Tư liệu
Một số ý kiến đề xuất của Phật giáo Cần Thơ
26/12/2008 17:14 (GMT+7)
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

TT. Thích Đức Toàn
(Trưởng BHP TP.Cần Thơ)


Thực hành lời truyền dạy của Đức Thế Tôn vì lợi ích cho chúng sanh, vì an lạc và hạnh phúc cho mọi người, ngọn đèn Chánh pháp chiếu sáng huy hoàng hay lu mờ tối tăm trong đất nước chúng ta ngày nay đều do trách nhiệm hoằng pháp. Phật tử và dân chúng hiểu biết giáo lý cạn hay sâu, tinh thần xử thế cao hay thấp phần lớn do sự hoằng dương Chánh pháp. Với trọng trách của người tu sĩ “Thượng hoằng Phật đạo, hạ hóa chúng sanh” thì hoằng pháp chính là nhiệm vụ của Tăng già.

Để góp phần trong sự nghiệp hoằng pháp lợi sanh của GHPGVN, Ban Hoằng pháp TP.Cần Thơ chúng tôi xin có một số ý kiến như sau:

1/ Ban Hoằng pháp T.Ư có kế hoạch hoạt động hàng quý, hàng năm để đáp ứng yêu cầu của các tỉnh-thành trong việc phân công, phân nhiệm từng tỉnh, từng vùng, từng giảng sư xuống địa bàn cơ sở hoạt động, phân công tác theo vùng trung tâm, vùng sâu vùng xa, vùng dân tộc ít người, theo mùa mưa, mùa nắng, để làm việc hài hòa, có tình, có lý tại địa phương. Các Ban Hoằng pháp tỉnh-thành có báo cáo hàng tháng, hàng quý gửi về Ban Hoằng pháp T.Ư, có đề nghị khen thưởng, để được chỉ đạo thêm.

2/ Ban Hoằng pháp T.Ư biên soạn những bài giáo lý sơ cấp, bài giảng mẫu, có dàn bài, có câu hỏi (trắc nghiệm, viết), có đáp án, gửi cho Ban Hoằng pháp tỉnh-thành ở vùng trung tâm, vùng sâu vùng xa, vùng dân tộc ít người. Đồng thời, Ban Hoằng pháp T.Ư gửi bài mẫu cho các Ban Hoằng pháp tỉnh-thành nửa năm 1 lần hay 1 năm 1 lần. Nhất là được ra Đặc san Hoằng pháp 1 năm 1 lần, chi phí do Ban Hoằng pháp tỉnh-thành đảm trách.

- Ban Hoằng pháp T.Ư đầu tư những tư liệu hoằng pháp áp dụng phương tiện nghe-nhìn hiện đại như băng giảng video, các đĩa VCD, MP3... vì các lớp Bát quan trai, lớp giáo lý cho Phật tử do các Ban Hoằng pháp tỉnh-thành gầy dựng rất cần những bài mẫu, băng hình để các Ban Hoằng pháp tỉnh-thành triển khai.

- Ban Hoằng Pháp tỉnh-thành có thể kết hợp với Ban Nghi lễ, Ban Từ thiện xã hội, Ban Giáo dục Tăng Ni v.v… nhờ đó các Ban Hoằng pháp tỉnh-thành sẽ hoạt động linh hoạt hơn, đưa vào thực tế cuộc sống nhanh chóng hơn, phổ cập cho Phật tử và quần chúng nhân dân dễ đạt kết quả cao.

- Tài liệu nên có bài phù hợp với từng vùng sâu vùng xa, vùng dân tộc ít người, vùng trung tâm thành phố, hoằng pháp đối với các trung tâm cải huấn, nhà doanh nghiệp, hôn nhân, gia đình, tuổi trẻ. Các Ban Hoằng pháp tỉnh-thành nên có phản ánh về Ban Hoằng pháp T.Ư để tài liệu phong phú hơn.

3/ Các phương thức và nội dung hoằng pháp vùng sâu vùng xa:

- Ban Hoằng pháp tỉnh-thành làm việc với Ban Đại diện và trụ trì, có sự hài hòa ăn khớp nhau để mở các điểm thuyết giảng, đạo tràng tụ tập Bát quan trai, nhất là lớp giáo lý (họ có học, có tiếp thu giáo lý, mới áp dụng vào cuộc sống của chính họ, lúc đó mới đạt yêu cầu mà họ mong muốn có được hạnh phúc).

- Cần sự nhiệt tình và hy sinh của Ban Đại diện và trụ trì. Ở khâu này, Ban Hoằng pháp tỉnh-thành phải coi là nòng cốt để đưa giáo pháp đến với quần chúng.

