Tư liệu
Đạo Phật bắt đầu bằng một cảm thọ và kết thúc cũng bằng một cảm thọ
Vai trò của các cảm thọ trong tiến trình giải thoát của Đạo Phật
22/12/2008 17:04 (GMT+7)
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

Đề tài "Đạo Phật bắt đầu bằng một cảm thọ và kết thúc cũng bằng một cảm thọ. Và vai trò của các cảm thọ trong tiến trình giải thoát của Đạo Phật" là một đề tài vừa nói lên vị trí trọng yếu của cảm thọ, vừa chỉ đích danh những tác động gì thiết thân với con người nhất và cũng nêu rõ con đường giải thoát của Đạo Phật. Con đường này bắt đầu từ một cảm thọ tức là khổ thọ, và kết thúc cũng bằng một cảm thọ, tức là lạc thọ, hay nói cho rõ hơn, chính là lạc Niết bàn. Trước hết, chúng ta tự hỏi vì sao Đức Phật lại chú trọng đặc biệt đến cảm thọ như vậy? Vị trí của cảm thọ được thấy quá rõ ràng trong các giáo lý chính yếu. Trong năm uẩn tác thành con người, thọ uẩn chiếm vị trí thứ hai, sau sắc uẩn và trước tưởng uẩn. Trong thuyết 12 nhân duyên thọ đứng vị trí thứ bảy, sau xúc và trước ái. Trong thuyết Bốn Sự Thật, sự thật nào cũng liên hệ đến khổ thọ: Sự thật về khổ, sự thật về khổ tập, sự thật về khổ diệt và sự thật về con đường đưa đến khổ diệt.

Thiền là gì nếu không phải là cảm thọ, một trạng thái hỷ lạc do ly dục sanh, chỉ cho sơ thiền, một trạng thái hỷ lạc do định sanh chỉ cho thiền thứ hai, một trạng thái xả niệm lạc trú, chỉ cho thiền thứ ba, và một trạng thái xả niệm thanh tịnh không khổ không lạc, chỉ cho thiền thứ tư. Các cảm thọ sở dĩ chiếm một vị trí trọng yếu như vậy vì đây là những cảm giác có thể được xem là phổ biến, phổ thông và đồng đẳng nhất của con người. Nghèo giàu, lớn nhỏ, già trẻ, nam nữ v.v… đều bình đẳng trước đau khổ và cũng bình đẳng trước lạc thọ, không ai là không biết khổ, không ai là không biết lạc, và chính lạc khổ này ngự trị chi phối con người, từ khi mới chào đời cho đến khi mệnh chung. Và chính những cảm thọ này, như các đoạn sau sẽ nêu rõ là những động lực đưa người hành giả từ đau khổ đến an vui, từ triền phược đến giải thoát.

Chúng ta đều biết rõ, khi Đức Phật còn là Thái tử, Ngài được sống trong sự xa hoa lộng lẫy của vương cung, thọ hưởng đầy đủ mọi lạc thú ở đời do Vua cha ban bố cho Ngài, và chính Đức Phật đã diễn tả cho chúng ta rõ nếp sống xa hoa ấy, trong Tăng chi I, trang 161 như sau:

"Này các Tỷ kheo, Ta được nuôi dưỡng tế nhị, tối thắng nuôi dưỡng tế nhị, cứu cánh nuôi dưỡng tế nhị. Này các Tỷ kheo, trong nhà Phụ vương Ta, các hồ được xây lên, trong một hồ có hoa sen xanh, trong một hồ có hoa sen đỏ, trong một hồ có hoa sen trắng, tất cả phục vụ cho Ta. Không một hương chiên đàn nào Ta dùng này các Tỷ kheo, là không từ Kàsi đến. Bằng vải Kàsi là khăn của Ta này các Tỷ kheo; bằng vải Kàsi là áo cánh; bằng vải Kàsi là nội y, bằng vải Kàsi là thượng y. Đêm và ngày, một lọng trắng được che cho Ta, để tránh xúc chạm lạnh, nóng, bụi, cỏ hay sương. Này các Tỳ kheo, ba lâu đài được xây dựng cho Ta, một cái cho mùa Đông, một cái cho mùa Hạ, một cái cho mùa Mưa. Này các Tỷ kheo, tại lâu đài mùa Mưa, trong bốn tháng Mưa, được những nữ nhạc công doanh vây, Ta không xuống dưới lầu…"

