Tư liệu
Xuân với cái nghèo thi sĩ
02/01/2009 15:14 (GMT+7)
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng


http://phatgiao.vn/images/news/Bungalow.jpg

Xuân về, mọi người đều hớn hở đón mừng. Nhìn ra đường, thiên hạ phô màu muôn sắc áo. Không khí ngát mùi hương. Bao nhiêu nỗi ưu tư tan biến, những ngày hoen nước mắt tủi cực, đau khổ, chật vật dưới cuộc sống, bên lề đường như ngưng lại để nhường chỗ cho niềm vui. Họ thăm nhau, chúc nhau những lời hạnh phúc, mấy ngày đầu xuân giúp họ gần nhau hơn, nó nối những sợi dây vô hình giữa kẻ sống với người đã khuất.

Xuân về, tôi nhớ tới người nghệ sĩ của non Côi sông Vị - thi sĩ Trần Tế Xương, nhà thơ trào phúng vào bậc nhất của thế kỷ XIX. Có thể nói nhờ cái nghèo Tú Xương đã làm giàu cho văn học Việt Nam.

Sự giàu sang về vật chất chỉ một cá nhân hay số ít người được hưởng, nhưng cái giàu về văn chương văn hóa, nghệ thuật mọi người đều được hưởng chung và mặc nhiên văn học sử phải công nhận. Một Trần Tế Xương, một Hàn Mặc Tử hay gần đây là thi sĩ Chánh Thoại đã nghiễm nhiên tự trải cho mình một chiếu hoa trên văn đàn, niềm thống khổ, sự nghèo túng là động cơ chính khiến thiên tài bộc phát, trưởng thành.

Trần Tế Xương, với ngòi bút linh động, quái ác của ông đã diễn tả được những sự thực sống động, những cảm nghĩ trung thực, một tâm trạng của thân phận bi đát con người qua mấy vần thơ đầu xuân.

Đối với dân tộc Việt Nam thì ngày Tết khá quan trọng. Những ngày cuối năm, quần chúng đua nhau đi sắm tết, tất cả mọi nơi người ta thấy dấu hiệu sửa soạn. Dù ở đâu xa xôi họ đều cố gắng tìm về tổ ấm quê hương để tìm ở đó sự ấm cúng, niềm an ủi. Trái lại ông Tú Vị Xuyên vẫn chia ly, thất bại, nợ nần…
 

            “Bố ở một nơi, con một nơi
            Bấm tay tháng nữa hết năm rồi
            Văn chương ngoại hạng quan không chấm
            Nhà cửa giao tranh nợ phải bồi…”

Nhưng việc sẽ phải đến và ông Tú cũng ăn tết như ai. Bức tranh tết dưới ngòi bút linh hoạt của Trần Tế Xương nhiều màu sắc, rộn ràng âm thanh song không kém hóm hỉnh:

              “Đì đẹt ngoài sân tràng pháo chuột
              Om thòm trên vách bức tranh gà
              Chi cha chi chát khua giày dép
              Đen thủi đen thui nũng lượt là”

Cái tết đến ám ảnh thi sĩ, giá có tiền bạc chắc tết hẳn vui chứ không đến nỗi “cười ra nước mắt” như ông Tú Xương. Vì khan tiền nên nhà thơ mới có ý tưởng ngộ nghĩnh, ngông; bắt rận làm mứt thưởng xuân.

              “………………
               Xanh đồng thăng lại đen rưng rức
               Áo vải bò ra béo thật thà
               Kẹo chú Triều Châu đâu đọ được
               Bánh bà Hành Tụ cũng thua xa
               Sang năm quyết mở ngôi hàng mứt
               Lại tưới thêm vào tí nước hoa”

Và chính thi sĩ ăn tết theo lối tưởng tượng nữa. Cảnh tết mà ông phác họa trong bài “Cảm Tết” dưới đây thật phong lưu, đầy đủ: tiền bạc, rượu cúc, trà sen, bánh đường, giò lụa…, một cái tết vào bậc trung.

