Tư liệu
Rèn luyện khả năng thuyết giảng
26/12/2008 17:15 (GMT+7)
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

TT.Thích Chân Quang

Một yếu tố quan trọng của việc hoằng pháp chính là khả năng thuyết giảng, vì vậy, việc trau dồi khả năng thuyết giảng thường xuyên là điều bắt buộc đối với một người làm công tác hoằng pháp.

Việc thuyết giảng bao gồm 4 yếu tố như sau:

- Thứ nhất là đạo lý sung mãn phong phú.
- Thứ hai là lối trình bày dễ hiểu, hấp dẫn, lôi cuốn.
- Thứ ba là kỹ thuật về âm điệu, giọng nói, tốc độ.
- Thứ tư là sức kết dính từ tâm hồn người giảng đến tâm hồn người nghe.

Đạo lý trong tâm người hoằng pháp phải tăng dần không có giới hạn, suốt đời. Càng về sau bài giảng lại càng mới lạ phong phú hơn. Muốn có nguồn đạo lý vô tận như thế thì người hoằng pháp phải biết tinh tấn tu hành và khiêm hạ học hỏi mãi. Tu hành thì phải đi theo hướng vô ngã. Càng vô ngã thì đạo lý càng vô tận. Việc học hỏi thì phải học bất cứ nơi đâu, bất cứ ai, bất cứ kinh sách nào xét thấy chân chính. Ngoài ra người hoằng pháp phải luôn đối chiếu những diễn biến xảy ra trong đời sống thực tế với giáo lý của Phật. Chính khi ta đối chiếu cuộc sống thực tế với giáo lý, ta sẽ củng cố trí tuệ và phát hiện nhiều điều mới mẻ.

Rồi những giờ phút ta chiến đấu với lỗi lầm của mình cũng sẽ giúp ta thêm nhiều kinh nghiệm về đạo lý. Những đạo lý này sẽ khiến cho bài giảng của ta thêm sống động hấp dẫn.

Yếu tố thứ hai là cách trình bày. Đạo lý dù hay cũng phải được trình bày một cách dễ hiểu. Muốn cho dễ hiểu, ta phải trình bày bài giảng một cách chi tiết, đừng trình bày tổng quát. Giảng sý phải biết chẻ vấn đề ra thành từng phần rất nhỏ khiến cho bài giảng trở nên dễ hiểu. Nhược điểm của một số giảng sý là không nhìn thấy vấn đề một cách chi tiết cặn kẽ nên hay nói qua loa tổng quát khiến người nghe khó tiếp thu. Vì vậy, người soạn bài giảng phải chịu khó mất thời gian tìm những ý chi tiết để cho bài giảng dễ hiểu. Để rèn luyện khả năng giảng dễ hiểu, ta phải tập soạn bài giảng chẻ nhỏ từng ý. Có khi ta đã thấy như vậy là đầy đủ lắm rồi, nhưng xin hãy khoan đi qua ý khác, hãy nán lại để tìm thêm chi tiết cho ý đó. Rồi ta sẽ thấy quả thật còn rất nhiều ý mà ta chưa nhìn ra, nếu bỏ đi vội, ta sẽ mất nhiều ý hay.

Rồi để giảng cho hấp dẫn, ta phải dùng hình ảnh để minh họa chứ đừng nói thuần lý thuyết. Ví dụ, thay vì nói “người biết khiêm hạ sẽ dễ chiếm được cảm tình của mọi người”, ta sẽ nói “như mảnh đất thấp đón lấy những dòng nước đổ về, cũng vậy, người khiêm hạ sẽ nhận lấy biết bao nhiêu thiện cảm”. Câu nói sau có những hình ảnh về mảnh đất, dòng nước làm cho sinh động hơn. Muốn sử dụng nhuần nhuyễn những hình ảnh trong thuyết giảng, ta phải tập viết nhiều lên giấy. Ta cứ đem các câu văn ở đâu đó nghe khô khan lý thuyết, viết lại thành các hình ảnh như thế. Lâu ngày ta sẽ có lối giảng giải đầy sống động.

Ta cũng biết đưa ra nhiều ví dụ chuyện kể để cho bài giảng lý thú. Muốn như vậy, ta phải biết lắng nghe cuộc đời, quan sát các sự kiện chung quanh, và thậm chí đọc các tạp chí. Với căn bản giáo lý có sẵn, ta sẽ dễ dàng phân tích các sự kiện các câu chuyện theo cái nhìn của đạo lý, và ta “sưu tập” câu chuyện đó để dành cho các bài giảng về sau. Ví dụ khi nghe chuyện có người bị trượt té vì nhớt của xe nào đi trước đổ lênh láng giữa đường; người đó lập tức mua cát rải lên vết nhớt để đừng ai bị té như vậy nữa. Chỉ câu chuyện này ta cũng đã phân tích được nhiều đạo lý. Nhưng nếu ta nghe câu chuyện nhỏ này mà tâm thờ ơ thì ta mất đi một ví dụ sinh động cho bài giảng.

Giọng nói cũng là một yếu tố quan trọng. Dù cho giảng hay mà giọng nói chát chúa khó nghe cũng thất bại vì không ai chịu nghe, cũng giống như ca từ hay mà ca sĩ trình bày quá dở thì không ai thích. Nhưng muốn cho có được giọng nói hay thì ta phải biết cách tạo ra. Cách để cho ta có được giọng nói hay là suốt đời lúc nào cũng sợ làm người khác buồn lòng, lúc nào cũng muốn cho người khác vui. Lâu ngày cư xử như vậy, giọng nói ta sẽ hay lên từ từ.

