Tư liệu
Người hoằng pháp Phật giáo hiện đại với phương diện kinh tế
26/12/2008 17:15 (GMT+7)
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

Thích Quang Thạnh
(Thư ký Đoàn Giảng sư BHP T.Ư)

Trong thời đại phát triển khoa học ngày nay, con người càng trở nên bận rộn, mệt mỏi và chịu nhiều áp lực khi phải đối diện với những thách thức, những trở ngại và những sự cạnh tranh tất yếu mà cuộc sống mang lại; và buộc phải đồng hành theo nhịp sống hiện đại của xã hội hầu thoả mãn được nhu cầu sống cho chính mình, thì tư tưởng và đạo đức con người ngày càng xuống cấp trầm trọng trước những làn sóng tấn công của nền văn minh vật chất đầy phức tạp. Trên tinh thần đó, người hoằng pháp trong thời đại mới làm thế nào để chia sẻ và trợ giúp cho họ có một đời sống tốt đẹp cả phương diện vật chất lẫn tinh thần? Dĩ nhiên họ phải dấn thân vào xã hội để thực hiện công việc ‘cứu khổ ban vui’ cho mọi người theo phương châm ‘xiển dương Chánh pháp, lợi lạc quần sanh’ trên tinh thần ‘tuỳ duyên bất biến.’ Nhưng, đó cũng chỉ là lý thuyết về triết lý sống; trên thực tế, một khó khăn và trở ngại cho những nhà truyền bá Phật giáo tham gia hoạt động xã hội là sự thiếu thốn về điều kiện vật chất. Đây là một vấn đề quan trọng và cần thiết để quyết định sự thành bại về mọi hoạt động Phật sự của ngành hoằng pháp nói riêng và của Giáo hội nói chung. Với thực trạng này, người hoằng pháp làm thế nào giải quyết được vấn đề kinh tế để duy trì và phát triển công việc hoằng pháp? Đề tài: “Người Hoằng Pháp Phật Giáo Hiện Đại với Phương Diện Kinh Tế” có lẽ không chỉ là ưu tư của người viết mà là trăn trở chung của những người quan tâm đến vấn đề kinh tế trong ngành hoằng pháp.

Chúng ta đều biết rằng hầu hết cuộc sống vật chất của những nhà truyền bá tôn giáo nói chung, trong đó có tu sĩ Phật giáo, đều tùy thuộc vào sự ủng hộ và cúng dường vật chất của Phật tử hảo tâm. Chính vì vậy, cuộc sống của họ luôn gặp rất nhiều những khó khăn trong sự tu tập và công việc hoằng pháp của mình trừ khi có sự ủng hộ và cúng dường của những tín đồ Phật tử nhiệt tâm. Để chứng minh một cách cụ thể và thực tế, ngay tại đây chúng ta cùng tìm hiểu hai vấn đề như sau:

Về phương diện tu tập: Nếu người hành giả Phật giáo muốn phát triển tâm linh với một thân hình bạc nhược suy yếu thì liệu cuộc sống tu tập của họ có đạt được kết quả giải thoát giác ngộ được không? Chắc chắn là không, vì chính Đức Phật đã từng thử nghiệm cho chính mình bằng lối tu hành ép xác khổ hạnh như: nào nghiến răng, chận lưỡi trên vòm họng, kiềm hãm ý niệm bất thiện với ý niệm thiện,(1) v.v...; nào kiềm chế hơi thở từ mũi, miệng và lỗ tai,(2) v.v...; nào sống lõa thể, một tuần ăn một lần, không tắm rửa, không ngồi mà chỉ đứng, hoặc dựa lưng, hoặc ngồi hổm trên gót chân; nào là ban ngày sống trong rừng thưa, ban đêm sống ngoài trời giữa mùa Đông giá rét; nào là ban ngày sống dưới ánh nắng mặt trời, ban đêm sống trong rừng rậm dưới khung cảnh nóng bức của mùa Hè mang lại;(3) v.v... Thế nhưng, kết quả mang đến chỉ là sự suy nhược và đau đớn về thể xác cũng như tinh thần(4), và chính Đức Phật đã tuyên bố mạnh mẽ rằng: “...theo cử chỉ như vậy, theo hành lộ như vậy, theo khổ hạnh như vậy, Ta cũng không chứng được pháp Thượng nhân, không có tri kiến thù thắng xứng đáng bậc thánh. Vì sao vậy? Vì với những phương tiện ấy, không chứng được pháp thượng nhân với Thánh trí huệ. Chính Thánh trí huệ này chứng được thuộc về bậc Thánh, có khả năng hướng thượng, có thể dẫn người thực hành diệt tận khổ đau”.

