Tư liệu
Vài ý kiến về xây dựng và phát triển đoàn giảng sư
26/12/2008 17:14 (GMT+7)
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

HT. Thích Tâm Thủy
(Trưởng ban Trị sự PG tỉnh Phú Yên)


Trong giáo lý, Đức Phật có đề cập đến tục đế và chơn đế, tuy hai mà một. Vì vậy, làm giảng sư để truyền bá Phật pháp, chúng ta phải học hỏi, am tường cả về nội điển lẫn ngoại điển. Từ đó, giảng sư mới đem đạo đức vào đời cứu độ chúng sinh. Nhưng cứu được hay không, được nhiều hay được ít, điều này đòi hỏi giảng sư phải có chuyên môn, cũng gọi là năng khiếu.

Giảng sư không thể định hình bài giảng trước khi đến đạo tràng, mà phải hình thành ngay khi đến đạo tràng hoặc khi bước trên bục giảng. Nhớ quan sát thính chúng là thành phần nào: trí thức, lớn tuổi già cả, bình dân hay trẻ học sinh, sinh viên… Đây là cơ sở cụ thể để “soạn bài” phù hợp vời trình độ. Như bác sĩ giỏi cho thuốc trị bệnh, như ca sĩ hay tùy nhu cầu thính giả mà chọn bài hát. Nhưng, sau khi hát có được thính chúng vỗ tay, tán thưởng, hoan hô nhiều hay ít còn tuỳ thuộc ca sĩ trình diễn có nhập thần, nhập vai, giọng hát có truyền cảm hay không. Giảng sư cũng vậy.

Điều căn bản mà giảng sư cần có, gần như bắt buộc là phải tu học: Giới-Đinh-Tuệ. Từ cơ bản này, giảng sư hội nhập, quán triệt sâu sắc lời Phật dạy trong tam tạng Kinh-Luật-Luận để khi đến giảng một đạo tràng nào, dẫu có bị thính chúng vấn nạn, giảng sư vẫn thừa kiến thức để giải đáp. Vấn đề đưa ra là thuộc về tướng hay tánh…giảng sư từ đó hoặc phương tiện, hoặc tùy duyên giải thích hướng dẫn, cảm hóa quần chúng dẫn nhập mọi người.

Khi nghe danh từ “sứ giả Như Lai”, mọi người đều nghĩ đến hình ảnh các vị giảng sư trước hết. Nhưng qua thời gian công tác hoằng pháp, có vị giảng xong rồi thôi, có vị giảng xong đi rồi mà quần chúng Phật tử cứ nhắc đến hình dáng, điệu bộ, giọng nói và mong gặp lại vị giảng sư đó để nghe pháp.

Chính vì vậy mà chúng tôi rất mong muốn chư vị làm công tác hoằng pháp phải luôn duy trì tinh thần Tam Vô lậu học, để sức mạnh nội tại ngày càng thâm hậu, hầu khống chế ngoại cảnh, thuyết phục nhân quần, Phật giáo Việt Nam nói riêng và Phật giáo toàn cầu nói chung, để người người hướng về nương tựa.

Phần đề nghị :

1.Giảng sư tại tỉnh nhà Phú Yên

Thành viên các ban hoằng pháp ở tỉnh thành đương nhiên là thành viên hoằng pháp thuộc Ban Hoằng pháp TƯ.

Có trách nhiệm liên hệ mật thiết với Đoàn giảng sư Ban Hoằng pháp T.Ư đứng ra tổ chức cơ sở, tập hợp quần chúng nghe pháp khi Đoàn giảng sư T.Ư về giảng.

Hoằng pháp cấp tỉnh cùng chung nhiệm kỳ hành chánh với Ban Trị sự là 5 năm.

2.Đoàn giảng sư Ban Hoằng pháp T.Ư:

- Nên có phương tiện di chuyển xe để thực hiện công tác giảng pháp ở các tỉnh, thành xa.

- Trong những chuyến giảng xa này, Đoàn giảng sư nên mời một số nghệ sĩ, ca sĩ Phật tử để trình diễn vài tiết mục cải lương, ca nhạc Phật giáo trước giờ giảng để tập trung quần chúng, cho thời giảng đạt kết quả cao.Và sau thời pháp cũng trình diễn vài tiết mục để giã từ hoặc hứa hẹn gặp lại trong lần giảng kế tiếp…

- Nên mang theo các dụng cụ cần có cho diễn giảng: máy móc chuyên dụng về âm thanh thiết yếu.

- Nên mang theo lương thực tối thiểu phòng xe, cầu đường hư...

Phú Yên tuy cách xa Sài Gòn trên 500 cây số, nhưng chúng tôi rất vui mừng khi nghe Hòa thượng Thích Trí Quảng, Trưởng ban Hoằng pháp T.Ư và chư vị đã thành lập được Đoàn giảng sư và chủ trương chuyển tải Phật pháp về vùng xa, vùng cao là niềm vui mừng cho Phật giáo cả nước. Nhưng, nếu chúng ta thiếu phương tiện truyền giáo, xe cộ, máy móc... thì cũng giống như chúng ta nuôi lớn một con chim mà con chim đó không gáy to cho mọi người nghe, không đập cánh tung bay cho mọi người cùng nhìn. Nếu như vậy thì vấn đề giảng pháp của Đoàn giảng sư cũng ở phạm vi gần trong thành phố, đi xa thiếu phương tiện bị hạn chế. Vấn đề truyền pháp sẽ vì thế không phổ cập số đông, trách nhiệm truyền giáo của chúng ta chưa tròn, ước nguyện Phật giáo toàn cầu hóa cũng bị tắc nghẽn, dẫu Việt Nam là đơn vị nhỏ.

Kính thưa quý vị,

Trên đây là ý kiến thô thiển phát biểu từ tỉnh xa, kính mong chư tôn từ bi mẫn nạp.

» Ảnh đẹp
» Liên kết website
Search
» Từ điển Online
Từ cần tra:
Tra theo từ điển:
» Âm lịch