Tư liệu
Nhất Nguyên Luận: phương cách thể hiện thực tại - 1
22/12/2008 17:04 (GMT+7)
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

V. PHƯƠNG CÁCH THỂ HIỆN THỰC TẠI
Đời người là cả một sự giao lưu hổ tương các hoạt động không ngừng nghỉ giữa thân và tâm để được sống an vui và hạnh phúc. Biết rằng Vật lý và sinh lý ảnh hưởng đến tâm lý, cho nên con người cần phải thỏa mãn những nhu cầu cần thiết để ổn định sự sống bình thường. Thân xác là sự duyên hợp của đất nước gió lửa nói chung, thành hình là do sự trao đổi giữa năng lượng và vật chất được tạm thời ổn định. Vật lý là lực quán tính của sự vật bao gồm sự chuyển động và vật chất. Ngay cả sinh lý con người cũng bị hệ thống cân bằng giữa năng lượng và vật chất chi phối. Thân xác cần phải tiêu thụ thức ăn để nuôi dưỡng nó và duy trì sự sinh hoạt hàng ngày. Sự tồn tại của thân xác được coi là an lành khỏe mạnh khi hệ thống giao lưu giữa năng lượng và vật chất bên ngoài tạm thời ổn định. Con người khi sanh ra (Sanh), trưởng thành (Thành) tới 18 - 20 tuổi và sống trong thời gian (Trụ) từ 20 đến 55 hay 60 tuổi; từ 60 tuổi trở về sau già dần (Hoại) đến Chết (Diệt). Cả một chuổi sống tạm thời như vậy chẳng lẻ không còn cái gì làm cho chúng ta phải nghĩ đến ngoài thân xác hay sao? Những cảm giác, ý thức, tri giác hay tư duy phải lệ thuộc vào thân xác mà Thân xác và Tinh thần đồng hiện hữu trong một con người. Tinh thần minh mẩn trong một thể xác khỏe mạnh. Vậy vai trò của thể xác rất quan trọng trong sự phát triển tinh thần. Nói một cách khác, tình trạng sức khỏe của xác thân hay sinh- vật- lý ảnh hưởng đến tâm lý con người. Con người muốn đạt đến hạnh phúc tuyệt đối là thân tâm được thường an lạc, trước hết là phải rèn luyện thân xác cho khỏe mạnh, sau mới trao dồi trí tuệ.

A.-Rèn Luyện Thân Xác
Để rèn luyện thân thể khỏe mạnh, giảm trừ bệnh tật, có rất nhiều cách, tựu trung ở hai phương diện sau đây:

1). Ăn uống
Thân xác được tồn tại nhờ ở sự ăn uống hàng ngày. Những tế bào trong thân thể được sống còn là nhờ có sự trao đổi thức ăn vào trong cơ thể để nuôi dưỡng. Hoạt động của các cơ quan ngũ tạng có tầm quan trong hơn hết trong việc trao đổi thức ăn là sự tiêu hóa và bài tiết cùng sự tuần hoàn của máu huyết. Phương pháp dinh dưỡng là vai trò quan trọng trong sự sống. Ăn như thế nào? và thức ăn nào cần thiết thích hợp của riêng mỗi người? Đó là tự mỗi cá nhân phải lo liệu, có thể qua học hỏi thêm hoặc tùy hoàn cảnh mà thích ứng. Thức ăn được tinh khiết là một dinh dưỡng tốt cho dòng tâm thức và là giảm bớt ngiệp thức kết tụ ở nội tâm. Đó là sống theo Chánh Mạng.

2). Hoạt động
Hoạt động là một nỗ lực mà con người cần ra sức.Trước hết, hoạt động nghề nghiệp. Trong sự sống ở xã hội nào cũng vậy, mọi người ai ai cũng phải làm việc để kiếm tiền nuôi sống bản thân. Làm việc gì? Làm như thế nào là do khả năng và hoàn cảnh cá biệt của từng người. Kế đến, hoạt động hay vận động thân thể là cần thiết để sự chuyển động hay giao lưu giữa năng lượng và vật chất (thức ăn) dễ dàng trao đổi để tạo sự cân bằng hệ thống dinh dưỡng cho thân thể.

Vận động thân thể thì có nhiều cách. Đi bộ, tập thể dục, chơi thể thao, học võ để kiện thân, tập các tư thế Haltha Yoga vv...Hoạt động nghề nghiệp và những hành vi tư cách con người hay những hành động cử chỉ đều có ảnh hưởng đến Chánh Nghiệp. Trong thân còn có miệng lưỡi, ngoài việc ăn uống và hoạt động còn có lời nói là biểu hiện của tư tưởng, hành động và tình cảm. Chánh ngữ là những lời nói trung thực hài hòa và lợi ích cho mọi người.

