Tin trong nước
10 dấu ấn của Phật giáo TP.HCM trong nhiệm kỳ 2012-2017
07/11/2017 15:59 (GMT+7)
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

5 năm của nhiệm kỳ VIII (2012-2017), tại TP.HCM đã diễn ra nhiều sự kiện, hoạt động Phật giáo với quy mô, có sức ảnh hưởng lớn và để lại những dấu ấn đặc biệt. Trong khuôn khổ của chuyên đề đặc biệt chào mừng Đại hội đại biểu Phật giáo TP lần thứ IX, Báo Giác Ngộ đã bình chọn 10 dấu ấn trong hàng trăm sự kiện Phật giáo, với ý nghĩa đặt nền móng, làm điểm khởi đầu cho một hướng phát triển lâu dài, bền vững của Phật giáo TP.HCM.


1. Hoàn thành kiến thiết Việt Nam Quốc Tự - trung tâm văn hóa, tâm linh và hành chánh của Phật giáo TP.HCM

Sau tròn 3 năm xây dựng kể từ ngày đặt viên đá khởi công, công trình Việt Nam Quốc Tự - trụ sở mới của GHPGVN TP.HCM đã được hoàn thiện và khánh thành giai đoạn 1, đưa vào sử dụng làm trung tâm văn hóa, tâm linh và hành chánh của Phật giáo TP. Với tổng diện tích mặt bằng hơn 11.000m2

1 dauan  (1).jpg
Ngôi chánh điện Việt Nam Quốc Tự được kiến thiết mới hoàn toàn - Ảnh: Võ Văn Tường

Tầng hầm với diện tích 7.850m2, dùng làm bãi đỗ xe. Tầng 1: hội trường với diện tích 730m2 có sức chứa 1.000 chỗ ngồi và hành lang mở rộng chỗ ngồi có thể lên tới 3.000 người. Tầng 2 là khu văn phòng với diện tích 885m2. Tầng 3 gồm 15 phòng Tăng với tổng diện tích 580m2. Tầng 4 gồm chánh điện và hậu Tổ với tổng diện tích 2.167m2, trong đó chánh điện có diện tích 1.081m2 với sức chứa khoảng 1.500 người. 

Đặc biệt, bảo tháp tại Việt Nam Quốc Tự 13 tầng, cao 63m với ý nghĩa biểu tượng cho tinh thần phụng sự, thống nhất của 13 tổ chức, hội đoàn, tông phái tham gia thành lập GHPGVNTN và cuộc vận động Phật giáo tại miền Nam năm 1963, đang trong giai đoạn xây dựng. 

Công trình Việt Nam Quốc Tự với tổng diện tích sàn sử dụng 23.354m2, kinh phí xây dựng khoảng 200 tỷ đồng. Nơi đây, dù trong thời gian kiến thiết, nhưng cũng đã diễn ra nhiều sự kiện quan trọng của Phật giáo như Đại lễ Phật đản, Đại lễ Kỷ niệm 35 năm thành lập GHPGVN, An cư cấm túc tập trung của lãnh đạo Phật giáo TP, các khóa bồi dưỡng trụ trì, sinh hoạt Giáo hội, hội họp…

2. Tổ chức Đại giới đàn, lần đầu tiên truyền giới biệt truyền hệ phái

Theo đó, Đại giới đàn Trí Đức PL.2559 do BTS GHPGVN TP tổ chức từ ngày mùng 1 đến 6-12-2015 (nhằm ngày 20 đến 25-10-Ất Mùi). Ban Kiến đàn cung thỉnh Đại lão HT.Thích Tắc An đương vi Đường đầu Hòa thượng. 