Thật sự, với một thân thể gầy gò bạc nhược phô bày mọi dấu hiệu kiệt quệ không thể là tối ưu để mưu cầu giải thoát tâm linh, Đức Phật đã từ bỏ lối sống tu hành ép xác khổ hạnh và trở về một lối sống quân bình hơn. Đó là lối sống tu tập con đường Trung Đạo (Middle Path). Xem thêm: ‘Con đường Trung Đạo (Middle Path)’ trong Ven. Narada, The Buddha and his Teachings, trang 17f., một con đường tu tập trách xa hai cực đoan: ép xác khổ hạnh và đời sống ung túc, và Ngài đã thành đạt quả vị Chánh Đẳng Giác.

Về phương diện hoằng pháp: Như chúng ta biết, điều kiện vật chất luôn đóng một vai trò quyết định trong sự thành bại của người hoằng truyền Phật pháp về mọi mặt hoạt động như: làm việc và phục vụ Giáo hội; ấn tống kinh sách tại các vùng sâu vùng xa; tổ chức thuyết giảng Phật pháp ở các tỉnh thành và vùng sâu vùng xa; tổ chức các lễ tổng kết hàng năm, hay các hoạt động giao lưu như: đại hội, hội nghị, diễn đàn, hội thảo, toạ đàm, sinh hoạt trại hè, v.v..; truyền bá Phật pháp qua các hoạt động từ thiện xã hội như: giúp đỡ những gia đình nghèo, những bệnh nhân bị nhiễm chất độc màu da cam hoặc HIV/AIDS, cứu trợ những nạn nhân bị thiên tai bão lụt; v.v... Tất cả các mặt hoạt động vừa kể trên, người hoằng pháp trong thời đại mới nếu không đủ điều kiện về vật chất, có thể hoàn thành tốt công việc truyền bá Phật giáo hay không? Hay họ cũng phải nhờ vào sự ủng hộ và giúp đỡ của Phật tử, các nhà hảo tâm, hoặc các cơ quan đoàn thể? Đó là một vấn đề luôn trăn trở và bức xúc của những người truyền bá Phật giáo hiện nay.

