
Phật dạy bố thí mà còn ý nghĩ có người cho, người nhận, và vật thí là
chưa rốt ráo vì bố thí mà còn tính toán là bố thí có ý mong cầu.
Thường khi mình bố thí là do có đối tượng (nhu cầu), nên mình mới cho
(cung cấp); và vật thí càng có giá trị cao và nhiều chừng nào thì bố thí
sẽ có nhiều công đức lớn. Tất nhiên, hễ có bố thí là mình đã có phước
báo rồi! Ở đây, chúng ta muốn học hạnh bố thí không chỉ có phước mà luôn
cả huệ nữa! Cái khó ở đây là bố thí mà không thấy có cầu và có cung thì
bố thí cái gì, và bố thí cho ai?
Để chuyên chở đầy đủ tinh thần ba-la-mật, bố thí phải mang ý nghĩa của ‘tam luân không tịch’ có nghĩa là 3 không (không thấy người cho, không thấy người nhận, và không thấy vật thí)
và được luân chuyển liên tục, không dứt. Phần nhiều, chúng ta quan niệm
là phải bố thí cho đúng người và đúng cách. Nhưng theo tinh thần
Bát-nhã là bố thí mà không thấy có cho, có nhận, và có vật thí. Khi mình
phát tâm muốn cho là mình cứ cho. Bất kể người kia là ai, và vật thí là
gì, tài thí hay pháp thí, v.v… không quan trọng.
Để đạt được tinh thần "tam luân không tịch" chúng
ta phải thay đổi cách suy nghĩ và thái độ của mình. Thay vì nghĩ về
mình, chúng ta nghĩ nhiều về người và tự đặt câu hỏi mình có thể làm
được gì cho người khác. Các bậc hiền nhân trên thế giới đều làm vậy. Họ
luôn đặt tinh thần phụng sự người khác lên trên hết; thậm chí họ không
cần biết người mà họ phụng sự là ai. Họ chỉ cần biết là việc đó đang cần
giúp đỡ. Thế là họ ra tay ngay! Sỡ dĩ họ cho mà không cần đền trả và
cũng không cần biết người nhận là ai chỉ vì họ tìm thấy niềm vui, và
hạnh phúc thật sự trong khi cho.
Việc bố thí ba-la-mật, không cần biết người nhận, cũng như người cho đã
được thực hiện tại nhiều nơi. Chẳng hạn, có một nhóm người thiện nguyện
đã thành lập một quán ăn, gọi là Karma Kitchen, tạm dịch là Bếp ăn
Nghiệp quả tại thành phố Berkeley, ở miền Bắc California, Hoa Kỳ. Họ
phục vụ khách hàng như tất cả mọi quán ăn khác, nhưng mỗi khi khách hàng
chuẩn bị trả tiền thì họ được cho biết là đã có người trả trước cho họ
rồi!
Nếu muốn noi theo cử chỉ của vị khách ăn trước họ thì họ có thể trả tiền
cho người ăn sau. Cứ vậy mà luân lưu. Người khách ăn không cần biết là
đã ăn bao nhiêu và sẽ phải trả bao nhiêu cho xứng. Nếu họ không muốn trả
thì cũng không sao cả! Nói chung, phần ăn của họ đã được người ăn trước
trả xong cả rồi. Cũng tại Hoa Kỳ, ở thành phố Bluffton, South Carolina,
từng có một người khách hàng của quán cà-phê trả 100 đô-la cho phần
cà-phê của mình và xin bao trả hết trên số tiền đó, cho những ai đến mua
sau ông.
Dụng ý của những hành động trên là muốn mọi người thực tập hạnh bố thí,
cho mà không cần phải có một mục đích rõ rệt! Chỉ cần chúng ta học cách
cho. Còn cho ai và cho như thế nào, cũng như cho cái gì thì không quan
trọng. Nếu mỗi người đều thực tập theo phương cách này thì rõ ràng ‘sự
cho’ sẽ không đứt đoạn (tam luân không tịch). Và mọi người đều xem đây
là một cử chỉ bình thường trong cuộc sống.
Giống như chuyện một nhà thám hiểm đến một xứ ở châu Phi để làm nghiên
cứu. Vì đường sá của quốc gia này rất giới hạn, nên họ chọn đường sông
để di chuyển khắp nơi. Một hôm tàu của họ bị chết máy và mắc cạn. Họ
dùng đủ mọi cách để đưa con tàu ra khỏi vùng cạn, đều không hiệu quả.
Bỗng dưng từ đâu có một chiếc tàu đánh cá chạy đến kéo tàu họ ra khỏi
chỗ cạn và còn cho thêm xăng dầu cũng như giúp sửa máy để tàu họ đi
tiếp.
Sau khi làm xong, chiếc tàu đánh cá nọ rồ máy chạy thẳng trước sự kinh
ngạc của các nhà thám hiểm vì họ dự định sẽ nói lời chân thành cảm ơn sự
giúp đỡ của chiếc tàu nọ, hoặc trả một ít tiền chi phí. Khi hỏi một
nhân viên người bản xứ, các nhà thám hiểm mới hiểu rằng: Ở xứ sở này,
khi ai thấy người khác gặp nạn thì phải giúp đỡ ngay, không cần nhờ vả
hay nói lời cảm ơn. Thật là một phong tục đáng quý!
Chúng ta thường quan niệm rằng chỉ các bậc Bồ-tát thượng nhân mới có thể
làm những việc bố thí ba-la-mật vô thượng như vậy! Nhưng những ví dụ
trên cho ta thấy tất cả mọi người nếu muốn phát tâm tu hạnh bố thí
ba-la-mật đều có thể làm được.
