Tư liệu
Những điều cần thiết để giáo lý Đức Phật đi vào đời sống
26/12/2008 17:15 (GMT+7)
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

TT. THÍCH MINH THIỆN
(Ủy viên Ban Hoằng pháp TƯ)

1. TIỂU DẪN

Thực hiện lời di huấn thiêng liêng của Đức Thế Tôn: "Này các Tỳ kheo, hãy đi truyền bá Chánh pháp khắp hết thảy mọi nơi. Hãy đi một nơi một người, đừng đi một nơi hai người, hãy nỗ lực truyền bá Chánh pháp không biết mỏi, làm cho Chánh pháp của Như Lai ăn sâu vào tâm thức của mọi loài chúng sanh". Qua đây ta có thể nhận thấy Đức Phật muốn gởi bức thông điệp đến những đệ tử của Ngài: Hãy đem giáo pháp truyền bá rộng khắp, đó là nhiệm vụ chính. Để tiếp nối sự nghiệp hoằng pháp, đối với người đệ tử Phật, hoằng pháp không chỉ là nhiệm vụ riêng của chuyên ngành mà đã trở thành nhiệm vụ chung của cả người xuất gia lẫn tại gia đệ tử Phật, mọi người phải có trách nhiệm làm cho ánh sáng của đạo Phật lan tỏa khắp nơi. Đây là một nhiệm vụ vô cùng cao quý. Hơn nữa, nhiệm vụ của người xuất gia là:

"Hoằng pháp vi gia vụ,
Lợi sanh vi bổn hoài"

Đây chính là phương châm hành động của hàng Tăng sĩ trên bước đường phụng sự chúng sanh, theo tinh thần Tự lợi – Lợi tha – Vô ngã của người con Phật. Bằng chí nguyện "Thượng cầu Phật đạo - hạ hóa chúng sanh", lấy việc tu học làm chính, phối hợp hài hòa với những kinh nghiệm trong đời sống để trau dồi khả năng truyền đạt giáo lý Phật Đà. Nhằm kế thừa sự nghiệp hoằng pháp trong tương lai, Tăng Ni giảng sư nên tâm niệm và ghi nhớ lời Phật dạy: "Chư Tăng tắm mình trong Chánh pháp, thực hành Chánh pháp, suy nghĩ công cuộc hoằng pháp lợi sanh, chư Tăng ấy không bao giờ phí tổn cuộc đời".

Lịch sử đã chứng minh, đạo Phật có công năng đưa con người đến Chơn, Thiện, Mỹ; chuyển hóa nghiệp thức từ ác trở nên hiền, từ phàm phu trở nên Thánh nhân. Nội dung giảng dạy của vị sứ giả Như Lai không ngoài hai nhiệm vụ cao cả: Đạo đức và Giải thoát, dựa trên nhân quả thế gian và xuất thế gian, đưa ra phương pháp tu tập, xóa bỏ dần những định kiến sai lầm, phá vỡ những kiến chấp từ lâu đời. Nhiệm vụ của giảng sư là khai thông đạo lý cho thính chúng phù hợp với con đường tu, tiến đến mục tiêu giác ngộ giải thoát.

Ngày nay, chúng ta đang sống ở thế kỷ XXI với nền khoa học ngày một phát triển rực rỡ thì giáo lý của đạo Phật lại ngày càng tỏ ra khế hợp với khoa học và phục vụ nhân sinh. Nhìn vào bối cảnh xã hội đang thay đổi từng ngày, từng giờ, người làm công tác hoằng pháp cần phải có những bổ sung tùy duyên phù hợp với nhu cầu của con người và xã hội sao cho đạo lý Từ bi và Trí tuệ Phật Đà đi vào đời sống thực tiễn, đem lại an bình cho chúng sinh.

