Hình ảnh
Trẩy hội chùa hương - Hành trình về miền đất Phật
18/12/2008 15:25 (GMT+7)
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

Khu danh thắng chùa Hương thuộc huyện Mỹ Đức, tỉnh Hà Tây, cách thủ đô Hà Nội chừng 60km. Hàng năm, cứ mỗi độ xuân về, hoa mơ nở trắng núi rừng Hương Sơn, hàng trăm ngàn phật tử cùng khách thập phương lại nô nức trẩy hội. Thắng cảnh chùa Hương như một hòn non bộ đồ sộ mà tạo hóa đã ban tặng cho mảnh đất, con người nơi đây, thật là chốn sơn thủy hữu tình.


Cầu Hội - Suối Yến

Quần thể di tích chùa Hương gồm nhiều đền, chùa, hang động được phân ra thành các tuyến tham quan như: tuyến chính, bắt đầu từ bến Đục đi theo dòng suối Yến vào đền Trình (Ngũ Nhạc linh từ) qua chùa Thiên Trù, động Tiên Sơn, chùa Giải Oan, đền Vân Song, động Hương Tích; tuyến đi động Tuyết Sơn, chùa Bảo Đài, động Chùa Cá...

Lễ hội chùa Hương bắt đầu từ thời Lê - Trịnh, khi các cung tần, công chúa đi trẩy hội đã công đức xây dựng chùa. Mùa xuân 1770, chúa Trịnh Sâm khi trẩy hội đã khắc lên vách đá động Hương Tích dòng chữ “Nam thiên đệ nhất động” (đệ nhất động dưới trời Nam). Thắng cảnh chùa Hương như một bức bích họa khổng lồ mà mỗi danh thắng là một nét chấm phá kỳ diệu làm say lòng biết bao người. Không chỉ vậy, chùa Hương còn có nhiều sản vật nổi tiếng: rau sắng, củ mài, bứa... Chẳng thế mà dân gian có câu: “Muốn cho da trắng má hồng/ Thì ăn rau sắng củ mài chùa Hương”. Chùa Hương đã trở thành đề tài muôn thuở của thơ ca. Nhiều tao nhân mặc khách đến đây vẫn còn để lại bút tích trước cảnh non nước hữu tình. Trong đó phải kể đến chúa Trịnh Sâm, bà chúa thơ nôm Hồ Xuân Hương, tiến sĩ Chu Mạnh Trinh, Tản Đà (Nguyễn Khắc Hiếu), nhà thơ Nguyễn Nhược Pháp, Chế Lan Viên và biết bao nhân vật nổi tiếng khác nữa, khó có thể liệt kê cho hết.


Động Hương Tích

Chùa Hương tựa chốn bồng lai tiên cảnh ngay trần thế: “Cảnh tiên cứ tưởng là tiên thật/ Thuở trước bồng lai cũng thế chăng?”, có lẽ vì thế tại đây đã sớm trở thành một trung tâm Phật giáo lớn của nước ta. Động Hương Sơn hay Hương Tích có nghĩa là dấu thơm, tương truyền là nơi Đức Nam Hải Quan Thế Âm Bồ Tát tu hành đắc đạo. Vào thời Lê Thánh Tông thế kỷ XV, có ba vị hòa thượng tới đây tu hành, hàng ngày vào động Hương Tích tọa thiền, tối lại ra Thiên Trù nghỉ ngơi, khi các vị viên tịch thì không ai còn danh tính. Năm 1687, niên hiệu Chính Hòa, Hòa thượng Trần Đạo Viên Quang tới đây tái lập cảnh Hương Sơn. Qua nhiều bước thăng trầm cùng với vận mệnh quốc gia, chùa Hương dần được xây dựng, mở mang với nhiều phật tử về lễ tụng và đã có những đóng góp vào sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc, xây dựng quê hương đất nước.

Chùa Hương, sự hội tụ của Thiên - Địa - Nhân làm nên một thắng tích đẹp như tranh, để ai đã từng đến đây lại ao ước có lần trở lại, còn những người chưa có dịp thả hồn mình trong cảnh trời đất giao hòa thì thật là: “Không đi lòng những vấn vương...”. Mùa xuân lại về, trẩy hội chùa Hương trở thành một nét đẹp văn hóa của người Việt, đây cũng là điểm du lịch thu hút nhiều khách quốc tế đến tham quan. Hy vọng thắng cảnh chùa Hương trở thành di sản thiên nhiên thế giới đang dần trở thành hiện thực.

» Ảnh đẹp
» Liên kết website
Search
» Từ điển Online
Từ cần tra:
Tra theo từ điển:
» Âm lịch