anh em A Nhã Kiều Trần Như và Đức Phật thì Bậc Đạo Sư đã tuyên bố: “Này các thầy Tỷ kheo, hãy đi mỗi người một hướng, vì hạnh phúc cho chúng sanh, vì an lạc cho chúng sanh, vì lòng thương tưởng cho đời, vì hạnh phúc, vì an lạc cho chư thiên và loài người”. Đức Phật không chỉ nói lên ý chí truyền giáo mà còn nói lên phương pháp truyền giáo. Rõ ràng đây không phải là một phương pháp hoằng pháp với tính tổ chức “chặt chẽ”, với với nhiều phòng ban hành chánh quy mô, với cách phân cấp chiều dọc từ Trung ương xuống địa phương và phân nghành chiều ngang song song với các nghành khác... mà mang tính “tổng lực”, 5 vị A la hán cùng với Đức Phật đầu tiên đều là 6 nhà hoằng pháp, chỉ có nhiệm vụ hoằng pháp mà không có nhiệm vụ nào khác. Nhiệm vụ hoằng pháp là nhiệm vụ duy nhất.

Tuy vậy, nhìn vào lịch sử thì nhiệm vụ hoằng pháp vẫn không mang tính tuyệt đối. Mục tiêu hoằng pháp trong nhiều trường hợp vẫn phải đứng hàng thứ hai, sau mục tiêu giải thoát. Như câu kinh đã dẫn ở trên, Đức Phật tuyên bố ý chí hoằng pháp rất sớm nhưng rõ ràng là không sớm hơn sự kiện giải thoát, sự kiện chứng quả A la hán của những vị Tỷ kheo đầu tiên. Chính vì điểm này mà ý chí hoằng pháp thời đó vẫn đứng vị trí thứ hai, sau ý chí giải thoát và khiến cho những vị tăng sĩ sơ tâm cảm thấy băn khoăn. Giải tỏa được khúc mắc này mới giải tỏa được vấn đề ý chí hoằng pháp. Muốn lý giải thỏa đáng cần phải có một nghiên cứu chuyên sâu hơn về đề tài “Ý chí hoằng pháp và nhân sự hoằng pháp”. Ở đây người viết chỉ xin nêu lên một ý tưởng sơ thảo rằng thời Phật, lý tưởng giải thoát được thực hiện trước và thành công với quả vị A la hán sau đó mới thực hiện lý tưởng hoằng pháp: Bản thân Đức Phật và chư vị đại đệ tử là những minh họa sống động. Nhưng ngày nay, với mạng lưới quan hệ càng lúc càng phức tạp (phức tạp hơn cả lưới Đế châu của vua trời Đế Thích!) của thời đại về nhiều phương diện, nên lý tưởng giải thoát và lý tưởng hoằng pháp phải được đặt trong mối tương quan song song với nhau. Thực hiện cả hai nhiệm vụ cùng một lúc quả là điều không dễ dàng, nhiều khi là bất khả thi, nhưng Tăng sĩ hiện đại phải tự nguyện tìm cách thích nghi và điều hòa được cả hai nhiệm vụ này trong sinh hoạt của mình. Nếu không, thì đó là một dạng tránh né thực tế.

2. DẠNG PHẬT GIÁO SƠN LÂM VÀ DU HÀNH

Hai lý tưởng nối tiếp nhau: lý tưởng giải thoát và lý tưởng hoằng pháp, hay nói cách khác “tự độ độ tha” quả thật là một vấn đề của lịch sử đã được phản ánh qua hai tác phẩm có thẩm quyền là Trưởng Lão Tăng Kệ và Trưởng Lão Ni Kệ. Đời sống cụ thể của giới Tăng Ni thời ấy có thể đúc kết thành mô thức: Rừng là trú xứ để tu tập, chủ yếu là tu thiền; làng xóm hay thị trấn là nơi hoằng hóa sau khi chứng quả A la hán theo nguyên lý du hành vô trụ xứ. Vô trụ xứ ở đây theo cả nghĩa đen và nghĩa triết học của nó.

