Tư liệu
Vài suy nghĩ về Đạo Phật với tuổi trẻ
29/12/2008 15:57 (GMT+7)
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

Thích Nhật Minh
(Thành viên BHP tỉnh Thừa Thiên-Huế)

Sự xuất hiện của Thế Tôn là sự kiện khó thấy ở đời. Chúng ta hiểu rằng Đức Phật ra đời vì hạnh phúc an lạc cho mọi chúng sanh, vì lòng thương tưởng cho đời, vì lợi ích, hạnh phúc và an lạc cho chư Thiên và loài người. Đó là hạnh nguyện vô cùng lớn lao của Ngài khi đến với cuộc đời này. Chính hạnh nguyện to lớn ấy đã giúp mọi người vượt qua mọi cám dỗ, thách thức, trói buộc, khuôn mẫu cố hữu của thế gian. Sau khi giác ngộ, Đức Phật đã thực hiện sứ mạng thuyết pháp độ sanh ròng rã suốt 45 năm không một phút giây ngừng nghỉ. Ngài vân du hóa độ khắp nơi để mở rộng Chánh pháp cho mọi người, Ngài không phân biệt giai cấp hay giới tính, không phân chia ngôn ngữ hay văn hóa, không tị hiềm quốc gia hay dân tộc. Đi đến đâu, Ngài đều khuyên con người bỏ ác làm lành, sống chơn thực, không gian dối, không thù hận, không đam mê ngũ dục mà sống có từ tâm hòa bình. Giáo lý của Ngài vượt ra ngoài mọi ước lệ và phân biệt, mọi quy ước và áp đặt, mọi toan tính và chia rẽ. Giáo lý của Ngài dành cho mọi tầng lớp trong xã hội, từ bậc đế vương quần thần văn sĩ trí thức cho đến hạ tiện tôi tớ; từ người lớn, trưởng thành cho đến thanh niên trẻ tuổi. Giáo lý ấy thiết thân với tất cả con người và bởi nó nói rõ sự thật rất chung về con người. Khổ đau và lòng muốn thoát khổ, đi tìm hạnh phúc, suốt cuộc đời thuyết pháp độ sanh của Ngài, Đức Phật chỉ tập trung nhấn mạnh hai điều: khổ và diệt khổ. “Này các Tỳ kheo, tất cả mọi người đều sợ hình phạt, sợ tử vong, đều yêu quý mạng sống và mong muốn hạnh phúc” (Kinh Pháp Cú).

Tất cả mọi người đều khổ đau và đều mong muốn chấm dứt khổ đau, nhưng có một sự khủng hoảng lớn đó là lấy phương pháp nào để trừ diệt khổ đau và nguyên nhân khổ đau là gì?... Trong sự bế tắc đó, chỉ có bậc Đạo sư Thế Tôn mới nói lên được, chỉ bày được con đường thoát khổ bằng giáo lý Bốn sự thật và chân lý Duyên khởi.

Đến đâu Đức Phật cũng tùy thời, tùy cơ, tùy xứ phương tiện để thích ứng mà nói pháp. Vì thế, gần 3.000 năm lịch sử, đạo Phật luôn có mặt trong thế giới loài người để chỉ dạy phương pháp diệt trừ gốc khổ đưa tới hạnh phúc, an tịnh, giải thoát.

Như vậy, đạo Phật luôn lấy chúng sanh làm đối tượng để bố giáo. Ở đây, tôi muốn nói về đạo Phật với tuổi trẻ.

Tuổi trẻ là tuổi có nhiệt huyết, tư tưởng, ước mơ cao nhất trong mọi giai đoạn của đời người. Tuổi trẻ là tuổi đang lựa chọn và định hướng con đường đi đến hạnh phúc, Có thể nói là lứa tuổi dễ dàng thu nhận lý tưởng đầu tiên để rong ruổi suốt cả cuộc đời (Tuổi trẻ hôm nay, thế giới ngày mai).

Tuổi trẻ có nhiều hạng, tuổi trẻ thành thị, tuổi trẻ nông thôn, tuổi trẻ miền núi, vùng sâu vùng xa, tuổi trẻ có học, tuổi trẻ ít học, tuổi trẻ có gia giáo, tuổi trẻ lang thang và tuổi trẻ tu sĩ các tôn giáo khác cũng như Phật giáo, nói chung đều là tuổi trẻ, họ nghĩ gì, làm gì, và định hướng như thế nào?... Đương nhiên, mỗi cá nhân đều có giấc mơ và một con đường lý tưởng riêng, có thể thành công hay thất bại, trên đường đời, trong cuộc sống, trong sự nhận thức mà họ đã chọn.