Thái tử sống trong sự xa hoa dục lạc của cung điện, đâu có biết gì đến sự khổ đau. Nhưng khi ra khỏi cửa thành chứng kiến lần đầu tiên cảnh tượng một người già, một người bệnh, một người chết. Ngài mới cảm thấy một cách rất thống thiết là chúng sanh đều bị khổ vì bệnh, khổ vì già, khổ vì chết đang đè nặng trên kiếp sống của con người. Và chính Ngài rồi cũng bị già, bị bệnh, bị chết như mọi người khác. Như vậy chính khổ thọ, khổ vì già, khổ vì bệnh, khổ vì chết đã tác động đến chí hướng xuất gia của Thái tử.

Chính Đức Phật đã xác nhận rằng (Tăng chi III, quyển B trang 137) sanh, già, chết là động lực chính khiến Đức Phật có mặt ở đời, thuyết pháp độ sanh:

"Này các Tỷ kheo, nếu ba pháp không có mặt ở đời, thời Như Lai, bậc A La Hán, Chánh Đẳng Giác không xuất hiện ở đời; Pháp và Luật được Như Lai thuyết giảng không được nói lên ở đời". Như vậy sanh là khổ, già là khổ, chết là khổ, những khổ thọ này tác động sự có mặt của Đức Phật và sự thuyết pháp độ sanh của Ngài trong thế giới của chúng ta. Ý thức được những nỗi đau đè nặng trên kiếp sống của con người, và sự phản ứng lầm lạc của con người trước sự đau khổ vì già, vì bệnh, vì chết, Đức Phật nói lên sự suy nghĩ của mình: "Với Ta, này các Tỷ kheo, được đầy đủ với sự giàu sang như vậy, được cứu cánh nuôi dưỡng tế nhị như vậy, Ta suy nghĩ: "Kẻ vô văn phàm phu tự mình bị già, không vượt qua khỏi già, khi thấy người khác bị già, lại buồn phiền, hổ thẹn, ghê tởm quên rằng mình cũng như vậy… Kẻ vô văn phàm phu, tự mình bị bệnh, không vượt khỏi bệnh, thấy người khác bị bệnh, lại bực phiền ghê tởm quên rằng mình cũng như vậy… Kẻ vô văn phàm phu tự mình bị chết, không vượt khỏi chết, thấy người khác bị chết, lại bực phiền, hổ thẹn, ghê tởm quên rằng mình cũng như vậy… (Tăng chi I, trang 162-163), Thái tử có một thái độ khác hẳn. Ngài cũng bị già, cũng bị bệnh, cũng bị chết, nhưng Ngài không có bực phiền, hổ thẹn, ghê tởm đối với già, đối với bệnh, đối với chết. Ngài không có ghê tởm đối với chúng, Ngài nhìn chúng với cặp mắt thật khách quan. Và với cái nhìn ấy, Ngài đoạn trừ được ba sự kiêu mạn, kiêu mạn của tuổi trẻ, kiê mạn của không bệnh, kiêu mạn của sự sống. Ngài nói: "Ta cũng bị già, không vượt qua khỏi già, sau khi thấy người già… Ta cũng bị bệnh, không vượt qua khỏi bệnh, sau khi thấy người khác bệnh… Ta cũng bị chết, sau khi thấy người khác chết, Ta có thể bực phiền, hổ thẹn, ghê tởm sao?