Với phương pháp du hành, nhà truyền giáo không đợi cư dân đi đến trú xứ của mình mà mang giáo pháp đến tận địa bàn sinh hoạt của họ trước hết là ngang qua hình thức hóa duyên. Với hình thức này, nhân sự hoằng pháp dễ dàng hòa mình vào mức sống của người dân, tức là: sống cùng mức sống với đối tượng hoằng pháp; dễ dàng san lấp hố cách biệt. Tính vô ngã không còn là một khái niệm trừu tượng mà được thể hiện cụ thể qua đời sống của nhân sự truyền giáo. Theo Kinh tạng Nam truyền thì đối tượng hoằng pháp chủ yếu của thời kỳ này không có dạng “hội chúng vân tập” mà là tùy duyên hóa độ. Các nhà hoằng pháp đi khất thực buổi sáng rồi dùng ngọ ở nơi am tranh cảnh vắng hay một mé rừng nào đó. Rồi, người dân làng hay thị trấn tìm đến hỏi đạo sau giờ nghỉ trưa. Phương thức hoằng pháp tùy duyên và cũng rất tự nhiên. Hoằng pháp theo phương thức này thì mỗi một nhóm hội chúng gần như là một hội chúng mới tinh khôi, chủ yếu là dân địa phương, trong đó đa số là những tâm hồn chân chất, thuần phác, đầu tiên tiếp cận ánh sáng đạo Phật. Ngày mai sẽ là một địa phương, hội chúng khác; ngày mốt sẽ là một địa phương khác nữa… Mỗi ngày là một ngày mới theo cả nghĩa đen và nghĩa sâu xa của nó. Có lẽ vì vậy mà chúng ta thấy trong những bộ kinh Nam truyền, cùng một nội dung giống nhau mà Đức Phật nói đi nói lại nhiều lần với những thay đổi nho nhỏ, hay thay đổi thí dụ mà thôi.

Mối tương tác giữa dạng Phật giáo sơn lâm và du hành với nhà cầm quyền còn khá mờ nhạt. Mặc dù những vị đại đế như Tần Bà Sa La, Ba Tư Nặc... quy kính theo Đức Phật nhưng hệ thống chính quyền chưa có những cơ chế quản lý nhiều tầng đối với Tăng sĩ, đối lại, dù được nhà vua quy kính nhưng tư tưởng Phật giáo vẫn chưa có những tác động gì nhiều đến những quyết sách chính trị của nhà vua. Đến thời thái tử Lưu Ly của vương quốc Kosala và thái tử A Xà Thế của vương quốc Ma Kiệt Đà, tư tưởng Phật giáo, đặc biệt là tư tưởng từ bi khoan dung, càng tỏ ra mờ nhạt hơn trong các quyết sách chính trị. Cụ thể là A Xà Thế đã tấn công Bạt Kỳ dù trước đó đã cử tể tướng Vũ Xá đến tham vấn Đức Phật về quyết sách này. Kết quả là A Xà Thế đã nếm mùi thất bại khi Bạt Kỳ đã giữ được 7 pháp bất thối trong việc vận hành bộ máy chính trị. Trong khi đó thái tử Lưu Ly đã thoả mãn mưu đồ trong việc tàn sát hậu duệ của dòng họ Thích Ca. Quan hệ giữa tôn giáo và chính trị lỏng lẻo là một đặc điểm của thời Phật giáo sơn lâm và du hành.