B). Bồi Dưỡng Tình Cảm
Tình cảm, một mặt phát xuất từ vận động và sinh lý, một mặt do từ kho ký ức, là diễn trình tác động hổ tương giữa tâm lý và sinh lý.Sự vận động, ăn uống điều hòa và sinh lý cân bằng là chỉ dấu của tâm lý bình thường. Những cảm thọ lâu đời chấp chứa trong ký ức và tàng thức cũng như ảnh hưởng của vận động và sinh lý là những phát khởi tình cảm. Tình cảm rất cần thiết và cần phải thể hiện trong nếp sống đạo đức của con người.

Trong thập nhị nhân duyên là dây móc xích trói buộc con người.: Vô minh, Hành, Thức, Danh Sắc, Lục nhập, Xúc, Thọ, Ái, Thủ, Hữu, Sinh, Lão, Tử. Cắt đứt được hai móc xích nối giữa Thọ và Ái là vòng nhân duyên không còn nữa tức sanh tử không còn và khổ đau được giải thoát. Khổ đau là hệ quả của thất tình lục dục khi được giải thoát thì tâm được an lạc. Sự sống con người liên hệ với mọi người và hoàn cảnh xung quanh, nên khi ta giải thóat khổ đau của chính mình thì phải tìm cách giải thoát khổ đau cho kẻ khác. Nếu như ta không làm việc đó, tức là ích kỷ, thì mọi sự phiền não của mọi người xung quanh cũng ảnh hưởng đến ta. Như vậy, tình đồng bào nghĩa gia tộc, lòng thương yêu con người, mọi loài mọi vật, nói chung là chúng sinh là một thứ tình cảm cao thượng.

Lòng thương yêu và giúp đở mọi người, từ tốn, khoan dung độ lượng, nhẫn nhục làm cho ta giảm bớt tham, sân, si, nghi, mạn ác kiến. Thực hành tứ vô lượng tâm: tù, bi, hỷ, xả là cao cả hơn hết. Khi đã giải thoát được khổ đau, tức là tám gió (Bát phong: Lợi hại, Vui buồn, Vinh nhục, Khen chê) không động, dòng tâm thức lúc bấy giờ không còn vẩn đục và tình cảm trở nên an lạc.

C). Trau Dồi Trí Tuệ
Trau dồi trí tuệ-- nói theo thế tục, gọi là học hỏi ở trong trường hay ngoài đời để tư tưởng ngày thêm phát triển, nói theo đạo pháp, đó là thanh lọc dòng tâm thức vốn chứa những mầm móng của vô minh-- là hành trình tu dưỡng thân tâm theo Bát Chánh Đạo.

Tinh túy của trau dồi Trí Tuệ là thanh lọc dòng tâm thức luôn trôi chảy và giảm trừ nghiệp chướng trong Tàng Thức đã chất chứa nhiều đời nhiều kiếp. Đó là một hành động thực hiện phương pháp chuyển Thức (Vô Minh: sự tối tăm) thành Trí (Giác Ngộ: sự sáng suốt).

Khi Ý Tác Động với đối tượng sản xuất Tri Giác, là dòng Tâm Thức luôn trôi chảy. Nhận thức Tri Giác nầy do Ý Tác Năng gọi là Tri Thức hay Tư Duy. Nếu không biết Chánh Tư Duy hay không biết thanh lọc thì dòng tri thức ấy biến thành Tri Thức vụn vặt hay Tư Tưởng vẩn vơ. Thanh lọc bằng cách nào? Chánh Tư Duy là sao?

Thật ra Chánh Tư Duy được thể hiện bằng sự nối tiếp Chánh Kiến. Thấy thực tướng của vạn hữu là vấn đề của Kiến Đại, mà nắm bắt được thực tướng mới là công việc của Chánh Tư Duy. Thí dụ, Mắt thấy một cái bình, thấy biết được cái bình nầy là giả lập và huyển hóa, không thật theo thời không, cái thấy biết đó là Chánh Kiến. Muốn nắm bắt thực tướng của cái bình, tâm trực nhận nơi thể không của cái bình là Chánh Tư Duy. Chánh kiến là thấy biết cái bình là thực tại gỉa lập. Chánh tư duy là nhận biết cái mình thấy biết đó, nghĩa là Biết cái mình biết hay biết tánh không của cái bình. Vậy khi chúng ta xuất Ý Tác năng ra khỏi kho chứa (Tàng thức) đúng cách thì nó giảm trừ nghiệp thức hay là nó soi mòn những chũng tử trong tàng thức. Nghiệp thức là những tư tưởng vẩn vơ, dòng tâm thức bất an luôn trôi chảy; dòng tâm thức khuấy động như vậy thì nó luôn vẩn đục. Thanh lọc tri thức vụn vặt nầy bằng thể hiện Giác Trí Tuệ, thì dòng tâm thức trở nên trong sáng và nghiệp thức (cặn bã) từ đó giảm dần.

Thiền, Chánh Tư Duy, hay Chánh Niệm, cả Bát Chánh Đạo là con đường giảm trừ nghiệp thức cũ mà còn tạo ra những dòng tâm thể trong sáng ở tương lai. Vậy ngay hiện tại, chúng ta hành Thiền là bài tập để diệt dần nghiệp chũng quá khứ và tạo nhân tốt cho tương lai vì hiện tại tâm thể trong sáng không vẩn đục, tâm được an định, không có nhân tố xấu trong tâm thì quả sẽ giải thoát cảnh phiền não khổ đau, mà đạt sự an lạc tự tại.

