Phật giáo & Thời đại
Cần học Phật để phân biệt hiện tượng “giả danh” Phật giáo
24/12/2011 04:11 (GMT+7)
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

Nhiều người giàu óc hoài nghi có câu nói cửa miệng: “Bây giờ nhiều cái giả lắm!”.  Từ hàng giả (để kiếm siêu lợi nhuận, bất chấp sức khỏe, ảnh hưởng môi sinh) đến bằng cấp giả (để trục lợi, để củng cố địa vị, để hợp thức hóa vị trí này, chức vụ kia…), những kẻ lười lao động giả sư để đi khất thực hầu kiếm tiền phi pháp từ tín tâm người khác và làm xấu hình ảnh Tăng đoàn… 
Rồi nay, có cả Phật tử “giả” với những tác hại khó lường!

Thanh Hải Vô Thượng sư

Mấy hôm nay báo chí “la làng” chuyện xăng “dỏm”, xăng pha theo công thức xăng A92 với methanol được bán ở các cây xăng tự phát, được cảnh báo là rất độc hại cho sức khỏe, môi trường và làm động cơ xe mau bị hỏng. 

Đọc những loại thông tin như thế này xong, không ít người thấy lo, nhưng bình tĩnh suy nghĩ lại thì có lẽ cái cảm giác sợ hàng “dỏm” như thế này đã không còn “xi-nhê” gì với nhiều người, bởi đó là chuyện thường ngày ở các cuộc “trà dư tửu hậu”: thời buổi này không có hàng dỏm mới lạ!

Hàng giả, dỏm thì chất lượng sẽ trôi nổi, không bảo đảm, nếu không nói thường chất lượng kém, bị đánh tráo. Sư giả, Phật tử giả (cũng nhiều như hàng giả, đa dạng như hàng giả) tương tự. Chất lượng ở đây chính là năng lượng tu tập và sự giải thoát. Bởi người con Phật chẳng có mục tiêu nào lớn hơn là “thượng cầu Phật đạo, hạ hóa chúng sinh”.

Những người giả sư thì nhan nhản ngoài kia, cứ nói hoài, nói mãi đến mức nhiều người nghe đến hai từ đó đã phải mượn câu cửa miệng của một nhân vật trong tiểu thuyết Số đỏ của Vũ Trọng Phụng để tỏ bày: “Biết rồi, khổ lắm nói mãi”. Nói mãi thành ra chai, nên bây giờ có hỏi các vị tôn túc lớn về biện pháp để đối phó với nạn này thì nhiều vị cũng chỉ có thể trả lời rằng sẽ kết hợp với chính quyền địa phương, công an để hạn chế vấn nạn sư giả.

Vâng, thì ai mà chẳng biết sư giả là sư không thật, là sư chỉ có chiếc áo chứ không phải ông thầy tu. Và sư này thực chất là những người giả dạng nhà sư để kiếm tiền từ tín thí, và tất nhiên gây ra hậu quả nhãn tiền rất không đẹp, không hay cho Tăng đoàn, là người ta sẽ nghĩ về sự nhếch nhác của hình ảnh chư Tăng. 

Đó là người trần mắt thịt nghĩ thế, nhưng người con Phật thuần thành thì chắc là không, bởi họ đã thấm nhuần giáo lý nhân quả - nghiệp báo, có trau dồi về tình thương và thực tập tuệ giác nên có khả năng nhận diện được thật giả, và tất thảy đều ứng xử với cái tâm từ, tâm bi đầy trí tuệ. 

Chỉ ngại sự việc đó ảnh hưởng không tốt đến những người sơ phát tâm, những người chưa biết đạo Phật là gì nên khi nhìn vào vấn nạn sư giả mà thối thất tâm hướng thượng.

Còn Phật tử giả? Như bài báo trong chuyên mục Câu chuyện trong tuần trên Giác Ngộ số 619 thì cũng đã quá đủ để nhận diện. Người Phật tử cần phải học Phật, có những hiểu biết căn bản về Phật pháp, cần phân biệt đâu là điều thiện lành, đâu là điều được mệnh danh điều thiện lành, cùng mang tên thiện sự nhưng nội dung và mục tiêu thì hoàn toàn khác nhau, không phải vì lợi lạc cho bản thân, cho tha nhân và cho môi trường sống trong hiện tại, tương lai mà thường quy hướng về một sự lệ thuộc vi tế nào đó.

Thiết nghĩ, Ban Hoằng pháp nên có những tài liệu Phật pháp căn bản, trình bày theo phương pháp hiện đại, giản dị, dễ hiểu để làm tài liệu hướng dẫn trong các đạo tràng, tùy lứa tuổi và đặc điểm xã hội. 

Đồng thời nhân rộng lớp giáo lý thường kỳ tại các cơ sở chùa, tự viện, tịnh xá, niệm Phật đường… để người đến với đạo Phật có một nhận thức căn bản về tôn giáo, tín ngưỡng của mình, tránh những ngộ nhận, để những người lợi dụng tình cảm tôn giáo lợi dụng cho một mục tiêu nào đó mà họ nhắm đến.

Lưu Đình Long

» Ảnh đẹp
» Liên kết website
Search
» Từ điển Online
Từ cần tra:
Tra theo từ điển:
» Âm lịch