Tư liệu
Xây dựng và phát triển Đạo tràng Bát quan trai
26/12/2008 17:14 (GMT+7)
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

Thích Chí Nguyện
(Thành viên BHP tỉnh Khánh Hòa)


Ý niệm tu tập trong giáo pháp Phật Đà, đôi khi mang tính đơn thuần như uống thuốc trị bệnh, nhưng không phải căn cơ nào cũng nghĩ như thế, đành rằng bệnh nào cũng là bệnh, thuốc nào cũng là thuốc. Có điều, người bệnh khi dùng thuốc, chỉ khác nhau về cân lượng và tùy theo thể chất của mỗi người.

Phật pháp tuy cùng một pháp môn nhưng Phật pháp có thể được truyền dạy cho nhiều người. Tuy nhiên, để sự thực hành có hiệu quả, cũng cần phân biệt thành phần trình độ nhận thức, và kinh nghiệm của mỗi người mà phương pháp thực hành có sai khác.

Bát quan trai giới cũng ở trong trường hợp như vậy. Tất nhiên, Phật dạy giới này áp dụng chung cho tất cả các Phật tử tại gia, không phân biệt Phật tử thuộc thành phần hay đẳng cấp xã hội nào. Nhưng vì trình độ và nhiều lý do khác nữa, các Phật tử nhận thức ý nghĩa của giới pháp một cách cá biệt, và do đó thọ giới với cứu cánh khác biệt.

Những người khi đến chùa cầu thọ Bát quan trai giới đều có một ý niệm là mình đang tu. Nhưng, thế nào là tu?

Đa số những Phật tử lớn tuổi, khi trách nhiệm gia đình đối với họ không còn là một gánh nặng thì việc đến chùa tu tập được coi như là đi cầu phúc, cầu mong đời sau có được phước báo tốt lành. Cũng có người mong muốn đời sau được nhiều thuận duyên, để tu tập cao hơn.

Đối với các Phật tử như vậy, tu Bát quan trai giới đơn giản là đến nhận giới, rồi thực tập quá đường. Do tính cách trang trọng, nên họ cảm nhận sẽ mang đến nhiều phước báo hơn là tự mình cúng Phật ở nhà. Ngoài việc cúng dường trước khi thọ thực như vậy, Phật tử thọ trì Bát quan trai thông thường không mong cầu học hỏi gì thêm về ý nghĩa của từng giới tướng, cũng như không cần biết công năng của giới có thể dẫn đến phước báo cao hơn là đạo quả Niết bàn.

Chính vì những quan niệm hời hợt như thế, nên phần nhiều các đạo tràng tu Bát quan trai vắng bóng các Phật tử ở lứa tuổi thanh thiếu niên, họa hoằn lắm mới có một vài em nhỏ theo mẹ lên chùa để thay đổi không khí oi bức ngột ngạt của gia đình, rồi sau đó biệt tăm.

Quan niệm thông thường của thế gian cho rằng tu là sửa: bỏ ác làm lành, cải tà quy chánh. Nhưng trong con mắt họ chỉ thấy những người già cả, những người sa cơ lỡ vận, những người vô công rỗi nghề, lên chùa để làm dịu bớt những tháng ngày căng thẳng mất định hướng. Một khi họ tìm ra một lối thoát dù chỉ là lẩn quẩn trong đời sống khổ lụy này, họ vẫn hăng hái lao vào, vì họ không được hướng dẫn để thấy và nhận ra sự an lạc giải thoát đang nằm trong tầm tay họ, và cứ thế họ trôi theo dòng đời chìm nổi, mang theo trong tâm vết hằn tham, sân, si từ quá khứ.

Giới Bát quan trai được Phật thuyết cho các Thánh đệ tử; những người đang sống tại gia, hưởng thụ ngũ dục của thế gian, nhưng tâm tư đã vững trong niềm tin Thánh đạo. Trong ý nghĩa này, tu có nghĩa là phát triển, làm cho bản thân càng lúc càng cao thượng, càng lúc càng nhìn thấy rõ dấu chân dẫn đến Niết bàn. Tu như vậy chính là tu giới, tu định và tu huệ. Tu như vậy mới mong giải thoát khổ đau.

Có người nói: tu cốt ở tại tâm. Điều này nếu không biết phương pháp huấn luyện thân, không để nó buông lung theo bản năng hưởng thụ; mà nói tu tâm thì không thể.

Tu thân, là tu giới.
Tu tâm, là tu định.
Có định, huệ mới phát sinh.

Trong Năm giới của tại gia và Bát quan trai giới, đa phần người đến chùa thọ giới pháp không phân định được giữa năm giới và tám giới có sự khác biệt nhau như thế nào. Do đó, người hướng dẫn phải có trách nhiệm hướng dẫn, không nên giao cho một vài người mà trong khi đó họ không nắm được những điều cần học, cần tu tập trong ngày thọ trì Bát quan trai giới là ngăn chặn thân và khẩu không làm những điều xấu ác.

