Nhân vật
Đại sư Giám Chân và chuyến hoằng pháp huyền thoại tại Nhật
Bằng Hư
19/12/2011 15:17 (GMT+7)
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

Tuổi ngoài 60, hai mắt bị mù thế nhưng Giám Chân vẫn quyết định nhận lời sang Nhật Bản để hoằng pháp, truyền bá Phật môn bất chấp những nguy hiểm đang chờ đợi. Cuộc đời tu học và hoằng pháp đầy huyền thoại của Giám Chân cho tới nay vẫn là câu chuyện khiến những người hiện đại phải ngỡ ngàng…


Lãnh tụ Phật môn

Đại sư Giám Chân sinh năm 688 tại Dương Châu (nay thuộc địa phận tỉnh Giang Tô), sống vào đời nhà Đường ở Trung Quốc. Vào thời bấy giờ, đất Dương Châu rất chuộng đạo Phật, các danh tăng từ khắp nơi đổ về, chùa chiền mọc lên ở khắp nơi. Thân phụ của Giám Chân là một thương nhân có họ là Thuận Vu, cũng là một người rất sùng mộ đạo Phật, từng theo học giáo lý với Trí Mãn thiền sư ở chùa Đại Vân.

Do ảnh hưởng của gia đình, ngay từ nhỏ, Giám Chân đã rất thích thú với đạo Phật. Ông thường theo cha lên chùa và tỏ ra rất hứng thú với những bích họa, tranh tượng và kinh điển, đặc biệt là y viện và cơ sở bào chế thuốc trên chùa khiến ông hết sức say mê.

Năm 14 tuổi, trong một lần cùng cha lên chùa, cảm động vì sự từ bi toát ra từ tượng Phật, Giám Chân đã xin cha mình cho ông được xuất gia làm sư. Vốn là người sùng đạo, lại thấy con trai thành tâm nên cha của Giám Chân đã quyết định gửi Giám Chân vào chùa Đại Vân làm sa di. Cũng kể từ đó, ông có pháp danh là Giám Chân.

Năm Thần Long thứ nhất, tức năm 705 đời vua Đường Trung Tông, Giam Chân thụ giới với đại sư Đạo Ngạn tại chùa Đại Vân. Đạo Ngạn là đệ tử của cao tăng Văn Cương nổi tiếng đương thời, bản thân ông cũng là một người có tiếng lúc bấy giờ.

Sau hai năm khắc khổ tu hành, Giám Chân đã được thầy mình đưa tới Lạc Dương, Trường An - những vùng rất thịnh hành Phật giáo lúc bấy giờ - để học tập thêm. Năm 23 tuổi, tại Trường An, Giám Chân được cao tăng Hoằng Cảnh thụ giới cụ túc. Văn Cương, Đạo Ngạn, Hoằng Cảnh đều là những truyền nhân của phái Luật tông, do vậy, dưới ảnh hưởng của những người thầy của mình, Giám Chân nghiên cứu rất kỹ về giới luật và bắt đầu những bài giảng đầu tiên.
e
Nhà kỷ niệm của Giám Chân tại Nhật


Nhờ vào sự nhiệt tình của tuổi trẻ, Giám Chân đã đi khắp các nơi trong cả nước, đọc những bộ sách kinh điển của Luật tông, đồng thời diện kiến và học hỏi rất nhiều danh tăng lúc bấy giờ. Nhờ sự thông minh và quyết tâm, Giám Chân nhanh chóng trở thành thế hệ thừa kế xuất sắc của những cao tăng phái Luật tông như Văn Cương, Đạo Ngạn và Hoằng Cảnh… Không chỉ dừng lại ở đó, Giám Chân còn tự tiếp xúc với lý luận các tông phái khác, từ đó thấy được chỗ yếu, chỗ mạnh của các tông phái này, kết hợp với lý luận của Luật tông và hình thành cách kiến giải riêng của ông.

Ngoài lý luận Phật giáo, Giám Chân cũng rất đam mê và dành nhiều thời gian nghiên cứu các tri thức thuộc các lĩnh vực khác. Phật học vốn không phải là một lĩnh vực tri thức độc lập, ngoài kinh điển, Phật giáo còn quan tâm tới nhiều lĩnh vực tri thức khác. Chẳng hạn như Ngũ minh học bao gồm các lĩnh vực Ngôn ngữ văn tự, nghề thủ công, y học, tư duy logic và lý luận của các tông phái khác.

Cùng với việc nghiên cứu kinh điển Phật giáo, Giám Chân đặc biệt dành nhiều thời gian nghiên cứu y học và kiến trúc. Nhờ trí thông minh có sẵn, Giám Chân nhanh chóng trở thành một người rất uyên bác trong các lĩnh vực này. Đây là cơ sở để ông thực hiện chuyến hoằng pháp huyền thoại của mình ở nước Nhật sau này.