Trong thời đại khoa học phát triển như hiện nay, bên cạnh sự phát triển đó, xã hội phải đương đầu với nhiều tệ nạn: ma túy, mại dâm, ly hôn, tham lận…, lối sống hưởng thụ, sa đọa đã làm cho nền tảng đạo đức đang có nguy cơ bị lãng quên. Vậy trách nhiệm này là thuộc về ai? Trong tình hình này, rất cần bàn tay Từ bi và Trí tuệ của đạo Phật giúp xoa dịu những nỗi đau của xã hội, ngành Hoằng pháp đang đứng trước một thử thách lớn, là phải góp sức thế nào để mọi người thấm nhuần đạo đức, sống đạo đức và làm việc đạo đức. Với bối cảnh xã hội như thế, hoằng pháp phải mang tính thiết thực, phù hợp với thời đại mà không mất đi cốt lõi của Chánh pháp.

Như thế, dù ở bất cứ vị trí nào, Tăng Ni giảng sư cũng cần chọn cho mình một hướng đi đúng đắn. Nuôi dưỡng chí nguyện hoằng pháp, có năng lực, có nhiệt tình hoằng pháp là một trong những điều kiện rất quan trọng. Muốn hạt giống Bồ đề ngày càng đâm chồi nẩy lộc, chí nguyện hoằng pháp ngày càng vững chắc, kiên cố thì chúng ta phải luôn suy nghiệm về Chánh pháp và giữ oai nghi thuần thục, luôn ghi nhớ lời Phật dạy: "Này các Tỳ kheo, hãy đem lại sự tốt đẹp, hoằng pháp lợi ích cho nhiều người, hãy hoằng dương Chánh pháp toàn hảo ở đoạn đầu, đoạn giữa và đoạn cuối, toàn hảo cả trong tinh thần và văn tự. Hãy công bố đời sống thiêng liêng, cao thượng và toàn thiện" (Kinh Mahà vagga-sanyatta- Nikaya). Do đó, Ban Hoằng pháp THPG Long An xin đơn cử một số yếu tố cần thiết của vị giảng sư trong thời hiện đại là:

2. CÁC YẾU TỒ CẦN THIẾT CỦA MỘT GIẢNG SỰ THỜI HIỆN ĐẠI

2.1. Sức khỏe:
Sức khỏe là điều rất cần thiết đối với con người. Chính nhờ có sức khỏe tốt mới hoàn thành được công việc, nhất là công việc hoằng pháp. Người khoẻ mạnh mới có trí nhớ tốt về giáo lý của Đức Phật. Có sức khỏe tốt, ta mới đến được những vùng sâu, vùng xa mà thuyết giảng, đem ánh sáng trí tuệ và tình thương đến cho mọi người. Do đó, người làm công tác hoằng pháp cần phải có phương pháp luyện tập thể lực và ý chí cho mình để phục vụ Phật sự lâu dài.

2.2. Đạo đức:
Đạo đức là điều rất cần thiết đối với các nhà truyền giáo, nhất là người truyền đạt giáo lý của Đức Phật. Vị giảng sư muốn thực hiện hoài bão hoằng pháp đem giáo lý Phật Đà đến với mọi người, trước tiên phải rèn luyện ý nghĩ, lời nói, hành động có oai nghi phẩm hạnh đạo đức tốt. Vì người giảng giáo lý có tư cách đạo đức tốt sẽ làm tăng thêm niềm tin cho người nghe qua thân giáo, khẩu giáo và ý giáo. Làm sao mỗi thành viên phải tôi luyện bản thân đủ tiêu chuẩn người làm công tác hoằng pháp, hiện tại phải thể hiện nếp sống giải thoát trong đời sống hàng ngày qua cử chỉ, ngôn ngữ, (thân - khẩu - ý) giáo. Có như vậy ta mới đi sâu vào lòng người, thể hiện Tứ nhiếp pháp để làm lợi ích cho chúng sanh.