- Đối với những Trụ trì chưa đủ khả năng hoằng pháp, Ban Hoằng pháp TƯ ủng hộ, tập huấn các vị ấy và cần cung cấp tài liệu, bài mẫu cho các vị ấy thực hiện, có thể vị Trụ trì đọc các bài mẫu 15 phút trước thời kinh buổi tối hoặc trong thời kinh, có thể áp dụng phương châm “mưa dầm thấm đất” và hướng dẫn một pháp môn tu thích hợp với dân địa phương (tùy căn cơ).

Phụ lục: Dàn bài giảng mẫu:
BA MÓN TƯ LƯƠNG SANG TỊNH ĐỘ (Tín-Nguyện-Hạnh)


Pháp môn Tịnh độ niệm Phật cầu vãng sanh Cực Lạc là một pháp môn dễ tu, dễ thực hành, không mất thời gian cho cuộc sống, ai tu cũng được. Muốn vãng sanh phải đủ 3 điều kiện, nếu thiếu một trong 3 sẽ không thành công. Ba điều kiện đó là Tín, Nguyện, Hạnh.

A.Tín: Tin Phật, tin Pháp, tin mình.

1/ Tin Phật:
Lời Phật không dối. Phật thương chúng sanh như mẹ thương con.
48 lời nguyện của Phật A Di Đà.
Ta Bà người ngộ đạo ít, Cực Lạc Phật dạy thành Phật dễ.
Mười phương chư Phật đều khen ngợi.
Phật hộ niệm nhiếp thọ chúng sanh (Ta nghiệp chướng nhiều, nhờ sức Phật thoát sanh tử)
Chỉ Phật với Phật mới hiểu hết 6 chữ Hồng Danh (Xá Lợi Phất còn không hiểu nổi thế giới Cực Lạc nói chi ta)

2/ Tin Pháp:
Giáo pháp của Phật chơn chánh, cứu cánh giải thoát.
Thật có Cực Lạc.
Về Cực Lạc bất thối chuyển, vô sanh diệt.
Nhứt tâm niệm Phật quyết định thành Phật, nhân nào quả nấy. Tùy ý gieo trồng (Niệm Phật là nhân, quả là vãng sanh thành Phật)

3/ Tin mình:
Có Phật tánh (Nhứt thiết chúng sanh giai hữu Phật tánh).
Ai tu cũng được, một đời vãng sanh không hẹn đời sau.
Có cảm, có ứng.
Mình niệm Phật, Phật liền thâu nhiếp.
Lấy tri kiến Phật làm tri kiến mình.
Pháp khó tin, khó gặp mà ta tin, ta gặp là có phước đức rồi.
Tin chắc mình niệm Phật, chắc được vãng sanh.
Sức mình và sức Phật bất khả tư nghì.
Ác nghiệp ta nhiều, nhưng vãng sanh rồi ác nghiệp không sanh khởi (Tiếng ác còn không có. Kinh A Di Đà)

B. Nguyện: Muốn về cực lạc, viễn ly Ta Bà (Hân nguyện Cực Lạc, viễn ly Ta Bà).

- Ta Bà thân cảnh nhiều chướng, dễ sanh phiền não, dễ đắm nhiễm, dễ gây ác nghiệp.
Nguyện về Cực Lạc đến chừng nào vãng sanh (Cực Lạc đủ thắng duyên).
Gần Phật, Bồ Tát làm bạn, được thần thông, không thối chuyển, sớm thành Phật (Trí huệ Phật thấy như thế. Kinh A Di Đà)
Nguyện tha thiết như trẻ té sông, như trẻ đòi bú sữa mẹ, như tù được thả, không hẹn đời sau.

C. Hạnh: Đi đứng, ngồi, nằm đều niệm Phật, chẳng đặng xa lìa. Người đủ duyên thì lập thời khóa tu niệm Phật, càng công hiệu hơn.

- Muốn về Cực Lạc phải chấp trì danh hiệu.
“Chấp trì danh hiệu: Là nhớ luôn ghi mãi danh hiệu của Phật A Di Đà không rời nơi tâm, không xa ý tánh.
- Muốn được chấp trì danh hiệu: trước phải niệm rõ danh hiệu Phật A Di Đà, kế đó chuyên tâm nhiếp ý danh hiệu để niệm.
Được trình độ này rồi giữ vững, không sơ suất mà tinh tấn luôn trong một thời gian thì sẽ nhất tâm bất loạn, nghĩa là trong tâm chỉ có một việc niệm Phật, không có việc gì khác xen tạp vào được và chẳng có cảnh duyên gì làm rối loạn được, tức là nhập chánh định niệm Phật. Niệm Phật nên niệm rõ ràng, rành rẽ, tâm và niệm tiếng niệm phải khắn chặt nhau, không để tạp niệm xen vào, rõ ràng, rành rẽ, tùy theo trí lực của mỗi người nhanh hay chậm”. (Lời HT.Thích Trí Tịnh).