Năm 713, 26 tuổi, Giám Chân kết thúc cuộc hành trình du ngoạn của mình để trở về Dương Châu trở thành đại sư chùa Đại Minh, nay có tên là chùa Pháp Tịnh. Tham gia các hoạt động Phật giáo tại Dương Châu, nhờ tri thức uyên bác và phẩm cách cao thượng, Giám Chân nhanh chóng trở thành một cao tăng có uy tín tại mảnh đất quê nhà.

Tới năm 733, sau khi một đệ tử khác của Đạo Ngạn là Nghĩa Uy viên tịch, Giám Chân trở thành người đứng đầu tổ chức Phật giáo tại Dương Châu.

Bắt đầu từ thời điểm này, Giám Chân không chỉ giảng Phật viết kinh, thụ giới cho các tăng ni, xây dựng chùa chiền mà còn tham gia tích cực vào việc chữa bệnh và cứu tế dân nghèo. Nhờ danh tiếng ngày một lan rộng, số tín đồ kéo về Dương Châu xin theo Giám Chân tu học ngày một đông hơn. Số người được Giám Chân truyền giới lên tới hơn 40 ngàn người. Nhờ vậy, Giám Chân trở thành lãnh tụ Phật môn, cao tăng số một ở Dương Châu và các vùng lân cận.

Chuyến vượt biển huyền thoại

Năm 732, khi sứ đoàn Nhật Bản chuẩn bị tới Trung Quốc, hòa thượng Long Tôn của Nhật Bản đã đề nghị Thiên hoàng cho phép hai nhà sư trẻ là Vinh Duệ và Phổ Chiêu theo sứ đoàn tới Trung Quốc để mời một danh tăng nhà Đường tới Nhật Bản truyền bá Phật học. Khi đó, giới luật Phật giáo ở Nhật Bản chưa hoàn bị, các nhà sư không thể căn cứ nghi luật mà thụ giới. Được sự đồng ý của Thiên hoàng, Vinh Duệ và Phổ Chiêu đã tới Trung Quốc vào năm 733 và bắt đầu tìm kiếm cao tăng mời về Nhật Bản.

Trong suốt mười năm học tập tại Trung Quốc, Vinh Duệ và Phổ Chiêu đã cố công để tìm kiếm người thích hợp. Trong thời gian này, cũng có một hòa thượng tên là Đạo Toàn từng nhận lời đi Nhật Bản, tuy nhiên, do năng lực lẫn uy tín của Đạo Toàn không cao nên Vinh Duệ và Phổ Chiêu không đồng ý, tiếp tục tìm kiếm. Tới năm 742, sau mười năm ròng khổ công tìm kiếm, khi trở về, Vinh Duệ và Phổ Chiêu đem theo các hòa thượng Đạo Hàng, Trừng Quan, Đức Thanh, Như Hải…

Tượng Giám Chân
Tượng Giám Chân


Trên đường trở về, khi tới chùa Đại Minh của Giám Chân ở Dương Châu, Vinh Duệ và Phổ Chiêu muốn nghe ý kiến của ông. Họ nói với Giám Chân về tình hình khó khăn trong việc truyền bá Phật giáo ở Nhật Bản do không có người hiểu biết về giới luật.

 Cuối cùng, Vinh Duệ và Phổ Chiêu đã khẩn khoản mời Giám Chân tới Nhật Bản hoằng pháp. Thấy Vinh Duệ thành khẩn, lại nghĩ tới sự nghiệp hoằng pháp Phật giáo, nên dù lúc đó đã 54 tuổi, Giám Chân vẫn chấp nhận sang Nhật, bất chấp nguy hiểm. Chuyện kể rằng, khi đó, ông quay sang hỏi những người đệ tử của mình đang ngồi xung quanh rằng: “Ai đồng ý cùng đi?”.

Mọi người đều im lặng. Mãi một lúc sau, một đệ tử có tên là Tường Nhan mới bước ra nói: “Đi qua Nhật Bản, đường xa vời vợi, biển cả mênh mông, trăm phần không chắc được một!”. Lời của Tường Nhan nói không hề ngoa, vào thời điểm lúc bấy giờ, vượt biển từ Trung Quốc tới Nhật Bản là một hành trình quá xa xôi và nguy hiểm. Ngoài ra, những quy định của nhà Đường đối với việc cá nhân rời sang nước khác cũng rất khắt khe. Không có lệnh của triều đình mà tự ý xuất cảnh sẽ bị trừng phạt rất nghiêm khắc.

