Tư liệu
Thách thức cho Tăng già trong thế kỷ 21
02/01/2009 15:27 (GMT+7)
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

Tăng già là đại diện cho Phật ở thế gian. Vì đã hai mươi lăm thế kỷ qua, tăng già đã duy trì mạng mạch của Phật pháp giữa loài người; bằng cách thức thọ giới và truyền giới tăng già bảo đảm rằng gia tài của Phật vẫn được lưu bố ở thế gian.

Tăng Già Sẽ Tiếp Tục Hiện Hữu Bao Lâu?

Do Tam Bảo phụ thuộc vào đoàn thể tăng già, biểu tượng cho Tam Bảo, nên tăng già phải nhận ra chân lý siêu việt thế gian.

Tăng già đã tồn tại 2500 năm, một thời gian dài hơn đế chế La Mã, dài hơn các triều đại vua chúa Trung Hoa, và dài hơn đế chế Anh Quốc.  Và tăng già tồn tại không phải nhờ vào vũ khí, nguồn lực tài chánh, hay thế lực quân đội. Mà chỉ hiện hữu nhờ sức mạnh của Trí huệ và Giới luật.   

Tuy nhiên, không có gì bảo đảm rằng tăng già sẽ tiếp tục hiện hữu, hay sẽ tiếp tục đóng góp quan trọng và ý nghĩa cho đời sống nhân loại. Trách nhiệm này phụ thuộc vào chính các thành viên của đoàn thể tăng già, phụ thuộc vào mỗi thế hệ mới của hai đoàn thể tăng và ni. Và đây là trách nhiệm cực kỳ quan trọng, vì tương lai của Phật giáo phụ thuộc vào tương lai của tăng già.

Như chúng ta biết, đoàn thể tăng già luôn tồn tại trong mối giao thoa chặt chẽ với hàng phật tử tại gia. Mối quan hệ giữa hàng xuất gia và tại gia là sự tương duyên tương tác. 

Trong truyền thống Phật giáo, người phật tử tại gia cung cấp cho đoàn thể tăng già các nhu yếu vật chất (tứ sự cúng dường) – y phục, thực phẩm, phòng xá, và thuốc men. Đổi lại, chư tăng giảng dạy Phật pháp cho hàng tại gia, và là tấm gương tu đạo cho người cư sỹ. Để đoàn thể tăng già tiếp tục hiện hữu, thì mối quan hệ này phải được duy trì bằng nhiều cách. Tuy nhiên, những thay đổi xảy ra trong xã hội có thể đặt mối quan hệ tăng-tục dưới trên một điều kiện mới.

Nhân tố quan trọng nhất tác động lên mối quan hệ tăng-tục là sự quá độ. Trước tiên là trật tự xã hội nguyên thủy đến trật tự xã hội thời hiện đại, và sau cùng là trật tự xã hội trong thời đại công nghệ. Điểm phân biệt của sự thay đổi này là, quá trình chuyển tiếp chú trọng trên sản xuất đến giai đoạn tiếp nhận và phân phát thông tin. Sự chuyển tiếp này đã xảy ra ở phương tây cũng như trong các xã hội tiên tiến nhất trên thế giới.     

Đôi khi sự chuyển tiếp này được đặc trưng bởi châm ngôn: chúng ta đang chuyển từ kỷ nguyên công nghiệp sang kỷ nguyên thông tin, từ văn minh dựa trên sản xuất đến văn minh dựa trên tri thức.  

Sự chuyển tiếp trong một xã hội cần nhiều thông tin sẽ làm đổi thay triệt để bản chất mối quan hệ giữa chúng xuất gia và chúng tại gia. Sự thay đổi này sẽ tạo ra thách thức đối với đoàn thể tăng già trong cách tiếp nhận thông tin với những giải pháp mới, để duy trì tính tương duyên của Phật pháp. Tôi không nói tôi là nhà tiên tri, và tôi không thể đoán quá nhiều về tương lai, nhưng xét từ những khuyhn hướng hiện tại, tôi thử phác hoạ một số thách thức mà tăng già sẽ đối diện, như chúng ta sẽ thấy

Vai Trò Của Nền Giáo Dục Cao Cấp

Trong kỷ nguyên thông tin, một phần trăm dân số của đất nước được tiếp nhận giáo dục cấp đại học. Dân chúng được tiếp cận nhiều nguồn tri thức và thông tin hơn trong quá khứ; sự hiểu biết của họ về thế giới hiện thực, ngay cả đối với Phật giáo, cũng trở nên tinh vi hơn nhiều trong những kỷ nguyên trước.

