Tư liệu
Vài ý kiến về công tác hoằng pháp tại Kon-Tum
26/12/2008 17:15 (GMT+7)
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

TT. Thích Chánh Quang
(Trưởng BHP tỉnh Kon Tum)

Sứ mệnh hoằng dương Chánh pháp, lợi lạc chúng sanh là một trong những công tác Phật sự hàng đầu của người xuất gia đệ tử đức Phật.

Tiếp nối sứ mạng thiêng liêng ấy, Giáo hội Phật giáo Việt Nam từ ngày thành lập cho đến nay đã kiện toàn bộ máy từ Trung ương xuống địa phương. Ban Hoằng pháp Tỉnh hội Phật giáo tỉnh Kon Tum dưới sự lãnh đạo của Thường trực Ban Trị sự đã từng bước củng cố Ban Hoằng pháp đi vào nề nếp, mở ra lối sinh hoạt ngày càng phóng khoáng, có hiệu quả, đáp ứng được nhu cầu của người con Phật trong tỉnh nhà.

Cách đây hơn 25 thế kỷ, vì một đại sự nhân duyên mà Đức Thích Ca Mâu Ni ra đời để “khai thị chúng sanh, ngộ nhập Phật tri kiến”. Trong 49 năm kể từ ngày thành đạo, Ngài chỉ làm một việc duy nhất đó là: đưa giáo lý của Ngài đi sâu vào cuộc đời ích lợi chung cho nhân loại. Khi Ngài còn tại thế, Ngài nói với các thầy Tỳ kheo: “Này các thầy Tỳ kheo! Các thầy đi khắp nơi, khắp xứ để truyền bá Chánh pháp của Như Lai, các thầy không đi một nơi một hướng mà đi nhiều hướng, mỗi nơi, mỗi chỗ, hãy chia nhau nhiều hướng khác nhau để hoằng pháp lợi sanh cho đồng đều’... Điều đó cho thấy Đức Phật muốn gửi một thông điệp đến những đệ tử của Ngài, hãy đem giáo pháp vi diệu mà truyền bá rộng rãi khắp nơi. Do vậy, gánh vác trách nhiệm và bổn phận để truyền bá Phật giáo là sứ mệnh cao quý nhất của người xuất gia. Đó chính là góp phần hữu ích cùng với Giáo hội thực hiện sứ mạng hoằng pháp, làm ánh sáng chân lý của đạo Phật luân lưu lan tỏa trên khắp địa cầu.

Trên 25 năm hoằng pháp lợi sanh, Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã tiếp nối và phát triển không ngừng sự nghiệp hộ quốc an dân, truyền thống tốt đẹp của hoằng pháp ngày càng lan rộng khắp mọi nơi trên đất nước. Về cơ bản, chúng ta thực hiện đúng tôn chỉ và mục tiêu hoằng pháp thể hiện ở phương diện ‘khế cơ và khế lý”, lý thuyết cùng đi đôi với thực hành. Với kết quả như vậy cho chúng ta thấy, thống nhất về quan điểm, tư tưởng và giáo lý trong chương trình thuyết giảng là điều tối quan trọng cho mọi tu viện.

Thế nhưng từ thực tế cho thấy hiệu quả của công tác hoằng pháp tại một số khu vưc vùng sâu, vùng xa còn quá khiêm tốn, không phải vì Giáo hội thiếu nhân tài nhưng thiếu cách ứng dụng và trọng dụng nhân tài hoặc tự mình dựa quá nhiều vào bảo trợ mà không nỗ lực, không tự cởi trói để đóng góp sứ mệnh cho đạo pháp mà thầy tổ ta đã thể hiện.

Không cần nhắc lại đầy đủ quá trình đóng góp của Phật giáo từ thuở lập quốc đến thời Đinh, Lê, Lý, Trần mà sách sử đã ghi nhận, giai đoạn mà nước nhà ổn định độc lập hòa bình là lúc mà Phật giáo phát triển những tinh hoa, ươm mầm trí tuệ cho xã hội, cho chúng sanh an lạc, đó là quy luật tất yếu! Ngày nay hoằng pháp đi vào thực tế, đem đạo vào đời hòa nhập như nước với sữa, khiến cho xã hội ngày càng thấm nhuần đạo đức giáo lý của Phật Đà, tạo cho mọi người, mọi chúng sanh quay về với ‘bản lai diện mục” cho mỗi người biết mình là có bản tánh sáng suốt. Vì hoằng pháp đó là trong sự nghiệp hoằng dương Chánh pháp, lợi lạc quần sanh. Trong nhiều năm qua, Ban Hoằng pháp Phật giáo Kon Tum thảo ra chương trình thuyết giảng cho các đạo tràng Bát quan trai, đạo tràng Pháp Hoa, đạo tràng niệm Phật trong tỉnh, đã được thực hiện liên tục và phát triển đồng bộ từ hình thức đến nội dung. Riêng những huyện ở xa xôi hẻo lánh, không có chùa, tu viện và tu sĩ thì nơi đó hoằng pháp không thể đến được. Nhằm phát triển những nhân tố mới còn tiềm ẩn trong Phật giáo, nhân mùa An cư kiết hạ năm Bính Tuất (2006), Thường trực Ban Trị sự đã điều phối giảng sư đi đến từng điểm an cư thuyết giảng để nâng cao kiến thức Phật học cho Tăng Ni.

Ngành hoằng pháp là một trong những ngành mũi nhọn của Ban Trị sự Tỉnh hội Phật giáo tỉnh Kon Tum, có nhiệm vụ hướng dẫn giới cư sĩ tại gia và bá tánh tu học đúng Chánh pháp của Đức Phật và theo đúng chủ trương đường lối của Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Trong thời gian tham dự tọa đàm hoằng pháp, chúng tôi xin lắng nghe những ý kiến đóng góp của chư tôn đức giáo phẩm lãnh đạo Giáo hội và chư tôn đức Tăng già Đoàn giảng sư, đúc kết những bài học kinh nghiệm quý giá để làm kim chỉ nam cho những sinh hoạt Phật sự trong ngày tháng tiếp theo.

Chúng tôi thiết nghĩ, nguồn tuệ giác của chư Phật để lại cho thế hệ hôm nay là cả một kho tàng vô giá, thật là đồ sộ vô bờ bến, càng ra khơi lại càng thấy mình nhỏ bé trước biển cả mênh mông. Chúng tôi gắng lắng nghe để tinh tấn trên bước đường hoằng dương đạo pháp, để trau dồi kiến thức, tự giáo hoá mình và mọi người nơi nơi để vững tin vào chân lý Phật Đà.

Thao thức của riêng chúng tôi là vùng sâu vùng xa phải nên tổ chức các buổi thuyết giảng nhắm vào giới bình dân, nên tổ chức và duy trì các khóa Bát quan trai cho tín đồ Phật tử, mở rộng mạng lưới thuyết giảng thường xuyên mới có hiệu quả mỹ mãn.

Đất nước ta trên đà phát triển đã và đang đổi mới để hòa nhập với cộng đồng thế giới. Giáo hội Phật giáo Việt Nam cũng trên đà cải cách để phát triển theo nhịp bước của nhân loại, góp phần thực hiện đúng phương châm: “Đạo pháp-Dân tộc-Chủ nghĩa xã hội”.

» Ảnh đẹp
» Liên kết website
Search
» Từ điển Online
Từ cần tra:
Tra theo từ điển:
» Âm lịch