Tư liệu
Một vài suy nghĩ về vấn đề "Hoằng pháp ở vùng sâu vùng xa"
26/12/2008 17:15 (GMT+7)
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

Thích Minh Vũ
(Thành viên BHP tỉnh Bình Dương)

Hoằng pháp là nhiệm vụ quan trọng của người tu sĩ Phật giáo. Chư Phật cũng như chư Bồ tát đều có những hạnh nguyện cao cả như thế. Ngày xưa, Tổ Bồ Đề Đạt Ma vượt ngàn dặm xa xôi từ xứ Ấn Độ sang Trung Quốc truyền giáo. Trong lịch sử có biết bao vị Tổ đã không quản gian lao khó nhọc để đến với những đất nước xa xôi như Tây Tạng cao ngất hay nước Nga giá rét...

Nhận xét về nhiệm vụ hoằng pháp, cố Hoà thượng Thiện Hoa đã nói: “Người hoằng pháp không sợ gian lao, không từ khó nhọc”. Hoà thượng Trí Quảng cũng dạy: “Hoằng pháp ở vùng sâu xa, trình độ văn hóa người dân ở đó kém ta, chắc chắn họ dễ nghe, dễ chấp nhận ta nên ta dễ phát huy năng lực...”.

Là nguời con Phật, ngoài mục đích tu tập giải thoat, chúng ta phải lập hạnh lợi tha. Tùy theo khả năng, trình độ, hoàn cảnh bản thân mà chọn cho mình những phương pháp phù hợp để làm Phật sự một cách hiệu quả nhất, hoàn thành trách nhiệm của một sứ giả Như Lai, xứng đáng với ngôi Tam bảo.

Trong khi ở những vùng đô thị có rất đông Tăng Ni tập trung về tu học và làm việc, những ngôi chùa trong thành phố dày đặc những khoá tu, những lớp giáo lý thường xuyên v.v..., thì ở những vùng nông thôn xa xôi lại thiếu vắng những bóng áo nâu, áo vàng của Tăng Ni. Những ngôi chùa rêu phong kín cổng, những lớp giáo lý, những buổi thuyết pháp càng hiếm hoi, người dân chỉ biết đến chùa những ngày rằm. Tăng Ni chỉ có vai trò trong việc cúng bái khi hữu sự ma chay v.v... Người dân nông thôn rất cần có những tấm lòng đại bi, đại trí, mang ánh sáng Phật Đà đến với vùng sâu, vùng xa, cho những con người quanh năm cúi mặt vào bờ ao mảnh ruộng cũng muốn ngẩng lên tìm nẻo sáng Phật pháp.

Trước thực trạng như thế, một phương án hoằng pháp cho vùng nông thôn từ lâu đã được chúng tôi trăn trở ấp u, rất mong có ngày được trình bày, được áp dụng, ngõ hầu mang ánh sáng Phật Đà soi cùng mọi nẻo, đem lại chút lợi lạc cho những mảnh đời của người dân vùng nông thôn, được tiếp cận với Chánh pháp mà tu tập cải thiện đời sống tốt đẹp an lành hơn.

Người có tâm nguyện về hoằng pháp thì sẽ không ngại khó, ngại khổ, không cân đo quyền lợi, không tính toán thù lao. Phải phát nguyện nghiêm túc, như một lời thề, như thế sẽ có thêm sức mạnh bản thân, đồng thời thêm lực gia hộ từ chư Phật, chư Thiên. Không phát nguyện đàng hoàng, chúng ta vui làm buồn bỏ, không cố gắng giữ uy tín. Từ tâm nguyện nhiệt tình này sẽ chiêu cảm những thứ khác. Thí dụ, chúng ta sẽ ham học hỏi, nghiên cứu giảng dạy cho sâu sắc, cố gắng giảng dạy sáng tạo hấp dẫn, dễ hiểu, tìm thêm các hoạt động khác lôi cuốn người học đến chùa... Nói chung, nhiệt tình là cái gốc của sự dấn thân, khi dấn thân sẽ xoay xở để vượt qua mọi khó khăn. Có nhiệt tình rồi, có thêm năng khiếu nữa thì sẽ thành công. Thực tế, trong Tăng đoàn chúng ta, số người có năng khiếu giảng dạy không nhiều lắm. Tuy nhiên, trong trường hợp ít năng khiếu mà có nhiệt tình thì việc hoằng pháp cũng được bù đắp ít nhiều, bù đắp từ việc nghiên cứu, học hỏi tài liệu, từ việc mày mò sáng tạo như chuẩn bị giáo án chu đáo, làm thêm những mô hình minh hoạ cho bài học, cắt dán tranh ảnh vui mắt dễ thuộc, khiến cho Phật tử thích thú, không buồn ngủ. Tóm lại, giảng sư không có năng khiếu cũng đừng sợ, cứ mạnh dạn vào cuộc dần dần cũng có những thành công khả quan.

