Tư liệu
Vài suy nghĩ về việc định hướng sứ mạng hoằng pháp
29/12/2008 15:56 (GMT+7)
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

TT. Thích Hạnh Trân
(Trưởng BHP tỉnh Tiền Giang)

Kính bạch chư tôn đức.

Trước hết chúng tôi xin cảm ơn Ban Tổ chức buổi tọa đàm về những đề tài gợi ý trong công văn thông báo gởi về các tỉnh – thành hội vừa qua. Vì rằng đó là những vấn đề mà chúng tôi hằng băn khoăn, trăn trở và luôn tìm kiếm giải pháp thực hiện, nhân dịp này xin được trình bày theo thiển ý, mong góp một phần nhỏ vào định hướng công tác hoằng pháp trong tương lai.

1.Xây dựng và phát triển các đạo tràng tu học dành cho Phật tử – thực trạng và giải pháp.

Chúng ta luôn khẳng định rằng giáo pháp của Đức Phật có khả năng đem lại cho người thực hành sự an vui và hạnh phúc. Do đó, việc gầy dựng , thành lập, cũng như tổ chức các đạo tràng cho Phật tử tại gia tu học mang tính chiến lược lâu dài theo chúng tôi, là vấn đề hết sức cấp thiết. Hơn 10 năm qua, Ban Hoằng pháp T.Ư đã đào tạo nhiều khóa Trung – Cao cấp Giảng sư nhưng thiết nghĩ có đội ngũ giảng sư đông đảo mà không có đất cho họ dụng võ thì thật uổng phí. Hơn nữa, dù con số đạo tràng trong cả nước đã tăng lên mỗi năm nhưng vẫn còn là con số khiêm tốn. Cụ thể như ở Tiền giang, hiên có 400 ngôi tự viện, tịnh xá, tịnh thất, niệm Phật đường nhưng chỉ có khoảng 70 đạo tràng đang hoạt động, tức chỉ chiếm 20% tổng số tự viện. Với mong muốn của chúng tôi là làm sao nâng lên 30, 40 rồi 50% số tự viện trong tỉnh có tổ chức đạo tràng tu Bát quan trai, lớp giáo lý v.v... cho Phật tử tu học một cách nề nếp, ổn định. Theo chúng tôi được biết, chùa nào cũng có hàng trăm Phật tử quy y Tam Bảo, chẳng lẽ không có được hai mươi người dự tu Bát quan trai, để rồi dần dần sẽ thu hút thêm nhiều người nữa tham gia?

Sau khi khảo sát thực tế, chúng tôi đã tìm được những nguyên nhân khách quan lẫn chủ quan như sau:

* Nguyên nhân khách quan:
Do phải bôn ba lo sinh kế nên đa số Phật tử chỉ đến chùa trong 2 ngày Sám hối hàng tháng, còn lại khoảng 10 đến 15% là có tham dự khóa lễ Tịnh độ hàng đêm tại chùa. Thậm chí có chùa vào thời tụng niệm tối không có Phật tử đến tụng niệm lễ bái.

* Nguyên nhân chủ quan:
Theo chúng tôi tìm hiểu thì nguyên nhân chủ yếu phần lớn là do một số vị trụ trì còn thờ ơ, chưa thể hiện sự nhiệt tâm trong trách vụ hoằng pháp lợi sinh của mình,cọng với thái độ cư xử, giao hảo yếu kém nên không thu hút được quần chúng Phật tử đến chùa sinh hoạt. Họ tỏ ra ngán ngại việc tổ chức đạo tràng sẽ cực nhọc, phiền toái, và tốn kém mặc dù Ban Hoằng pháp có đến động viên và hứa hỗ trợ về mặt thuyết giảng. Một số vị thì than phiền cơ sở vật chất còn nhỏ hẹp thiếu thốn, có muốn cũng không làm được. Một số khác thì tuy có tổ chức cho Phật tử tu học nhưng vì số lượng không nhiều nên e ngại không chịu đăng ký với Ban Đại diện mà chỉ sinh hoạt mang tính nội bộ. Vì thế nguyện vọng được thính pháp của Phật tử bị hạn chế rất nhiều.

