Tư liệu
Một số vấn đề cần quan tâm trong công tác hoằng pháp thời hiện đại
26/12/2008 17:14 (GMT+7)
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

Thích Quang Tư
(Thành viên BHP tỉnh Thừa Thiên Huế)


Hoằng pháp là sự nghiệp thiên thu mà mỗi người đệ tử của Đức Phật qua mọi thế hệ đều phải suy ngẫm, cố gắng thực hiện cho trọn vẹn. Hoằng pháp nhằm giới thiệu những phương thuốc hữu hiệu hóa giải khổ bệnh của con người. Đạo Phật đã tồn tại với nhân thế hơn 25 thế kỷ và còn tồn tại với nhân loại khi nào khổ đau còn hiện hữu trên cõi đời này. Tuy nhiên, không phải công tác hoằng pháp giai đoạn nào cũng có sự thể hiện giống nhau, mà bên cạnh những phương pháp tu học ổn định truyền thống của Phật giáo, còn có nhiều thay đổi về phương pháp thực hiện thích ứng với sự vận động đổi thay của hoàn cảnh lịch sử xã hội nhất định, chủ thể hoằng pháp và đối tượng tiếp thu.

Đặc biệt từ năm 2007, trên chặng đầu của thế kỷ XXI, dân tộc Việt Nam bước vào quá trình hội nhập quốc tế và đang có những cơ hội cũng như gặp phải những thách thức trên mọi lãnh vực của đời sống xã hội. Lãnh vực kinh tế đang có những cạnh tranh gay gắt, còn lãnh lực văn hóa thì đang có những thay đổi rõ rệt. Sự bình đẳng và “mở cửa” trên nhiều lãnh vực khiến bản lãnh Việt Nam một lần nữa có cơ hội phát huy và nâng cao. Yếu tố nội lực và sức mạnh của sự liên kết trên chiều ngang đang tạo ra một thế và lực mới để Việt Nam đủ sức đối thoại với thế giới. Chính sách “Bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc” được xem trọng nhằm tránh sự “hòa tan” trong hoàn cảnh giao lưu văn hóa. Sức sáng tạo trí tuệ của mỗi dân tộc, mỗi tập thể, cá nhân đều được bảo vệ và phát huy. Thời đại khoa học kỹ thuật điện tử phát triển với hệ thống mạng Internet toàn cầu làm cho khả năng tiếp xúc, tác động của từng cá nhân đối với xã hội ngày càng mạnh. Bên cạnh đó, các vấn đề phức tạp của đời sống xã hội cũng diễn ra phổ biến, các “căn bệnh” mới của thời đại đang phá hủy sự sống của con người trên cả phương diện vật chất lẫn tinh thần. Cho nên, hoặc là Việt Nam vượt lên để hòa nhập bình đẳng với các nước trên thế giới hoặc là bị “tha hóa”, mất tự chủ về nhiều mặt. Do đó, công tác hoằng pháp vừa có ý nghĩa thực hiện sự nghiệp chính của Phật giáo, vừa có ý nghĩa đối với dân tộc khi bảo tồn, phát huy được những giá trị tư tưởng văn hóa truyền thống của dân tộc mà Phật giáo đã làm hơn 20 thế kỷ qua.

Vấn đề đặt ra trong thế kỷ XXI còn là vấn đề của tôn giáo. Tự do tôn giáo mang tính toàn cầu và sự cạnh tranh ảnh hưởng của các tôn giáo khá gay gắt, có khi mang tính bạo lực. Bước vào thời kỳ hội nhập, Việt Nam chấp nhận “luật chơi chung” của cả thế giới, nên đã ý thức rất rõ về sự pháp chế hóa tính pháp lý của các hoạt động tôn giáo, tạo một môi trường ổn định cho đời sống xã hội, cho sự tồn tại và phát triển của các tôn giáo. Do vậy, công tác hoằng pháp cũng gặp phải những thuận lợi và khó khăn nhất định.

