Tư liệu
Hoằng pháp trong tinh thần hòa hợp và tôn trọng lẫn nhau
26/12/2008 17:14 (GMT+7)
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

Thích Chí Thiện
(Phó BHP tỉnh Lâm Đồng)


Hội nghị đại biểu thống nhất các hệ phái Phật giáo cả nước tổ chức tại chùa Quán Sứ, thủ đô Hà Nội năm 1981 là một sự kiện lịch sử trong quá trình thống nhất Phật giáo cả nước. Sự thống nhất Phật giáo Việt Nam xây dựng trên nguyên tắc thống nhất ý chí và hành động, thống nhất lãnh đạo và tổ chức. Kể từ khi thành lập đến nay, Giáo hội ngày càng thể hiện tinh thần đoàn kết nhất trí, hòa hợp, mỗi ban nghành đều tiến triển tốt đẹp. Theo đà chung của Giáo hội, Ban Hoằng pháp T.Ư đã có một bước chuyển mình khởi sắc trong công tác giáo dục và đào tạo giảng sư qua các lớp học Cao cấp và Trung cấp giảng sư, biên soạn giáo án thống nhất cho ngành Hoằng pháp, tổ chức thi giáo lý cho cư sĩ Phật tử, mở các khóa bồi dưỡng nghiệp vụ, tọa đàm cho chư Tăng Ni trong ngành Hoằng pháp và cử Đoàn giảng sư T.Ư đến các vùng sâu vùng xa cùng chia sẻ với Ban Hoằng pháp của các tỉnh thành còn gặp nhiều khó khăn về nhân sự.

Trong buổi tọa đàm hôm nay, tôi xin phép được trình bày tham luận với chủ đề “HOẰNG PHÁP TRONG TINH THẦN HÒA HỢP VÀ TÔN TRỌNG LẪN NHAU”

Kính bạch chư tôn thiền đức,

Khi giới thiệu với các đoàn Phật giáo quốc tế đến Việt Nam, chúng ta đều tự hào giới thiệu mô hình đoàn kết thống nhất của các hệ phái Phật giáo trên đất nước Việt Nam thành một tổ chức chung, cùng sống hòa hợp và tu tập trong ngôi nhà GHPGVN. Điều này làm cho các vị khách vô cùng hoan hỷ, tán thán, ca ngợi và công nhận đây là nét đặc thù của Phật giáo Việt Nam. Có thể nói đây là mô hình lý tưởng cho sự đoàn kết hòa hợp và phát triển bền vững trong xu thế toàn cầu hóa hiện nay để vượt qua những khủng hoảng, sự xung đột sắc tộc, tôn giáo, bè phái nhằm tạo ra sự hòa bình, an lạc, thịnh vượng, thông cảm và bao dung.

“Thống nhất Phật giáo là nguyện vọng chung của Tăng Ni Phật tử, không phân biệt Giáo hội, hệ phái… Sự nghiệp thống nhất Phật giáo Việt Nam được xây dựng trên nguyên tắc thống nhất ý chí và hành động, thống nhất lãnh đạo và tổ chức, nhưng các truyền thống hệ phái cũng như các pháp môn và phương tiện tu hành đúng Chánh pháp vẫn được tôn trọng duy trì”. Chính sự duy trì các truyền thống hệ phái đã giữ gìn được bản sắc văn hóa PGVN trong quá trình tồn tại phát triển và tạo sự phong phú, tô điểm thêm vườn hoa đạo pháp. Nhưng trong thực tế, sự khác biệt về hệ phái, các pháp môn tu tập và các nguồn kinh điển khác nhau của các bộ phái đã vô tình tạo ra không ít sự hiểu lầm, chê bai, kích bác lẫn nhau giữa Phật tử của các truyền thống hệ phái.

PGVN đã thống nhất trong ý chí và hành động, trong lãnh đạo và tổ chức, nhưng điều quan trọng hơn là chúng ta phải có sự thống nhất trong sự nhận thức về kinh điển, phương pháp tu tập để tạo sự đoàn kết, thông cảm, khoan dung và hài hòa thật sự trong tâm khảm của những người con Phật ở mọi truyền thống hệ phái. Có thể nói đây là nhiệm vụ của Ban Giáo dục Tăng Ni và Ban Hoằng pháp nhưng quan trọng hơn là Ban Hoằng pháp vì đối tượng và địa bàn của Ban Hoằng pháp là rộng khắp và phổ cập quần chúng.