Một số người lại lo rằng nếu mình bố thí không đúng chỗ sẽ không những
làm tổn thương người nhận mà còn làm xót xa lẫn người cho. Chính vì
những nguyên nhân lo lắng này mà hạnh bố thí ba-la-mật trở nên khó thực
hiện. Như chúng ta đã thấy ở trên, tại sao một người vào tiệm cà-phê
tặng 100 đô-la cho những người mình không quen biết, và có thể, là họ
không cần số tiền bố thí này? Như vậy dụng ý của người cho tiền này là
gì? Hay là vì ông ta có quá nhiều tiền nên đem cho chơi để làm vui?
Theo một nghiên cứu ở Đại học Harvard, Hoa kỳ năm 2009 cho thấy: người
càng hạnh phúc bố thí nhiều hơn và càng bố thí khiến họ vui hơn. Các nhà
nghiên cứu đưa đến kết luận rằng: Hạnh phúc và bố thí có một sự hỗ
tương tích cực cho nhau. Nghĩa là, càng cho thì càng hạnh phúc, và càng
hạnh phúc thì cho nhiều hơn!
Chính vì là mật hạnh của một Bồ-tát nên bố thí ba-la-mật không phải là
một hình thức bố thí tầm thường. Ngoại trừ, chúng ta đừng để tâm âu lo
về người nhận và vật thí làm trở ngại bồ-đề tâm của mình; bằng không
mình sẽ khó thực hiện được hạnh này. Như chúng ta thường nghe về hạnh
từ bi thực sự. Nó có nghĩa là thương yêu người và tất cả mọi loài mà
không cần phải có điều kiện, không có một lý do, và tất nhiên là không
cần phải có lợi về phần mình. Thế mới biết để tu hạnh bố thí "tam luân không tịch", chúng ta phải học hiểu và thử qua.
Sau khi làm xong, nếu thấy vẫn còn vướng mắc, phiền não thì rõ ràng là
tâm mình vẫn còn lệ thuộc vào một điều kiện nào đó mới có thể thực hiện
được. Điều kiện ở đây có nghĩa là người kia phải nghèo khổ, phải cần thứ
mình cho, phải đúng đối tượng mà mình muốn cho, v.v... và v.v… Nếu còn
nói đến điều kiện thì hạnh bố thí ba-la-mật sẽ không thể thực hiện được!
Để hạnh bố thí theo tinh thần "tam luân không tịch" được
thực hiện và trải rộng khắp nơi, chúng ta phải có niềm tin nơi con
người. Nó có nghĩa là chúng ta không cần biết vật thí của mình được dùng
vào việc gì. Chúng ta tin rằng người nhận sẽ học được tinh thần bố thí
và tìm cách làm như vậy khi họ thấy người khác cũng cần sự giúp đỡ của
họ. Ngoài ra, mình cũng tin rằng việc lành, việc tốt sẽ dễ khiến người
khác bắt chước làm theo vì, như Phật dạy, tất cả chúng sinh đều có Phật
tính, nghĩa là đều có những đức tính tốt. Chỉ cần đức tính tốt đó được
thực hiện và phơi bày cho họ thấy thì họ sẽ làm theo.
Một bà cụ nọ nhân ngày sinh nhật 85 tuổi đã nghĩ ra một ý hay là tặng 85
đô-la, mỗi lần 5 đô-la cho người đi đường nào bà cụ gặp và tùy ý người
đó muốn dùng số tiền vào việc gì thì cứ tùy nghi. Có người hỏi tại sao
bà làm vậy thì bà trả lời rằng bà cụ muốn trải rộng lòng tốt bụng
(kindness) đến cho mọi người. Nếu có ai đó học được gì từ hành động của
bà thì điều đó đã làm mãn nguyện hy vọng của bà. Bà muốn mọi người luôn
biết thương yêu quý mến nhau vì thế giới đã đầy khổ đau này cần có thêm
những tấm lòng tốt.
Đừng nhìn thế gian này bằng cặp mắt bi quan rồi chán chường, mệt mỏi.
Chung quanh ta đang có biết bao nhiêu người đang tìm cách thực hiện hạnh
bố thí ba-la-mật với ý định muốn mọi người thấy rằng thế gian mình đang
sống vẫn còn có rất nhiều người tốt, muốn làm những việc gì đó để cống
hiến cho đời, làm cuộc đời đẹp thêm và đáng sống. Như Phật dạy: "Đừng
xem thường những việc thiện nhỏ vì việc thiện nhỏ có khi lại mang đến
kết quả lành lớn. Cũng vậy, đừng xem thường những hành động xấu ác nhỏ
vì hành động ác nhỏ có thể mang đến khổ đau to lớn."
Những ví dụ ở trên của bài viết này đều phát xuất từ những hành động nhỏ
nhưng những tiếng vang nhỏ này đang lan tỏa đến khắp nơi và mọi người
đang dần dần thấy rõ kết quả của chúng. Thế giới chúng ta sống đang thu
hẹp nhỏ dần lại vì những phương tiện truyền thông hiện đại. Một việc làm
nhỏ, dù là từ một ngõ ngách xa xôi nào, có thể tác động đến thế giới
khi nó được ghi lại và phát tán trên các kênh thông tin điện tử như "youtube" hay "facebook"...
Xin các bạn nhớ cho rằng: Chúng ta đều là người du hành đến thế giới
này. Đến một thời điểm nào đó, tất cả chúng ta đều phải ra đi! Cái chúng
ta để lại cho đời như lòng từ bi, bố thí mà không cần đền trả là một di
sản quý giá, một bài học giá trị cho đời.
Thiện Ý