1). Đối Với Thế Tục.
Bài học ở trường, gia đình, xã hội, trường đời được phổ truyền những tiêu chuẩn chân lý đạo đức làm kim chỉ nam cho mọi người noi theo mà hành sử hầu tránh bất an trong tâm (phiền não khổ đau) để được sự sống an vui hạnh phúc.

Hành động ngôn ngữ tư tưởng được xem là Thiện hay Ác là do những động cơ thúc đẩy tốt hay xấu và kết quả hành động đó đem đến hạnh phúc hay đau khổ. Người ta có thể gọi đó là đạo đức hay luân lý nhưng thật ra chỉ là những cơ chế của hạnh phúc và đau khổ. Hạnh phúc hay đau khổ thường dính mắc với cái Ngã. Cái Ngã được hiểu là không thật có, thì không cần chấp nhận cái gì đang đến, mà là để hành động tự do hơn, không còn bị cái Tôi ràng buộc, một cái Tôi là đầu mối của một chuỗi dài thương và ghét. Thoát ra khỏi sự vị ngã sẽ cho ta tự do hành động hơn. Quá khứ đã qua rồi nhưng tương lai thì chưa đến. Quan điểm của Phật tử, theo cách nói của nhà Sư Tây Tạng Matthieu, chấp nhận hiện tại vì lẽ cái gì đang xãy ra là kết quả của việc làm xưa cũ. Nhưng tương lai thì tùy thuộc ở hắn. Nguời thế tục không theo một tôn giáo nào thì tuân theo nếp sống đạo đức hay luân lý của xã hội thì cũng hợp lý hợp tình để được trong lòng thanh thản an vui và hạnh phúc, ít ra trên phương diện hình thức sống thanh bình trong gia đình và xã hội với tình thương yêu, lòng nhân ái, tính khoan dung và phải thật tâm kiên trì và nhịn nhục.

Còn đối với cư sĩ, có học hiểu Phật pháp, tin vào luật nhân quả thì nhận thức rõ ràng sự giả danh của Tự Ngã và sự vô thường của Sự Vật, nên có cái nhìn sâu sắc hơn. Sự Tĩnh thức của người Phật tử là bình tĩnh làm chủ được cái Ngã, là sáng suốt hơn, cương quyết hơn trong hành động. - "Nó sẽ mở rộng sự hiểu biết của chúng ta về nguyên nhân của hạnh phúc và đau khổ. Nó sẽ giúp ta hành động đúng hơn. Sự dính mắc vào cái Ngã không làm cho chúng ta nhận xét tốt hơn, trái lại nó làm mờ tối chúng ta. Nếu hành động của chúng ta không sáng suốt, thiếu can đảm là vì chúng ta là món đồ chơi của cái Ngã nầy. Có một câu nói:" Cái nhìn của thánh nhân xa hơn trời cao, sự thấu hiểu luật nhân quả của họ có tinh tế hơn bột mì." Chúng ta không chống lại được kết quả cái gì chúng ta đã gieo, nhưng chúng ta có thể xây dựng tương lai bằng cách biết phân biệt cái gì đưa đến tai họa và cái gì làm ta thoát ra được. Đối với người Phật tử, Hạnh phúc là cảm tưởng hiện thực hóa cái tiềm lực có sẳn ở mỗi con người và hiểu ra được bản thể tối hậu của tâm mình. Với một kẻ biết tìm cho đời mình một ý nghĩa, mỗi giây phút là một mũi tên bay đến mục tiêu. Nếu không biết đem lại một ý nghĩa cho cuộc đời thì sẽ rơi vào thụ động rồi sinh ra thất vọng cuối cùng có thể dẫn đến tự vẫn. Hạnh phúc dĩ nhiên là cần đến sự hiểu biết. Không có sự hiểu biết thì không làm sao chữa lành được nguyên nhân gây ra đau khổ là sự bất mãn triền miên luôn luôn dằn vặt chúng ta. Sự bất mãn đó cũng nảy sinh từ chỗ chúng ta không chiến thắng được những tình cảm tiêu cực như lòng căm giận, sự ghen ghét, sự luyến ái, tham lam, ngã mạn tất cả đều do một cái nhìn duy ngã về cuộc đời, do sự dính mắc về cái "Tôi" quá ư là hùng mạnh. Một yếu tố cần thiết khác cho hạnh phúc chỉ gồm ba chữ: Lòng vị tha, tình yêu, và lòng nhân ái. Làm sao chúng ta hạnh phúc được khi quanh ta có bao người rên xiết. Hơn nữa, dù thế nào thì hạnh phúc của chúng ta cũng dính liền chặt chẽ với hạnh phúc của kẻ khác. Vì lẽ Phật giáo chủ trương một khoa học của tâm linh, một kỹ thuật thiền định cũng vì nó đề cập đến những cơ chế căn bản nhất của hạnh phúc và đau khổ. Tại sao phải tham thiền? Việc làm nhẹ đi đau khổ vật chất lại chưa đủ hay sao? Những điều kiện sinh hoạt bên ngoài có thể thuận lợi cho sự thoải mái của chúng ta, cho các tiện nghi đời sống, sức khỏe, tuổi thọ và ngay cho suốt cuộc đời chúng ta. Nhưng những thứ đó không đem lại cho ta sự an lạc nội tâm. Chính cái tâm là nguồn cội của sự thỏa mãn và bất mãn, hạnh phúc và đau khổ, thành công và thất bại. Chính cái tâm quyết định thái độ chúng ta với cuộc đời. Khi chúng ta đã quyết định theo con đường tâm linh, sau nhiều năm tháng hành trì, chúng ta tự xét xem đã vượt thoát được lòng tham, sự kiêu căng, ghen ghét và nhất là những tình cảm vị ngã và vô minh là nguyên nhân của mọi đau khổ. Tu để làm gì? Là để xử dụng những chân lý căn bản của Phật giáo ngõ hầu làm hiển lộ Phật tính ở mỗi chúng ta - "(Sư Mathieu).

