Tư liệu
Kết hợp hoằng pháp với các Phật tử khác tại các vùng sâu
26/12/2008 17:14 (GMT+7)
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

TT. Thích Viên Thanh
(Trưởng BHP tỉnh Lâm Đồng)


I/ Tình hình tôn giáo tại khu vực Tây Nguyên:

1) Vùng đất Tây Nguyên:

Tây Nguyên là vùng đất rộng lớn nằm ở phía Tây Nam Trung Bộ. Hiện nay, Tây Nguyên có năm tỉnh với những đặc điểm riêng biệt. Nơi đây vốn là vùng cư trú của nhiều dân tộc ít người, phân bổ rải rác cách biệt nhau. Đời sống kinh tế phần lớn tự cung tự cấp, phong tục, tập quán cũng có nhiều nét khác biệt. Trong khoảng hơn 100 năm trở lại đây, người Pháp đã tiên phong trong việc khai phá vùng đất này, kế đó là phong trào di dân rầm rộ của các cư dân người Kinh đã tạo ra một bộ mặt mới trên vùng đất này. Sự phân bố địa bàn cư trú cũng thay đổi lớn: người Kinh đi đến đâu, đường sá đô thị mọc lên đến đó tạo thành nét khác biệt so với dân bản địa vốn thích sống gần với thiên nhiên nên thường ở những vùng sâu. Đặc điểm này chúng ta cần chú ý khi truyền giáo vì phải cần sự xông xáo, chịu đựng khi hoằng pháp tại khu vực này.

2) Tôn giáo Tây Nguyên:

Cao nguyên Nam Trung Bộ là vùng đất có từ lâu đời với các dân tộc bản địa, tôn giáo gốc của các đồng bào ở đây là tín ngưỡng Bái vật giáo, Đa thần giáo với các tập tục bản địa tạo nên một sắc thái đặc sắc của vùng này. Từ chính sách thực dân kết hợp với truyền giáo của người Pháp cách đây gần một thế kỷ, đạo Thiên Chúa đã có ảnh hưởng sâu rộng trong các buôn người dân tộc. Sau đó, sự di dân ồ ạt trong những năm 1954, đạo Thiên Chúa đã có tầm ảnh hưởng sâu rộng thêm. Người Mỹ cũng đưa đạo Tin Lành vào các vùng dân tộc khá mạnh. Thế nhưng, sau những năm 1975, sự phân bổ lại cư trú với phong trào đi kinh tế mới, làm cho tỷ lệ phân bổ giữa các dân tộc, tôn giáo cũng thay đổi nhiều. Tỷ lệ Phật giáo tăng theo số lượng người Kinh đi kinh tế mới cũng gia tăng từ đó. Một số vùng đồng bào dân tộc vẫn chưa có tôn giáo, và các vùng sâu vùng xa. Gần đây, vào thời điểm mới mở cửa, một số tu sĩ Phật giáo đi vào vùng sâu, sinh hoạt, chia sẻ những khó khăn với người dân, nên một số buôn đã đi theo Phật giáo, nhưng vẫn còn ít quá so với đà tăng trưởng của các tôn giáo như Tin Lành, Thiên Chúa. Đến nay, có thể nhận định về tình hình tôn giáo ở Tây Nguyên như sau:

- Dân tộc Kinh, Phật giáo vẫn chiếm đa số hoặc số đông ở vùng sâu chưa có tôn giáo nhưng vẫn nghiêng về Phật giáo.
- Đồng bào dân tộc thiểu số đa số theo Tin Lành hoặc Thiên Chúa và tăng nhanh trong thời điểm hiện nay.
- Có một số vùng trắng về tôn giáo nhưng phần lớn nằm tại vùng sâu, vùng xa.

II/ Tình hình hoằng pháp tại Tây Nguyên hiện nay:

Sau thời kỳ mở cửa, tôn giáo ở Tây Nguyên có nhiều thay đổi, nhất là với Phật giáo. Nhiều ngôi chùa được xây dựng để đáp ứng tín ngưỡng của nhân dân, những ngôi chùa cũ được trùng tu mở rộng. Người xuất gia cũng nhiều thêm, trường lớp đào tạo cũng được mở tại Lâm Đồng. Các đạo tràng cũng phát triển khá nhiều. Như vậy, Phật giáo ở vùng này đã khởi sắc rất nhiều.