Sau khi nghiên cứu những nguyên nhân vừa nêu, theo thiển ý chúng tôi thì trong hướng tới phải có phương án kế hoạch như thế nào để kêu gọi, đánh thức tinh thần hoằng dương chánh pháp của vị lãnh đạo tự viện cũng như kích thích tinh thần ham tu, ham học hỏi Phật pháp nơi người Phật tử đây mới là điều cần yếu. Đặc biệt nhất vẫn là Ban Hoằng pháp Tỉnh hội phải tích cực hỗ trợ về các mặt như : phân công nhân sự phụ trách thuyết giảng, in ấn tài liệu phát đến tay học viên để họ dễ theo dõi trong suốt buổi thính pháp. Thường xuyên tổ chức các cuộc thi như hái hoa trí huệ có phần thưởng khích lệ và xem xét đề nghị Ban Trị sự Tỉnh hội biểu dương các Đạo tràng có thành tích xuất sắc trong dịp lễ Tạ pháp cuối năm. Với cách tổ chức có hệ thống, có bài bản như vậy sẽ giúp người Phật tử phấn khởi tu học và ngày càng tiến bộ, đồng thời còn là một chuẩn bị tốt để họ có thể tham gia trong các kỳ thi giáo lý cấp tỉnh - thành hoặc trung ương nếu có.

Tóm lại, phải có sự phối hợp đồng bộ giữa trụ trì với Ban Đại diện PG huyện – thị và Ban Hoằng pháp thì phong trào tu học đều khắp trong quần chúng Phật tử mới được khơi dậy một cách mạnh mẽ, lâu dài.

2. Về giải pháp xây dựng nguồn kinh phí cho công tác hoằng pháp.

Trong chúng ta, ai cũng biết rằng công tác hoằng pháp hàng năm năm tiêu tốn khá nhiều kinh phí, không chỉ trung ương mà ở các tỉnh thành cũng thế, mặc dù là có phần ít hơn : sự đi lại của các vị giảng sư ; in ấn tài liệu hoằng pháp; những phí tổn từ các cuộc họp quý, hội thảo, hội thi giáo lý; những phần quà khích lệ các giảng sư có thành tích trong công tác thuyết giảng cũng như quà khen thưởng thí sinh xuất sắc trong hội thi và khen thưởng trong lễ tạ Pháp cuối năm v.v... tất cả đều cần có nguồn tài chánh để hoạt động và đòi hỏi phải một khoản kinh phí nhất định.

Ở trung ương chúng tôi thấy đã thành lập được Ban Bảo trợ Hoằng pháp, nhưng ở tỉnh việc vận động thành lập Ban Bảo trợ cho công tác hoằng pháp hãy còn gặp nhiều khó khăn. Từ mấy năm nay, chúng tôi có vận động các thành viên trong Ban mỗi năm một ít tịnh tài để gây quỹ hoạt động. Với số tiền ít ỏi này, chúng tôi chỉ Sử dụng cho việc thăm viếng các giảng sư khi có hữu sự hoặc bệnh duyên và chi cho công việc văn phòng. Vì thế, phần lớn các vị giảng sư thường phải tự xoay sở lấy các khoản, xem như cúng dường với tâm nguyện tất cả vì sự nghiệp hoằng pháp. Nói như thế để BHPTƯ cảm thông cho những khó khăn mà Ban Hoằng pháp tại một số tỉnh – thành còn vướng mắc chớ không hoàn toàn thuận lợi. tuy nhiên, với tinh thần tự lực cánh sinh, chúng tôi hy vọng trong nhiệm kỳ tới sẽ tìm được nguồn tài trợ để các hoạt động của Ban trôi chảy, thuận lợi hơn.

3. Hoằng pháp tại các trung tâm cải huấn.

Hoằng pháp trong lĩnh vực này có lẽ thời gian qua còn bỏ ngõ, chưa đề cập đến nhiều. Quả thật, việc tổ chức các buổi nói chuyện với những người đang là đối tượng cải tạo tại các trung tâm cải huấn nhằm đánh thức lương tâm, lương tri con người, khiến họ hồi tâm hướng thiện quay về nẻo chánh là rất cần thiết. Đối với các nước có Phật giáo trên thế giới đã làm từ rất lâu, nhưng ở nước ta thì còn khá mới mẻ. Lâu nay chúng ta thường nghe các tu sĩ Phật giáo trong nước đến các trại cải huấn thăm hỏi, tặng quà và có thể là có những lời động viên ngắn gọn để họ phấn đấu học tập tốt, sớm trở về xã hội hòa nhập với cộng đồng, chứ ít khi nghe nói có buổi thuyết pháp tại các nơi này. Chúng tôi rất quan tâm và hướng tới sẽ có kế hoạch cho công tác hoằng pháp ở lĩnh vực này, vì đây là vấn đề có liên quan đến trách nhiệm quản lý của các ngành chức năng, phải có sự phối hợp đồng bộ thì mới đem lại kết quả như ý muốn.