Tu là bình tĩnh làm chủ mình, sáng suốt trước những phản ứng đối nghịch tư tưởng tình cảm và hành động của mình. Làm chủ chính mình là bình tĩnh quán xét phân tích nguyên nhân của Tham, Sân, Si, Nghi, Mạn và Ác kiến phát xuất từ Vọng tưởng của cái "Tôi" chủ thể giả lập nầy. Cho nên tu là làm thế nào không còn chấp vào cái Ngã thì được tự do tự tại (tức là Năng Sở song vong). Tu là vượt thóat màn vô minh của tâm thức (Ngã thức) luôn lăn trôi theo trần cảnh mà chịu phiền não khổ đau. Vượt thoát cái Thức Ngã, cái chấp chứa những chũng tử nhân duyên chằng chịt vốn là gốc của luân hồi sanh tử, là để đến bến bờ giác ngộ. Người Phật tử hiểu rằng ngay trong hiện tại mình sống được tĩnh thức (nhân), tâm an bình đã là hạnh phúc mà hạnh phúc là thoát khỏi khổ đau, thì quả tương lai cũng sẽ trổ cảnh tự tại an lạc như vậy mà thôi.

2). Đối Với Tu Sĩ
Ngoài cách tu thân như người thế tục và pháp học ra, tu sĩ Phật giáo còn phải giữ giới luật nghiêm túc. Thật ra giới luật chỉ là hướng dẫn thực hiện mà tu sĩ phải có sự tự giác, thật sự thực hiện giới luật. Người tu sĩ không những học hỏi giáo lý chuyên thâm, hành trì giới luật nghiêm minh mà còn phải thực hành Giác Trí Tuệ hay gọi là Hành Thiền. Mục đích hành Thiền như đã trình bày nêu trên trong Pháp học.

a). Tri nhận thực tại:
+ Người tu sĩ thực hành nghiêm chỉnh Bát Chánh Đạo. Làm con người tất nhiên là phải tu thân (nhân đạo) trước tiên, cần thiết hơn nữa là phải sống theo Chánh Nghiệp đối với tu sĩ Phật Giáo bao gồm mọi hoạt động của thân xác kể cả khẩu và ý là điều kiện hết sức chơn chánh không những tránh gây oan trái, gây hại hay bất lợi cho chúng sanh, mà còn phải tạo phước đức cho mọi loài. Chánh Nghiệp là hành động, cử chỉ và tư cách của tu sỉ hết sức gắng bó với giới luật. Ngoài ra Chánh Ngữ rất ư là quan trọng đối với tu sĩ trong sinh hoạt hàng ngày, trong tiếp xúc, đối xử hay đối thoại hoặc nói pháp mỗi mỗi đều phải hết sức trung thực, khách quan hợp với chân lý, thành thật hài hòa và không hư dối. Mặt khác, thức ăn dinh dưỡng cho thân xác cần tinh khiết là sống theo Chánh Mạng. Đó là cách tu thân theo hình thức bên ngoài.

+ Trong nội tâm lúc nào cũng giữ Chánh Niệm, nghĩa là không khởi vọng niệm. Vọng niệm phát xuất từ tư tưởng vẩn vơ, ý tưởng so đo chấp trước. Chánh Kiến là thấy biết thực trạng của vạn pháp như nó là, tức bản tánh thực của tự tâm cũng là bản tánh thực sự của sự vật.. Chánh Tư Duy là nhận thức thực tướng các thiện pháp. Chánh Tinh Tấn là siêng năng tu tập bất thối chuyển. Và Chánh Định là giữ thân khẩu ý (tam nghiệp) thanh tịnh, tâm vắng lặng tịch tĩnh.