3. DẠNG PHẬT GIÁO QUÂN VƯƠNG

Theo sau dạng Phật giáo sơn lâm và du hành là dạng Phật giáo quân vương. Chú ý: Từ “Phật giáo quân vương” được dùng để chỉ cho đặc điểm: Phật giáo có mối liên hệ mật thiết với chính quyền của một triều đại lớn, “siêu cường” thời cổ đại. Trong thời đại này, tính chất sơn lâm và du hành vẫn còn đó nhưng đã không còn chiếm vị trí chủ lưu, nhất là trong mối liên quan với nhà cầm quyền. Thời Phật giáo quân vương tuy vẫn còn cơ chế hoằng pháp kiểu sơn lâm và du hành, tức là kiểu dần dần lan tỏa (tằm ăn dâu), ý chí hoằng pháp cũng như kế sách hoằng pháp đều mang tính cơ sở thấp nhất, từng mỗi người, mỗi tế bào nhỏ nhất của xã hội (tiếng Anh là ‘grassroot’, theo người viết thì đây là một từ rất ấn tượng và chuyển tải được nét đặc trưng của phương thức hoằng pháp này) và tính tự nguyện tự phát của nhân sự hoằng pháp. Đặc điểm nổi bật là cơ chế “Quân vương đề xuất” với những vị vua tiêu biểu là Asoka, Kaniska, và Harsa. Một lời khuyên nhủ dân chúng hay quần thần có tính chất Phật pháp của đấng quân vương có trọng lượng gần bằng một mệnh lệnh, vì vậy từ trên các đại thần xuống đến các binh sĩ đều hít thở một bầu không khí kính Phật trọng Tăng. Tinh thần hòa bình, nhân ái, bao dung của đạo Phật bấy giờ có tác động rõ ràng, chi phối những chính sách ngoại giao hòa bình của Ấn Độ đối với những lân quốc chung quanh, và cả với những đạo quân hùng mạnh từ Hy Lạp. Chính nhà vua đã sai phái nhiều đoàn truyền giáo đến những xứ sở xa xôi để truyền giáo, đáng chú ý là đến Xứ Vàng (Suvanna Bhumi) thuộc khu vực Đông Nam Á hiện nay.

Như vậy, dạng Phật giáo quân vương với sự ủng hộ của bộ máy chính quyền, đứng đầu là một vị đại đế có lực lượng quân đội thuộc loại hùng mạnh nhất châu lục, nhưng đã không hề làm đổ một giọt máu cho sự nghiệp hoằng pháp. Rõ ràng, mục đích cứu cánh và phương tiện để đạt đến mục đích đó trong Phật giáo không hề mâu thuẫn với nhau khi so với thời đế quốc của một số tôn giáo khác. Năm đặc trưng của dạng Phật giáo quân vương là: Một, được nhà cầm quyền ủng hộ về mọi phương diện. Hai, bộ máy hoằng pháp được cơ cấu thành những cấp hành chánh song song với bộ máy chính quyền. Ba, phương thức và đường lối hoằng pháp được thiết lập và vận hành từ trung ương xuống cơ sở. Rất có thể ý chí hoằng pháp cũng được phát động thành những phong trào theo chiều dọc từ trên xuống. Bốn, không dựa vào sức mạnh bạo lực của chính quyền để làm phương tiện hoằng pháp như một số tôn giáo khác. Năm, vận dụng được sự tiến bộ về khoa học tổ chức xã hội và cơ cấu hành chính hiện đại của thời Asoka để thiết lập bộ máy hoằng pháp hợp lý và hiệu quả nhất. Cho đến ngày nay, những cột đá, bia ký do vua Asoka dựng lập vẫn còn đó, làm chứng nhân cho thời Phật giáo quân vương.