2.3. Tri thức:
Nếu có sức khỏe, đạo đức mà thiếu về tri thức về Phật học hay xã hội thì việc hoằng pháp trở nên yếu đi, không phát huy được giáo pháp của Đức Phật. Thiếu tri thức khó biểu đạt được điều muốn nói và làm rõ Chánh pháp. Tri thức ở đây là sự hiểu biết về kiến thức Phật pháp và trình độ thế học, tiếp cận với nền văn minh hiện đại. Trên tinh thần: "Duy tuệ thị nghiệp", nhất là trong thời đại khoa học ngày nay, người đời có trình độ thế học khá cao về lý luận, về khoa học, văn hóa, chính trị, xã hội… cho nên người hoằng pháp phải biết vận dụng kiến thức thế học và những vấn đề của xã hội, phối hợp hài hòa, lý giải rõ ràng mạch lạc để người nghe chấp nhận thì việc giảng pháp sẽ có kết quả cao hơn. Chính vì thế, tri thức rất cần cho hàng Tăng Ni trẻ hoằng pháp trong tương lai.

Ngoài ba điều kiện trên, đòi hỏi người làm công tác hoằng pháp còn phải có đức tính kiên nhẫn, cần cù chịu khó, giàu tình thương, biết hy sinh vì Phật pháp. Không nên vì lợi ích cá nhân mà quên đi sứ mạng của mình, đem ánh sáng tuệ giác, tình thương của đạo Phật đến với mọi người. Bên cạnh đó, vị sứ giả Như Lai phải biết lắng nghe những ý kiến đóng góp mà rút kinh nghiệm làm bài học cho việc giảng pháp được hoàn chỉnh. Trong đời sống cũng như khi thuyết giảng không nên bài xích tôn giáo khác, không nói xấu lẫn nhau, mà phải cùng nhau đoàn kết truyền bá Chánh pháp làm gương cho tín đồ Phật tử noi theo. Có thể nói công đức lớn nhất của người làm công tác hoằng pháp chính là không để "DANH-LỢI-QUYỀN" dính mắc vào đời tu của mình.

Vị giảng sư còn phải biết nâng cao khả năng chuyên môn viết lách, soạn thảo bài giảng, giúp cho ngôn từ được mạch lạc và phong phú hơn. Thường xuyên đọc kinh sách và sưu tầm tài liệu có liên quan đến việc giảng dạy để làm minh chứng trong khi giảng pháp. Phải chuẩn bị thật kỹ cho những chuyến đi gần hoặc xa, không nên đợi đến nơi mới nói sơ sài qua loa, làm giảm chất lượng thời pháp. Mỗi khi giảng, nội dung thời pháp phải đưa ra được những vấn đề thực tế trong đời sống. Không nên nói suông, lý thuyết quá nhiều làm cho bài giảng sáo rỗng; phải nói thực tế, chứng minh rõ ràng phù hợp để người nghe chấp nhận thực hành theo.

Ngoài ra, người làm công tác hoằng pháp phải có cái nhìn tổng quát khi đến các đạo tràng, thuyết giảng phù hợp trên tinh thần khế lý – khế cơ, nên "nói điều người ta cần, nói điều mình có thực tập, chớ không phải chỉ nói điều mình biết". Ở những khu đông dân cư như thành phố, thị xã,… Phật tử hiểu biết nhiều về giáo lý, cho nên ta có thể nói những điều thâm thúy ngôn ngữ mang tính cách văn chương. Ở vùng nông thôn xa xôi, không thể nói như ở phố thị, mà phải giảng những điều dễ hiểu, gần gũi nhất với họ và dùng từ ngữ khéo léo cho phù hợp với đạo tràng ở địa phương đó, để mọi người tiếp thu mà áp dụng tu tập có kết quả.

Bên cạnh đó, để việc hoằng pháp được phổ biến lan rộng, mỗi tự viện cố gắng lập một thư viện (nhỏ cũng được), với nhiều tài liệu Phật học để Phật tử có thể tham khảo. Trong những thư viện này, kinh sách, băng giảng phải có chọn lọc, giúp mọi người hiểu biết thêm về Phật pháp, góp phần xây dựng Phật giáo Việt Nam vững mạnh, bài trừ những hình thức mê tín dị đoan.

