Tư liệu
Chánh Pháp
26/12/2008 17:15 (GMT+7)
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

TT. Thích Phước Tú
(Trưởng BHP tỉnh Vĩnh Long)

Từ lâu đã có Ban Hoằng pháp trên đất nước Việt Nam. Nhưng cần phải phân biệt thế nào là Pháp, là “Chánh pháp” thì người hoằng pháp mới thực hiện một cách đúng đắn, chính xác. Đây không thể là một vấn đề chung chung được. Có những vị gọi là thuyết pháp hay, giỏi, nhưng liệu đó có phải là “Chánh pháp” chưa hay chỉ là ăn hay nói giỏi thôi, còn Chánh pháp thì chưa có gì gọi là. Chánh pháp và tà pháp phải rõ ràng, không lấp lửng. Chúng tôi nghĩ, Ban Hoằng pháp phải làm sáng tỏ việc này, phân tích rạch ròi để người hoằng pháp nắm vững và người nghe pháp phân biệt sáng tỏ mà đón nhận, không có sự nhầm lẫn đáng tiếc xảy ra, thế mới không uổng công tổ chức của Ban Hoằng pháp.

Chúng tôi cho rằng, trong đạo Phật Việt Nam hôm nay có nhiều hệ phái, nhiều tông phái, thì khi diễn nói đâu là chính xác Chánh pháp, đâu là không?

Người nghe sẽ không có cơ sở mà xác định tìm ra tiêu chuẩn cho pháp, để gọi là diễn nói Chánh pháp.

Ngay trong kinh điển, việc xác định về Chánh pháp cũng không đồng bộ. Kinh điển Nam truyền thì xác định Tứ đế là Chánh pháp, rồi ở hệ thống Bắc truyền thì tùy theo kinh mà xác định Chánh pháp. Ở mỗi tông phái cũng xác định Chánh pháp theo cách riêng, như Thiền tông gọi “Chánh pháp nhãn tạng, Niết bàn diệu tâm, thật tướng vô tướng”. Lại thêm có các cá nhân riêng rẽ tự cho là thế này, thế khác, xếp cái này là Tiểu thừa, cái kia là Đại thừa. Vậy Đại Tiểu cái nào là Chánh pháp? Tông này hay tông kia là Chánh pháp, kinh này hay kinh khác cái nào là Chánh pháp, pháp tu này hay pháp tu khác cái nào là Chánh pháp v.v…? Thế thì dầu muốn dầu không cũng rơi vào rối rắm. Làm sao cho Chánh pháp được đúng là Chánh pháp, để sự nghiệp hoằng pháp có kết quả, không bấp bênh, không mơ hồ, không bị người xấu lợi dụng làm sai lệch Chánh pháp.

Về việc xây dựng tiêu chuẩn cho Chánh pháp, chúng tôi xin đề nghị:

Thứ nhất: Những tiêu chuẩn này phải thực sự trung thực, vô tư, phải được hầu hết Tăng giới chấp nhận, nhất là phải được các vị cao đức duyệt qua. Đây là việc làm khó, nhưng nếu thực hiện được thì thật là một việc làm rất tốt cho riêng Ban Hoằng pháp, và chung cho đạo Phật Việt Nam, là một nét văn hóa văn minh khoa học cho thời đại hôm nay và mai sau.

Thứ hai: Chánh pháp không mang tính thời đại, xã hội, và cả quốc gia dân tộc, mà phải chung cho mọi thời đại, tất cả con người. Vì Chánh pháp phải là chân lý, mà chân lý thì phải xuyên thời gian và suốt không gian.

Thứ ba: Khi biên soạn “Tiêu chuẩn Chánh pháp” thì nên thực đơn giản, tránh rườm rà, tránh triết lý mà thực cụ thể, khiến ai nhìn vào cũng có thể hiểu được. Vì “tiêu chuẩn” này sẽ phổ biến rộng cho đến các hàng thính chúng để họ theo dõi và kiểm soát. Đó là nhằm trong sạch hóa Chánh pháp.

Ngày hôm nay đã quá nhiều người vận dụng Phật pháp tùy tiện, nhằm phục vụ ý đồ riêng tư cho danh lợi riêng mình, làm lệch lạc Chánh pháp, biến Chánh pháp thành tà pháp hay biến tà pháp thành Chánh pháp, những điều này thật nguy hại cho Đạo pháp.

Kính mong quý vị có trách nhiệm hoằng pháp lưu tâm cho.

Kính chúc quý liệt vị thân tâm an lạc, tâm Bồ đề kiên cố.

» Ảnh đẹp
» Liên kết website
Search
» Từ điển Online
Từ cần tra:
Tra theo từ điển:
» Âm lịch