Tri nhận thực tại giả lập là sống theo Tĩnh Thức. Tĩnh là cái Biết của thâm tâm, Biết của Trí. Thức là cái Biết của căn trần. Vậy Tĩnh Thức là Biết về Cảm Giác, về đói tượng. Thí dụ, thấy cái bàn. Thấy là căn, cái bàn là trần. Thấy cái bàn làThức, Biết thấy cái bàn là Tĩnh Thức. Tri nhận (Biết) thực tại giả lập (Thức) là Tĩnh Thức. Tĩnh thức là cái biết của Sở Tri, cái biết về đối tượng, hay là Giác Thức.

Tri nhận thực tại tuyệt đối là sống theo Tĩnh Giác. Tĩnh là cái biết của Trí, còn Giác là Tánh Biết của Cảm Giác, hay cái biết của Năng Tri, cái biết của chủ thể. Tĩnh Giác là Biết về Tánh Mình Biết. Thí dụ thấy cái bàn, Biết tánh Thấy; nghĩa là Biết Thấy Có, khi không có cái bàn thì Biết Thấy Không. Tánh Thấy thì thường hằng, cái bàn thì vô thường khi có khi không. Cho nên Tĩnh Giác là Biết lại Tánh mình thấy, cũng gọi là Giác Trí.

b). Thể hiện thực tại:
Người tu sĩ muốn đạt đến giác ngộ giải thoát cho mình và giác tha tất cần thiết phải thật hành Bát Chánh Đạo. Có thể tu theo Lục Độ hoặc giả theo tất cả lối tu không cần phân biệt Nguyên Thủy, Đại Thừa, Mật Tông, Tịnh Độ hay Thiền Tông, miễn là làm sao cho Tâm được an định và trong sáng thì Chân Tâm được hiển bày. Có hai phương pháp thực hành để thành tựu cho dòng Tâm Thức được tích lũy thanh lọc trong sáng và an định là: một là thực hành thường xuyên đầy đủ Bát Chánh Đạo trong trong suốt cuộc đời, hai là thực hành Thiền Định theo thời biểu hàng ngày liên tục theo kiếp sống. Việc thanh lọc dòng tâm thức rất quan trọng và càng thiết yếu hơn là cần Tâm được an định. Muốn Tâm An Định thì có rất nhiều cách, chúng tôi giới thiệu những trích dẫn bài khảo luận của những nhà đạo học và các bậc trí giả với những môn phái khác nhau nhưng cùng chung một mục đích.

b.1. Pháp Môn Niệm Phật. (Tịnh Độ, HT. T.Thiện Hoa)
Phương pháp tu về Cực lạc có nhiều lối, nhưng không ngoài các pháp niệm Phật. Đây lược kể bốn pháp niệm Phật:

b.1.1. Trì danh niệm Phật

Trì danh niệm Phật tức là giữ một lòng nhớ nghĩ danh hiệu Phật, là niệm "Nam mô A Di Đà Phật ". Khi đi, đứng, nằm, ngồi, ăn, uống cũng niệm. Niệm từ buổi mai khi mới thưc dậy, cho đến buổi tối, trước khi đi ngủ. Niệm suốt cả ngày không xen hở. Khi gần đi ngủ, ngồi xếp bằng bán già hay kiết già, chắp tay mà nguyện rằng:

"Con tin lời của đức Phật A Di Đà, giữ một lòng niệm danh hiệu Ngài, nguyện đời nầy, bao nhiêu tội chướng thảy đều tiêu sạch, đến khi lâm chung được Phật và các vị Bồ Tát, đến tiếp dẫn chúng con về Cực lạc.

b.1.2. Tham cứu niệm Phật

Pháp niệm Phật tương tợ pháp trì danh, nhưng mà có khác nghĩa, làm môi miệng không động, niệm không ra tiếng, mà trong tư tưởng có niệm Phật.

Khi niệm có tiếng thì xét tiếng ấy từ đâu mà sanh ra. Đến khi hết niệm không nghe nữa, thì xét tiếng ấy coi nó đi vào chỗ nào. Xét cho biết chỗ sinh ra, chỗ trở về là đã được một phần công phu khá cao rồi, cứ giữ như thế mà niệm, đừng cho tán loạn, thì chắc có ngày minh tâm kiến tánh.

b.1.3. Quán tưởng niệm Phật

Là quán tưởng hình dung đức Phật à ở trước mắt ta, mình cao một trượng sáu thước, đứng trên hoa sen, và quán thân ta cũng ngồi trên hoa sen, chắp tay hầu Phật. Phật thấy ta, ta thấy Phật. Quán như thss lâu ngày, đi, đứng, nằm, ngồi, nhắm mắt, mở mắt đều thấy Phật, tức là pháp quán đã thuần thục.

b.1.4. Thật tướng niệm Phật

Thật tướng niệm Phật là niệm Phật hợp với chân tâm. Vì tất cả các pháp đều do tâm biến hiện, bởi tâm biến hiện, nên tướng nó đều là hư vọng (phàm sở tướng, giai thị hư vọng), duy có chân tâm là chân thật, không sinh, không diệt; không chứ, không lai, xưa nay thanh tịnh bình đẳng như như, không hư vọng, không biến diệt, cho nên mới gọi là thật tướng.