Tuy nhiên, qua nhiều năm phát triển, Phật giáo chúng ta đã bắt đầu lộ ra những khiếm khuyết trong nhiều mặt cần phải khắc phục:
- Sự tập trung đông đúc các ngôi chùa tại các thị trấn lớn, trong khi nhiều vùng sâu vùng xa chưa có chùa, niệm Phật đường.
- Tu sĩ tập trung tại các thị trấn nhưng không chịu đi về vùng sâu, hoặc chịu đi nhưng các cấp Giáo hội chưa tạo điều kiện.
- Việc hoằng pháp chỉ chú trọng vào đối tượng người Kinh chứ chưa để ý đến các dân tộc khác.
- Chỉ tập trung vào việc xây dựng mà chưa chú ý đến việc hướng dẫn tu tập và truyền bá giáo pháp.
- Sự rời rạc trong việc tổ chức giữa các huyện thị và giữa các tỉnh.
- Hoằng pháp bị đóng khung chứ chưa có sự liên kết với các ngành khác như: giáo dục, từ thiện, các công tác công ích…
- Công tác hoằng pháp chưa được tổ chức có bài bản, hệ thống, nên còn mang tính tự phát. Nhiều đạo tràng vẫn chưa có người hướng dẫn hoặc chỉ do trụ trì đảm nhiệm.

III/ Xây dựng chiến lược hoằng pháp cho giai đoạn mới:

Từ những đặc điểm của địa phương, Ban Hoằng pháp tỉnh Lâm Đồng thiết nghĩ, chúng ta cần xây dựng một chiến lược hoằng pháp đáp ứng những nhu cầu, hoằng pháp cho giai đoạn mới, nhằm nâng cao tính thực tiễn, hoạt động có hiệu quả thiết thực hơn.

1) Về lĩnh vực tổ chức:

a. Nhân sự:
Cần thiết lập Đoàn giảng sư hoằng pháp gồm những Tăng Ni đã học xong các trường, lớp Phật học, hiện đang ở các chùa viện và chưa tham gia các công tác của Giáo hội. Đoàn hoằng pháp này vừa có người thường trực tại Tỉnh hội, bên cạnh đó có nhân sự phụ trách khu vực nhằm đáp ứng các công tác tại địa phương. Bộ phận này không nhất thiết phải là biết giảng mà có thể tùy theo khả năng để kết hợp các công tác khác khi đi hoằng pháp.

b. Về tài chính:
Một tổ chức mạnh cần có tài chính mạnh, nhưng lâu nay chúng ta không quan tâm tới lĩnh vực này. Cho nên trong giai đoạn mới chúng ta cần xây dựng một nguồn quỹ để hoạt động. Nguồn quỹ này cần kêu gọi sự ủng hộ của các tu viện, các mạnh thường quân, để đáp ứng các việc in ấn tài liệu, lưu thông…

c. Hoạt động:
Ban Hoằng pháp phải sinh hoạt thường xuyên, hàng tháng; nhằm xây dựng kế hoạch hoạt động của tháng, của quý và cả năm. Ít nhất mỗi năm phải hai lần, Ban Hoằng pháp phải tập trung bồi dưỡng, thảo luận và chọn những đề tài chung cho mỗi tháng, mỗi quý để có sự đồng nhất trong việc hướng dẫn tại các đạo tràng.