4. Hoằng pháp với tuổi trẻ.

Chúng ta đều biết, cơ chế thị trường thời mở cửa đã thúc đẩy nền kinh tế phát triển, nhưng đồng thời cũng phát sinh nhiều tệ nạn làm đau đầu các ngành hữu quan, trở thành những vấn nạn cho cộng đồng xã hội. Những trò vui chơi giải trí không lành mạnh, phương tiện vật chất đáp ứng cho sự hưởng thụ tràn ngập đang mời chào, cám dỗ mọi lứa tuổi. Đặc biệt, giới thanh thiếu niên là lứa tuổi năng động, nhiệt huyết nhưng cũng là lứa tuổi nhiều bồng bột xốc nổi dễ bị lôi kéo vào vòng hư đốn.

Để thu hút giới trẻ, nhất là các em học sinh, sinh viên trở thành những thanh thiếu niên Phật tử, chúng tôi nghĩ, ngoài việc hiểu biết nắm bắt về nhu cầu tâm lý của tuổi trẻ, chúng ta còn phải có sự năng động sáng tạo để tạo được những sân chơi bổ ích cho các em để các em thích đến chùa sinh hoạt như : lập phòng đọc sách để các em có dịp tìm hiểu gương hạnh của chư Phật, chư Bồ tát, thánh Tăng; cho các em tham gia những chuyến đi ủy lạo từ thiện để các em biết chia sẻ và khơi dậy trong các em tình thương yêu đồng loại; tổ chức các cuộc thi đố vui có thưởng để các em chịu khó học hỏi và nghiên cứu giáo lý v.v... Mùa hè là thời điểm thuận lợi nhất để các em được dịp sinh hoạt tại các tự viện, chúng ta nên tận dụng thời gian này để có kế hoạch hướng dẫn các sinh hoạt Phật giáo cho sinh viên, học sinh.

5. Về yếu tố cần thiết cho một giảng sư trong thời hiên đại.

Hoằng pháp nghĩa là mở rộng, làm cho giáo pháp của Phật lan tỏa khắp mọi nơi để con người được thấm nhuần và ứng dụng vào cuộc sống hầu đạt đến sự an lạc, hạnh phúc. Trong thời đại mà nền khoa học kỹ thuật phát triển siêu tốc như ngày nay, đòi hỏi người làm công tác hoằng pháp phải nghĩ ngay tới các phương thức truyền đạt sao cho thích hợp với xã hội hiện đại, với con người hiện đại. Bởi lẽ, trong một hội chúng thính pháp có nhiều thành phần xã hội, trong đó giới trí thức nghiên cứu Phật pháp chiếm tỉ lệ không nhỏ.

Thế nên, chúng tôi nghĩ rằng, giảng sư ngày nay ngoài trình độ giáo điển uyên bác thôi chưa đủ mà còn phải biết những vấn đề về xã hội, thường xuyên theo dõi cập nhựt thông tin qua các phương tiện truyền thông, đặc biệt là nên dự khóa học sử dụng mạng Internet để năm bắt nhanh các thông tin chuyên ngành Hoằng pháp, các sinh hoạt Phật sự cũng như những quan điểm, chủ trương mới của GHPGVN. Chính điều này sẽ giúp cho vị giảng sư thêm phong phú về mặt kiến thức, buổi thuyết giảng sẽ tăng phần sinh động, hiệu quả và thuyết phục hơn.
Tuy nhiên, yếu tố con người vẫn luôn là yếu tố quan trọng hàng đầu.

Nếu đã thay Phật để truyền bá chánh pháp, người hoằng pháp phải là người có đời sống phạm hạnh, nghiêm túc trong lời nói việc làm; có tinh thần trách nhiệm cao, biết hy sinh vì sự nghiệp hoằng pháp lợi sanh; nếp sống bình dị, nội tâm an hòa, vô úy… đó chính là những yếu tố cần thiết cho một vị giảng sư thời hiện đại.
Kính bạch chư tôn đức.

Trên đây là một vài ý kiến nho, cảm ơn quý liệt vị đã quan tâm lắng nghe.

Một lần nữa, kính chúc chư tôn đức Phật sự viên thành.

Chúc buổi tọa đàm thành công tốt đẹp.

Nam mô Hoan Hỷ Tạng Bồ Tát Ma Ha Tát

» Ảnh đẹp
» Liên kết website
Search
» Từ điển Online
Từ cần tra:
Tra theo từ điển:
» Âm lịch