Có thể nói tu giới là tu sửa thân tâm, trau dồi phẩm chất đạo đức để cuộc sống của mình thanh cao hơn. Tu định là tu tập để phát triển năng lực làm chủ thân tâm, không buông lung tâm ý, để khai mở trí tuệ. Tu huệ, là phát triển và nâng cao nhận thức của mình để thấy rõ sự vật.

Ngoài cái nghĩa thông thường xem giới là những điều ngăn cấm; trong kinh Phật, trì giới là giữ gìn, nâng cao phẩm chất đạo đức, giá trị con người của mình.

Với người bình thường, không làm việc ác gây tai hại cho mình, cho xã hội, giữ cuộc đời mình trọn vẹn để chết không hối hận mình đã làm hại người khác. Đạo đức ở đời chỉ cao bằng mức ấy. Nhưng người Phật tử tu tập Bát quan trai giới là nâng phẩm chất con người cao hơn nữa, vượt lên trên giá trị con người hiện tại.

Điều này qua một thời gian tu tập giới thì có thể thấy. Còn không thì chỉ mang ý nghĩa đơn thuần là làm điều tốt với ước mong quả báo đời sau giàu sang, hạnh phúc hơn, thông minh hơn. Nhưng dù có thông minh, giàu sang bao nhiêu, thì cũng chỉ trong phạm vi con người, không thoát nổi cái vòng lẩn quẩn được mất hơn thua, mà mình không biết, vì sao mình vẫn loanh quanh trong vòng đọa đày vô tận đó.

Phải chỉ cho Phật tử biết giá trị của một ngày thọ trì Bát quan trai giới là nguồn hạnh phúc vô biên của con người, để họ tìm cách thoát khỏi thân phận của mình. Chúng ta hình như quen với cách sống thiếu sáng tạo này, và để cho Phật tử dễ dàng bằng lòng chấp nhận thân phận mình bằng sự mong chờ cái phước báo nhỏ nhoi đó.

Người hướng dẫn tu tập, không nên ỷ lại cái khôn ngoan bắt chước của mình, bắt chước thì ai cũng bắt chước được, nhưng cái thành quả giá trị lớn lao ở chỗ bắt chước là biết ứng dụng đúng thời, đúng pháp, đúng cơ, đúng xứ. Như người mới tập đi xe, bị té là điều tất nhiên; điều khôn khéo là biết lắng nghe những kinh nghiệm của người đi trước, và phải nỗ lực tự bản thân. Gần đây, những đạo tràng tu Bát quan trai có cách sáng tạo lồng ghép hai trong một, nghĩa là vừa tu Bát quan trai vừa là đạo tràng niệm Phật. Xem ra đây là một điều mới lạ, nhưng cũng không thoát khỏi cái tệ rập khuôn.

Vì lẽ, niệm Phật không có gì sai cả, điều đáng nói là làm thế nào để tạo dựng nền móng căn bản cho Phật tử hiểu rằng: muốn tu tập thăng tiến phải y cứ trên Giới. Như đã trình bày ở trên, giới không chỉ mang ý nghĩa tiêu cực là những điều răn cấm, mà là phẩm chất đạo đức trong mỗi con người cần phải hộ trì và phát triển. Bước căn bản đầu tiên là Ngũ giới, cao một bực nữa là Bát quan trai giới.

Có những trường hợp cá biệt, người chưa thọ Ngũ giới mà muốn tu tập Bát quan trai giới thì có được không? Nếu được thì họ phải tu tập giới như thế nào cho có hiệu quả thiết thực trong thời gian hai mươi bốn tiếng đồng hồ. Nếu không được thì sao? Chính vì thế, kính đề nghị Ban Hoằng pháp Trung ương nên có sự chỉ đạo cụ thể về đường hướng phát triển các đạo tràng Bát quan trai trong cả nước. Giáo hội địa phương cần khuyến khích, hỗ trợ, hướng dẫn khi Phật tử ở đó có nhu cầu mở đạo tràng tu Bát quan trai, các vị trụ trì phải tìm cách điều hành làm thế nào cho đạo tràng ở nơi chùa mình không trở thành một nhóm người mang tính cục bộ, địa phương.

Trong ý nghĩa thọ trì Bát quan trai giới, đừng để cho người tu tập luôn luôn bị căng thẳng, lúc nào cũng phải lim dim, có những đạo tràng buông xuôi việc thuyết giảng mà đặt nặng đến nhiều tán tụng bái sám, làm cho người tu tập có cảm giác như đang theo một khóa huấn luyện gian khó trước khi được cấp bằng chứng nhận.