Công tác hoằng pháp của Phật giáo tại Việt Nam không phải được thực hiện từ bây giờ mà đã diễn ra từ những ngày du nhập. Những ảnh hưởng của Khương Tăng Hội, Mâu Tử, đến thời đại Lý Trần huy hoàng rồi suy yếu và kéo dài cho đến hết thế kỷ XX với Phong trào chấn hưng Phật giáo, tạo ra tiền đề lớn cho công tác hoằng pháp ngày nay. Thừa hưởng một quá khứ mà “đạo pháp và dân tộc đã hoà quyện như nước với sữa” không phải để chúng ta ngủ quên trong hào quang của quá khứ. Công tác hoằng pháp trải qua các thời kỳ cổ trung đại và hiện đại (thế kỷ XX) đã thực hiện tốt, vấn đề là công tác này đang ở thời đương đại và những cơ hội cũng như những khó khăn trong những năm tiếp theo.

Chúng tôi nhận thấy, khái niệm Phật giáo thời hiện đại, một khái niệm mang tính lịch sử, nên bắt đầu từ đầu thế kỷ XX, gắn với Phong trào chấn hưng Phật giáo và những thành công sau đó suốt thế kỷ XX. Đặc điểm và diện mạo Phật giáo ngày nay chưa thoát ra khỏi hệ quy chiếu của thời đại này, mặc dù cuối thế kỷ XX và đầu thế kỷ XXI đã có nhiều thay đổi trong đời sống xã hội Việt Nam và quốc tế.
Nhằm đáp ứng nhu cầu tu học đang thay đổi của thời đại ngày nay, những thực trạng công tác hoằng pháp hiện nay còn nhiều vấn đề cần suy ngẫm. Để bàn về công tác hoằng pháp, chúng tôi hình dung hai lãnh vực: Lãnh vực nội tại của công tác hoằng pháp và lãnh vực liên kết theo cơ cấu mở của công tác hoằng pháp.

Trong lãnh vực nội tại của công tác hoằng pháp và nên xem đó là “Hoạt động hoằng pháp” trong đời sống xã hội, những mối quan hệ cơ bản tương tác hai chiều đang diễn ra như sau:

Chủ thể hoằng pháp - Nội dung thông điệp - Đối tượng tiếp nhận

Kênh truyền và Phương tiện

Về chủ thể hoằng pháp, đến nay trong Phật giáo, đội ngũ chủ yếu vẫn là những người xuất gia và sự hỗ trợ nhiều mặt của hàng ngũ tại gia. Một số thời đại, một số vài, hàng ngũ tại gia chiếm ưu thế, song không phải là phổ biến. Trong hàng ngũ xuất gia, các tổ chức mang tính tập thể từ trung ương đến địa phương, cụ thể là các Ban Hoằng pháp, các cá nhân Tăng sĩ đều thể hiện tinh thần hoằng pháp trên nhiều lãnh vực đời sống xã hội. Tuy nhiên hiện nay, đội ngũ hoằng pháp trẻ, các giảng sư trẻ đang dần thay thế chư vị giảng sư lớn tuổi, các vị này tuy đã được đào tạo nhưng chưa hẳn đã đáp ứng được những nhu cầu của thời đại. Hoặc do chương trình đào tạo không đồng bộ, hoặc do quá trình tu học của cá nhân không “đủ độ chín” về cả hình thức lẫn nội dung trong việc tu đạo và hành đạo, hoặc do chưa tiếp cận những phương pháp tổ chức mới, phương tiện hiện đại; cho nên khi bước vào thực hiện công tác hoằng pháp còn nhiều bất cập, nhất là trong hoàn cảnh xã hội có nhiều biến đổi lớn hiện nay. Việc nắm bắt những yêu cầu thực tế, xu hướng phát triển của đời sống xã hội, những nhu cầu học pháp và hành pháp của các giảng sư chưa được quan tâm đúng mức. Tính chính quy, chuyên nghiệp, chuyên môn của môt vị giảng sư chưa được thể hiện một cách rõ nét, nên khi hành sự có thể chưa xứng tầm quốc gia và quốc tế, đủ sức ảnh hưởng lớn đến quần chúng Phật tử và những thành phần khác. Hiện nay, mẫu người hoằng pháp đủ “Ngũ minh” đang phát huy tác dụng trong đời sống. Ngoài ra, bên cạnh những người xuất gia, nhiều cư sĩ Phật tử đã tham gia tích cực vào công tác hoằng pháp như in ấn sách vở, phát hành băng đĩa, viết sách dịch kinh, tham gia tổ chức các khoá tu học… Điều đó hỗ trợ thêm trong công tác hoằng pháp chung của Phật giáo. Chúng ta nên có kế hoạch khai thác, nâng cao sự hỗ trợ công tác hoằng pháp của đội ngũ này.