Như vậy thật không xứng đáng cho Ta. Sau khi quan sát như vậy, này các Tỷ kheo, sự kiêu mạn của tuổi trẻ trong tuổi trẻ… sự kiêu mạn của không bệnh trong không bệnh… sự kiêu mạn của sự sống trong sự sống được đoạn trừ hoàn toàn"

Khi đã nhận thấy những khổ trạng của kiếp người, khi được thấy hình ảnh một vị sa môn như là tượng trưng cho hình ảnh giải thoát khỏi những khổ đau. Thái tử ý thức được rằng sống trong sự xa hoa của hoàng cung thời không sao có thể tìm được con đường giải thoát khỏi khổ đau cho nhân loại, nên Ngài mới ra đi tầm cầu phương pháp độ sanh. Sự cầu đạo của Ngài phát xuất từ nơi chí nguyện tìm được con đường giúp loài người thoát ly khỏi sự khổ đau vì sanh, vì già, vì bệnh, vì chết, tức là cũng được bắt đầu bằng một khổ thọ, như đã diễn tả trong Kinh Thánh Cầu, Trung Bộ 1, trang 163: "Này các Tỷ kheo, rồi Ta suy nghĩ như sau: "Tại sao Ta, tự mình bị sanh lại tầm cầu cái bị sanh, tự mình bị già… tự mình bị ô nhiễm lại tầm cầu cái bị ô nhiễm. Vậy Ta tự mình bị sanh, sau khi biết rõ sự nguy hại của các bị sanh, hãy tầm cầu cái không sanh, vô thượng an ổn khỏi các khổ ách, Niết bàn. Tự mình bị bệnh… tự mình bị chết… tự mình bị sầu… tự mình bị ô nhiễm, sau khi biết rõ sự nguy hại của cái bị ô nhiễm, hãy tầm cầu cái không ô nhiễm, vô thượng an ổn khỏi các khổ ách, Niết bàn. Rồi này các Tỷ kheo, sau một thời gian, khi Ta còn trẻ, niên thiếu, tóc đen nhánh, đầy đủ khí huyết của tuổi thanh xuân, trong thời vàng son của cuộc đời, mặc dầu cha mẹ không bằng lòng, nước mắt đầy mặt, than khóc. Ta cạo bỏ râu tóc, đắp áo cà sa, xuất gia, từ bỏ gia đình sống không gia đình. Ta xuất gia như vậy, kẻ đi tìm cái gì chí thiện tìm cầu đạo lộ vô thượng tối thắng, hướng đến tịch tịnh". Như vậy Ngài xuất gia với ý thức tìm cho được con đường đưa đến sự đoạn trừ khổ đau vì sanh, vì già, vì bệnh và vì chết; nói một cách rõ rệt hơn, Ngài xuất gia cũng vì một cảm thọ, tức là khổ thọ.

Khi Thế Tôn xuất gia để đi tìm con đường đưa đến diệt trừ đau khổ, thời khi Ngài chứng ngộ, được giải thoát được giải thoát tức là chứng ngộ sự đoạn diệt sanh là khổ, già là khổ, bệnh là khổ, chết là khổ như đã được diễn tả trong Kinh Trung I, trang 262 B: "Lành thay, này các Tỷ kheo, các ngươi nói như vậy và Ta cũng nói như vậy. Cái này không có nên cái đây không có. Cái này diệt nên cái đây diệt. Như vô minh diệt nên hành diệt, hành diệt nên danh sắc diệt, danh sắc diệt nên sáu nhập diệt, sáu nhập diệt nên xúc diệt, xúc diệt nên thọ diệt, thọ diệt nên ái diệt, ái diệt nên thủ diệt, thủ diệt nên hữu diệt, hữu diệt nên sanh diệt, sanh diệt nên già chết, sầu bi khổ ưu não diệt. Như vậy là sự đoạn diệt của toàn bộ khổ uẩn này. (Trang 264A)