Lại có những đạo tràng mà cách thức tổ chức quá vội vàng nếu không nói là cẩu thả, muốn cho đạo tràng mình được đông đảo quần chúng tham gia, mời một vị Tăng trẻ về thuyết giảng, vị này được nhiều Phật tử mến mộ nên dễ dàng thành công ngay từ khi bước lên pháp tòa, nhưng dần dần cái cung cách thuyết giảng thiếu hẳn đức từ tốn trong lời nói nên đã không thu hút Phật tử về lâu về dài.
Bát quan trai giới như là tám cửa ải chặn đứng các pháp bất thiện. Nghĩa là, sống gần đời sống xuất gia, tập quen với đời sống thanh tịnh để thấy được giá trị của một bậc Thánh xuất thế gian. Như vậy, sẽ có một niềm tin rằng thế gian này chắc chắn có bậc Thánh. Ngoài ra, giới Bát quan trai còn là cơ sở phát triển phần thanh tịnh, những đức tính tốt trong mình.

Nói đến phát triển phẩm hạnh lành nơi mỗi người, thì chúng ta cũng nhận ra, có người đi chùa với tâm trạng cầu sự che chở nơi Đấng Từ Bi, có người đến để tìm lại chút an bình mà chỉ nơi cửa Phật mới có, nhưng cũng có người tìm hiểu xem đời sống của các vị xuất gia có gì khác. Đành rằng họ chỉ nhận được những gì tương xứng với sự cảm nhận của họ, còn an lạc phải được thể hiện qua quá trình tu tập. Tuy vậy, từ chỗ phát khởi niềm tin này, có thể lần lần họ nhận ra: sát sinh là ác, trộm cắp là ác, mà chưa cần đến sự răn dè hay cấm đoán.

Bởi chính nơi người hoằng pháp cũng phải tin tưởng rằng: trong đời chắc chắn có người trí, họ biết rõ đâu là con đường thiện để đi, con đường xấu, phải tránh; đối với người không đủ năng lực để phân biệt đâu là cao thượng và thấp kém, thì những sự cấm cản là cần.

Làm thế nào để phát triển hạnh lành nơi mỗi người trong đạo tràng Bát quan trai? Đó là ý nghĩa thọ giới và trì giới.

Chúng ta không thể trông chờ rằng: Tất cả những người đến chùa đều là người hiền thiện, nếu không nói là có một số rất ít Phật tử thuần thành có đạo tâm.

Người không đến chùa theo Phật cũng có thể sống cuộc đời đạo đức gương mẫu. Nhưng đó là đạo đức bẩm sinh. Người ấy không có khả năng chuyển hóa khổ đau, do đó thiện tâm không có cơ hội tăng trưởng. Nói cách khác, bản chất người ấy hiền lành, như hạt giống tốt, mà không được mang ra gieo trồng thì không thể ban tặng cho đời hoa thơm trái ngọt.

Điều kiện tốt cho những người tu tập Bát quan trai giới trong đời sống xã hội hiện nay là phải biết “tùy duyên” nhưng “bất biến”. Thời Đức Thế Tôn, các cư sĩ đại phú hộ như ông Cấp Cô Độc, hay bà Tỳ Xá Khư, họ vẫn thường xuyên thọ trì trai giới. Vào ngày thọ giới, họ đến chùa xin giới sau đó trở về nhà, quản lý công việc làm ăn buôn bán như thường. Nhưng trong thân tâm họ giới thể tự nhiên luân lưu trọn một ngày đêm. Điều này rất khó cho những ai không đủ nghị lực. Nhưng làm sao chúng ta biết họ không có nghị lực, nếu không cho họ có cơ hội làm quen với những điều mà trước đây họ từng khao khát trông chờ.

Tóm lại, đường hướng tu tập Bát quan trai giới cho Phật tử tại gia trong hoàn cảnh hiện nay, chúng ta cần lưu tâm đến những điều sau:

1. Người hoằng pháp đã mở rộng cánh cửa Bi Trí cho hàng Phật tử chưa?
2. Tìm những phương pháp nhuần nhuyễn, phù hợp để chuyển tải được tính thiết thực an lạc của giáo pháp Đức Phật trong một ngày tu Bát quan trai.
3. Người hướng dẫn có đủ niềm tin rằng mình không nói những gì trái với lời Phật dạy.

Phật pháp không lìa khỏi thế gian để tìm cầu giải thoát. Phật pháp là sự sống. Hiểu Phật pháp là hiểu mình sống có ý nghĩa gì. Sống để vươn tới mục đích gì? Tại sao mình phải sống, ngày hôm nay chúng ta đã làm gì cho Đạo pháp và Dân tộc.

Xin chân thành cảm ơn!

» Ảnh đẹp
» Liên kết website
Search
» Từ điển Online
Từ cần tra:
Tra theo từ điển:
» Âm lịch