Hình ảnh
Diễn văn Đại lễ Phật Đản PL.2550
18/12/2008 15:25 (GMT+7)
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

Hôm nay, rằm tháng Tư năm Bính Tuất, Phật lịch 2550, cùng với những người con Phật ở khắp nơi trên thế giới, chúng ta để lòng hướng về vườn Lâm Tỳ Ni thành Ca Tỳ La Vệ của Ấn Độ cổ để hồi tưởng một đại sự nhân duyên hy hữu khó thấy, khó gặp ở đời là sự Đản sanh của Đức Thế Tôn mà kinh điển mô tả: “Kim quang sáng ngời, mặt đất rung động theo nhiều cách; chúng sanh trong sáu đường luân hồi hân hoan vì niềm cảm ứng thiêng liêng; hoa trời tuôn rải, nhạc trời bừng vang trước sự ra đời của Đấng Tối Thắng, Đại Từ, Đại Bi, Đại Trí Tuệ là Đức Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật”. Kinh còn dạy: “Sự xuất hiện của một người, này các Tỳ kheo, là sự xuất hiện của mắt lớn, của đại quang, đại minh, là sự xuất hiện của sự thù thắng và sự chứng ngộ vô ngại giải, sự chứng đạt các giới và các giới sai biệt, là sự chứng nhập minh và giải thoát, là sự chứng ngộ quả Dự lưu, Nhất lai, Bất lai, A la hán. Người ấy là ai? Chính là Đức Như Lai”…

Ngày kỷ niệm Phật đản sanh năm nay đúng vào năm Phật lịch 2550, đúng vào lần kỷ niệm thứ 2630 Ngài xuất hiện ở thế gian, cũng đúng vào năm đầu tiên Liên Hiệp Quốc chính thức công nhận ngày Phật đản là ngày lễ quốc tế. Hẳn cũng vì sự kiện này mà lễ mừng Phật đản năm nay tại Thái Lan trở thành ngày Đại lễ quốc tế do nước chủ nhà và Ban tổ chức Quốc tế về ngày Phật đản của Liên Hiệp Quốc thực hiện, có rất nhiều phái đoàn Phật giáo của nhiều nước tham dự; qua đó, Giáo hội Phật giáo Việt Nam được mời tham gia tổ chức đại lễ, tham dự hội thảo, triển lãm. Lại nữa, năm nay là năm thứ 25 kể từ ngày Giáo hội Phật giáo Việt Nam được thành lập, chúng ta vui mừng vì những thành tựu Phật sự khả quan của Giáo hội về mọi mặt hoạt động, góp phần vào việc xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước, tham gia hàn gắn những đau thương và tạo an lạc cho cộng đồng thế giới. Vì các lý do này và thuận theo yêu cầu của chư Tăng Ni, Phật tử trong cả nước, Giáo hội đã thông báo đến các cấp từ Trung ương đến địa phương tổ chức Lễ Phật đản năm nay lớn hơn, trang trọng hơn, với nhiều ý nghĩa, nhằm tăng cường niềm tin Phật trong giới Phật giáo.

Nhìn lại những thành tựu đã qua, xét những thuận duyên trong hoàn cảnh của đất nước và của Giáo hội hiện nay, chúng ta có niềm tin vững chắc về những thành tựu mới trên bước đường trước mắt. Niềm tin là sức mạnh, là quyết tâm để chúng ta tu tập, thực hành Phật pháp và làm các điều thiện. Luận Thành duy thức nói: “Tín lấy tâm tịnh làm tánh, lấy việc ưa thích việc thiện làm nghiệp”. Tông Duy Thức xếp Tín là một trong các thiện tâm sở. Tông Câu Xá đặt Tín vào một trong mười thiện pháp. Trong năm mươi hai giai vị Bồ tát thì Thập tín là mười giai vị đầu. Trong năm căn năm lực thì Tín căn và Tín lực đứng đầu. Như thế, lòng tin được Kinh và Luận đề cao, là nhân tố quan trọng trong việc học đạo và hành đạo, giúp mình, giúp người. Lòng tin có công năng, công đức bất khả tư nghì. Luận Đại trí độ viết: “Đối với biển Phật pháp thì Tín là năng nhập, Trí là năng ngộ”. Có nhập Đạo thì mới ngộ Đạo, vậy Tín là điều kiện tiên quyết để có trí, có ngộ. Do đó mà phẩm Hiền Thủ của kinh Hoa Nghiêm khẳng định: “Tín là gốc của Đạo, là mẹ sinh các công đức”. Hơn nữa, Tín là tin vào lý tưởng, vào khả năng của mình trong việc thực hiện Phật sự. Niềm tin của người con Phật trước hết là niềm tin Tam bảo, niềm tin Thánh giới, Chân như. Đây là điều mà Tạp A Hàm nhấn mạnh khi nêu “4 tịnh tín là Phật, Pháp, Tăng và Thánh giới”, cũng như luận Đại thừa khởi tín nói: “Tín tâm đối với Chân như là Tam bảo”…

Nhân ngày Phật đản, chúng ta thành tâm tưởng nhớ Đức Phật, Đấng Từ Phụ đã thương yêu chúng ta thân thiết. Ngài dạy: “Ta thương các vị như cha mẹ thương con. Ta làm Phật ở thế gian này để đối trị các xấu ác, loại trừ cái khổ sinh tử, khiến mọi người được năm đức, an ổn vô vi”. Niệm Phật cũng là niệm giáo pháp của Ngài, niệm chư Tăng đệ tử thực hành giáo pháp của Ngài. Trong ý nghĩa tứ tịnh tín, chúng ta không quên thành tâm niệm Thánh giới, từ đó quyết tâm chuyên trì giới luật, thanh tịnh thân tâm, thực hành Thiền định để cầu trí tuệ giải thoát. Đó là Giới, Định, Tuệ, là nội dung đồng thời là mục tiêu giáo dục của Đức Phật…

» Ảnh đẹp
» Liên kết website
Search
» Từ điển Online
Từ cần tra:
Tra theo từ điển:
» Âm lịch