IV. Các phương pháp lồng ghép:

Hoằng pháp lâu nay được hiểu theo nghĩa hẹp, là những buổi giảng pháp của các vị giảng sư tại các đạo tràng. Hiểu như thế sẽ gây sự bó buộc trong công tác này. Nhìn vào thực tế chúng ta thấy rằng, hoằng pháp không thể thành công nếu hoạt động riêng lẻ, vì cuộc sống không mang tính đơn giản. Khi một vị tu sĩ đến sinh hoạt tu học tại một nơi nào đó thì Phật tử ở đó cũng phát sanh rất nhiều nhu cầu đòi hỏi chúng ta phải giải quyết, cũng như những nơi không có đạo tràng thì việc giảng thuyết khó có thể tổ chức. Bởi vậy, cần lồng ghép nhiều công tác Phật sự với nhau thì hiệu quả công tác sẽ cao hơn. Chúng tôi đang lồng ghép những chương trình sau:

1. Hoằng pháp với giáo dục:
Hiện tại ở Lâm Đồng đã có trường trung cấp Phật học với số lượng hơn 200 Tăng Ni sinh ở lớp Trung cấp và Cao đẳng. Sau khi ra trường, một số Tăng Ni sinh sẽ tiếp tục học ở cấp cao hơn, một số trở về chùa làm các Phật sự. Lâu nay, số Tăng, Ni sinh về chùa thường không yên tâm vì không có nhiều cơ hội để hoằng hóa. Một số vị đảm nhận công tác trú trì tại các tự viện thì cảm thấy đơn độc vì ít có sự hỗ trợ của Giáo hội, bạn bè. Vì vậy, nên chăng chúng ta cần định hướng cho Tăng Ni ngay từ bây giờ tâm nguyện hoằng hóa tại các vùng sâu vùng xa. Cụ thể, chúng ta cần dạy tiếng dân tộc trong các trường Phật học. Ở Lâm Đồng, chúng tôi đã đưa chương trình dạy tiếng K’Ho vào chương trình chính khóa, để sau này phục vụ công tác truyền giáo tại các địa phương vùng sâu, vùng xa. Thêm nữa, chúng tôi tổ chức các buổi đi giao lưu với các vùng đồng bào thiểu số, tạo cơ duyên thuận lợi để sau này Tăng Ni sinh đến hoằng hóa tại các khu vực này. Như thế, chúng ta mới tạo ra sự cảm thông, đồng cảm với những đồng bào. Đó là sự kết hợp hoằng pháp với giáo dục. Chúng tôi cũng kính mong Ban Hoằng pháp các tỉnh, thành hỗ trợ giảng dạy tiếng các dân tộc khác như Ê Đê, Gia rai… trong chương trình đào tạo Phật học để góp phần trong công tác vùng sâu, vùng xa.

2. Hoằng pháp với từ thiện:
Chúng ta đều biết, đồng bào thiểu số, người dân ở vùng sâu vùng xa, đời sống kinh tế của họ vẫn cực kỳ khó khăn. Đây là điểm mà các tôn giáo khác khai thác để truyền giáo. Một số hộ đã cải đạo vì kinh tế là có thật, và đó là vấn đề đau đầu của Phật giáo. Trong tương lai, việc hoằng pháp phải nên kết hợp với công tác từ thiện, giúp đỡ đồng bào nghèo, có như thế việc hoằng pháp mới dễ dàng hơn.
Đối với đồng bào thiểu số, việc trợ giúp về kinh tế là cần thiết, nhưng lâu lâu có một đoàn cứu trợ thì không đủ. Cần có một kế hoạch dài hơi hơn, tức là chúng ta phải xây dựng chùa và cử người đến sống với đồng bào, hướng dẫn họ làm ăn, sản xuất thì họ mới thấm nhuần Phật pháp dần dần. Thậm chí, kiến trúc các ngôi chùa cũng phải mang sắc thái của dân tộc đó, có như vậy, Phật pháp mới đi vào được những vùng sâu, vùng xa.