Giảng sư phải rèn luyện, học tập, cập nhật những thông tin mới, tiếp cận với những hơi thở cuộc sống và con người hôm nay, thì mới tìm cách thuyết phục thính chúng. Cho nên, bên cạnh học nội điển, chúng ta còn ủng hộ việc học ngoại điển, việc đọc báo, xem thời sự... Mục đích không phải để tham luyến mà để quan sát cuộc sống, tìm lối đi phù hợp cho việc hoằng pháp.

Phước đức, đây mới là tiềm ẩn phía sau, gần như quyết định sự nghiệp giảng sư. Người có phước đức lớn, từ nhiều đời nhiều kiếp, nổi tiếng ngay, thuận lợi đủ bề. Người kém phước thì gặp nhiều nghịch duyên, thậm chí muốn lên giảng cho người ta cũng không được vì không đủ hảo tướng, hoặc hạn chế về ngôn ngữ, hoặc không được ủng hộ… Tuy nhiên, với tâm huyết mạnh mẽ, chúng ta có thể chuyển nghiệp được. Có người cứ cần mẫn làm công tác chùa cho huynh đệ, chuyện nhỏ lớn gì cũng không từ nan, tích luỹ phước đức để sau nầy thực hiện hoài bão, vì có phước đức thì tự nhiên sanh năng khiếu, sanh sự sáng tạo, trí thông minh học hỏi và những thuận duyên khác nữa. Ngược lại, chúng ta có sẵn phước đức mà không biết giữ gìn, lại còn làm hao tổn đi, như chê vùng khó khăn, ganh tỵ với đồng nghiệp, kiêu căng mất oai nghi phẩm hạnh… thì việc hoằng pháp cũng bị gãy đổ. Vị ấy sẽ không đạt được tâm nguyện hoằng pháp.

Người nông dân ở nông thôn rất hiền lành chất phác, tất nhiên họ thích nói giản dị, dễ hiểu hơn là dùng chữ nghĩa văn hoa. Đôi khi giảng sư phải học những phương ngữ nơi vùng đất ấy, sẽ tạo thêm thiện cảm với họ, hoặc tìm hiểu hoàn cảnh của vài nguời, rồi dẫn chứng họ rất cảm động, nghĩ rằng giảng sư quan tâm đến họ. Người nông dân học chậm nhưng tâm hồn lại thuần khiết, nên giảng dạy cái gì họ tiếp thu trọn vẹn cái đó. Không cần dạy nhiều, chỉ xoáy vào trọng tâm cuộc sống là đủ để giúp họ có cái nhìn đúng đắn với đạo.

Người dân ở nông thôn dễ thuyết phục, vốn đã có sẵn đức tin mạnh mẽ và thuần khiết. Đây là một trong những thuận lợi lớn dành cho chúng ta khi về hoằng pháp ở nông thôn. Người bình thường có đức trí mới hiểu được điều thiện ác. Có đức tin mới dẫn chúng ta đến với con đường giác ngộ giải thoát. Có đức tin mạnh mẽ và thuần khiết mới dứt được khổ đau.

Đạo Phật vốn đã bắt rễ sâu xa vào đời sống đa số người dân Việt Nam. Giáo lý đạo Phật phù hợp với tâm thể con người Việt Nam, ảnh hưởng sâu xa đến đạo đức, cách sống của người dân nông thôn thuần phác. Do đó, gieo hạt giống nhà Phật đến vùng nông thôn, chúng ta đã có một mảnh đất màu mỡ, hứa hẹn nhiều bội thu tốt đẹp.

Đặc biệt, chúng ta cần chú ý đến đội ngũ trí thức nông thôn như các thầy cô giáo, một số công chức, những nông dân trẻ có trình độ… Bộ phận này tuy không nhiều lắm nhưng họ lại có uy tín trong địa phương, cảm hóa được họ thường mang lại nhiều kết quả, bởi họ sẽ có những tiếng nói hỗ trợ chúng ta sau này. Trí thức nông thôn vừa mang tính chất nông dân đôn hậu, lại vừa mang tính tiến bộ của thời đại, tiếp xúc với họ thì khá dễ dàng và thú vị.

Vùng nông thôn có rất ít những sinh hoạt văn hoá giải trí, người dân nhàn rỗi thời gian, nếu chùa có những sinh hoạt tinh thần bổ ích thì rất dễ thu hút họ đến chùa.

Chính vì vậy việc, bên cạnh việc hoằng pháp chúng ta nên kết hợp tổ chức sinh hoạt lễ hội, đánh thức nông thôn, cũng là đánh thức ngôi chùa và ngôi chùa trở thành một trung tâm văn hóa làng xã. Không phải chúng ta phá bỏ nếp sống tu hành yên tĩnh của người xuất gia, khi nào cần tĩnh thì tĩnh, khi nào cần động thì động, miễn sao tĩnh động phải đúng lúc, với mục đích hoằng pháp.