Nếu có thể, vị giảng sư nên biết về "Ngũ minh" khéo dùng phương tiện hướng dẫn người làm điều có ích trong đời sống để họ đến với Phật pháp. Những nơi khó khăn về vật chất, người dân đang gặp cảnh đói khổ, nếu giảng đạo chắc họ khó nghe, cho nên người hoằng pháp phải trải lòng thương yêu rộng lớn, kêu gọi các nhà hảo tâm ở những nơi khá giả đóng góp, giúp đỡ cho họ vượt qua khó khổ, có việc làm với cái ăn, cái mặc, rồi sau đó ta thuyết pháp thì họ mới chịu nghe. Làm được vậy thì công tác hoằng pháp sẽ ngày một mạnh hơn.

3. KẾT LUẬN

Tóm lại, hoằng pháp độ sanh là một trong những vấn đề chính yếu được đặt lên hàng đầu trong sinh hoạt Phật giáo. Đạo Phật tồn tại và phát triển được cũng nhờ vào hiệu năng trong việc hoằng pháp. Tăng Ni thế hệ trẻ là nhân tố kế thừa rất quan trọng mà Giáo Hội cần có giải pháp đào tạo thật kỹ, trang bị cho họ nhiệt tình hoằng pháp, có năng lực hiểu biết về nội ngoại điển, có khả năng sử dụng phương tiện truyền thông hiện đại để hoằng pháp, sẵn sàng đi đến những nơi vùng sâu, vùng xa. Người hoằng pháp phải là người thực sự phát tâm cống hiến đời mình cho lý tưởng phục vụ vì chúng sanh, như tiêu chí ngành Hoằng pháp đề ra: "Nơi nào chúng sanh cần ta đến, nơi nào Đạo pháp cần ta đi, Giáo hội cử thì ta vâng, chẳng kể gian lao, không từ khó nhọc".

Vài điều trăn trở, chúng tôi xin kiến nghị lên chư tôn đức lãnh đạo các cấp Giáo hội cần có kế hoạch tận dụng hết nguồn nhân lực có thực tài, có tâm huyết phục vụ Giáo hội, đó là đội ngũ Tăng Ni trẻ đang học tại các trường Phật học, bằng cách trang bị đầy đủ tư lương cho đội ngũ Tăng Ni hiện đang đi học về kỹ năng hoằng pháp, nghi lễ, xướng ngôn viên,… để sau khi tốt nghiệp, nếu không tiếp tục học lên cao mà phải về chùa của mình, nhất là những nơi xa xôi, hẻo lánh vẫn đủ sức đáp ứng nhu cầu, hướng dẫn Phật tử tại bổn tự một cách hiệu quả.

Và chúng tôi cũng thấy rằng, vị giảng sư khi đi giảng ở vùng sâu, vùng xa, những nơi bà con Phật tử gặp hoàn cảnh khó khăn, nếu có thể cũng nên liên hệ với các đoàn từ thiện xã hội, ủng hộ bà con vùng lũ lụt, bà con gặp thiên tai, đói khổ, những khi mùa vụ thất bát… để người dân "đã tin càng thêm mến", đạo Phật là đạo cứu khổ ban vui.

Kính bạch chư tôn đức,

Kính thưa quý đại biểu,

Vì thời gian có hạn, Ban Hoằng pháp THPGLA xin trình bày khái quát những yếu tố cần thiết của vị giảng sư trong thời hiện đại, nếu chúng con có điều sơ sót, kính mong chư tôn đức và quý đại biểu niệm tình thứ lỗi và đóng góp, chỉ dạy cho chúng con. Nguyện hồng ân Tam bảo gia hộ chư tôn đức và quý đại biểu pháp thể khinh an, chúng sanh dị độ, Phật sự viên thành. Kính chúc Tọa đàm thành công tốt đẹp.

» Ảnh đẹp
» Liên kết website
Search
» Từ điển Online
Từ cần tra:
Tra theo từ điển:
» Âm lịch