Hình ảnh
Lễ hội và Môi trường giáo dục tâm linh giữ gìn nếp sống văn hóa của dân tộc
18/12/2008 15:25 (GMT+7)
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

Lễ hội là dạng thức hoạt động văn hóa tổng hợp, đồng thời đây còn là một môi trường giáo dục tinh thần và phổ cập những giá trị văn hóa dân tộc trong nhân dân. Lễ hội liên quan hoặc có nội dung tôn giáo xuất phát từ nhu cầu tâm linh chính đáng của con người, đặc biệt là đối với những tôn giáo đã được bản địa hóa, đã có một quá trình thích nghi với đời sống của cộng đồng hay của địa phương.

Qua lễ hội, con người có dịp thăng hoa những giá trị đời sống nội tâm, có điều kiện hòa nhập vào không khí chung, từ đó tạo nên niềm vui chung của cộng đồng trong một làng quê, hay một vùng nào đó.

Cho nên, có thể nói từ xưa đến nay lễ hội là một trong những môi trường nhằm giáo dục nếp sống văn hóa một cách nhẹ nhàng, tế nhị, đặc biệt là với những lễ hội tại các di tích lịch sử - văn hóa lâu đời ở đất nước ta.

Từ xa xưa, các bậc tiền nhân đều đã có sự chú ý đến tính giáo hóa trong lễ hội, cho mọi người, cho trẻ em đến người lớn tuổi, từ tầng lớp bình dân đến giới trí thức. Không như giáo dục trên giảng đường, giáo dục trong lễ hội đặc biệt nhấn mạnh sự cảm hóa mỗi cá nhân theo nếp chung của cộng đồng mà cá nhân đó đang chung sống, kể cả những tập quán truyền thống của những thế hệ trước đã qua rất lâu trong lịch sử. Mỗi nền văn hóa, mỗi phong tục tập quán đều bắt nguồn từ những chuẩn mực giá trị được thiết định từ sâu xa trong lịch sử dân tộc, của đất nước. Dù muốn hay không thì mỗi thế hệ tiếp nối đều phải đón nhận sự chi phối ấy từ truyền thống lịch sử của dân tộc mình, trong đó có những tập quán tốt đẹp, những di sản văn hóa giá trị có tính dân tộc. Qua lễ hội, tính giáo dục cộng đồng, tập thể được mọi người đón nhận với thái độ cởi mở và hồ hởi hơn. Điểm quan trọng nhất trong các lễ hội lớn, dẫu có nội dung cổ truyền, tôn giáo, hay mang tính hiện đại, thì mỗi cá nhân tham dự một cách tự nguyện đều cảm thấy mình là thành viên không thể tách rời cộng đồng trong lễ hội ấy. Nếu các nhà tổ chức có cách tổ chức khéo léo, thích nghi, thì các lễ hội sẽ có sức thu hút lớn, thông qua những nghi lễ tôn giáo và những hoạt động hội có giá trị tư tưởng thẩm mỹ và nghệ thuật. Bởi mỗi khi cảm xúc trong mỗi cá nhân được gợi mở và dâng trào qua các hoạt động lễ nghi trong lễ hội, thì tính cá nhân sẽ bị xóa nhòa, mỗi tham dự viên sẽ cảm nhận mình thuộc về một cộng đồng thiêng liêng, cao quý. Điều đó sẽ in sâu vào tâm thức mỗi người, trở thành những dấu ấn khó phai nhòa.

Phần nghi lễ của ngày hội thường mang tính giáo dục và tưởng niệm sâu sắc. Đây là phần không thể thiếu trong bất kỳ lễ hội nào. Dù là hội lớn hay hội nhỏ cũng phải có phần nghi lễ với những nghi thức quy định rất chặt chẽ, nghiêm túc và thể hiện một cách rất công phu, đầy niềm tin sâu sắc. Phần nghi lễ này có rất nhiều loại hình khác nhau tùy thuộc vào nội dung lễ hội và tôn giáo, tín ngưỡng, kỷ niệm sự kiện lịch sử hay tưởng niệm danh nhân văn hóa, anh hùng dân tộc v.v… Yếu tố nghi lễ trong lễ hội là rất quan trọng, nó tạo nên giá trị tâm linh thiêng liêng, tính thẩm mỹ, hình thành một tâm thức chung cho cộng đồng tham dự lễ hội.

Nghi lễ trong lễ hội là tổng thể gồm những hoạt động văn hóa mang tính thiêng liêng. Nghi lễ này được hình thành từ phong tục tập quán của dân tộc, quan niệm của tôn giáo, đồng thời cũng còn chịu ảnh hưởng bởi tính thời đại.

Nghi lễ trong lễ hội tạo nên môi trường mà ở đó con người có thể có sự cảm thông với nhau, tạo ra sinh khí mới – đặc biệt là các lễ hội diễn ra vào mùa Xuân. Đồng thời lễ hội còn tạo nên môi trường sống hài hòa, đoàn kết xóm làng, khơi dậy niềm tự hào về truyền thống lịch sử, văn hóa của nơi diễn ra lễ hội. Lễ hội còn tạo điều kiện cho mọi người được trở về quê cũ, thăm lại dấu tích liên quan đến các anh hùng dân tộc, các sự kiện lịch sử, hay những vùng đất văn hóa… Hàng năm ở nước ta có rất nhiều lễ hội, như hội Chùa Hương, Chùa Thầy, Yên Tử, Chùa Bà Đen, Đền Hùng, Đền Gióng, Đền Kiếp Bạc v.v… đã thu hút rất đông người bản xứ cũng như khách thập phương nô nức trẩy hội.

Lễ hội của người Việt Nam chúng ta có những vẻ đẹp muôn màu, đậm dấu ấn văn hóa truyền thống. Trong lễ hội, mỗi người tự tìm thấy, tự cảm nhận được những giá trị của tâm hồn Việt. Có thể nói, lễ hội là môi trường góp phần giáo dục con người nhận thức về truyền thống văn hóa dân tộc để từ đó xây dựng môi trường sinh thái văn hóa ngày càng khởi sắc, trong xu thế nhân loại ở thế kỷ XXI – kỷ nguyên của trí tuệ và toàn cầu hóa.

Non Hương – Quý Đông

(VHPG, số 1 Xuân Ất Dậu, 2005)

» Ảnh đẹp
» Liên kết website
Search
» Từ điển Online
Từ cần tra:
Tra theo từ điển:
» Âm lịch