Phật giáo & Thời đại
Thiền khách với mùa xuân
Thích Hạnh Tuệ
25/01/2013 19:34 (GMT+7)
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

Mùa xuân là nguồn cảm hứng vô biên; là nguồn thi liệu bất tận để các tao nhân mặc khách tha hồ tưởng tượng, lặn hụp, bay bổng.

xuanthien_12_645493964.jpg

Cái tuyệt diệu của mùa xuân được cảm nhận gần như trọn vẹn chỉ qua mấy vần thơ Phú đắc xuân tình của Đoàn Nguyên Tuấn:

“東君膏澤滿

萬宇報春晴

嘹喨鶯聲活

攸揚蝶趣輕

負喧花似錦

荷煖草垂青

倚窗潛玩味

見得化工情.

Đông quân cao trạch mãn,

Vạn vũ báo xuân tình.

Liêu lượng oanh thanh hoạt,

Du dương điệp thú khinh.

Phụ huyên hoa tự cẩm,

Hạ noãn thảo thuỳ thanh.

Ỷ song tiềm ngoạn vị,

Kiến đắc hoá công tình”.

(Xuân tạnh muôn nơi báo,

Mưa xuân thấm lá cành.

Líu lo oanh hót ngọt,

Phất phới bướm bay nhanh.

Nắng ấm hoa như gấm,

Khí hoà cỏ rủ xanh.

Tựa song thầm ngắm nghía,

Thấy được hoá công tình).

(Khương Hữu Dụng dịch thơ)

Mùa xuân đẹp thật, nhưng ngắn ngủi. Thi nhân say đắm cái đẹp của mùa xuân, còn thiền khách không chỉ nhìn thấy cái đẹp, mà còn nhận ra thật tướng của cái đẹp, bản chất của mùa xuân:

“春去春來疑春盡

花開花落只是春.

Xuân khứ xuân lai nghi xuân tận,

Hoa khai hoa lạc chỉ thị xuân”.

(Xuân đến xuân đi ngỡ xuân hết,

Hoa nở hoa tàn ấy vẫn xuân).

Đó là cảm quan thiền của Thiền sư Chân Không ở thế kỷ XI về mùa xuân. Thế nhân hay dao động buồn, vui trước dòng đời biến ảo vì chưa thấu rõ quy luật thành, trụ, hoại, không của vạn vật. Dưới tuệ nhãn của thiền sư, thật tướng của mùa xuân hiển lộ rõ, dù hoa nở hay hoa tàn, xuân đến hay xuân đi đó vẫn là xuân.

Thượng tướng Thái sư Trần Quang Khải, công danh sự nghiệp hiển hách mà còn “kinh sợ” khi cảm nhận được mỗi mùa xuân qua đi là sắc thân càng suy yếu:

Bán phần xuân sắc nhàn sai quá,

Ngũ thập suy ông dĩ tự tri

Kinh tâm bồng thoái tích thì nhan.

(Nửa phần xuân sắc đã hờ hững trôi đi,

Năm mươi tuổi tự biết mình suy yếu

Lòng kinh sợ sắc mặt hồng hào thời xưa đã phai tàn.)

Nguyễn Bỉnh Khiêm càng cảm khái hơn cho thân phận già yếu bịnh tật trong dịp Nguyên Đán:

Lão lai khước dữ bệnh tương kỳ

(Già đến lại cùng với bệnh tật hò hẹn nhau)

Cả hai ông không được như Thiền sư Vạn Hạnh, dù biết:

“萬木春榮秋又枯”

Vạn mộc xuân vinh thu hựu khô

(Cây cối xuân tươi thu lại khô)

Nhưng thiền sư vẫn an nhiên, không có chút tâm niệm lo sợ, hãi hùng trước sự thịnh suy thay đổi của cuộc đời, bởi vì thiền sư đã liễu ngộ chân lý vô thường của vạn vật:

“盛衰如露草頭鋪

Thịnh suy như lộ thảo đầu phô

(Thịnh suy như hạt sương rơi đầu cành)

Tâm trạng ngày mồng một Tết của một người chưa rõ lý sắc không như thi nhân Lê Cảnh Tuân thì cũng thật đáng đồng cảm:

Hảo cảnh phùng nguyên nhật,

Vô gia mẫn thử thân.