Có rất nhiều vấn đề cần đưa ra thảo luận nhằm tạo sự hòa hợp, cảm thông và thương yêu lẫn nhau giữa các Phật tử trong những truyền thống hệ phái khác nhau để tạo nên sức mạnh Phật giáo, nhưng bài tham luận này chỉ giới hạn ở một vấn đề nhỏ là chúng ta không nên sử dụng danh từ Tiểu thừa và Đại thừa trong giáo án của Ban Hoằng pháp cũng như lúc giảng dạy cho chư Tăng Ni và Phật tử.
Kính bạch chư tôn thiền đức,

Vấn đề này đã được nêu ra trong Hội nghị các Phật tử thân hữu thế giới tai Tích Lan năm 1950 và hội nghị đã nhất trí không dùng danh từ Tiểu thừa khi nói đến Thượng tọa bộ vì nó gây ra một sự hiểu lầm rất lớn và tạo sự nhận thức lệch lạc về giáo lý của Đức Thế Tôn.

Hiện nay, một số giảng sư do thói quen hoặc chưa nắm được vấn đề nhạy cảm này, trong bài giảng của chư vị ấy vẫn giải thích cho chư Tăng Ni và Phật tử rằng:
“ Kinh tạng Nguyên thủy của Thượng tọa bộ là kinh điển Tiểu thừa. Tiểu thừa là con đường nhỏ, con đường của những người tiêu cực, ích kỷ chỉ đi tìm hạnh phúc riêng cho chính mình, không để ý đến hạnh phúc của kẻ khác và làm thui chột đi hạt giống của Như Lai”. Sự giải thích này vô tình đã gây ra tai hại như sau:

1. Gây hoang mang cho Tăng Ni và Phật tử, một số người không biết tin tưởng và tu tập theo nguồn kinh điển nào cho đúng lời dạy của Đức Thế Tôn.
2. Những Phật tử mới vào đạo thì cảm thấy hụt hẫng và không an lạc vì khi nghe những vị giảng sư khác nhau giảng dạy giáo lý và con đường tu tập dường như mâu thuẫn và có sự chê bai, đả kích lẫn nhau.
3. Vì cho rằng Kinh tạng Pali là giáo lý Tiểu thừa nên vô tình tạo ra trạng thái tâm lý khinh miệt kinh điển truyền thống, không tu tập theo con đường của Đức Thế Tôn đã giảng dạy để đoạn tận khổ đau mà chạy theo những tín ngưỡng dân gian, những điều kỳ lạ hấp dẫn của trường phái tâm linh, đồng bóng hoặc tu sai pháp và rơi vào hoang tưởng, ngã mạn.
4. Điều quan trọng là tạo ra sự không hòa hợp trong chư Tăng Ni và Phật tử của hai truyền thống Nam tông và Bắc tông. Mặc dù Phật tử trong hai truyền thống ấy cùng ngồi chung trong một đạo tràng nghe pháp nhưng tâm họ vẫn cảm thấy xa cách, khó chịu và không hài lòng.

Chúng ta đều biết, trong Kinh tạng viết bằng tiếng Pali dựa trên cơ sở tiếng Magadhi đã được đức Phật dùng để thuyết giảng suốt 45 năm thuyết pháp hoằng hóa độ sanh, Ngài chưa bao giờ sử dụng danh từ Tiểu thừa và Đại thừa. Hai từ Tiểu thừa và Đại thừa chỉ xuất hiện trong kinh điển Phát triển. Cụ thể là kinh Diệu Pháp Liên Hoa vào khoảng giữa thế kỷ thứ nhất trước Tây lịch hoặc thế kỷ thứ nhất sau Tây lịch và đến thế kỷ thứ hai sau Tây lịch thì Đại thừa mới được xác định rõ ràng. Trên cơ sở ấy chúng ta đi đến nhận thức chung như sau:

1. Không nên nhầm lẫn Tiểu thừa với Thượng tọa bộ. Giáo lý truyền thống Nguyên thủy (Pali) không phải là giáo lý Tiểu thừa và chư Tăng theo truyền thống Nam tông không phải là đi theo con đường nhỏ, ích kỷ mà chư vị ấy đang tu tập theo con đường giải thoát giác ngộ do Đức Thế Tôn giảng dạy đích thực.
2. Chư Tăng Ni và Phật tử trong mọi truyền thống, dù là Nam tông, Bắc tông, Khất sĩ hay bất cứ trong tông phái nào đều có thể phát tâm trở thành một vị Phật, hành Bồ tát đạo để giúp đỡ chúng sanh, hoặc chứng quả vị Alahán và nhập Niết bàn.
3. Không có sự cao thấp, hơn thua, tích cực hay tiêu cực trong trạng thái Niết bàn. Những danh từ ấy chỉ là sự phân biệt của tâm thức phàm tình đang còn phiền não lậu hoặc chi phối. (Chư vị Thánh Tăng A la hán, Bích chi Phật và đức Phật Toàn Giác đều là những bậc chứng ngộ).
4. Một vị Bồ tát dù trải qua vô lượng kiếp tu hành làm lợi ích chúng sanh nhưng kiếp cuối cùng cũng chứng đắc quả vị A la hán và thành Phật.