Họ dựa trên Phật pháp để đo lường chất lượng giáo dục mà họ tiếp nhận qua việc học tập ở nhà trường, và sẽ không đơn giản chấp nhận những lời dạy của các vị giáo thọ chỉ vì tôn kính và niềm tin hoàn toàn thiếu tư duy trong các truyền thống cổ đại

Họ được đào tạo để hỏi han và thắc mắc, và họ sẽ áp dụng phương pháp tương tự khi nghiên cứu Phật giáo. Từ bây giờ, chư tăng ni phải trang bi kiến thức để ứng đối. Tăng ni đừng mong người cư sỹ kính trọng mình chỉ vì họ lịch sự; mà họ phải được người cư sỹ kính trọng vì giảng giải Phật pháp một cách rõ ràng, chính xác và thuyết phục.

Chính các vị tăng ni phải cần có một trình độ giáo dục cao không chỉ Phật học mà còn trong các đề tài liên quan gián tiếp đến Phật pháp, như triết học hiện đại, tâm lý học, và các lĩnh vực khác. Cách thức để hội nhập một cách chính xác những kiến thức thế gian vào chương trình giáo dục tăng viện là một vấn đề khó; giải pháp cho vấn đề này phải được những người có trách nhiệm trong nền giáo dục tăng viện cứu xét

Vai Trò Của Việc In Ấn

Vai trò của nhà xuất bản liên quan chặt chẽ với những cơ hội để có một nền giáo dục chất lượng. Khoảng thế kỷ thứ hai trước Tây Lịch, việc dùng chữ viết đã làm Phật giáo biến đổi hoàn toàn; và bắt đầu từ hậu bán thế kỷ thứ 20, máy in và sự ra đời của ngành quảng cáo cũng đã thay đổi Phật giáo.

Hiện đã có hàng trăm đầu sách Anh ngữ trên mọi lĩnh vực Phật học, cả phật học phổ thông lẫn phật học học thuật. Cũng có nhiều loại sách được viết bằng các ngôn ngữ khác. Do đó, với một lượng sách như thế, người học Phật có chí có thể tích luỹ một vốn kiến thức uyên bác về Phật học.  

Thêm nữa, siêu vi tính đã cách mạng hoá việc học Phật. Với vi tính xách tay, bất kỳ ai có chí có thể chứa đựng cả một thư viện Phật học, bao gồm cả Tam tạng kinh điển (Tripitakas) trên ổ cứng. Nhờ Internet, chúng ta có thể tiếp cận những nguồn tư liệu phong phú về Phật học và tham gia thảo luận theo nhóm trên các đề tài liên quan đến Phật giáo.   

Bởi thế, kiến thức Phật pháp qua sách vở không phải là một đặc quyền của tăng sỹ; Kinh tạng và Luận tạng không còn thuộc về tu viện nữa như đã từng có trong văn hoá Phật giáo truyền thống. Ngành Phật học cũng được đưa ra làm đề tài nghiên cứu trong các trường đại học, và nhiều học giả cư sỹ xuất sắc đã thực hiện những công trình nghiên cứu về các lĩnh vực chuyên môn của Phật học

Đối với chúng ta, điều đặt ra là, liệu chúng ta với tư cách là tăng sỹ sẽ phải đưa ra những gì. Tôi muốn nói rằng trách nhiệm của chúng ta là không phải cạnh tranh với các học giả cư sỹ. Chúng ta nhất định phải tìm ra cách thức để sở hữu kiến thức có tính bác học về Phật giáo từ các nguồn tư liệu đáng tin cậy chừng nào thì tốt chừng đó. Và chúng ta nên học từ các học giả cư sỹ nếu cần thiết.

Nhưng điều mà đời sống tăng lữ đưa ra là một cơ hội để đưa Phật giáo vào đời sống thực tế; đời sống tăng lữ cho chúng ta cơ hội để kết hợp việc học kinh điển với việc áp dụng những lời giáo huấn trong kinh vào đời sống dựa trên đức tin, sự mộ đạo, và tín tâm đối với Tam Bảo. Chúng ta phải kết hợp kiến thức bác học với thực hành, hài hoà tri thức với đức tin và sự tín tâm. Chúng ta không thể hài lòng với kiến thức suông mà thiếu sự thực hành; cũng không thể chỉ thực hành mù quáng mà thiếu tuệ giác quán triệt.

Vai trò của Sự Luyện tâm

Phật pháp nhiếp phục con người không chỉ bằng kêu gọi học tập kiến thức, thực hành luân lý, mà đặc biệt bằng hệ thống tu dưỡng tâm linh. Chính đây là điểm phân biệt Phật giáo với các tôn giáo khác: Phật giáo nhấn mạnh vai trò của tâm trong việc quyết định hạnh phúc hay khổ đau, và Phật giáo đưa ra các phương pháp thiết thực để tu luyện tâm thức.       

Vì thế, tu tập thiền định là “pháp môn” rất quan trọng với nhiều người. Đây là “cửa” đặc biệt dành cho những người từ các tôn giáo khác muốn nghiên cứu Phật học, như đã có ở phương tây. Nhưng thiền định cũng là “cửa” dành cho những người Phật tử truyền thống, những người đến với Phật giáo do tiếp nhận một nền giáo dục khoa học và tâm trí họ luôn nghi ngờ và dò xét. 

