Tư liệu
Vài suy nghĩ cho vấn đề xây dựng nguồn tài chính cho hoạt động hoằng pháp
26/12/2008 17:15 (GMT+7)
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

Thích Chúc Phú
(Phó Thư ký Đoàn giảng sư BHP T.Ư)

1. Đề dẫn:

Trong mọi tổ chức, để duy trì và phát triển hoạt động, yếu tố kinh tế, tài chánh là một trong những nguồn năng lượng quan trọng để thúc đẩy, vận hành và điều tiết mọi hoạt động. Cơ cấu vận hành của Ban Hoằng pháp chính là một tổ chức. Để phát huy hết khả năng trong việc thực thi sứ mệnh hoằng pháp, lẽ dĩ nhiên, sự hỗ trợ của yếu tố kinh tế là một trong những ngoại duyên thiết yếu đem đến sự thành công cho công tác hoằng pháp trên nhiều lĩnh vực. Thực tế này chúng ta đều thấy, không những trong lãnh vực hoằng pháp mà thể hiện ở bất cứ hoạt động nào của Giáo hội, như Giáo dục, Từ thiện, Văn hóa... và thậm chí trong lãnh vực kiến lập những trung tâm tu học xứng tầm, yếu tố kinh tế vẫn góp phần quan trọng. Do vậy, tuy đóng vai trò là yếu tố ngoại duyên, thế nhưng việc xây dựng thành công nền tảng kinh tế là tín hiệu khả quan, khẳng định sự thành công trong tương lai của nhiều dự hướng, hoạch định.

2. Thực trạng:

Theo thiển nghĩ của chúng tôi, một trong những nguyên nhân dẫn đến hạn chế sự phát triển trong hoạt động kinh tế của Phật giáo Việt Nam là tính thiếu cân đối, nếu không muốn nói là ngộ nhận trong việc xác định mục tiêu làm kinh tế. Nếu như chỉ với một mục đích duy nhất là đem đến một chút hoa lợi cho nhà chùa, cải thiện phần nào đời sống của Tăng chúng, thì việc sản xuất theo kiểu giản đơn, mang tính thủ công như hiện nay tạm thời khả dĩ chấp nhận. Thế nhưng, nếu thử đề ra một mục tiêu cao hơn như làm kinh tế với mục đích sử dụng lợi nhuận thặng dư để xây dựng chùa chiền, góp phần vào việc bảo tồn các di sản văn hoá, thực hiện các chương trình từ thiện, an sinh xã hội hoặc trợ cấp cho Tăng Ni sinh du học và cụ thể hơn là thực hiện các dự án trong ngành Hoằng pháp…, thì hoạt động kinh tế theo kiểu kể trên không thể đáp ứng nổi. Trong khi đó, trên thực tế, đối với những vấn đề mang tính chiến lược, mang tính chủ động và bền vững thì sự vững chắc về nguồn kinh tế là một điều kiện tối quan trọng, giữ vai trò quyết định. Đơn cử một trường hợp, để đào tạo một con người từ khi xuất gia cho đến khi thành tựu trên đường tu học, trước nhất là học vấn, nếu như chỉ dựa vào sự hỷ cúng “tùy tâm” của tín đồ mà không hề có một sự hỗ trợ hợp lý và chính đáng, đều đặn mang tính chiến lược từ phía thầy bổn sư, từ các cấp Giáo hội thì sẽ đưa tới tình trạng “gẫy gánh giữa đường”. Đây là một điều rất đáng tiếc trong việc đào tạo Tăng tài. Cũng vậy, muốn khởi xướng một dự kiến, hoạch định mang tính bền vững nào đó mà mọi nguồn kinh phí đều tuỳ thuộc lòng hảo tâm của thập phương bá tánh, thì thời điểm hoàn thành có thể xem như là vô hạn định. Tuy nhiên, cũng cần ghi nhận rằng hiện nay, một số cơ sở tự viện tuy có mày mò xây dựng một vài mô hình kinh tế và gặt hái một số thành quả tương đối, nhưng do không xác định rõ mục tiêu nên chưa sử dụng một cách thỏa đáng nguồn lợi nhuận thu được.