4. DẠNG PHẬT GIÁO THƯƠNG NHÂN

Sau thời của dạng Phật giáo quân vương là dạng Phật giáo thương nhân. Chú ý: Từ “Phật giáo thương nhân” được dùng để chỉ cho đặc điểm: Đối tượng truyền giáo tiếp xúc với Phật giáo chủ yếu thông qua tiếp xúc với thương nhân hoặc những người liên hệ với thương nhân. Nếu xuất phát điểm của Phật giáo quân vương là những phong trào ồ ạt tạo dựng chùa tháp, bia đá và giảng đường theo những mệnh lệnh công khai hay “những gợi ý” của nhà vua, thì dạng Phật giáo thương nhân bắt đầu với những nhân sự hoằng pháp gián tiếp và không chuyên: những thương nhân. Những thương nhân thờ Phật, kính Phật rồi mang theo kinh, tượng, ảnh Phật, để đọc tụng thờ cúng theo những chuyến buôn đi xa, rồi vô tình trở thành những “nhà truyền giáo gián tiếp” khi trả lời những thắc mắc của người dân địa phương về vị “thần” mà mình đang thờ phụng. Kế đến là những nhà sư được mời (có khi là bị mời) đi theo những đoàn thương buôn dọc theo con đường tơ lụa huyền thoại. Những thương nhân phải xa quê hương nhiều tháng, vượt qua những sa mạc gió cát với những hiểm nguy rình rập khó lường. Ngoài lương thực dự trữ, nước và vũ khí để phòng bất trắc, họ cần có một thứ “an ninh tinh thần” mà những nhà sư có thể cung cấp qua những bài kinh cầu nguyện chư vị thánh thần Bồ tát vào mỗi sáng xuất phát và mỗi tối dừng chân. Thứ đến, họ cũng cần bổ sung “dưỡng chất văn hóa” để cuộc sống tha hương thêm phong phú mà những nhà sư thường có khả năng cung cấp. Một số vị còn có thể cung cấp cho họ việc xem sao, định hướng, kể chuyện tiền thân của Bồ tát khi đoàn thương buôn vượt qua những cung đường dài dằng dặc. Cứ như thế mà nhà sư chăm sóc đời sống tình cảm, tri thức và tâm linh cho những người phải buôn bán xa nhà.

Khi đến những địa phương để bán hàng, giao dịch, “hào quang” của những vị sư có đạo hạnh và trí tuệ đã chinh phục được cảm tình của người bản địa. Người dân địa phương với trình độ sơ khai về văn hóa và tôn giáo đã hân hoan tiếp nhận những bài thuyết giảng về đạo lý thánh thiện và tinh khôi. Họ đã tự nguyện tin theo, tự nguyện thông tin cho nhau và kiến tạo đạo tràng để tu tập. Thế là những nhà sư trở thành những nhà truyền giáo một cách tự nhiên ở những miền đất xa xôi, lạ lẫm.

Cũng cần ghi nhận rằng khi dạng Phật giáo thương nhân phát triển thì nhân sự truyền giáo vẫn là những nhà sư có học lực và có đạo hạnh được đào tạo từ thời Phật giáo quân vương. Nếu dạng Phật giáo quân vương ít nhiều mang màu sắc quyền lực thì dạng Phật giáo thương nhân lại đậm màu tự nguyện từ phía đối tượng truyền giáo. Họ là người chủ động cung thỉnh, nhà truyền giáo được mời và theo đó mà ‘tùy thuận và tùy hỷ’. Dĩ nhiên là phải kể đến giai đoạn hậu kỳ của dạng Phật giáo thương nhân khi mà những nhà sư truyền giáo chuyên nghiệp với tâm nguyện truyền giáo dũng mãnh tình nguyện dấn thân đi theo những đoàn buôn để truyền bá giáo pháp Phật đà dù có hay không có sự sai phái của quốc vương, có hay không có sự cầu thỉnh của thương nhân. Những vị này đã tự mình lo lấy phương tiện vận chuyển và dấn thân lên đường với hạnh nguyện hoằng pháp thênh thang. Những đặc điểm của dạng Phật giáo thương nhân gồm: Một, tính nhu nhuyến và kiên trì để có thể chịu đựng những cuộc hành trình dài. Hai, tính độ lượng và khả năng dung hóa khi đối mặt với những phong tục và dị giáo ở bản địa. Ba, tính mềm dẻo và khéo léo khi đối mặt với những chống đối từ địa phương. Bốn, đáng chú ý là biết dựa vào tính ưu việt của những thành tựu khoa học kỹ thuật trong nghành vận chuyển, cụ thể là những chiếc tàu hàng hải đủ lớn để vượt đại dương, những chiếc xe đủ chắc chắn có thể vượt qua sa mạc mênh mông, nóng bỏng để đem giáo pháp Phật đà đến với mọi người.