Hiện nay, trên thế giới, một vài bộ phận tuổi trẻ đã bị khủng hoảng về lý tưởng, về niềm tin, sự thật hạnh phúc; bởi vì thời đại văn minh đáp ứng nhiều tham vọng về vật chất, để rồi càng tiến tới càng thấy thất vọng và đau khổ. Bộ phận này cảm thấy hụt hẫng về mọi mặt, nhất là niềm tin: niềm tin về bản thân, về gia đình, cộng đồng, xã hội, vì thế đã dẫn đến tha hóa, quên mình chạy theo con đường lừa dối tự thân và lừa dối mọi người làm cho sự đau khổ càng ngày càng miên man vô tận.

Có một sự báo động đang diễn ra khắp trên hành tinh về tình trạng thanh thiếu niên xuống cấp về đạo đức, lối sống cũng như trách nhiệm; cho nên xã hội đang hốt hoảng muốn tìm các giải pháp cứu vãn, vì: “Tuổi trẻ hôm nay, thế giới ngày mai”.

Điều chung nhất của tuổi trẻ với khát khao và hoài bão hạnh phúc và sự thật đang mâu thuẫn ác liệt với sự đam mê ngũ dục của nhịp đập hiện đại hóa.

Vì thế cho nên giáo dục Phật giáo phải có mặt, thích ứng từng thời cơ, trình độ, tập tục văn hóa, địa phương xã hội, quốc độ để khuyến hóa, để dẫn dắt tuổi trẻ tìm về con đường tình yêu, lý tưởng như thật.

Hơn ai hết, đạo Phật đã vận chuyển bánh xe Pháp khắp mọi nơi tùy duyên bất biến, như trận mưa pháp tưới mát cánh rừng đang khô chết lâu ngày, mà trách nhiệm cao nhất chính đó là những giảng sư thực thụ.

Giảng sư thực thụ của Ban Hoằng pháp Giáo hội Phật giáo Việt Nam phải có đủ không những trí tuệ, đạo đức, tác phong mà còn thâm hiểu tâm lý tuổi trẻ, nó cần gì và có phương pháp như thế nào?
Chúng ta phải uyển chuyển khi thuyết giảng, phải phù hợp đối tượng nghe pháp, họ nghe được, hiểu được, làm được và có hạnh phúc thật sự, không nói cái chân lý trừu tượng, xa với tầm suy nghĩ của tuổi trẻ, mật ngữ hay thuật ngữ, pháp số...

Những lôi cuốn hưởng thụ, văn minh vật chất, những đe dọa và bế tắc của xã hội đang trút đổ vào tuổi trẻ, nên Phật giáo phải có phương pháp để tuổi trẻ có niềm tin và trách nhiệm về tự thân và cộng đồng xã hội, có con đường thiết thực để xây dựng hạnh phúc trong hiện tại và tương lai.

Tóm lại, Phật giáo với tuổi trẻ là một vấn đề cần nghiên cứu lớn mang tính chuyên môn, không những về giáo dục Phật giáo mà thực tế cuộc đời. Và đây chỉ là một số ý kiến riêng bản thân tôi khi đã và đang trên lộ trình của một giảng sư của Giáo hội.

Sau cùng, tôi có mấy ý kiến để đóng góp vào Ban Hoằng pháp T.Ư Giáo hội về đề tài đạo Phật và tuổi trẻ này.

* Thứ nhất: Điều kiện cần và đủ một vị giảng sư thực thụ không những kiến thức học thuật (trí tuệ) mà còn tướng tánh viên dung để tỏ rõ cốt cách của đạo giải thoát khi đem đạo vào đời, nhất là tuổi trẻ, bởi tuổi trẻ đang vươn lên, đang khoe sắc và sức mạnh nhiệt huyết yêu đời, yêu sự thật, yêu niềm tin và khát vọng hạnh phúc và giải thoát.

* Thứ hai: Vị giảng sư phải có mô phạm và sư phạm khi giảng giải, biết khế cơ, khế lý cho phù hợp với tuổi trẻ hiện đại; bởi vì trình độ, kiến thức cũng như trí thức phong tục, văn hóa của tuổi trẻ khác nhau để đưa ra bài pháp, phương pháp thích hợp nhất.

* Thứ ba: Vị giảng sư cần phải tế nhị, khéo léo khi hòa nhập với cộng đồng tuổi trẻ, gần gũi và thương yêu để đưa niềm tin vào tuổi trẻ.

* Thứ tư: Vị giảng sư phải can đảm vững mình với một tác phong luật nghi không bị lung lay trước sự cám dỗ của thời đại mới.

Kính chúc quý liệt vị trong Ban Hoằng pháp pháp thể khinh an, tuệ đăng thường chiếu.

» Ảnh đẹp
» Liên kết website
Search
» Từ điển Online
Từ cần tra:
Tra theo từ điển:
» Âm lịch