        “Anh em đừng tưởng tết tôi nghèo
        Tiền bạc trong kho chứa lĩnh tiêu
        Rượu cúc nhắn đem hàng biếng quẩy
        Trà sen mướn hỏi giá còn kiêu
        Bánh đường sắp gói e mồm chảy
        Giò lụa toan làm sợ nắng thiu”

Đủ cả đấy nhưng thiếu mỗi điều kiện mà thi sĩ chẳng tiện nói ra để rồi nhà thơ “khất lần” và như nhắn nhủ ai:

 

            “Thôi thế thì thôi đành tết khác
             Anh em đừng tưởng tết tôi nghèo”

Chính cái xuân của ông vẫn có, Xuân thi sĩ là Xuân trong tâm hồn chứ không ở ngoại cảnh như người đời thường phác họa. Tuy thế ông Tú chưa phủ nhận hoàn toàn, để:

             “Chẳng phong lưu cũng ba ngày tết
              Kiết cú như ai cũng rượu chè”

Qua mấy vần thơ trên người đọc cảm nhận phần nào khía cạnh sống, hoàn cảnh thực, ý nghĩ ngông của Trần Tế Xương về “đối tượng tết”. Tuy nghèo kiết không tiền, thi sĩ vẫn hưởng Xuân, khai bút, người nghệ sĩ không oán mình trách người, mà tìm thấy phong vị đặc biệt qua cái nghèo của chính mình. Tuy nhiên Tú Xương còn cung hiến cho chúng ta nhiều nhận xét xác thực trong cảnh tết của mọi người. Họ lợi dụng mấy ngày tết để khoe giàu sang, phô trương danh vọng. Trước cảnh đó nhà thơ đất Vị Xuyên “không chịu nổi” những cái rởm mà tất cả xã hội, thời đại nào đều thấy, đều có. Ta nghe ông châm biếm:

                          “Cứ bảo nhau rằng mới với me
                          Bảo ai rằng cũ chẳng ai nghe
                          Khăn là bạc nọ to tày rế
                          Váy lĩnh cô kia quét sạch hè
                          …………………………………”

Ngày tết mọi người được dịp để chúc nhau. Họ chúc cái gì? Nếu không phải thái quá, những sáo ngữ: giàu sang, chức tước, sống lâu… Lời chúc của họ đều giả dối, chính họ biết nhận là ước lệ mà vẫn phải thốt ra:

                       “Lẳng lặng mà nghe nó chúc nhau
                       Chúc nhau trăm tuổi bạc đầu râu
                        Phen này ông quyết đi buôn cối
                        Thiên hạ bao nhiêu đứa giã trầu”

                       “Nó lại chúc nhau cái sự sang
                       Người thời bán tước kẻ mua quan
                       Phen này ông quyết đi buôn lọng
                       Vừa chửi vừa rao cũng đắt hàng”                                     

                        “Nó lại chúc nhau cái sự giàu
                        Trăm nghìn vạn mớ để vào đâu
                        Phen này có lẽ gà ăn bạc
                        Đồng rụng đồng rơi lọ phải cầu”

                       “Nó lại chúc nhau sự lắm con
                        Sinh năm đẻ bày được vuông tròn
                        Phố phường chật hẹp người đông đúc
                        Bồng bế nhau lên núi ở non”

Ta nhận thấy lời chúc của con người chỉ miệng lưỡi bề ngoài, sự hời hợt thiếu chân thực, chưa hẳn luân lý, đạo đức. Bởi thế ông Tú không ngần ngại gọi người đời là “nó”, là “đứa”, và xưng bằng ông. Thi sĩ muốn chúc cho thiên hạ, gửi đến họ những lời đặc biệt, song kém thấm thía:

                         “Bắt chước ai, ta chúc mấy lời
                         Chúc cho khắp hết cả trong đời
                         Vua, quan, sĩ thứ người muôn nước
                         Sao được cho ra cái giống người”

Thật đúng, hợp cho tất cả những ai đang lạc hướng “Cái giống người” – lời chúc của Tú Xương làm chúng ta suy ngẫm nhiều và cảm nghĩ đó đã vượt không gian, thời gian, có một giá trị nhân bản vậy.

Thái độ, niềm suy tư của ông về con người, cuộc đời trong mấy ngày đầu Xuân người ta còn tìm thấy ngay trong câu đối.

                   “Thiên hạ xác rồi còn đốt pháo
                    Nhân tình trắng thế lại bôi vôi”

Hai câu trên tuy trầm buồn nhưng đủ chứng minh tâm hồn thi sĩ với hậu thế.

Xuân với cái nghèo thi sĩ đã trưng lên nhiều phản ứng giữa con người với xã hội. Người đọc nhận thấy ông Tú Xương không so sánh, hằn học mà ông chỉ cười – cái cười vừa chủ quan vừa khách quan vô tư. Ông cười thân phận bi đát của chính mình, cười về những thói xấu, sự giả dối của thiên hạ - nụ cười sâu cay, châm biếm có khía cạnh phản tỉnh, xây dựng. Cái cười đầu xuân đó đã làm giàu văn học sử Việt Nam.

Nguyễn Hồng Sơn
(Đuốc Tuệ, 1965, 48)
(Vi tính: Quỳnh Như)

» Ảnh đẹp
» Liên kết website
Search
» Từ điển Online
Từ cần tra:
Tra theo từ điển:
» Âm lịch