5. DẠNG PHẬT GIÁO PHIÊN DỊCH

Kế tiếp là dạng Phật giáo phiên dịch. Một trong những đặc điểm của giai đoạn này là nhân sự truyền giáo không chỉ là những nhà sư ngoại quốc mà cả những nhà sư bản địa được thọ giới và học giáo pháp từ những nhà sư phương xa đến. Đặc biệt, có những vị đi đến tận Ấn Độ để cầu học Phật pháp. Dạng Phật giáo thương nhân chỉ sử dụng dạng ngôn ngữ thông tục của địa phương để giảng giải lời Phật. Dĩ nhiên dạng ngôn ngữ này chưa đủ tinh tế để diễn đạt được những điểm khúc chiết trong giáo lý, nhất là triết học Phật giáo. Hơn nữa, một trong những điểm quan trọng của thời kỳ khai phá là tính nhất quán giữa những nhân sự truyền giáo dù là bản địa hay từ xa đến. Muốn đạt được sự nhất quán tương đối giữa những vị đạo sư Phật giáo khác nhau ít nhất về mặt dụng từ thì phải có những bản kinh được phiên dịch và phổ biến làm chuẩn mực.

Một trong những yếu tố đột phá của văn minh nhân loại thời này là sự phát minh ra giấy và kỹ thuật ấn loát (trước đó nhân loại chỉ có thể viết trên mặt đá, trên xương cốt động vật, trên da thú hay trên lá cọ nên rất hạn chế). Thuở ấy việc tạo ra giấy viết là một phát minh vĩ đại đưa việc dịch thuật và in ấn phổ biến kinh Phật thành một phong trào lớn, tạo thuận lợi cho việc phổ biến các sắc thái văn hóa đạo Phật phù hợp với tâm hồn của người dân bản địa. Trong bối cảnh ‘thiên thời địa lợi’ như vậy, những trung tâm dịch thuật lớn được thành lập ở những trọng điểm như Luy Lâu, Lạc Dương và Bành Thành. Dĩ nhiên trong bước đầu, những nhà phiên dịch vẫn phải vay mượn những khái niệm và từ vựng bản địa, cụ thể là của Khổng giáo và Lão giáo trong trường hợp Phật giáo ở Trung Quốc. Nhưng dần dần những nhà truyền giáo trong vai dịch giả đã chế tác ra được những từ vựng mới để diễn đạt chính xác hơn những ý tưởng trong kinh điển Phật giáo. Nếu dạng Phật giáo thương nhân có đối tượng truyền giáo chủ yếu là giới buôn bán và người tiêu dùng thì dạng Phật giáo phiên dịch có đối tượng truyền giáo rộng hơn gồm cả giới thương nhân, dân bản địa, và thành phần thượng lưu và trí thức xã hội. Nhân sự truyền giáo cũng đã phát triển, bao gồm hầu hết mọi thành phần xã hội. Những đặc điểm của dạng Phật giáo phiên dịch gồm: Một, khởi động quá trình chuẩn hóa từ vựng Phật giáo. Hai, cách diễn tả giáo lý chính xác hơn, sâu sắc hơn. Ba, đối tượng truyền giáo mở rộng đến nhiều thành phần xã hội hơn, đặc biệt là những thành phần thuộc thượng tầng kiến trúc. Bốn, nhân sự truyền giáo phong phú hơn, người bản địa chiếm đa số. Năm, đặc biệt là Phật giáo đã biết dựa vào những thành tựu khoa học mới nhất, cụ thể lúc bấy giờ là kỹ thuật sản xuất giấy và công nghệ in ấn.
Nối tiếp dạng Phật giáo phiên dịch là dạng Phật giáo hoàn bị... đến những dạng Phật giáo suy thoái, Phật giáo cách tân, Phật giáo chấn hưng... Lý do suy thoái của Phật giáo ở từng quốc độ là một đề tài nhạy cảm. Ở đây, người viết chỉ có thể nêu một vài đặc điểm chung chung như: Một, những thành phần ưu tú trong xã hội không xuất gia theo Phật giáo hệ quả là Phật giáo thiếu dần những nhân sự tài năng. Hai, các tổ chức Phật giáo không còn là môi trường để những thành viên trẻ tuổi phát triển trí lực, tâm lực, và những thiên hướng bẩm sinh. Ba, nhà cầm quyền không có lý do để ủng hộ. Bốn, thiếu nền tảng quần chúng. Năm, sơ cứng, rập khuôn, thiếu sức sống của sự sáng tạo. Sáu, không theo kịp, không đáp ứng được những nhu cầu mang đặc điểm thời đại. Bảy, không biết dựa vào tính ưu việt của những thành tựu mới nhất của khoa học kỹ thuật để hoằng pháp có hiệu quả.