Làng quê không có trung tâm văn hóa cho người dân, nên chùa chiền cần được tận dụng, nhờ thế ngôi chùa trở nên gần gũi, và có gần gũi thì chúng ta mới dễ hoằng pháp. Chỉ cần chúng ta biết kiên nhẫn, chịu khó, cộng thêm một chút sáng tạo thì chùa sẽ thu hút mọi người: như tổ chức học giáo lý theo mô hình đố vui hoặc hái hoa dân chủ thì phù hợp hơn; soạn những giáo án, tài liệu, gồm những câu hỏi đáp ngắn gọn, theo kiểu đề cương thi, không nên tham soạn bài nhiều, và bài cao, thà đi chậm mà chắc, học cái nào ra cái đó, học thiết thực, lợi ích cho cuộc đời của họ. Nhưng tuỳ theo từng địa phương mà chúng ta phải thay đổi mô hình tổ chức sao cho phù hợp: như địa phương Phật tử trí thức tham gia khá đông, đặc biệt lứa tuổi từ 20-40 tuổi, vừa có kiến thức tốt, vừa có sự chững chạc tự tin, đạo tràng như thế khá lý tưởng, nên soạn bài cao hơn; còn địa phương toàn là thanh thiếu niên thì công tác hoằng pháp của chúng ta cần phải tích cực hơn, chính chúng ta phải chủ động tìm cách tiếp cận các em chớ không thể thụ động chờ các em tự đến với mình. Cần thay đổi quan niệm mà hiện nay nhiều vị đang chấp chặt, đó là ai cầu pháp thì mới thuyết giảng cho họ, giáo pháp là quý báu, không phải năn nỉ người ta học, sẽ giảm giá trị. Chúng ta nhớ lại, lúc Đức Phật thành đạo dưới cội cây bồ đề, tại sao Ngài không ngồi tại chỗ đó chờ người đến cầu pháp, mà ngài phải lặn lội trở về vườn Lộc Uyển tìm gặp năm anh em Kiều Trần Như thuyết giảng cho họ? Người tự giác đi cầu pháp là người căn tánh đã thuần nhiều đời nhiều kiếp, chúng ta khỏi lo lắng, còn người căn tánh chưa thuần thì chúng ta mới sợ họ đi vào con đường xấu, càng nỗ lực giúp họ chứ đừng câu nệ ai đi tìm ai. Chúng sanh mang tâm bệnh, chúng ta cần dỗ dành cho họ thuốc giáo pháp, vì thương họ mà chịu khó. Tuy nhiên, vấn đề không đến nỗi khó khăn như chúng ta tưởng. Thực tế tiếp cận với các em dễ hơn người lớn tuổi. Thứ nhất, các em rất mau thân thiện, ít rụt dè cảnh giác, đôi khi chỉ nụ cười là đủ lôi kéo các em đến gần. Thứ hai, rất dễ sử dụng các trò chơi, quà bánh thu hút các em; trẻ em nào cũng thích vui vẻ nô đùa, ăn uống. Làm sao cho các em thấy đến chùa còn nhiều thứ vui khác chứ không đặt vấn đề học pháp quá khô khan, nặng nề. Dĩ nhiên, mục đích của chúng ta là học pháp, nhưng đồng thời cũng lồng vào những chuyện vui khác, không nên thiết lập giảng đường, pháp toà quá trang trọng, căng thẳng khiến các em sợ. Hiện nay, chương trình học trong nhà trường đã quá nặng nề rồi, đừng nên gây cho các em ấn tượng về chữ học nữa, phải biến buổi học thành một buổi học ngoại khóa sinh động, cứ như vừa chơi vừa học thì các em tham gia ngay. Ngược lại, chính người dạy pháp cũng sẽ cảm nhận không khí nhẹ nhàng từ lớp học, bản thân thấy trẻ trung, sinh động hơn. Hoằng pháp không còn là công việc nặng nề, mà trở thành công việc yêu thích, thư giãn lạ lùng.

Trên đây là những thuận lợi và khó khăn từ phía đối tượng hoằng pháp. Còn những thuận lợi và khó khăn từ phía người đi hoằng pháp nữa (ở đây xin nói riêng một chút về Tăng Ni trẻ) ví dụ như: Tăng Ni trẻ chúng ta có thuận lợi là sức khỏe, lòng nhiệt tình, sức sáng tạo, có thể “bám trụ lâu dài”, đủ khả năng làm cách mạng. Tuy nhiên, tuổi trẻ cũng là điểm thuận lợi, cũng là điều khó khăn. Trong tôn giáo, sự tín ngưỡng là rất quan trọng, truyền thống phương Đông bắt người già kính ngưỡng người trẻ là điều rất khó khăn. Tin tưởng giao trọng trách cho người trẻ là rất khó. Do vậy, ngoài việc có khả năng trình độ thực sự, vấn đề thân giáo, đạo đức Tăng Ni trẻ cần được quan tâm hết sức cẩn thận, sâu sắc. Đạt được điều này là một thử thách lớn với chúng ta.

Trên đây là một vài suy nghĩ ban đầu của người viết trong việc hoằng pháp ở vùng sâu vùng xa. Chúng tôi rất mong mỏi các vị Tăng Ni trẻ, với sự nhiệt tình sáng tạo, không ngại khó, ngại khổ sẽ đem ánh sáng giáo pháp đến những miền quê xa xôi còn thiếu thốn trăm bề.

» Ảnh đẹp
» Liên kết website
Search
» Từ điển Online
Từ cần tra:
Tra theo từ điển:
» Âm lịch