(Cảnh đẹp gặp ngày mồng một tết,

Luống thương thân này không nơi nương náu)

Phải chăng trong lúc tha hương cô quạnh, nếu ông đã từng đọc mấy vần thơ của Thiền sư Giác Hải, có lẽ ông sẽ ấm lòng hơn:

“春來花蝶善知時

花蝶應須共應期

花蝶本來皆是幻

莫須花蝶向心持

Xuân lai hoa điệp thiện tri thì,

Hoa điệp ưng tu cộng ứng kỳ.

Hoa điệp bản lai giai thị huyễn,

Mạc tu hoa điệp hướng tâm trì”.

(Xuân sang hoa bướm khéo quen thì,

Bướm liệng hoa cười vẫn đúng kỳ.

Thấu rõ bướm hoa đều hư ảo,

Thây hoa, mặc bướm để lòng chi).

(Ngô Tất Tố dịch thơ)

Một khi đã hiểu thấu quy luật của vạn vật, thật tính của vạn pháp như Tuệ Trung thượng sĩ thì nơi đâu, lúc nào cũng:

“一點春光處處花

Nhất điểm xuân quang xứ xứ hoa.

(Một ánh xuân về hoa đó đây)

Nếu có một thứ có thể đại diện cho mùa xuân, thì chỉ có thể là hoa, có mùa xuân là có hoa, có hoa là có mùa xuân. Đổ Phủ cảm nhận một cách sâu sắc rằng:

“一片花飛減卻春

Nhất phiến hoa phi giảm khước xuân”

(Một cánh hoa rơi làm bớt đi sắc xuân).

Thế Lữ reo lên một cách cuồng nhiệt khi xuân đến:

Xuân đến rồi kia, xuân đến rồi,

Hèn nào hoa nở rộ lòng tôi”.

Cảm xúc này giống như Trần Nhân Tông khi chưa ngộ nhập Phật lý, tâm còn rong ruổi buồn vui theo ngoại cảnh:

“年少何曾了色空

一春心在百花中

Niên thiếu hà tằng liễu sắc không,

Nhất xuân tâm tại bách hoa trung”.

(Tuổi trẻ chưa tường lẽ sắc không,

Xuân sang hoa nở rộn tơ lòng).

(Ngô Tất Tố dịch thơ)

Khi đã liễu ngộ được lý sắc không, thấu rõ bản chất của vạn vật thì mới được tiêu diêu tự tại. Đây chính là lộ trình từ mê đến ngộ của vị vua Phật thời Trần:

“如今勘破東皇面

禪板蒲團看墜紅 .

Như kim khám phá đông hoàng diện,

Thiền bản bồ đoàn khán truỵ hồng”.

(Nay đã khám phá ra bộ mặt thật của chúa xuân,

Ngồi thiền trên nệm cỏ ngắm cánh hồng rơi rụng).

Trần Nhân Tông khám phá ra bộ mặt thật của “bộ mặt chúa xuân” (đông hoàng diện); giống như Tuệ Trung truy thấu “khuôn mặt thật” (chân diện mục); như Trần Thái Tông nhận lại “khuôn mặt mẹ” (nương sinh diện); như Trần Minh Tông ngộ ra “người thuở xưa” (bản lai nhân)… Chỉ có tỏ ngộ bộ mặt thật của chúa xuân thì mới có thể hưởng trọn cái đẹp của mùa xuân miên viễn.

Nguồn: Tạp chí Văn Hóa Phật Giáo

» Ảnh đẹp
» Liên kết website
Search
» Từ điển Online
Từ cần tra:
Tra theo từ điển:
» Âm lịch