6. DẠNG PHẬT GIÁO THỜI HIỆN ĐẠI

Để có thể phân tích và tìm ra những đặc điểm, cũng như những hoạch định khả thi của dạng Phật giáo hiện đại cần phải có những nghiên cứu nghiêm túc và chuyên sâu. Ở đây người viết chỉ có thể gợi lên hai ý tưởng:
1. Nghiệp cảm của chúng ta đã khiến chúng ta sống với dạng Phật giáo thời hiện đại. Dù chúng ta có hiện đại hóa Phật giáo hay không thì chúng ta cũng đang đối diện với tất cả những thuận lợi và khó khăn của thời đại. Tốt nhất là chấp nhận và đối diện với chúng một cách trầm tĩnh, sáng suốt và với tấm lòng yêu thương cao nhất mà chúng ta có được.
2. Một trong những bài học thành công mà chúng ta có thể rút ra từ những dạng Phật giáo thời cổ là theo kịp đà phát triển của nhân loại, thích nghi nhanh chóng với hoàn cảnh mới, đặc biệt là biết dựa vào tính ưu việt của những thành tựu mới nhất của khoa học kỹ thuật để đáp ứng tốt nhất những nhu cầu của đối tượng truyền giáo, đặc biệt là những nhu cầu mang tính thời đại.

PHỤ LỤC

Phụ lục 1: Ngoại diện lý tưởng của một tôn giáo thời hiện đại, cơ sở cụ thể bảo chứng cho những lý thuyết trừu tượng

Mô hình tôn giáo lý tưởng là dạng Tôn giáo toàn diện, chăm sóc được hầu hết mọi phương diện của đời sống. Từ việc ma chay, cưới hỏi đến việc cứu trợ nạn nhân của thiên tai nhân họa; từ những hội đoàn giúp vốn cho người nghèo đến những hội đoàn bảo trợ cho người già, cô nhi, khuyết tật, để thể hiện lòng thương yêu và ý chí cứu giúp nhân sinh đang đau khổ, bất hạnh. Từ việc thành lập nhà trẻ mẫu giáo đến việc xây dựng những trường đại học tầm cỡ, để ươm mầm trí tuệ, tưới tẩm hạt giống tâm linh cho con người ngay lứa tuổi học trò, hạn chế những lỗi lầm gây hậu quả nghiêm trọng cả tương lai. Từ những phòng cứu cấp đến những bệnh viện đa khoa, để làm gương nhân đức, cứu khổ ban vui, hỗ trợ y dược và làm chỗ dựa tinh thần cho bệnh nhân đang hoang mang sợ hãi. Từ những trường dạy nghề đến những công ty sản xuất, dịch vụ, kinh doanh, để góp phần xây dựng một xã hội lành mạnh, giảm nạn thất nghiệp, nguyên nhân của nhiều tệ nạn khác. Từ những văn phòng luật sư, cố vấn tâm lý, cố vấn hôn nhân đến những hội đoàn luật sư bảo vệ người bị oan khuất tại tòa án, để cứu giúp những người vô tội thoát khỏi cảnh tù tội đau khổ, góp phần bảo vệ sự ổn định của công lý trong xã hội. Dĩ nhiên, từ thiện xã hội, y tế và giáo dục là ba mặt chủ lực của tôn giáo nhập thế.