Đại giới đàn truyền giới cho 1.009 giới tử Tăng Ni và 500 Phật tử thọ Bồ-tát giới tại 8 giới trường: Huê Nghiêm (Q.2, dành cho đàn Sa-di) Huệ Nghiêm (Q.Bình Tân, dành cho đàn Tỳ-kheo), Từ Nghiêm (Q.10, dành cho đàn Sa-di-ni), Kim Sơn (Q.Phú Nhuận, dành cho đàn Thức-xoa-ma-na), Huê Lâm (Q.11, dành cho đàn Sa-di-ni), Bửu Quang (Q.Thủ Đức, dành cho hệ phái Nam tông), tịnh xá Trung Tâm (Q.Bình Thạnh, dành cho hệ phái Khất sĩ Tăng), tịnh xá Ngọc Phương (Q.Gò Vấp, dành cho hệ phái Khất sĩ Ni). Lễ khai mạc và bế mạc được tổ chức tại Đại giới trường Huê Nghiêm (Q.2). 

1 dauan  (4).jpg
Lễ khai mạc Đại giới đàn Trí Đức tại chùa Huê Nghiêm, Q.2 - Ảnh: Bảo Toàn

Trước đó, Đại giới đàn Quảng Đức PL.2557 cũng do BTS GHPGVN TP tổ chức từ ngày 5 đến 15-9-2013. Lễ khai mạc trang nghiêm diễn ra tại chùa Huê Nghiêm (Q.2). Đại lão HT.Thích Tắc An được cung thỉnh đương vi Đường đầu Hòa thượng. Đại giới đàn có 1.524 giới tử Tăng Ni, truyền giới tại 7 giới trường: Huê Nghiêm (Q.2), Huệ Nghiêm (Q.Bình Tân), Từ Nghiêm (Q.10), Kim Sơn (Q.Phú Nhuận), Bửu Quang (Q.Thủ Đức), tịnh xá Trung Tâm (Q.Bình Thạnh), tịnh xá Ngọc Phương (Q.Gò Vấp).

3. Khóa an cư cấm túc 10 ngày của lãnh đạo Phật giáo TP.HCM lần đầu tiên được tổ chức tại Việt Nam Quốc Tự

“Mấy mươi năm mới có một khóa tu đầy ấn tượng”, lời của một vị giáo phẩm cao niên thuộc hàng lãnh đạo BTS Phật giáo TP cũng là cảm nhận chung của hầu hết chư tôn đức hành giả trực tiếp tham dự khóa tu đặc biệt này. Theo đó, khóa tu dành cho gần 100 hành giả Tăng là lãnh đạo BTS Phật giáo TP, 24 BTS Phật giáo quận huyện, các ban ngành chuyên môn đã diễn ra với các thời khóa theo quy củ thiền gia nghiêm mật liên tục từ 11-8 đến 20-8-2017 (nhằm ngày 20-6 đến 29-6 nhuần - Đinh Dậu). 

1 dauan  (6).jpg
Thời quá đường trong khóa an cư cấm túc 10 ngày 
của chư tôn đức lãnh đạo GHPGVN TP.HCM - Ảnh: Bảo Toàn

Tại đây, ngoài các thời khóa hành trì miên mật, chư tôn đức đã cùng thảo luận nhiều vấn đề quan trọng và thiết thực liên quan tới việc vận dụng giới luật trong bối cảnh đời sống xã hội hiện tại, các vấn đề về quy củ thiền môn - điều gì phải giữ gìn và điều gì có thể tiếp biến, phương hướng hoạt động của Phật giáo TP trong thời gian tới cũng như nhân sự lãnh đạo Giáo hội… “Khóa tu là hình ảnh thanh tịnh của ba thế hệ Tăng tiếp nối nhau, cùng chấp hành các thời khóa hành trì nghiêm mật, theo quy củ thiền môn, pháp đàm, cùng tu, cùng học và thảo luận hướng Phật sự mới. Đó là sức sống mạnh mẽ của Tăng, là linh hồn của Giáo hội”, HT.Thích Trí Quảng, Phó Pháp chủ HĐCM, Trưởng BTS GHPGVN TP.HCM nhận định. 