Từ những lý giải trên, có thể thấy tồn tại một thực tế mà chúng ta thường chạm phải, thực tế này diễn ra trong mọi lĩnh vực, tổ chức hoạt động của Giáo hội từ trước đến nay. Đó là, khi phát khởi một dự kiến, một hoạt động Phật sự nào đó, dường như các Lá thư kêu gọi, các Sổ vàng, các Chương trình quyên góp… thường được tiến hành song song. Gần nhất, ngay như chương trình ra mắt Đoàn giảng sư và buổi tọa đàm hôm nay, nếu như không có sự phát tâm ủng hộ, cúng dường của chư tôn đức Tăng Ni, Phật tử thì buổi tọa đàm sẽ không thể thực hiện được. Chúng tôi thiết nghĩ, với những hoạch định mang tầm chiến lược, với những dự án có tính bền vững, lâu dài như chiến lược đào tạo và bồi dưỡng nguồn nhân sự của Giáo hội, xây dựng những trung tâm tu học, hoằng pháp, những chương trình từ thiện mang tầm quốc gia... mà nền tảng kinh tế chỉ dựa vào sự... tùy hỷ phát tâm của tín đồ thì về nguyên tắc tất cả những dự hướng đó vẫn chưa khả thi. Nếu bảo rằng vận động, kêu gọi sự hỗ trợ kinh tế khi tiến hành một Phật sự là một nét đặc thù trong tổ chức của Phật giáo thì cũng không sai. Tuy nhiên, trong bối cảnh mới, vận hội mới, việc nhìn nhận sâu sát, nghiêm túc về thực tế này có khả năng đưa đến nhiều dự hướng trong việc hoạch định một chiến lược kinh tế lâu dài, nhằm bảo đảm cho mọi hoạt động của Giáo hội nói chung và ngành Hoằng pháp nói riêng.

3. Từ những kinh nghiệm thực tế:

Phát xuất từ kinh nghiệm lịch sử trong quá trình phát triển của Phật giáo, cụ thể là Phật giáo Trung Hoa và một phần Phật Giáo Việt Nam dưới các thời thịnh trị, có thể thấy đã có những giai đoạn, từng thời kỳ, Phật giáo đã có những cơ sở kinh tế ổn định, tuy không mạnh mẽ, qui mô, nhưng ít nhất một vài tự viện trong lịch sử có thể tự cung cấp và ổn định mọi hoạt động Phật sự. Ngay như trong thời đại hôm nay, với kinh nghiệm của Phật giáo các nước, các khu vực ở châu Á trong hoạt động kinh tế như Nhật Bản, Đài Loan, Hàn Quốc..., chúng ta có thể thấy, ngoài những trung tâm tu học mang tầm vóc quốc tế, các tổ chức Phật giáo khu vực này còn có những cơ sở kinh tế lớn như trường học, bệnh viện, xí nghiệp, dịch vụ... Từ năng lực kinh tế đó, những dự án, những chương trình hoạt động Phật sự của họ rất mạnh mẽ và thiết thực. Chính sự ổn định và đảm bảo về kinh tế này, kết hợp với sự tùy hỷ phát tâm của quần chúng Phật tử, những dự án, những hoạt động Phật sự từ kiến thiết, trùng tu, hay hoằng pháp, làm từ thiện... dù ở trong nước hay trong khu vực đều được đảm bảo và phát huy hiệu quả tối đa.