Hiện nay, trong nội dung thông điệp cần chuyển tải cho đồng bào Phật tử và những người chưa phải là Phật tử, đang thể hiện qua hai dạng là các lớp Phật pháp và giảng pháp trong các đạo tràng chuyên tu. Nội dung chủ yếu vẫn nằm trong khuôn khổ “Tài thí, Pháp thí, và Vô úy thí”, con đường tu đạo duy nhất Giới - Định - Tuệ hay Đạo đế. Tài thí thì khiêm tốn, pháp thí và vô úythí gắn liền nhau và đang chiếm ưu thế. Những vấn đề giáo lý căn bản trong các tập sách Phật học phổ thông, và một số bộ kinh căn bản đang được giảng dạy tốt. Tuy nhiên, những nội dung gắn liền với thực tiễn đời sống, gắn liền với các vùng miền, gắn liền với các đối tượng nghe pháp chưa được chú trọng nhiều. Nội dung này mới thúc đẩy hơn nữa hiệu lực đáp ứng trực tiếp , thực tiễn cho nhu cầu học pháp của các đối tượng tiếp nhận. Dẫu biết rằng, đường tu dài lâu, hành trì gian khổ, nhưng không nên vì vậy mà mất tính “khế cơ”, mất đi những đáp ứng nhu cầu thực tiễn của con người. Từ những bước đơn giản nhất, chúng ta mới dẫn dắt mọi người thực hành thâm sâu pháp môn tu của mình. Các nội dung này nên được mã hóa bằng các phương thức khác nhau hoặc là qua văn bản ngôn ngữ, hoặc qua âm thanh, hoặc dưới dạng trang web điện tử. Điều này vừa giúp chủ thể hoằng pháp có thêm tài liệu, vừa đến được với nhiều tầng lớp xã hội khác nhau.

Đối tượng tiếp nhận Phật pháp ngày nay cũng có nhiều thay đổi. Hai đối tượng cần tiếp thu Phật pháp muôn thuở vẫn là những người Phật tử cần tiếp tục được hướng dẫn trên con đường tu học và những người chưa đến với Phật giáo. Do điều kiện sống ngày càng cao, nên số lượng và nhu cầu học pháp, tu đạo ngày càng nhiều. Điều đó tạo ra sự thuận lợi nhưng cũng tạo ra những khó khăn nhất định cho công tác hoằng pháp. Nhiều địa phương không đủ giảng sư để cung ứng cho tình trạng này. Bên cạnh đó, đến nay, đối tượng chủ yếu vẫn là người lớn tuổi đủ chín chắn để hiểu về ý nghĩa cuộc sống của chính mình. Phần lớn họ trưởng thành từ cái nôi gia đình truyền thống theo Phật và đang cố gắng dẫn dắt con cháu mình đi theo Phật giáo. Một bộ phận tầng lớp trẻ tuổi đang bị cuốn theo dòng xoáy của những biến đổi xã hội, có quá nhiều sự lựa chọn có cả tính lợi ích và tác hại… nên sự học pháp và hành pháp có phần trễ nãi. Không phải tuổi trẻ không cần học đạo tu đạo, không khát khao học đạo mà họ đang sống trong hoàn cảnh có nhiều thay đổi, nên người thực hiện công tác hoằng pháp cần quan tâm. Nếu không khéo, Phật giáo không còn sức ảnh hưởng lớn đến tầng lớp “tương lai của đất nước”, đến các lãnh vực, các tổ chức, đoàn thể ban ngành, các tầng lớp xã hội như vốn có của Phật giáo Việt Nam. Trong cơ chế hội nhập, sự cạnh tranh loại trừ là tất yếu, những ai đứng ngoài cuộc và bị tách ra khỏi đời sống xã hội sẽ bị thất bại. Phật giáo không nhằm đấu tranh cho Phật giáo danh vọng, nhưng Phật giáo phải đến được với mọi người, khi đó những “giá trị cao đẹp” mới có hiệu lực và phát huy tác dụng “lợi sanh” trong đời sống xã hội. Do vậy, trước tình hình nhiều tác động đến người tiếp thu Phât pháp như hiện nay, những người làm công tác hoằng pháp phải ý thức về các đối tượng tiếp nhận của mình một cách thực tế, cụ thể mới có những bước hoằng pháp “khế lý, khế cơ”. Còn những người chưa có cơ hội đến với Phật giáo không phải ít, vẫn chiếm đại đa số trên tầm quốc gia và quốc tế, nhất là các vùng sâu vùng xa. Họ đang sống như thế nào, họ cần gì và họ cần nghe pháp gì chúng ta cần phải quan tâm. Phật giáo được nhân loại xem là một trong những tôn giáo lớn nhất, hòa bình nhất, thì không lý do gì không đem những “giá trị tư tưởng văn hóa tâm linh” của mình đáp ứng cho cuộc sống của tất cả mọi ngời, dù người đó là Phật tử hay không phải là Phật tử.