Kết thúc khóa tu, chư tôn đức đồng thuận nên tiếp tục duy trì sinh hoạt đặc thù này, vì những lợi ích tâm linh rất lớn.

4. Khánh thành giai đoạn 1 cơ sở 2 Học viện Phật giáo VN tại TP.HCM - xã Lê Minh Xuân, huyện Bình Chánh

Sau hơn 3 năm xây dựng kể từ ngày đặt đá, ngày 8-5-2016, Học viện Phật giáo VN tại TP.HCM - cơ sở 2 tọa lạc ở xã Lê Minh Xuân, huyện Bình Chánh đã khánh thành giai đoạn 1 và đưa vào sử dụng, phục vụ cho việc đào tạo Tăng Ni cấp cử nhân Phật học. Các công trình đã đưa vào sử dụng gồm tòa hành chính, tòa học đường, tòa Tăng viện, tòa Ni viện, chánh điện tạm và khu nhà bếp trên diện tích 6ha, với tổng chi phí xây dựng gần 200 tỷ đồng, do sự phát tâm đóng góp tịnh tài của chư tôn đức Tăng Ni và các Phật tử khắp nơi. 

1 dauan  (5).jpg
Khánh thành Học viện Phật giáo VN tại TP.HCM - Ảnh: Bảo Toàn

Diện tích đất gần 18ha còn lại sẽ tiếp tục xây dựng trong tương lai, bao gồm: hội trường, chánh điện, tòa thư viện, khu nhà khách quốc tế, các tòa nhà dành cho các khoa… dự kiến chi phí xây dựng khoảng 500 tỷ đồng. Hiện tại cơ sở này đang nội trú gần 1.000 Tăng Ni sinh viên khóa XI và XII với 2 khu dành cho Tăng, Ni riêng biệt. Toàn bộ Tăng Ni sinh viên nội trú đều được miễn học phí cũng như sinh hoạt phí.

5. Pháp hội Dược Sư “Tiêu tai diên thọ, nguyện phong điều vũ thuận”

Sự kiện này do Ban Trị sự GHPGVN TP.HCM lần đầu tiên tổ chức trang nghiêm, quy mô tại chùa Huê Nghiêm (Q.2) vào tháng Giêng năm Quý Tỵ (2013) với sự chứng minh của chư tôn túc Hội đồng Chứng minh GHPGVN. 

Đây là một trong những nỗ lực nhằm tạo mô hình điểm về tín ngưỡng, văn hóa truyền thống đáp ứng nhu cầu tâm linh của đông đảo người dân cầu an lành đầu năm mới, cầu quốc thái dân an, thế giới hòa bình, chúng sanh an lạc theo tinh thần chánh tín của đạo Phật, thay cho các hình thức tín ngưỡng pha tạp khác. 

1 dauan  (8).jpg
Pháp hội Dược Sư cầu an đầu năm tại Việt Nam Quốc Tự - Ảnh: Bảo Toàn

Trong pháp hội, chư tôn đức Tăng Ni luân phiên trì tụng kinh Dược Sư với sự tham dự của hàng vạn lượt Phật tử, tín đồ các giới. Xen lẫn giữa các thời tụng kinh cầu nguyện, chư tôn đức đã có những thời pháp thoại, hướng dẫn tín đồ thực hành nếp sống chánh tín Tam bảo, lợi đạo ích đời.

6. Đại lễ kỷ niệm 50 năm Bồ-tát Thích Quảng Đức vị pháp thiêu thân (1963-2013)

Trong tinh thần đó, sự kiện này cũng nhằm tưởng niệm chư Thánh tử đạo đã hy sinh cho sự nghiệp bảo tồn Chánh pháp do BTS GHPGVN TP tổ chức tại Công viên Bồ-tát Thích Quảng Đức - Q.3, ngày 23-5-2013 với sự tham dự của đại diện TƯGH, BTS Phật giáo TP, lãnh đạo TP, đông đảo Tăng Ni, Phật tử các giới. 