4. Những giải pháp đề xuất:

Thứ nhất: Phải ghi nhận rằng, trong giai đoạn đầu, chúng ta không thể thoát ly yếu tố thực tế trong việc kiến lập một nguồn kinh phí riêng trong hoạt động hoằng pháp. Nói cách khác, chúng ta cũng phải bắt đầu bằng sự kêu gọi phát tâm của các tự viện, các cá thể có điều kiện về kinh tế, các mạnh thường quân. Thế nhưng ở đây, nên chăng cần phải tổ chức lại, xây dựng thành một Ban Bảo trợ với chức năng, nhiệm vụ và chương trình hành động hẳn hoi. Hoạt động này được bắt đầu bằng sự kêu gọi các tự viện có điều kiện, những cơ quan, tổ chức hay những cá nhân Phật tử tại gia có tâm huyết trong việc hoằng pháp và tương đối thuận lợi về kinh tế. Dự kiến này tuy dễ thực hiện, nhưng cần phải thấy rằng, đây chưa phải là giải pháp tối ưu trong việc xây dựng một nền tảng kinh tế bền vững và ổn định cho hoạt động hoằng pháp.

Thứ hai: Cần phải liên kết tổ chức với Ban Kinh tế tài chánh Trung ương trong việc hỗ trợ hoạt động Phật sự. Từ trước đến nay, chúng ta tuy sống trong cùng chỉnh thể là GHPGVN, nhưng dường như chưa có một sự kết hợp nhuần nhuyễn và hài hòa giữa những ban, ngành hữu quan. Những dự án hằng năm của Ban Hoằng pháp, chi phí đầu tư vào những phương tiện hỗ trợ cho ngành hoằng pháp như máy móc, xe cộ, âm thanh, kinh sách, băng đĩa… Ban Hoằng pháp vẫn tự lực tiến hành trong sự âm thầm, kêu gọi. Đôi lúc, theo thỉnh cầu của các địa phương vùng sâu, vùng xa thỉnh giảng, Ban Điều hành Đoàn giảng sư đã nhận lời đáp ứng, thế nhưng băn khoăn mãi về một phương tiện vận chuyển riêng cho Đoàn giảng sư Ban Hoằng pháp Trung ương vẫn là nỗi ưu tư chưa có lời đáp của những thành viên đứng ra điều phối hoạt động hoằng pháp. Do vậy, sự kết hợp giữa hoạt động hoằng pháp và Ban Kinh tế tài chánh Trung ương là một giải pháp có khả năng giải quyết phần nào những ưu tư về kinh tế trong hoạt động hoằng pháp.

Thứ ba: Có rất nhiều hoạt động của Ban Hoằng pháp cần phải có sự hỗ trợ kịp thời về kinh tế, tiền bạc đề giải quyết ngay; thế nhưng, có những khâu, những phần việc, nếu như chúng ta tìm ra được những công ty liên ngành để giao dịch bền vững, lâu dài với giá ưu đãi thì chi phí cho các dự án sẽ giảm tới mức tối thiểu và như vậy dự án sẽ mang tính khả thi hơn. Đơn cử như hoạt động in ấn, phát hành băng đĩa giảng, nếu như chúng ta tìm ra được những cơ sở kinh tế, hay các công ty chuyên sản suất và dịch vụ các sản phẩm này để hợp tác không những chúng ta giải quyết được đầu vào và đầu ra mà còn giảm đi một phần không nhỏ trong khâu chi phí. Thực tế, điều này có thể thực hiện được, vì với sự đa dạng của nhiều ngành nghề trong xã hội hôm nay, với cuộc sống ngày càng phát triển như hiện nay, đã có rất nhiều những doanh nhân Phật tử hoạt động trong lãnh vực vừa nêu trên. Nếu như chúng ta kịp thời phát hiện ra họ, giải trình được lý do cũng như giá trị của công việc, thì áp lực kinh tế đè nặng cũng giảm bớt một phần nào.