3. Hoằng pháp với thực hành Tứ nhiếp pháp:
Thực hành Tứ nhiếp pháp khi hoằng pháp vẫn là công cụ đắc lực từ xưa tới nay, nhưng chúng ta cần phải tìm cách cụ thể hóa vấn đề này. Chẳng hạn, bố thí thì bằng cách hoạt động từ thiện đã nói ở trên, nhưng ái ngữ, lợi hành và đồng sự thì lâu nay chúng ta bỏ quên. Việc thâm nhập vào các vùng sâu vùng xa hiện nay vẫn còn quá yếu, chúng ta bỏ quên đồng bào dân tộc khá lâu nên đến nay khôi phục lại cũng khó. Nên chăng chúng ta áp dụng biện pháp “vết dầu loang” để đi đến các vùng sâu. Có nghĩa là chúng ta cần dựa vào các ngôi chùa, tịnh xá vùng sâu rồi mở rộng, cũng có thể dựa vào các công việc khác như giao lưu, từ thiện để tiến hành mở rộng hoằng pháp. Công việc này đòi hỏi sự hỗ trợ của nhiều ban ngành Giáo hội, và nhất là hỗ trợ về mặt tài chính của Giáo hội.
Vấn đề khuyến khích Tăng Ni sinh sau khi ra trường đi vào các vùng sâu vùng xa cần trở thành một phong trào sâu rộng. Việc này cần chuẩn bị khi họ còn ngồi trên ghế nhà trường Phật học đã nói trên. Thêm nữa, chúng ta cũng cần tìm cách vận động người dân tộc ít người tham gia công tác này. Việc những người dân tộc thiểu số xuất gia ở buôn Đăng Đừng, huyện Bảo Lâm, tỉnh Lâm Đồng là một mô hình cần được nhân rộng ở các tỉnh cao nguyên và các vùng đồng bào thiểu số.

4. Hoằng pháp kết hợp với nghi lễ:
Thực tế, chúng ta khó phủ nhận vai trò của nghi lễ, ứng phó đạo tràng trong việc hoằng pháp. Việc đáp ứng các nghi lễ trong quan, hôn, tang, tế vẫn là tập quán lâu đời của dân tộc ta. Cho nên, nghi lễ vẫn là phương tiện hữu hiệu nhất để đưa Phật pháp vào lòng người. Thế nhưng, lâu nay nghi lễ vẫn khá tách biệt với các bài giảng mang tính hoằng pháp. Bởi vậy, chúng ta cần kết hợp thật nhuần nhuyễn nghi lễ và hoằng pháp. Ban Hoằng pháp phải soạn những bài giảng thật súc tích, ngắn gọn, hấp dẫn để lồng ghép vào các buổi cầu siêu, cầu an, đám cưới, bởi đây là thời điểm thích hợp nhất để người khác chú tâm lắng nghe. Có như thế, Phật giáo mới đi vào lòng người được.

Thêm nữa, Ban hoằng pháp cũng nên soạn những bài kinh ngắn, chọn lọc những đoạn kinh phù hợp với đời sống phong tục của từng dân tộc. Nếu nhân sự không đủ thì nên nhờ những giảng sư tại địa phương cùng bàn bạc và soạn thảo.

5. Kết hợp hoằng pháp giữa các tỉnh thành:
Mặc dù chúng ta đã có Ban Hoằng pháp Trung ương, thế nhưng vai trò liên kết, kết hợp với các địa phương trong công tác vẫn chưa hiệu quả. Sau tọa đàm này, chúng tôi thiết nghĩ cần nâng cao vai trò tổ chức điều hành và điều tiết của Ban. Hàng năm cần có những buổi họp để tổng kết rút kinh nghiệm, phổ biến những kinh nghiệm tốt trong hoằng pháp thì công tác này mới thành phong trào được. Thêm nữa, việc phân bổ cư trú của tu sĩ Phật giáo không đồng đều, nên chăng chúng ta cần thành lập các bộ phận chuyên trách hoằng pháp cho các vùng miền để giao lưu, phân bổ công tác, có như thế tính cục bộ địa phương mới giảm đi nhiều.

Trên đây là một số ý kiến đóng góp cho việc hoằng pháp trong bối cảnh hiện nay, chúng tôi xin lắng nghe những ý kiến khác để công tác này ngày càng có hiệu quả.

» Ảnh đẹp
» Liên kết website
Search
» Từ điển Online
Từ cần tra:
Tra theo từ điển:
» Âm lịch