Về kênh truyền và phương tiện, theo truyền thống, phần lớn hiện nay chúng ta đang sử dụng phương thức giảng dạy trực tiếp trong các lớp học, các khoá tu, các đạo tràng Bát quan trai. Những kênh truyền gián tiếp qua sách báo, băng đĩa, đang phát triển mạnh và sử dụng mạng điện tử mới trong tình trạng khởi đầu. Nhìn chung, thời đại thông tin và khoa học kỹ thuật điên tử ngày nay đã tạo điều kiện không ít kênh truyền dẫn cho công tác hoằng pháp. Vấn đề là chúng ta nên tiếp cận nó, sử dụng nó một cách có hiệu lực, không máy móc chủ quan. Các phương tiện tổ chức công tác hoằng pháp ngày càng phong phú đầy đủ hơn. Nhưng, trên thực tế vấn đề này không diễn ra đồng đều ở tất cả các địa phương. Tình hình tu tập tại các địa phương khó khăn đang đặt ra nhiều vấn đề nan giải cho những người hoằng pháp, trong khi đó tình hình ngân sách tài chính của các Ban Hoằng pháp nhiều khi không có. Giải quyết vấn đề tài chính này vẫn là môt vấn đề đang bỏ ngỏ, nhưng công tác hoằng pháp lại không được dừng lại, nên hiện gặp nhiều khó khăn từ phía người tổ chức cho đến người tiếp nhận. Vì vậy, duy trì đã khó, phát triển lại càng khó hơn.

Về lãnh vực liên kết theo cơ cấu mở của công tác hoằng pháp, Ban Hoằng pháp cũng như quý vị giảng sư kết hợp với các ban ngành khác trong Giáo hội để thực hiện công tác hoằng pháp của mình và ngược lại. Trên thực tế, công tác hoằng pháp và công tác giáo dục đã được kết hợp chặt chẽ. Nhiều địa phương đã ứng dụng rất tốt sự kết hợp công tác hoằng pháp với công tác từ thiện xã hội như y tế, cứu trợ bão lụt, hỗ trợ người nghèo, người bệnh, neo đơn, lập quỹ bảo trợ…, nhất là trong công tác hoằng pháp ở vùng sâu vùng xa. Thiết nghĩ, những mối liên kết như thế này đã tạo ra tổng lực sẽ thúc đẩy tiến trình đưa Phật giáo đến với nhiều người hơn, thiết thực hơn. Không những thế, Ban Hoằng pháp còn có thể kết hợp với một số ban ngành, đoàn thể bên ngoài để có nhiều cơ hội đem Phật giáo đến với quần chúng. Tuy nhiên, từ Ban Hoằng pháp Trung ương đến Ban Hoằng pháp các tỉnh thành vẫn chưa chú trọng lãnh vực này nhiều, đôi khi ngay mối quan hệ giữa các Ban Hoằng pháp chưa được xúc tiến thường xuyên. Vấn đề này nên được quan tâm thực hiện với một tầm nhìn chiến lược, lâu dài.