Ba pháp niệm Phật trước thuộc về Sự, có tánh cách tiệm tu và tiệm quán. Đến pháp thứ tư nầy, là thuộc về Lý tánh, cao siêu hơn cả. Niệm Phật đến đây, mới hoàn toàn rốt ráo, mới ngộ tánh mình là Phật A Di Đà, tâm mình là cảnh Tịnh độ.

Nhưng chúng ta phải luôn luôn nhớ rằng: nhờ có Sự mới hiển ra Lý. Trớc hết cũng do Trì danh niệm Phật, Quán tưởng niệm Phật v.v...nhờ lối dụng công tu ba pháp trước, đến lúc thuần thục không còn thấy có mình là người niệm Phật và Phật là một vị mình niệm, chỉ còn có một chơn tánh vừa yên lặng, vừa chiếu soi không năng, không sở, không bỉ, không thử, không hữu, không vô. Chỗ này chính như trong Kinh tứ Thập Nhị Chương, Phật nói: "Niệm đến chỗ vô niệm"; hay trong kinh A Di Đà nói: "Được nhứt tâm bất loạn

b.2 Phép Niệm Phật Bằng Ba Tự Tính
b2.1- Niệm Phật bằng Tướng.

Niệm ra tiếng là thể hiện tác động của căn trần. Miệng niệm ra tiếng lục tự, căn tai nghe tiếng lục tự. Khi ta đọc lục tự ít ra ta đã nghe tiếng lục tự phát ra và căi tai ta nghe, đó là động tác vạch sóng giữa dòng tâm thức mà nắm bắt lục tự. Khi ta theo dõi tiếng lục tự là ta tập trung vào tiếng đọc đó, dòng tâm thức ngoài lục tự đã phủ định (tha tính không); nghĩa là khi ta niệm Phật là mọi vọng tưởng tạm thới không quấy rối trong tâm ta, dù không hoàn toàn ngăn chận hết tâm viên ý mã, ít ra ta đã thanh lọc phần ý tưởng vẩn vơ và làm cho tâm bớt vọng động. Niệm Phật theo Căn Trần là lối chủ thể tác động với đối tượng là trần là hiện tượng (tướng) ở ngoà tâm. Đối tượng ngoài là một thực tại giả lập, nó không có tự tính và không chắn chắn, hay thay đổi nên nó dễ bị vọng tưởng xen vào.

b.2.2.- Niệm Phật bằng Thức.

Khi ta niệm lục tự thầm trong tâm, tiếng được thầm hội chỉ làTưởng Thức. Mặc dù tưởng thức cũng ở trong tâm được ý tác động để tưởng niệm cũng cùng ở chung một tâm, và dầu cho tưởng thức và ý tác động chung dòng nhất nguyên, nhưng nó cũng chỉ là tưởng thức của lục tự là một thực tại tùy thuộc ở chung dòng nhất nguyên tương đối mà thôi. Tác dụng của cách niệm Phật nầy là ở chỗ xâm nhập, tập trung và xoáy sâu trong dòng tâm thức đang trôi chảy mà làm nổi bật lục tự để phá tan đám mây mờ của tâm trí. Lợi ích thì nhiều hơn niệm bắng tiếng vì thuận trong tứ oai nghi và khi đi ngũ.

b.2.3.- Niệm Phật bằng Trí.

Thật sự niệm Phật bằng Trí là chỉ dùng hai cách niệm Phật trên rồi chuyển thành trí. Vì niệm Phật bằng căn trần thức là niệm thực tại giả lập, và niệm Phật bằng thức là niệm thực tại tùy thuộc, tất cả hai phép trên chỉ niệm theo bóng dáng (thức) của lục tự mà thôi. Từ thực tại giả lập hay tùy thưộc ta chuyển thành trí tức thực tại tuyệt đối. Trí là cái biết của tâm nó toàn diện và thường hằng, nhiều hơn cái biết của căn trần hay căn thức vì bị giới hạn ở các căn. Văy khi ta niệm lục tự ra tiếng hay niệm thầm, biết ta đang niệm. Biết (của Trí)) cái mình biết (của Căn), tức là Tri Thức Đúng (Trí) cái tri thức sai làm của nhị nguyên (chủ khách) là đã giải thoát mọi phiền não khổ đau.

b.3. Pháp Niệm Chú:
Chúng ta cần tìm hiểu hai thần chú nổi tiếng nhất của Tây Tạng là thần chú Padmasambhava, gọi là thần chú kim cang thượng sư (Vajra Guru Mantra):

OM AH HUM VAJRA GURU PADMA SIDDNI HUM, và thần chú của Quán Thế Âm, vị Phật của lòng bi mẫn, OM MANI PADME HUM. Hai thần chú nầy cũng như phần đông thần chú, đều bằng phạn ngữ, cổ ngữ thiêng liêng của Ấn Độ. (Trích trong Tạng thư Sống Chết, tr 522-528)

Thần Chú Kim Cang Thượng Sư:

Thần chú nầy được giải thích căn cứ lời giảng dạy của hai ngài Dudjom Rinpoche và Dilgo Rinpoche.