Tốc độ thuyết giảng cũng là vấn đề phải quan tâm. Thời đại bây giờ hầu hết ta đều sử dụng hệ thống tăng âm để có thể đủ nghe cho số đông. Qua hệ thống tăng âm, cảm nhận của người nghe sẽ khác so với cách ta nói. Ta nói với tốc độ vừa thì qua máy sẽ bị cảm nhận là nhanh; ta ráng nói cho lớn vì sợ người nghe nhỏ thì qua máy sẽ bị nghe là gào thét gằn giọng. Vì thế, ta cố gắng nói chậm hơn bình thường thì sẽ nghe vừa, nói nhỏ thì sẽ nghe êm ái.

Âm điệu của giọng nói cũng là yếu tố quan trọng góp phần làm cho bài giảng hay thêm. Dĩ nhiên là mỗi miền có giọng đặc trưng riêng, nhưng trong cái giọng riêng của mỗi miền đó cũng có người âm điệu hay, người âm điệu dở. Âm điệu là sự lên bổng xuống trầm của câu nói theo dấu thanh sắc của mỗi chữ. Ví dụ cùng một câu nói “những ai có lòng từ bi lớn sẽ yêu được cả cỏ cây”, nhưng mỗi người sẽ có điệu trầm bổng khác nhau khi phát âm. Người giảng thuyết phải tìm cho ra âm điệu trầm bổng tối ưu khi phát âm khiến cho giọng nói nghe hay như nhạc. Đây là năng khiếu riêng của từng người, khó truyền đạt, nhưng những ai biết về âm nhạc thì được lợi thế hơn, sẽ biết chọn độ cao cho mỗi chữ thật là khéo.

Độ dài của bài giảng cũng là yếu tố quan trọng. Mỗi ý phải được trình bày sao cho đừng dư mà cũng đừng thiếu. Thiếu thì giống như ta không làm tròn trách nhiệm, mà dư thì người nghe chán không muốn nghe lần sau nữa. Thông thường thì bài giảng chuẩn dài khoảng 90 phút. Nhưng nếu giảng cho các ngày sám hối ở chùa thì khoảng 45 hay 30 phút là được. Tuy nhiên, ta phải theo dõi sức khỏe của hội chúng, hoàn cảnh riêng trong buổi giảng mà điều chỉnh cho thích hợp. Nếu nhiều người già ngồi nghe không có ghế dựa thì nên chấm dứt sớm. Nếu có những nghi thức dài dòng phía trước thì ta cũng nên kết thúc sớm vì hội chúng đã ngồi quá lâu rồi. Nhiều người lợi khẩu có thể nói cả ngày và quên người nghe đã mệt mõi lắm rồi cứ nói mãi. Lần sau người ta thấy mình là họ không muốn nghe. Tuy nhiên, có những giảng sư siêu xuất thì giảng rất lâu mà người nghe vẫn không chán. Nhưng ta chưa phải siêu xuất thì phải biết nhìn trước nhìn sau mà kết thúc đúng lúc.

Một yếu tố vô hình nhưng cực kỳ quan trọng là sự kết nối tâm hồn giữa người giảng và người nghe. Phải làm sao trong suốt buổi giảng, tâm ta và tâm người nghe lúc nào cũng gắn chặt. Người nghe bị hút theo từng lời, từng ánh mắt, từng cử chỉ của giảng sư. Khi nào ta có thể tạo ra được sức kết dính như thế tức là ta đã thành tựu phẩm chất giảng sư khá tốt.

Muốn rằng mỗi khi thuyết giảng ta đều tạo ra sự kết dính tâm hồn như thế thì trong đời sống, ta phải luôn quan tâm thương yêu mọi người mọi vật. Lúc nào ta cũng nhận ra niềm vui nỗi khổ của người chung quanh, từ từ biết quan tâm niềm vui nỗi khổ của cả thế giới. Khi đã quan tâm được niềm vui nỗi khổ của mọi người rồi, ta cũng theo đó mà hay giúp đỡ mọi người trong khả năng có thể làm được. Lâu ngày ta có được cái phước, cái phước đó khiến cho tâm ta có sức hút vào tâm của người khác.

Sau này mỗi khi thuyết giảng, tự nhiên tâm ta và tâm người nghe dễ kết gắn với nhau khiến cho buổi giảng dễ thành công.

Thêm một phương pháp khiến cho ta có tự tin khi bước lên bục giảng, đó là, trước khi giảng, ta nhủ thầm trong tâm rằng ta thương yêu và tôn trọng tất cả mọi người đang có mặt ở đây. Tâm niệm đó khiến ta có phước và phước đó cũng giúp ta gắn kết tâm hồn với người nghe.

Trên đây là những gợi ý nho nhỏ mà chúng con xin đóng góp vào buổi hội thảo hoằng pháp của Ban Hoằng pháp Trung ương. Kính mong chư tôn đức gia hộ cho chúng con trên bước đường tu học và làm Phật sự được nhiều thắng duyên. Chúng con kính chúc chư tôn đức vạn an, và xin chúc tất cả khách quý nhiều niềm vui với đạo pháp.

» Ảnh đẹp
» Liên kết website
Search
» Từ điển Online
Từ cần tra:
Tra theo từ điển:
» Âm lịch