Thứ tư: Nỗ lực tự tạo nguồn kinh phí riêng cho hoạt động hoằng pháp mới thật sự là một giải pháp tối ưu. Ở đây, nếu như có sự hỗ trợ của chư tôn đức, sự phối hợp của các khâu in ấn, phát hành thì nguồn kinh tế thu được cũng rất đáng kể. Khi chúng ta in ấn và phát hành được những ấn phẩm hoằng pháp, băng đĩa giảng, các pháp khí, nghi trượng…mà được chư tôn đức, quần chúng Phật tử hỗ trợ, quan tâm, thì đó cũng là một nỗ lực đáng được khích lệ vì nhằm kiến lập một sự tự chủ cho mọi hoạt động hoằng pháp. Đơn cử, như nội san Chuyển Pháp Luân của Ban Hoằng pháp Trung ương, nếu như có một sự nỗ lực hơn nữa về hình thức, nội dung, giá trị pháp lý, và cần nhất là sự cộng tác và hỗ trợ quảng bá của chư tôn đức Giáo hội… thì sự phát hành rộng rãi của nội san này cũng đem đến một nguồn kinh tế ổn định cho Ban Hoằng pháp. Các băng, đĩa giảng, các phương tiện hỗ trợ trong công tác hoằng pháp…được phát hành và đón nhận rộng rãi thì ưu tư về một chương trình cụ thể trong chiến lược hoằng pháp dễ trở thành hiện thực.

5. Quản lý và điều phối hoạt động tài chánh:

Tạo ra nguồn kinh tế là một điều khó, tuy nhiên, vấn đề tổ chức và quản lý nguồn kinh tế thành công là cả một sự khẳng định mang tính tầm vóc. Điều này dễ dàng nhận thấy trong mọi tổ chức hoạt động kinh tế của xã hội và ngay cả trong tổ chức của Giáo hội chúng ta.

Trong hoạt động hoằng pháp, để vận dụng có hiệu quả các nguồn kinh tế thu được, đòi hỏi nhân sự đảm đương bộ phận này cần phải có một khả năng quản trị học căn bản, không những thế, tiêu chuẩn về đạo đức là một tiêu chí hàng đầu dành cho những ai thường xuyên tiếp xúc với tiền bạc. Cũng chính vì vậy, để quản lý, điều phối hoạt động tài chính trong ngành Hoằng pháp mà cụ thể là ở Đoàn giảng Sư Trung ương, nên chăng cần có một bộ phận riêng như kế toán và thủ quỹ chẳng hạn. Mọi vấn đề thu, chi đều được thông báo công khai trong những cuộc họp và không những thế, những người làm công tác ở bộ phận này cần phải có sự linh động, bén nhạy làm sao để không những giữ vững ổn định nguồn kinh tế cho hoạt động hoằng pháp mà còn có những đối sách, những kiến nghị phù hợp, để xây dựng nguồn kinh tế của ngành Hoằng pháp ngày càng phát triển vững chãi hơn.

6. Kết luận:

Tuy chưa phải là một người chuyên môn trong lãnh vực kinh tế, nhưng đứng trước tình trạng có nhiều lúng túng, bất cập trong nguồn kinh tế dành cho hoạt động của ngành Hoằng pháp nói chung, đã tạo nên có những trăn trở riêng cho bài viết này. Dẫu biết rằng, từ nhận thức đến triển khai thực hiện là cả một quá trình dài; thế nhưng, với mong mỏi ngành Hoằng pháp ngày càng tiến xa và tiến mãi trên hành trình phụng sự chúng sanh, người viết mong rằng, sẽ có nhiều ý kiến cùng tham gia thảo luận về vấn đề này, ngõ hầu tìm ra một giải pháp tích cực, khả thi trong việc kiến tạo một nền tảng kinh tế, rất quan trọng và rất cần, không những cho ngành Hoằng pháp nói riêng mà cho tất cả mọi hoạt động của Giáo hội nói chung.

» Ảnh đẹp
» Liên kết website
Search
» Từ điển Online
Từ cần tra:
Tra theo từ điển:
» Âm lịch