OM AH HUM - Những âm Om Ah Hum có nghĩa ngoài, nghĩa trong và nghĩa mật. Nhưng ở mỗi tầng như vậy, Om đều tiêu biểu cho thân. Ah lời và Hum là ý. Cả ba âm tiêu biểu năng lực ân sủng của chư Phật để chuyển hóa thân, lời, ý.

Theo nghĩa ngoài, Om tịnh hóa mọi ác nghiệp của nhân, Ah của thân, Ah của lời, và Hum của ý. Nhờ tịnh hóa thân, lời, ý, Om Ah Hum đem lại ân sủng của thân, lời, ý chư Phật... Khi đọc thần chú này, là ta tịnh hóa hoàn cảnh cũng như bản thân và những người ở trong đó.

Theo nghĩa trong, Om tịnh hóa những huyệt đạo vi tế, Ah tịnh hóa nội phong hay khí lực, và Hum tịnh hóa chất sáng tạo.

Ở tầng mức sâu hơn, Om Ah Hum biểu trưng ba thân của Liên Hoa Bộ. Om là Pháp thân, Phật A Di Đà, Đức Phật của ánh sáng vô lượng;Ah là Báo thân, Quán Thế Âm, vị Phật của Tâm Đại Bi; và Hum là ứng hóa thân, Liên Hoa Sanh. Điều nầy có nghĩa, trong trường hợp thần chú này, cả ba thân đều thể hiện trong một vị là Padmasambhava, Liên Hoa Sanh. VAJRA GURU PADMA Vajra được ví như kim cương, đá quí nhất và cứng nhất. Cũng như kim cương có thể cắt bất cứ gì, mà chính nó thì không gì phá hủy được, cũng thế trí tuệ bất nhị bất biến của chư Phật không bao giờ bị hoại hay bị phá hủy bởi vô minh, và có thể cắt được mọi vọng tưởng chướng ngại. Những đức tính và hoạt động thân, lời, ý của chư Phật có thể làm lợi lạc hữu tình với năng lực sắc bén vô ngại như kim cương. Và cũng như kim cương không tì vết, năng lực sáng chói của nó tuôn phát từ sự chứng ngộ bản chất pháp thân của thực tại, bản chất của Phật A Di Đà.

Guru có nghĩa là sức nặng, chỉ một người tràn đầy đức tin kỳ diệu, thể hiện trí tuệ, hiểu biết, từ bi và phương tiện thiện xão. Cũng như vàng ròng là loại kim nặng nhất quí nhất, cũng thế những đức không lỗi, không thể nghĩ bàn của bậc thầy làm cho vị ấy không ai vượt qua được, thù thắng hơn tất cả. Guru tương đương với Báo thân và Quán Thế Âm, vị Phật của Tâm Đại Bi. Lại nữa, về Padmasambhava (Liên Hoa Sanh) giảng dạy con đường mật tông, biểu tượng là Kim Cương và nhờ thực hành mật tông mà Ngài đạt giác ngộ tối thượng, cho nên Ngài được biết dưới danh hiệu là Kim Cương Thượng Sư.

Padma hoa sen, có nghĩa là Liên Hoa Bộ trong ngũ bộ và nhứt là khía cạnh ngôn ngữ giác ngộ của chư Phật ấy. Liên hoa bộ là dòng họ Phật mà con người thuộc vào. Vì Padmasambhava là ứng thân trực tiếp của Phật A Di Đà, vị Phật nguyên ủy của Liên hoa bộ, nên Ngài được gọi là Padma, hoa sen. Danh hiệu Liên Hoa Sanh của Ngài kỳ thực ám chỉ câu chuyện Ngài sinh ra trên một đóa sen nở. Khi những âm thanh Vajra Guru Padma đi liền nhau, thì cũng có nghĩa là tinh túy và ân sủng của Kiến, Thiền, Hành. Vajra nghĩa là tinh chất của chân lý bất khả hoại, bất biến, cũng chắc như kim cương, mà chúng ta cầu mong thực hiện được trong Kiến của chúng ta. Guru tiêu biểu tính chất ánh sáng và sự cao quí của giác ngộ, mà ta cầu cho kiện toàn trong thiền định của mình. Padma tiêu biểu bi mẩn, mà chúng ta cầu thể hiện trong Hành Động của chúng ta.

Vậy nhờ tụng đọc thần chú nầy mà ta nhận được ân sủng của tâm giác ngộ, những đức cao quí và lòng bi mẩn của Padmasambhava và tất cả chư Phật.