Phụ lục 2: Vấn đề đào tạo nhân sự của một tôn giáo lý tưởng

Tôn giáo lý tưởng chú trọng việc xây dựng nhân sự có thực chất, có tâm huyết hơn là xây dựng cơ ngơi vật chất. Đây là vấn đề của mọi vấn đề, vấn đề này được tháo gỡ thì hầu hết những vấn đề khác sẽ được khai thông. Nhân sự được đề cập ở đây không chỉ là những tu sĩ chuyên nghiệp sống trong tu viện hay học viện mà còn bao gồm giới tu sĩ thuộc nhiều thành phần xã hội khác nhau.
Tôn giáo lý tưởng từ bỏ khái niệm hạn hẹp cho rằng truyền giáo là bước lên bục giảng của một giảng đường thuyết giáo cho một hội chúng đã nhất mực trung thành dù có nghe thêm một vài lần thuyết giáo nữa hay không; truyền giáo có nghĩa là đi vào xã hội, đủ bản lĩnh và khéo léo để mở lối đi vào những nơi xưa nay không có lối: bệnh viện, trường học, xí nghiệp, công ty... Trong trường hợp TP.Hồ Chí Minh hiện nay, hàng triệu công nhân từ các tỉnh đổ lên những khu công nghiệp, chiều về tan ca không biết đi đâu? Ai dấn thân truyền giáo? Một câu hỏi mà câu trả lời nằm ở khâu đào tạo nhân sự truyền giáo, đặc biệt là nhân sự thuộc những thành phần xã hội khác nhau; cụ thể là ngay chính trong tầng lớp của đối tượng truyền giáo.

Phụ lục 3: Tôn giáo lý tưởng thời hiện đại

Để đảm đương được những vai trò đa dạng về hình thức và phong phú về chức năng nên dạng Tôn giáo thời hiện đại có một đội ngũ nhân sự truyền giáo đa dạng, thuộc tất cả tầng lớp xã hội từ thấp nhất đến cao nhất, với đầy đủ những nghành nghề chuyên biệt. Tất cả phải được tổ chức và điều hành theo những nguyên lý của khoa học quản trị, đồng thời đội ngũ nhân sự này còn được đào tạo để có được một trình độ nhận thức cũng như có thể nghiệm nhất định về tinh hoa của tôn giáo mà mình đang phụng thờ.

Sự phát triển của dạng Tôn giáo lý tưởng còn dựa trên việc phát triển cơ sở nhỏ nhất, tế bào nhỏ nhất. Xây dựng được một cơ sở mới với quy mô nhỏ nhưng là một thành công lớn, ý nghĩa lớn khi nó ở giữa một cộng đồng dân cư hay tầng lớp xã hội chưa có tôn giáo hoặc đang xuôi theo những tổ chức tín ngưỡng mang mầm mống bạo loạn.

» Ảnh đẹp
» Liên kết website
Search
» Từ điển Online
Từ cần tra:
Tra theo từ điển:
» Âm lịch