Tôi không nghĩ rằng chỉ có thiền định mới là giải pháp. Về điểm này, tôi không muốn phê phán các vị giảng viên ở phương tây. Những người này đã trích dẫn sách vở chứng minh thiền định là từ Phật giáo, nhưng lại chối bỏ học thuyết Phật giáo, và đức tin tâm linh. Tôi cho rằng cần có một phương pháp dung hoà: dung hoà giữa tín tâm, việc học Phật, và sự thực hành thiền định.

Đức tin làm thay đổi cảm xúc, học Phật đem lại chánh kiến, và thiền định mang đến an bình và tuệ giác. Ngày nay, đầu tiên thiền định đã thu hút nhiều người đến với Phật pháp. Một khi họ đã thấy được ích lợi nhất định qua thiền định, thì họ sẽ quan tâm đến Phật pháp. Dần dần, thiền định khiến họ am tường Phật pháp, nghiên cứu kinh điển, và có chánh tín Tam Bảo, hay thậm chí trở thành người xuất gia. 

Tăng Già Đưa Ra Thách Thức

Tăng già tìm cách duy trì và kính trọng các truyền thống nguyên thuỷ, và sống mà không bị vướng bận bởi quá nhiều thuận lợi vật chất. Theo đó, tăng già thách thức người khác thích ứng lối sống thanh đạm, kính trọng giáo lý nguyên thuỷ, trân quý môi trường thiên nhiên. Trong thế giới hiện đại, bạo lực đang bóc lột các dân tộc và tôn giáo. Họ bị xíu giục rằng vũ lực có thể giải quyết được vấn đề.

Đoàn thể tăng già dựa trên nguyên tắc bất bạo động, tin chắc rằng kiên nhẫn, thảo luận, và thoả hiệp là tối cần thiết cho sự hoà hợp giữa loài người. Cho nên, tăng già thách thức nhân loại giải quyết vấn đề qua cảm thông lẫn nhau, tha thứ, và lòng từ bi. 

Bằng cách duy trì Phật pháp siêu việt thế gian, đoàn thể tăng già thách thức mọi nổ lực của chúng ta nhằm ổn định và tìm ra một nơi thanh bình cho toàn thế giới; tăng già thách thức nhân loại hiểu rằng trí tuệ tối thượng, giải thoát rốt ráo vượt ngoài biên giới thế gian.

Tiếng Nói Của Lương Tâm

Xuất phát từ lương tâm khiến tôi phải nói về một thách thức khác mà tăng già phải đối mặt trong thế giới ngày nay

Ngày nay nhiều vấn đề khủng khiếp đang nghiền nát hàng triệu nhân mạng và đang đe doạ xâm hại những người khác với một mức độ không thể đo lường được. Nhiều vấn đề khiến chúng ta quan ngại, như mâu thuẫn sắc tộc và chiến tranh, đã cướp đi vô số sinh mạng những thường dân vô tội, kể cả phụ nữ và trẻ em.

Chúng ta thật sự quan ngại các chính phủ áp bức đã bỏ tù, tra tấn, và ngược đãi công dân nước họ mà không có lý do; đồng thời khiến những công dân tự do khác liên tục sống trong trạng thái sợ hãi. Tôi quan ngại sự chênh lệch quá lớn giữa người giàu và người nghèo, và giữa các nước giàu và các nước nghèo. Chúng ta hãy nghĩ đến hàng triệu con người mắc những chứng bệnh do nạn đói gây ra, mà lẽ ra có thể dễ dàng cứu được.

Chúng ta hãy nghĩ đến sự suy đồi đạo đức mà hàng triệu phụ nữ đối diện. Họ bị buộc hành nghề mại dâm để kiếm sống vì gia cảnh túng thiếu.

Chúng ta hãy nghĩ đến hàng tỷ đô la bị lãng phí mỗi năm trên toàn thế giới chỉ để chế tạo vũ khí huỷ diệt hàng loạt. Trong khi, với số tiền đó, lẽ ra nữa dân số thế giới có đủ thực phẩm để duy trì mạng sống mỗi ngày.    

Sau hết, chúng ta hãy nghĩ đến những cách hành xử khinh xuất đã làm suy đồi môi trường sống của chúng ta – không khí, nước, đất đai, thực phẩm – mà không nghĩ đến những hậu quả khôn lường cho các thế hệ con cháu chúng ta. Theo quan điểm của tôi, trách nhiệm đối với đoàn thể tăng già là hãy phát ra tiếng nói lương tâm của người phật tử trên toàn thế giới.

Chính tăng già, hay ít ra cũng là tăng sỹ u tú nhất của Phật giáo, phải lên tiếng để biểu đạt giá trị đạo đức Phật giáo trong việc đối phó với những vấn đề khó giải quyết mà ngày nay loài người đang đương đầu.     

Người dich : Thích Nguyên Đăng

» Ảnh đẹp
» Liên kết website
Search
» Từ điển Online
Từ cần tra:
Tra theo từ điển:
» Âm lịch