Cũng trong dịp này, Học viện Phật giáo VN tại TP.HCM phối hợp với Trường Đại học KHXH&NV TP.HCM tổ chức hội thảo “Năm mươi năm phong trào đấu tranh của Phật giáo miền Nam (1963-2013)”, vào ngày 11-6-2013, tại Khu du lịch Phương Nam, tỉnh Bình Dương với sự tham dự của đông đảo các học giả, nhà nghiên cứu, chư tôn đức và các nhân chứng lịch sử trong và ngoài nước. 

1 dauan  (2).jpg
Đại lễ tưởng niệm 50 năm Bồ-tát Quảng Đức vị pháp thiêu thân - Ảnh: Bảo Toàn

Đại lễ và hội thảo một lần nữa khẳng định Bồ-tát Thích Quảng Đức là bậc vĩ nhân có năng lượng tâm linh siêu phàm, thị hiện vào đời để cứu khổ, góp phần cứu nguy cho Phật giáo và dân tộc; phong trào đấu tranh của Phật giáo tại miền Nam, cao điểm tại Sài Gòn năm 1963 là một cuộc đấu tranh bất bạo động cho bình đẳng tôn giáo, góp phần cho công cuộc hòa bình, thống nhất của đất nước.

7. Lễ rước kiệu hoa Đức Phật đản sinh thiêng liêng

Trong khuôn khổ Đại lễ Phật đản PL.2559, lễ rước kiệu hoa cung thỉnh Đức Phật đản sinh từ chùa Ấn Quang đến Việt Nam Quốc Tự do BTS GHPGVN TP lần đầu tiên tổ chức. 

1 dauan  (10).jpg
Thiêng liêng lễ rước kim tướng Sơ sanh của Đức Phật - Ảnh: Yên Hà

Buổi lễ diễn ra bắt đầu vào 5 giờ sáng mùng 8 tháng Tư năm Ất Mùi (25-5-2015), đoàn rước kiệu hoa trang nghiêm đi bộ gồm chư tôn đức Tăng Ni, Phật tử xuất phát từ chùa Ấn Quang, theo đường Sư Vạn Hạnh (phường 9, quận 10) đến ngã tư đường 3/2, hướng đến cổng chào Việt Nam Quốc Tự, vào lễ đài Phật đản của Phật giáo TP (đường 3/2, phường 12, quận 10). 

Tại đây, nghi thức lễ tắm Phật thiêng liêng theo truyền thống được cử hành với sự tham dự của đông đảo chư Tăng Ni, đồng bào Phật tử. Sự kiện này được duy trì liên tục 3 năm qua, tạo nên một dấu ấn, sự kiện bắt đầu tuần lễ kính mừng Phật đản tại TP.HCM.

8. Khóa bồi dưỡng trụ trì lần đầu tiên do GHPGVN TP.HCM tổ chức

Ngày 5-10-2015, khóa Bồi dưỡng trụ trì 2015 (khóa I) do BTS GHPGVN TP lần đầu tiên tổ chức tại Nhà Truyền thống-Văn hóa Phật giáo TP.HCM - chùa Phổ Quang (Q.Tân Bình), diễn ra từ ngày 5-10 đến 10-10-2015 với hơn 1.200 Tăng Ni từ 24 BTS GHPGVN TP.HCM, ban trực thuộc BTS GHPGVN TP đăng ký tham gia. 

1 dauan  (7).jpg
Khai mạc khóa bồi dưỡng trụ trì đầu tiên, năm 2015 - Ảnh: Yên Hà

Chương trình bồi dưỡng kiến thức trụ trì gồm có ba khóa (mỗi năm/khóa) nhằm trau dồi giới luật, nghi lễ thiền môn, cách ứng xử của vị trụ trì với chúng Tăng nội tự cũng như cách giao tiếp xã hội, bồi dưỡng kiến thức hành chánh Giáo hội… nhằm nâng cao vai trò của vị trụ trì trong thời hiện đại. Tăng Ni tham gia khóa học đủ điều kiện sẽ được BTS GHPGVN TP cấp chứng chỉ. 