Trong buổi thuyết pháp đầu tiên sau khi Ngài thành đạo tại vườn Lộc Uyển cho 5 vị Tỷ kheo, Ngài đã thuyết giảng Bốn Sự Thật về khổ và cũng xác chứng cho chúng ta thấy rõ là Ngài bắt đầu chuyển bánh xe Pháp cũng bằng bài thuyết giảng về Sự Thật về khổ, sự thật về khổ tập tức là nguyên nhân của đau khổ. Sự thật về khổ diệt, và sự thật về con đường đưa đến khổ diệt. Kinh Như Lai thuyết, Tương V, trang 424 ghi rõ.

"Đây là Thánh Đế về khổ", này các Tỷ kheo: "Sanh là khổ, già là khổ, bệnh là khổ, chết là khổ, sầu bi khổ não là khổ, oán gặp nhau là khổ, ái biệt ly là khổ, cầu không được là khổ. Tóm lại năm thủ uẩn là khổ".

"Đây là Thánh Đế về khổ tập", này các Tỷ kheo, chính là ái này, đưa đến tái sanh, câu hữu với hỷ và tham, tìm cầu hỷ lạc chỗ này chỗ kia. Tức là dục ái, hữu ái, phi hữu ái".

"Đây là Thánh Đế về khổ diệt", này các Tỷ kheo, chính là sự đoạn diệt , ly tham không có dư tàn khát ái ấy, sự quăng bỏ, từ bỏ giải thoát, không có chấp trược".

"Đây là Thánh Đế về con đường đưa đến khổ diệt", này các Tỷ kheo, chính là con đường Thánh đạo tám ngành. Tức là chánh kiến tri, chánh tư duy, chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng, chánh tinh tấn, chánh niệm và chánh định".

Đến đây chúng ta có thể đúc kết được rằng chính hình ảnh già là khổ, bệnh là khổ, chết là khổ là những động lực mạnh mẽ thúc đẩy Thái tử xuất gia, tầm đạo, tu đạo, thành chánh quả và thuyết pháp độ sanh, và tiến trình này xác chứng rằng Đạo Phật bắt đầu bằng một cảm thọ tức là khổ thọ.

Nhưng chúng ta không quên một lời dạy rất đặc biệt của Đức Phật, một lời dạy thường được Đức Phật nhắc nhở: "Này các Tỷ kheo xưa cũng như nay. Ta chỉ nói lên hai vấn đề "Sự khổ và Sự đoạn diệt đau khổ" (Tăng III, A, 152). Khi Ngài nói lên sự khổ nghĩa là Đạo Phật bắt đầu bằng một cảm thọ tức là khổ thọ. Khi Ngài nói lên sự đoạn diệt đau khổ, khổ diệt, nghĩa là Đạo Phật kết thúc bằng một cảm thọ tức là lạc thọ. Và lạc thọ đây là lạc thọ Niết bàn hay an ồn lạc, viễn ly lạc, an tịnh lạc, giải thoát lạc, chánh giác lạc.

Sau khi tu khổ hạnh và ý thức được khổ hạnh không đưa đến chánh quả, Thái tử nhớ đến kinh nghiệm hành thiền của mình khi đang ngồi dưới cây Diêm Phù Đề: "Này Aggivessana, Ta suy nghĩ như sau: "Ta biết, trong khi Phụ thân Ta, thuộc dòng họ Thích Ca đang cày và Ta đang ngồi dưới bóng một cây Diêm Phù Đề, Ta ly dục, ly bất thiện pháp chứng và chú thiền thứ nhất, một trạng thái hỷ lạc do ly dục sanh, có tầm có tứ. Khi an trú như vậy, Ta suy nghĩ: "Đạo lộ này có thể đưa đến Giác ngộ chăng". Và Ngài Aggivessana, tiếp theo ý niệm ấy, ý thức này khởi lên nơi Ta: "Đây là Đạo lộ đưa đến Giác ngộ". Này Aggivessana, rồi Ta suy nghĩ: "Ta có sợ chăng lạc thọ này, một lạc thọ ly dục, ly bất thiện pháp". Này Aggivessana, rồi Ta suy nghĩ: "Ta không sợ lạc thọ này, một lạc thọ, ly dục ly bất thiện pháp" (Trung I, 246A).

