Tư liệu
Sức mạnh nội tâm & sự vi diệu của lòng từ
02/01/2009 15:41 (GMT+7)
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

Hơn 40 năm ở chùa, tôi may mắn lớn lên trong sự chăm sóc, dạy dỗ và thương yêu của những bậc tu hành khả kính. Nhớ khi xưa, lúc còn là chú tiểu, bổn phận của tôi là hầu trà, pha nước mỗi khi chùa có khách đến thăm. Vì lẽ này, tôi thường được diện kiến, gần gũi và thân cận rất nhiều vị cao tăng, trí giả. Đúng như tục ngữ Việt Nam đã dạy: "Gần mực thì đen, gần đèn thì sáng". Cuộc đời và hạnh nguyện của các vị như là ngọn hải đăng chỉ đường cho thế nhân giữa biển đời tăm tối. Đức độ và tuệ tâm của những hiền nhân này đã có một tầm ảnh hưởng vô cùng lớn lao đối với cuộc đời tôi ý chí xuất gia của tôi đã được tẩm ướt và nuôi lớn bởi tấm lòng từ bi hỷ xả của các bậc xuất trần thượng sĩ. Tâm thức của tôi từng ngày lớn mạnh trong giáo pháp của Như Lai nhờ nghe chùng, học lén những sở trường và kinh nghiệm tu đạo và hành đạo mà chư vị luận đàm bên tách trà. Từng câu chuyện, từng lời nói đều là những bài pháp vô cùng ý nghĩa và lợi ích đối với hàng hậu học chúng tôi.

Suốt thời kỳ làm thị giả, tôi chứng kiến không biết bao nhiêu sự kỳ diệu xảy ra trong nếp sống thường nhật của các ngài. Tuy nhiên, điều tạo ấn tượng lớn nhất đối với tôi là hình ảnh thanh thản, tự tại, giải thoát, vô úy của các bậc chân tu trước phút giây sinh tử, giờ khắc trọng đại của một đời người: cái chết! Ở đây, tôi không bàn luận về triết lý cái chết, mà chỉ đề cập đến thái độ và phương cách mà các bậc cao tăng, trí giả hành xử trước phút giây trọng đại này.

Đã là người, ai cũng phải tuân thủ quy luật sanh già bịnh chết! Tuy nhiên, cái chết lại xảy ra rất khác nhau đối với từng người. Có người vì tuổi già sức yếu mà cỡi hạc quy tiên. Có người nhẹ bước Tây quy sau một cơn cảm lạnh.. Cái chết như thế thường xảy ra một cách nhẹ nhàng và hầu như ít tạo ra sự đau đớn cho xác thân. Nhưng có những cái chết không chỉ hành hạ thân xác của người sắp chết, mà còn dằng xé tâm thức của người ở lại. Ai đã từng một lần chứng kiến nỗi đau đớn khốc liệt của các bệnh nhân mang chứng nan y trước giờ phút sinh ly tử biệt mới cảm nhận được cái đáng sợ của bệnh tật. Không có ngôn từ nào có thể diễn tả được cơn đau đứt ruột đứt gan của bệnh nhân do căn bệnh ung thư hành hạ. Cảnh tượng người bệnh thân hình gầy gò, da bọc lấy xương, đau đớn quằn quại khi bị cơn đau hành hạ khiến người ta khó lòng cầm được nước mắt.

Suốt thời gian ở chùa, tôi đã chứng kiến nhiều cảnh thương tâm như thế đến với những người đồng đạo của tôi, nhất là những người tuổi đạo còn non, nội tâm chưa khéo tu tập và huấn luyện. Khi bị cơn bệnh ung thư quái ác hành hạ, họ cũng rên rỉ, trăn trở, la lối, thậm chí khóc lóc như bao bệnh nhân bình thường khác. Tuy nhiên, phong thái và cách ứng xử của các bậc cao tăng trước hiện trạng "bệnh là khổ" đã khiến không biết bao nhiêu bác sĩ, lương y đã giật mình thán phục. Giật mình vì những kết quả hội chẩn y khoa của hội đồng bác sĩ đối với bệnh trạng của các bậc chân tu thường không thật sự chính xác như các bệnh nhân tương tự! Thán phục vì sự phản ứng điềm đạm, nhẹ nhàng, từ tốn, thanh thản, tỉnh táo của giới tu hành niên cao lạp trưởng trong những giờ phút đớn đau khốc liệt do bệnh tật hành hạ. Nhiều bác sĩ, y tá đã tận mắt chứng kiến nhân cách người tu hành qua đức kiên nhẫn, sự chịu đựng và sức mạnh nội tâm. Phương pháp chuyển hóa nỗi đau cả thể xác lẫn tinh thần bằng công phu thiền quán của các ngài là những ấn tượng khó quên đối với những người tinh chuyên y học và khoa học.