Kết luận: Thực hành mới có kết quả:

“Tâm niệm chí thành song tu phước huệ
Công phu trì luyện bình đẳng thường hành”
(Cố HT.Thích Bửu Lai)

Thế là làm Phật được là do tâm, mà làm chúng sanh cũng do tâm. Tâm, Phật, chúng sanh ba thứ không sai biệt. Giờ đây ta niệm Phật cũng do tâm, niệm Phật thì sẽ làm Phật và Phật chỉ ở cõi Thánh an vui. (Niệm Phật niệm tâm, tâm niệm Phật)

Thánh và phàm hay Ta Bà và Cực Lạc không ngăn ngại người, chỉ có lòng người mới ngại Thánh, phàm thôi. (Phật tại tây phương tâm bất liễu)

“Lênh đênh trong cõi diêm phù
Khéo tu thì nổi, vụng tu thì chìm”

Vãng sanh còn có nghĩa là vô thường, biến đổi, hành giả nên thức tỉnh, trọn tin cậy nương tựa vào 4 đức từ, bi, hỷ, xả của chư Phật.

* Vấn đề hoằng pháp tại cơ sở tự viện:

4/ Lớp giáo lý Bát quan trai tại chùa vùng sâu:

- Người hoằng pháp nên liên hệ Ban Đại diện và trụ trì để có sự đồng tình của Chính quyền địa phương và nhà chùa, qua đó việc làm có sự hài hòa (địa lợi, nhơn hòa, ổn định).

Điều này quan trọng và có tính lâu dài cho việc hoằng pháp vì Ban Đại diện và trụ trì nhận lãnh phần vận động đối tượng đến nghe pháp, học giáo lý.

- Về mặt người hoằng pháp: Cần đức tính hy sinh, có tinh thần trách nhiệm cao, có sự nỗ lực, năng động, khéo sử dụng phương tiện để làm đối tượng thích học, thích tu, khi thực hành có kết quả và cần có tài liệu học tập cho đối tượng (nên biếu không). Thuyết giảng hoặc lên lớp đúng giờ, phù hợp với đối tượng. Dùng Phật học phổ thông khóa I-II làm tài liệu giảng dạy và hướng dẫn một pháp môn dễ tu, dễ làm, không mất thời giờ.

- Đối tượng học cần mở rộng, không nhất thiết phải là Phật tử, mà cả những người chưa có đạo và thậm chí cả đạo khác vẫn được tham dự.

- Bảo đảm an ninh trật tự nơi địa bàn hoạt động của người hoằng pháp (trụ trì đảm trách).

- Về mặt giáo lý, chúng ta cần tăng cường việc hỏi đáp-kiểm tra việc học của học viên để học viên năng động trong khi tiếp thu giáo lý. Vì mình học, tu cho mình để thấy được lợi ích nên mình tiếp tục học lâu dài và còn đưa các đối tượng khác đến tham dự. Nên có khen thưởng, cấp giấy khen, giấy chứng nhận để động viên tinh thần của học viên, hầu đạt kết quả tốt trong vấn đề hoằng pháp trong cơ sở tự viện. Từ đó có thể nhân rộng ra các cơ sở địa phương khác để việc hoằng pháp của chúng ta có kết quả tốt trong tránh nhiệm của người hoằng pháp với phương châm:

“Hoằng pháp là việc nhà
Lợi sanh là sự nghiệp”

Trên đây là một số ý kiến đóng góp của Ban Hoằng pháp TP.Cần Thơ. Chúng tôi xin được vinh hạnh trình lên chư tôn đức trong Ban Hoằng pháp T.Ư GHPGVN cũng như toàn thể chư tôn đức trong Ban Hoằng pháp các tỉnh-thành.

Cuối cùng Ban Hoằng pháp TP.Cần Thơ chúng tôi nguyện cầu hồng ân Tam bảo gia hộ chư tôn đức giáo phẩm lãnh đạo GHPGVN, chư tôn đức Ban Hoằng pháp T.Ư, chư tôn đức Ban Hoằng pháp các tỉnh-thành pháp thể khinh an, chúng sanh độ tận, Phật sự viên thành và buổi tọa đàm được thành công viên mãn.

» Ảnh đẹp
» Liên kết website
Search
» Từ điển Online
Từ cần tra:
Tra theo từ điển:
» Âm lịch