"Và này Aggivessana, sau khi ăn thô thực và được sức lực trở lại, Ta ly dục, ly bất thiện pháp, chứng và trú thiền thứ nhất, một trạng thái hỷ lạc do ly dục sanh, có tầm có tứ. Này Aggivessana, như vậy lạc thọ khởi lên nơi Ta được tồn tại nhưng không chi phối tâm Ta. Diệt tầm và tứ, chứng và trú thiền thứ hai, một trạng thái hỷ lạc do định sanh, không tầm, không tứ, nội tĩnh nhất tâm. Này Aggivessana, như vậy lạc thọ khởi lên nơi Ta, được tồn tại nhưng không chi phối tâm Ta. Ly hỷ trú xả, chánh niệm tĩnh giác, thân cảm sự lạc thọ mà các bậc Thánh gọi là xả niệm lạc trú, chứng và trú thiền thứ ba. Này Aggivessana, như vậy lạc thọ khởi lên nơi Ta, được tồn tại nhưng không chi phối tâm Ta. Xả lạc xả khổ, diệt hỷ ưu đã cảm thọ trước, chứng và trú thiền thứ tư, không khổ, không lạc, xả niệm thanh tịnh. Này Aggivessana, như vậy lạc thọ khởi lên nơi Ta được tồn tại nhưng không chi phối tâm Ta".

Với tâm định tĩnh, thuần tịnh, trong sáng, không cấu nhiễm, không phiền não, nhu nhuyễn, để sử dụng, vững chắc, bình tĩnh như vậy, Ta dẫn tâm hướng tâm đến túc mạng minh… Ta dẫn tâm hướng tâm đến thiên nhãn minh… Ta dẫn tâm hướng tâm đến lậu tận trí, Ta biết như thật "đây là khổ"; biết như thật "đây là nguyên nhân của khổ"; biết như thật "đây là khổ diệt"; biết như thật "đây là con đường đưa đến khổ diệt" ; biết như thật "đây là lậu hoặc" ; biết như thật "đây là nguyên nhân của các phiền não" ; biết như thật "đây là các lậu hoặc diệt trừ" ; biết như thật "đây là con đường đưa đến các lậu hoặc diệt trừ", nhờ hiểu biết như vậy, nhận thức như vậy, tâm của Ta thoát khỏi dục lậu, thoát khỏi hữu lậu, thoát khỏi vô minh lậu. Đối với tự thân đã giải thoát như vậy khởi lên sự hiểu biết: "Ta đã giải thoát". Ta đã biết: "Sanh đã tận, phạm hạnh đã thành, việc cần làm đã làm, sau đời hiện tại không có đời sống nào khác nữa". Này Aggivessana, đó là đệ tam Ta đã chứng được trong canh ba, vô minh minh diệt sanh, ám diệt ánh sáng sanh, do Ta sống không phóng dật nhất tâm, tinh cần. Như vậy, này Aggivessana, lạc thọ sanh nơi ta được tồn tại nhưng không chi phối tâm Ta".