Tất cả chúng ta đều công nhận rằng, không có điểm khác biệt nào giữa kinh điển Nguyên thủy và kinh điển Phát triển đối với các giáo lý căn bản, thể hiện ở những điểm sau:

1. Cả hai đều nhìn nhận Đức Phật Thích Ca Mâu Ni là bậc Đạo sư.
2. Giáo lý Tứ diệu đế, Bát chánh đạo, Duyên khởi… đều giống nhau.
3. Hai nguồn kinh điển đều từ chối về một đấng tối cao sáng tạo và ngự trị thế giới.
4. Cả hai đều đề cập vô thường, khổ, vô ngã và giới, định, tuệ mà không có điểm dị biệt nào.

Qua phần trình bày trên, chúng ta nên chú ý khi biên soạn giáo án và trong lúc giảng dạy, tránh dùng những danh từ không có lợi cho cho sự đoàn kết, hòa hợp dù là những danh từ đã được sử dụng thành thói quen. Vả lại, ngày nay chư vị giảng sư trong Ban Hoằng pháp phần lớn đang thực hành theo con đường của Bồ tát, chúng ta vừa tự thân tu tập cho chính mình vừa hoằng dương Phật pháp lợi ích chúng sanh. Vì sự phát triển chung của Giáo hội, chúng ta gánh vác nhiều công tác Phật sự, tích cực đi vào đời để đem lại niềm hạnh phúc cho Phật tử vùng sâu, vùng xa, những nơi thiên tai hạn hán và những đạo tràng cần sự tu học. Nhưng chúng ta đừng quên rằng, những vị hành giả ẩn dật tu tập, giữ gìn giới hạnh thanh tịnh, chuyên cần độc cư thiền định cũng đang góp phần tích cực vào sự nghiệp hoằng dương Phật pháp và làm cho đạo Phật tồn tại lâu bền trên thế gian.

Trong lúc triển khai giáo lý dễ hiểu, tích cực, phù hợp với thời đại và hướng dẫn những phương pháp dễ tu tập thích hợp với căn cơ, nghiệp lực và cuộc sống hiện tại của Phật tử, chúng ta cần dựa trên nền tảng của giáo lý Nguyên thủy, không dùng những danh từ gây hiểu lầm chia rẽ, không nên đề cao quá mức những giáo lý và pháp môn được cho là tối thượng thừa mà phải giải thích theo lộ trình của giới – định – tuệ. Chúng ta khuyến khích mọi người phát Bồ đề tâm, thực hành Bồ tát hạnh để làm lợi ích chúng sanh nhưng cũng đồng thời tán thán, ca ngợi công hạnh tu hành của chư vị đi theo con đường Thanh văn.

Điểm cuối cùng, chư vị giảng sư trong những truyền thống hệ phái khác nhau cùng thống nhất trong nhận thức, ý chí và hành động rằng, chúng ta phải giảng dạy cho Phật tử của hệ phái mình về sự đoàn kết, hòa hợp thanh tịnh với Phật tử của các hệ phái khác vì chúng ta đều là đệ tử của Đức Thế Tôn và cùng chung một mục đích là thực hiện Niết bàn. Chúng ta tránh ca ngợi tôn vinh riêng hệ phái của mình mà vô tình hạ thấp hay chê bai truyền thống hệ phái khác, và điều này đã xảy ra trong thực tế.

Kính bạch chư tôn thiền đức,

Chúng ta đã thống nhất trong tổ chức và lãnh đạo, nếu chúng ta đồng thuận về mặt nhận thức giáo lý thì sứ mạng hoằng dương Phật pháp của chúng ta sẽ mang lại nhiều lợi ích, an lạc, đoàn kết, hài hòa, thân thiện và tôn trọng lẫn nhau trong cộng đồng Phật tử đang sống chung dưới ngôi nhà GHPGVN.

» Ảnh đẹp
» Liên kết website
Search
» Từ điển Online
Từ cần tra:
Tra theo từ điển:
» Âm lịch