SIDDHI HUM Siddhi là thành tựu, đạt đến, ân sủng và chứng ngộ. Có hai thứ thành tựu: tương đối và tuyệt đối. Nhờ nhận được ân sủng tương đối, tất cả chướng ngại trong đời như bịnh tật tiêu trừ, mọi thứ nguyện tốt được thành tựu, những lợi lạc như sống lâu, tiền của tăng và mọi hoàn cảnh đều được tốt lành, giúp cho tu tiến và chứng ngộ, trạng thái thực chứng hoàn toàn của đấng Liên Hoa Sanh, để tự lợi và lợi tha. Bởi thế nhờ nhớ đến và cầu nguyện với những năng lực thân, lời, ý của Ngài, mà chúng ta sẽ được những ân sủng tương đối và tuyệt đối. Siddhi Hum được xem là thâu tóm vào tất cả ân sủng, như nam châm hút sắt. Hum tiêu biểu tâm giác ngộ của chư Phật, và là xúc tác thiêng liêng của thần chú. Giống như tuyên bố lên quyền năng và chân lý của thần chú: Hãy là như vậy! Ý nghĩa cốt yếu của bài là chú là: Con triệu thỉnh Ngài, đấng Kim Cang Thượng Sư, với ân sủng của Ngài, xin hãy ban cho con những thành tựu thế gian và xuất thế gian.

Dilgo Khientse Rinpoche giải thích:

Mười hai âm Om Ah Hum Vajra Guru Padma Siddhi Hum mang tất cả ân sủng của mười hai bộ kinh giáo của Phật, tinh túy của tám mươi bốn ngàn pháp môn. Bởi thế tụng một lần thần chú Kim Cang Thượng Sư cũng có phước như là đã đọc mười hai bộ kinh điển và thực hành các pháp môn khác. Mười hai bộ kinh điển là phương thức giải cứu chúng ta khỏi mười hai nhân duyên giam giữ chúng ta trong vòng sinh tử. Mười hai móc xích nầy là guồng máy của luân hồi sanh tử làm cho luân hồi tiếp nối. Nhờ tụng mười hai âm nầy của thần chú Kim Cang Thượng Sư, mười hai nhân duyên được tịnh hóa, tẩy sạch cấu uế của nghiệp cảm và giải thoát sanh tử.

Mặc dù ta không thể trông thấy đức Liên Hoa Sanh, nhưng tâm giác ngộ của Ngài đã thể hiện dưới hình thức thần chú này, thần chú này có được toàn thể ân sủng của Ngài, Bởi thế khi bạn kêu Ngài bằng cách tụng đọc mười hai âm thần chú này, thì bạn sẽ được ân sủng và công đức vô lượng.

THẦN CHÚ CỦA ĐẠI BI TÂM: OM MANI PADME HUM.

- Tạng ngữ đọc là Om Mani Pémé hung. Thần chú nầy tiêu biểu tâm đại bi và ân sủng của tất cả chư Phật, Bồ Tát, nhứt là ân sủng của Quán Tự Tại, vị Phật của lòng bi mẩn. Quán Tự Tại (hay Quán Thế Âm) là hiện thân của Phật trong hình thức Báo Thân, và thần chú của Ngài được xem là tinh túy của lòng bi mẩn của chư Phật đối với hữu tình. Nếu Liên Hoa Sanh là bậc thầy quan trọng nhất của người Tây Tạng, thì Quán Tự Tại là vị Phật quan trọng nhứt của họ, là vị thần hộ mạng của dân tộc nầy. Có câu nói nổi tiếng là vị Phật của lòng bi mẩn đã ăn sâu vào tiềm thức Tây Tạng tới nổi một hài nhi vừa biết nói tiếng mẹ là đã biết đọc thần chú nầy, om mani padme hum.

Kalu Rinpoche viết: Một cách khác để giải thíchthần chú nầy là, Om là tính chất của thân giác ngộ. Man Padme tiêu biểu ngữ giác ngộ; Hum tiêu biểu ý giác ngộ. Thân ngữ ý của tất cả chư Phật được tàng ẩn trong âm thanh của thần chú này. Thần chú này tịnh hóa những chướng ngại của thân lời ý, và đưa tất cả hữu tình đến trạng thái chứng ngộ. Khi tụng thần chú này, và phối hợp với đức tin và tinh tấn thiền định, thì năng lực chuyển hóa của thần chú sẽ phát sinh và tăng trưởng.Quả vậy, chúng ta có thể tịnh hóa bản thân bằng phương pháp ấy.

Đối với những người đã quen thuộc với thần chú này, suốt đời tụng đọc với nhiệt thành và niềm tin, thì Tử Thi Tây Tạng, ở trong cõi Trung Ấm:

Khi âm thanh của Pháp tánh gầm thét như ngàn muôn sấm sét, nguyện cho tất cả tiếng này trở thành âm thanh của thần chú sáu âm. Tương tự Kinh Lăng Nghiêm cũng nói: Mầu nhiệm thay là âm thanh siêu việt của Quán Thế Âm. Đấy là âm thanh tối sơ của vũ trụ...Đó là tiếng thì thầm ầm ỉ của thủy triều trầm lắng. Tiếng mầu nhiệm ấy đem lại giải thoát bình an cho tất cả hữu tình đang kêu cứu trong cơn đau khổ, và đem lại một sự an trú thanh tịnh cho tất cả những ai đang tìm sự thanh tịnh vô biên của niết bàn.

(Cảm ơn Phổ Nguyệt đã gửi bài này)

» Ảnh đẹp
» Liên kết website
Search
» Từ điển Online
Từ cần tra:
Tra theo từ điển:
» Âm lịch