Đoạn kinh này rất quan trọng, trước hết xét chứng Đạo Phật được kết thúc bằng một cảm thọ, tức là lạc thọ, và lạc thọ này không chi phối tâm của vị hành giả. Đoạn kinh này diển tả một khúc quanh quan trọng trong tiến trình tu dưỡng của Đức Phật, tức là Ngài đã từ bỏ khổ hạnh tức là kinh nghiệm khổ thọ, bước vào thiền quán tức là kinh nghiệm lạc thọ, dấn thân vào con đường khổ hạnh, tức là cảm giác khổ thọ, và không đưa đến giác ngộ giải thoát. Chọn con đường thiền quán tức là cảm giác lạc thọ và đưa đấng giác ngộ giải thoát Niết bàn. Trí tuệ cuối cùng đã chiến thắng vô minh. Đức Phật đã chọn con đường thiền quán không chọn con đường dục lạc, không chọn con đường khổ hạnh, và nhờ vậy trong canh đầu Ngài chứng được túc mạng minh, trong canh giữa, Ngài chứng được thiên nhãn minh và trong canh cuối, Ngài chứng được lậu tận minh, thành bậc A La Hán Chánh Đẳng Chánh Giác.

Có một sự bất ngờ lý thú ít ai khám phá ra, là vị hành thiền từ khi chứng được sơ thiền lên cho đến thiền thứ tư, vị hành giả luôn luôn cảm giác lạc thọ, cho đến thiền thứ tư, được xem là bất động thiền, xả lạc xả khổ, diệt hỷ ưu đã cảm thọ trước, lạc thọ, vẫn đi theo vị hành trì thiền quán, không rời một bước. Như vậy người Phật tử có hành thiền luôn luôn được phấn khởi, hân hoan, hỷ lạc các lạc thọ này càng ngày càng vi tế, thấm nhuần tẩm ướt, bao phủ người hành thiền , khiến Đức Phật dùng đến 4 ví dụ để diễn tả sự thấm nhuần này. Hỷ lạc của sơ thiền thấm nhuần vị hành thiền như nước thấm nhuần tẩm ướt cục bột tắm được nhồi với nước. Hỷ lạc của thiền thứ hai được ví như một hồ nước không có lỗ nước chảy ra, nước tự trong đáy hồ phun lên và trời lại mưa lớn và nước hồ ấy thầm nhuần tẩm ướt toàn bộ bờ hồ ấy, không có chỗ nào không được nước ấy tẩm ướt thấm nhuần. Xả niệm lạc trú của thiền thứ ba được ví như hoa sen xanh, hoa sen trắng…vv… sinh ra trong nước nổi lên khỏi mặt nước và không có một chỗ nào trên bông sen không có nước tẩm ướt, thấm nhuần. Thiền thứ tư được ví như một người trùm đầu với tấm vải rộng, không có chỗ nào là không được tấm vải ấy che thấu. Như vậy, người Phật tử nói chung, người hành thiền nói riêng luôn luôn được hỷ lạc thấm nhuần, và người có hỷ lạc là người có sức khỏe , là con người luôn luôn phấn khởi, lạc quan, hân hoan. Như thế đấy mà không hiểu vì sao người ta lại hiểu Đạo Phật là bi quan, là chán đời, là yếm thế, là tiêu cực; và lại có nhiều Phật tử cố ý tạo cho mình một dáng điệu bi quan, một cái nhìn yếm thế để tự giới thiệu mình là những người hiểu đạo hiểu đời.

Cho đến đây, quý vị đã thấy rõ, Đạo Phật thật sự bắt đầu bằng một cảm thọ, tức là khổ thọ, và cũng được kết thúc bằng một cảm thọ, tức lạc thọ, và như vậy Đạo Phật đã đi từ khổ thọ đi đến lạc thọ và các cảm thọ đóng một vai trò quan trọng trong tiến trình tu chứng của Đạo Phật.

Trong một cuộc đàm thoại giữa Visàkha và Tỷ kheo Ni Dhammanandà về cảm thọ, Tỷ kheo Ni đã khéo giải thích
(còn nữa)

(Vi tính: Quỳnh Như)

» Ảnh đẹp
» Liên kết website
Search
» Từ điển Online
Từ cần tra:
Tra theo từ điển:
» Âm lịch