Vấn đề xung quanh công tác hoằng pháp đã nhiều, đặt nó trong vận động không ngừng của thời đại lại càng phức tạp. Nhìn chung, những thuận lợi và khó khăn từ bên ngoài đem lại thì người thực hiện công tác hoằng pháp phải nhận thức rõ để có những biện pháp, phương thức vận dụng và đối ứng thích hợp, làm cho Phật giáo lớn mạnh trong lòng dân tộc và cả nước ngoài. Những vấn đề từ bên trong nội bộ Phật giáo, đặc biệt trong Ban Hoằng pháp càng phải được quan tâm đúng mức, để tạo ra sự thống nhất ý chí và hành động, thống nhất về quan điểm và tổ chức thực hiện trong công tác hoằng pháp hiện đại. Mọi sự phát triển qua các thời đại cơ bản là sức mạnh của yếu tố nội lực. Với những suy nghĩ như vậy, trước những biến đổi như trên, người viết kính đề nghị một số vấn đề trong công tác hoằng pháp hiện nay như sau:

1. Tất cả Tăng sĩ dù đang làm công tác hoằng pháp hay không đều nên xem hoằng pháp là một công tác quan trọng nhất của Phật giáo, của các tổ chức Giáo hội, của mọi Tăng sĩ, của mọi thời đại. Phật giáo tồn tại giữa thế gian chính là hóa độ cứu khổ, truyền pháp cứu đời. Do đó, không những chỉ Ban Hoằng pháp, giảng sư, mà tất cả người xuất gia hay tại gia khi sống giữa cuộc đời nên mang theo tinh thần hoằng pháp lợi sanh của Phật giáo.

2. Từ Trung ương đến địa phương nên tạo ra mối liên hệ sinh hoạt trong công tác hoằng pháp một cách thống nhất, chặt chẽ hơn, hỗ trợ lẫn nhau, tạo điều kiện phát triển công tác hoằng pháp trên nhiều vùng miền khác nhau.

3. Ban Hoằng pháp và Đoàn giảng sư cần tổ chức nghiên cứu các mô hình tu học cụ thể, mang tính chính thống và hợp thời đại, để công tác hoằng pháp mang tính đồng bộ và có hiệu lực thực tiễn cao. Có thể những mô hình này đã có trong Phật giáo từ xưa đến nay, có thể là sự sáng tạo trong thời kỳ mới. Có như vậy, giảng sư mới có “phương tiện” ứng dụng một cách khế cơ, khế lý, khế thời trên nhiều vùng miền trong và ngoài nước.

4. Ban Hoằng pháp nên hình thành đội ngũ giảng sư “chính quy”, đủ năng lực thực hiện sứ mệnh hoằng pháp trong nước và nước ngoài. Đội ngũ này được đào tạo tốt, có môi trường sinh hoạt tốt thì công tác hoằng pháp mới được thực hiện suôn sẻ và hợp thời.

5. Các Đoàn giảng sư nên có kế hoạch nghiên cứu về các đối tượng tiếp nhận Phật pháp một cách cụ thể, để có những phương pháp chủ động, đáp ứng phù hợp (như về lứa tuổi, nghề nghiệp, thành phần xã hội, giai cấp xã hội, ban ngành đoàn thể xã hội, vùng miền, phong tục tập quán, ngôn ngữ, văn hóa…).

6. Hằng năm mỗi Ban Hoằng pháp nên kết hợp với các ban ngành khác để xúc tiến công tác hoằng pháp vào những đối tượng tiếp nhận trọng điểm, xem như những mục tiêu phấn đấu. Như người đi trên đường phải có mục tiêu, đích đến. Công tác hoằng pháp trong các thời kỳ cũng cần có những mục tiêu rõ rệt và được thực hiện có kế hoạch cụ thể.

Qua những vấn đề được đặt ra trên đây, chúng tôi vừa mong muốn thể hiện một số suy nghĩ của mình, vừa đóng góp ý kiến cho buổi tọa đàm hôm này. Ngưỡng mong chư Phật phóng từ quang gia hộ cho sự nghiệp hoằng pháp lợi sanh của chúng ta ngày càng thành công tốt đẹp.

» Ảnh đẹp
» Liên kết website
Search
» Từ điển Online
Từ cần tra:
Tra theo từ điển:
» Âm lịch