Giám Chân hoàn toàn ý thức được sự nguy hiểm của cuộc hành trình cũng như sự nghiêm khắc trong luật pháp triều đình, tuy nhiên, ông kiên định nói với các đệ tử của mình: “Đi giảng truyền Phật pháp thì tiếc gì đến thân!”. Thế là Giám Chân quyết tâm vượt biển tới Nhật Bản truyền pháp. Theo Giám Chân khi đó có Tường Nhan, Tư Thác, tổng cộng hơn 21 người.

Tuy nhiên, hành trình tới Nhật Bản hoằng Pháp của Giám Chân không hề đơn giản. Sau bốn lần vượt biển không thành do các quan lại ở địa phương ngăn cản và do gặp sóng gió dữ dội ở biển khơi, vào năm 748, Giám Chân lại vượt biển lần thứ năm, lúc đó ông đã 60 tuổi. Lần này, chỉ sau 14 ngày chống chọi với mưa bão, thuyền của ông lại trôi tấp vào phía Nam đảo Hải Nam. Từ Hải Nam, ông tìm đường trở về Dương Châu bằng cách đi qua các tỉnh Quảng Đông, Quảng Tây và Giang Tây.

 Qua mỗi địa phương, ông đều học tiếng bản xứ và nghiên cứu cây thuốc ở nơi đó. Tuy nhiên, trên đường về, một đệ tử của Giám Chân không chịu nổi khí hậu nóng ẩm ở miền Nam nên đã ngã bệnh và qua đời. Giám Chân vô cùng thương tiếc người học trò đắc lực của mình. Sau đó ít lâu, nhà sư Nhật là Vinh Duệ cũng lâm bệnh nặng rồi qua đời. Vì quá lao lực và quá thương tâm, Giám Chân bị bệnh đau mắt, rồi sau đó ông hoàn toàn bị mù.

Mấy lần vượt biển Đông không thành, trước sau thiệt mạng đến 36 người, cả Trung Quốc lẫn Nhật Bản, đôi mắt mù lòa, thế nhưng tất cả không làm Giám Chân chùn bước. Lúc nào ông cũng ôm ấp kế hoạch vượt biển hoằng pháp. Cho tới năm 753, sứ giả Nhật trước khi về nước lại tìm đến Dương Châu mời Giám Chân sang Nhật. Không ngại tuổi cao, sức yếu và đôi mắt mù lòa, Giám Chân quyết định theo thuyền Nhật Bản vượt biển lần thứ sáu.

 

Ngày 10/11/753, Giám Chân cùng với các đệ tử xuất phát từ bến Tứ Phố Châu Hoàng. Hơn một tháng sau, vào ngày 2/3/754, Giám Chân đặt chân lên kinh đô Nara của Nhật Bản. Nhật hoàng cùng nhân dân long trọng nghênh đón và tổ chức nghi lễ phong Giám Chân là Truyền Đăng Đại pháp sư. Năm đó đại sư Giám Chân lập giới đàn tại lớn phía Đông thành đô Nara. Có mười vị hòa thượng Nhật Bản tham gia thụ giới. Đây là lần đầu tiên một nghi lễ thụ giới chính thức được thực hiện tại Nhật. Nhật hoàng bổ nhiệm Giám Chân làm Đại Tăng Đô, trở thành Luật tông Thủy tổ Nhật Bản.

Năm 759, Giám Chân bắt đầu hoạt động ở chùa Đường Chiêu Đề do ông xây dựng tại Nhật. Những người của hoàng cung như Thánh Võ Thái thượng hoàng, Hoàng thái hậu, Hiếu Liêm Thiên hoàng là những người đầu tiên đăng đàn mời Giám Chân truyền giới. Kế đó, hơn bốn trăm người của hoàng tộc lần lượt thụ giới. Về sau, các cao tăng Nhật cũng đến xin thụ giới ngày càng nhiều.

Trong cuộc hành trình lần thứ năm này, Giám Chân cũng đem theo rất nhiều kinh Phật, tượng Phật, dược liệu, y thư,… Vì vậy, ngoài Phật giáo, Giám Chân cũng là người truyền bá các thành tựu y học, kiến trúc của Trung Quốc vào Nhật Bản. Tới năm 763, sau 9 năm sống và truyền bá Phật giáo tại Nhật, Giám Chân đã viên tịch tại chùa Đường Chiêu Đề. Năm đó, ông 75 tuổi.

Theo: phunutoday.vn

» Ảnh đẹp
» Liên kết website
Search
» Từ điển Online
Từ cần tra:
Tra theo từ điển:
» Âm lịch