Từ hai vấn đề trên, chúng ta khẳng định một cách mạnh mẽ rằng: người hoằng pháp trong thời hiện đại sẽ luôn phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức và trở ngại trong việc tu tập và hoạt động hoằng pháp nếu như họ chỉ dựa vào sự ủng hộ của Phật tử thập phương mà không tự dựa vào khả năng chính mình để làm kinh doanh kinh tế. Để tháo gỡ được những khó khăn trên, hoạt động kinh tế hiệu quả sẽ là một con đường hữu ích và tích cực không chỉ cung cấp những điều kiện vật chất cho nhà truyền bá Phật giáo dễ dàng thành công trong việc dấn thân vào cuộc đời qua hai phương diện: hoạt động xã hội và công tác hoằng pháp; mà còn tạo điều kiện thuận lợi về mặt vật chất cho vị ấy duy trì cuộc sống tôn giáo của mình một cách lâu dài và vững chắc. Nhận thức như thế, nhà hoằng pháp Phật giáo trong thời đại mới không nên hoàn toàn tùy thuộc vào sự cúng dường của Phật tử; mà trái lại, nên tự mình mạnh dạn tham gia vào hoạt động kinh tế trên tinh thần ‘tuỳ duyên bất biến’ với nhiều phương thức khác nhau như: viết sách báo; đi giảng dạy; canh tác, làm vườn; sản xuất các thực phẩm chay; làm nhang; ấn hành các kinh sách Phật giáo, các băng từ thuyết giảng Phật pháp; sản xuất các pháp khí;… thậm chí có thể mở các cửa hiệu vẽ tranh ảnh, hay hay mở tiệm cơm chay; hoặc mở công ty du lịch hay giới thiệu việc làm; hoặc có thể làm bất cứ loại hình kinh doanh nào phù hợp với tư tưởng và tinh thần của Phật giáo… Tất cả những công việc kinh doanh như trên nhằm trợ giúp cho người hoằng pháp có được nguồn thu nhập ổn định để hoàn thành tốt công việc truyền bá Chánh pháp và duy trì cuộc sống tôn giáo vững chắc khi bước trên con đường phụng sự Phật pháp, lợi lạc quần sanh. Thế nhưng! bên cạnh đó, chúng ta cần phải nhận thức thấu đáo rằng phương diện kinh doanh kinh tế luôn là con dao hai lưỡi rất dễ dàng làm tổn thương về nhân cách và tư tưởng của mình cũng như tha nhân nếu như vị ấy thiếu ý thức hiểu biết, không tự chủ, và luôn tham đắm trước những liều thuốc độc ngọt ngào của ngũ dục thế gian khi họ đang hoạt động kinh doanh kinh tế. Vì theo quy tắc của những nhà kinh doanh ‘thương trường là chiến trường’, đó là quy luật tất yếu của hầu hết các nhà kinh doanh buột phải thực hiện. Do vậy, giới doanh nghiệp khi bước vào thương trường đều phải tận dụng đầu óc tính toán, cạnh tranh, thủ đoạn, và mưu mô của mình để đánh đổ những đối thủ cạnh tranh thì mới có thể tồn tại và phát triển việc kinh doanh của chính mình. Vậy người hoằng pháp Phật giáo khi muốn tham gia hoạt động kinh doanh kinh tế phải làm thế nào để khỏi vướng vào những quy tắc không theo luật lệ nhưng rất hợp lý ấy? Câu trả lời này xin nhường lại cho những ai luôn trăn trở và bức xúc trước khó khăn thực tế mà các nhà hoằng pháp trong thời hiện đại đang phải đối diện. Rất mong sự đóng góp ý kiến và trao đổi nhiệt tình của chư tôn đức cùng qúy đọc giả đang quan tâm!

Ghi chú:
(1) Xem thêm HT. Thích Minh Châu, ‘Đại Kinh Saccaka’ trong Trung Bộ Kinh I, trang 531f; I.B. Horner, ‘Greater Discourse to Saccaka’ trong The Middle Length Sayings I., trang 297; K.D.P. Wickremesinghe, The Biography of the Buddha, trang 58f; H.W. Schumann (Auth), Phương Lan (dịch), Đức Phật Lịch Sử, trang 134f; Bhikkhu Anamoli, The Life of the Buddha, trang 17; Ven. Narada, The Buddha and His Teachings, trang 13.
(2) Xem thêm HT. Thích Minh Châu, ‘Đại Kinh Saccaka’ trong Trung Bộ Kinh I, trang 532ff; I.B. Horner, ‘Greater Discourse to Saccaka’ trong The Middle Length Sayings I, trang 297ff; K.D.P. Wickremesinghe, The Biography of the Buddha, trang 59; H.W. Schumann (Auth), Phương Lan (dịch), Đức Phật Lịch Sử, trang 135; Bhikkhu Anamoli, The Life of the Buddha, trang 17f; Ven. Narada, The Buddha and His Teachings, trang 13f.
(3) Xem thêm HT. Thích Minh Châu, ‘Đại Kinh Saccaka’ trong Trung Bộ Kinh I, trang 536ff.
(4) Dr. B.R. Ambedkar, The Buddha and His Dhamma, trang 63ff-65ff.


» Ảnh đẹp
» Liên kết website
Search
» Từ điển Online
Từ cần tra:
Tra theo từ điển:
» Âm lịch