Tăng Ni có đủ 3 chứng chỉ sẽ được xem là hoàn tất chương trình về bồi dưỡng kiến thức trụ trì, đây là một trong những điều kiện để Tăng Ni được BTS GHPGVN TP xem xét bổ nhiệm trụ trì trong tương lai. 

BTS GHPGVN TP đã tổ chức được 3 khóa bồi dưỡng trụ trì trong 3 năm liên tiếp: năm 2015 có 1.055 Tăng Ni được trao chứng chỉ I; năm 2016 có hơn 600 Tăng Ni được trao chứng chỉ II và năm 2017 có 500 Tăng Ni được trao chứng chỉ III.

9. Hoạt động của ngành văn hóa hướng đến quần chúng

Bao gồm các Tuần lễ Văn hóa Phật giáo cùng chuỗi hoạt động triển lãm, ẩm thực chay, thi văn nghệ, chiếu phim Phật giáo được tổ chức nhân kỷ niệm 35 năm GHPGVN (diễn ra vào tháng 10, 11-2016) cũng như các dịp Tết Nguyên đán hàng năm với các chủ đề Xuân phương Nam, Xuân trong ta... 

1 dauan  (13).jpg
Một góc của lễ hội Xuân Phương Đông do Ban Văn hóa thực hiện tại chùa Phổ Quang 

Đó là những hoạt động thu hút đông đảo quần chúng tham gia, trải nghiệm không gian văn hóa đa dạng bằng việc thưởng thức các tác phẩm thơ, họa, điêu khắc; xem phim về Đức Phật, về Đại lão HT.Thích Trí Tịnh (Chủ tịch HĐTS GHPGVN - phim “Về phía mặt trời”); những đêm nhạc nhân sự kiện và Đại lễ của Phật giáo diễn ra tại Nhà hát Hòa Bình (Q.10) hay những món chay được bài trí đẹp mắt, giúp Phật tử - du khách có thêm cơ hội ăn chay, sống xanh...

10. Hơn 2.069 tỷ đồng đóng góp vào công tác từ thiện, an sinh xã hội

Đó là con số về tổng trị giá của các chương trình từ thiện xã hội của Phật giáo TP thực hiện trong nhiệm kỳ VIII (2012-2017). Theo đó, Ban Từ thiện xã hội GHPGVN TP đã giám sát điều hành hệ thống Tuệ Tĩnh đường, lớp học tình thương, các cơ sở từ thiện xã hội giáo dưỡng trẻ mồ côi, nuôi người già, trung tâm hỗ trợ người nhiễm HIV/AIDS… do các tự viện quản lý; thực hiện  những hoạt động từ thiện nhân đạo như: tặng quà cứu trợ, học bổng, xây dựng công trình dân sinh cầu, đường bê-tông nông thôn… tại các tỉnh thành. 

1 dauan  (11).jpg
HT.Thích Thiện Tánh thay mặt GHPGVN cứu trợ nạn nhân 
bị ảnh hưởng nặng nề bởi động đất tại Nepal - Ảnh: Ngộ Dũng

Song song đó, các ban ngành, Ban TTXH Báo Giác Ngộ, Phật giáo 24 quận huyện, các tự viện đã thực hiện các chương trình từ thiện nhân đạo, cứu trợ đồng bào bị thiên tai, xây dựng nhà tình nghĩa, tình thương, ủng hộ Quỹ “Vì người nghèo”, “Vì Trường Sa thân yêu”... thể hiện tinh thần từ bi của đạo Phật không chỉ ở TP.HCM mà còn lan rộng ra các tỉnh, thành trong cả nước, ủy lạo người nghèo tại một số nước như Ấn Độ, Nepal, Campuchia.

Giác Ngộ

GNO

» Ảnh đẹp
» Liên kết website
Search
» Từ điển Online
Từ cần tra:
Tra theo từ điển:
» Âm lịch