Trong thực tế, các nhà khoa học đã chứng minh rằng sức mạnh tinh thần và yếu tố tâm linh có khả năng giúp người ta vượt qua nỗi đau của thân xác lẫn tâm hồn, kể cả chứng bệnh nan y. Trong chốn thiền môn, sự thật này vẫn diễn ra hàng ngày. Như đã đề cập, một trong những phương pháp để hành giả có thể có được sức mạnh tinh thần và tâm bệnh nhằm đạt được kết quả như trên là vận dụng giáo lý thiền định của Phật giáo vào trong cuộc sống hàng ngày. Thiền định Phật giáo đã và đang đem đến nhiều giá trị và lợi ích cho người hành trì khắp mọi nơi. Một pháp môn hành trì khác của đạo Phật đơn giản hơn, thích hợp với mọi người, có khả năng tạo ra sức mạnh nội tâm để hóa giải mọi chướng duyên của cuộc sống là ứng dụng giáo lý từ bi hỷ xả. Thực tập giáo lý này, một mặt, tạo nên sự thư thái, an tịnh, hỷ lạc cho tự thân người hành trì; mặt khác xây dựng một môi trường sống đầy tình yêu thương nhân loại.

Một số công trình nghiên cứu và ứng dụng lâm sàng của giới y học cũng nói rằng những bệnh nhân nào bị bệnh ung thư thường trầm tư về lòng thương người, thương đồng loại, nuôi dưỡng tâm từ bi trong mọi hành vi, cử chỉ hàng ngày của mình thì ít bị cơn đau hành hạ, đồng thời có thể làm giảm thiểu tốc độ phát triển của mầm bệnh. Thậm chí, nhiều bệnh nhân nhờ vận dụng tâm từ bi vào trong suy nghĩ và sinh hoạt của mình, quán tưởng từ bi như là một loại dược phẩm, một thứ thức ăn (tư niệm thực) còn có khả năng chữa lành được những căn bệnh quái ác. Bởi vì công năng của lòng từ là dập tắt lòng dục, khát ái, sân hận; công năng của lòng bi là dập tắt tính hung ác, tàn bạo của con người . Tham lam, sân hận và tân bạo là nguyên nhân chính tạo ra những rối loạn, ách tắc và biến chứng về vật lý, tâm lý, nhân cách và hành vi của con người. Rồi sầu muộn, lo lắng, bất an và bệnh tật khởi sinh từ sự mất cân đối và nhịp nhàng trong quá trình vận hành của thân và tâm. Tiến trình này đang xảy ra với mọi con người, không có ngoại lệ đối với kẻ tu, người tục. Tuy nhiên, dường như những ai có tu tập và thường ứng dụng giáo lý từ bi vào trong cuộc sống thì bệnh tật - dù đó là ung thư, nan y - cũng không tạo ra nhiều hệ lụy đối với họ. Sự thật này đã được minh chứng một cách thực tế qua đời sống của các bậc cao tăng đức độ, Trưởng lão Hòa thượng chùa Linh Sơn-Đà Lạt là một trong những người như thế.

Tinh thần từ bi hỷ xả đã được Hòa thượng hiện thực hóa một cách nhuần nhuyễn trong suốt cuộc đời tu hành và phụng sự của mình. Do hàng ngày dùng hương liệu từ bi để tẩm ướt thân tâm, cuộc sống của ngài luôn ngập tràn nụ cười an bình và hỷ xả. Ai có duyên được hạnh ngộ ngài sẽ tự mình cảm nhận được sức mạnh nội tâm của một bậc chân tu ở tuổi thượng tuần. Bới vì lẽ đó mà sau gần 10 năm phát hiện bị nhiễm bệnh (viêm gan siêu vi C). Hòa thượng vẫn thản nhiên sống hành đạo vì lợi ích cho đời. Dường như căn bệnh này không hề quấy nhiễu đến cuộc sống của ngài. Cho đến những ngày tháng cuối cùng khi bệnh tình chuyển sang ung thư gan giai đoạn cuối, Hòa thượng vẫn an nhiên, thanh thản cho đến hơi thở sau cùng. Sự vi diệu của lòng đã chuyển hóa mọi cơn đau và sự hành hạ của bệnh tật; bởi vì, theo các giáo sư, bác sĩ Bệnh viện Chợ Rẫy-TP.HCM, giai đoạn cuối của bệnh ung thư gan là vô cùng khủng khiếp đối với bệnh nhân. Mỗi khi bệnh tật hoành hành, các bệnh nhân phải trải qua cơn đau như xé thịt. Giải pháp duy nhất mà y khoa có thể giúp đỡ là sử dụng thuốc giảm đau để trợ giúp bệnh nhân vượt qua nỗi đau đớn xác thân. Thế nhưng đối với Hòa thượng, dường như hiện trạng này không hề tác động mấy. Suốt gần 20 ngày sau cùng hầu cận và săn sóc Hòa thượng, tôi không hề thấy ngài than thở, rên siết hoặc biểu hiện sự đau đớn như các bệnh nhân khác. Luôn lo sợ cơn đau dằng xé thân xác ngài, tôi thường hỏi Hòa thượng có đau không! Câu trả lời là một nụ cười hoan hỷ và cái lắc đầu. Điều này chứng tỏ được diệu dụng của lòng từ trong cả nếp sống thường ngày và trong mọi tình huống của cuộc sống.

Sự vi diệu của lòng từ là thế. Lợi ích của việc thực tập từ bi là không thể bàn luận hết. Ai ước ao sống có một cuộc sống vui vẻ, hạnh phúc thì hãy ứng dụng giáo lý từ bi hỷ xả vào trong cuộc sống hàng ngày. Công năng của bốn pháp này vô cùng vi diệu vì chúng không những tạo ra nhiều lợi ích, an vui cho hành giả, mà còn có khả năng xây dựng một môi trường sống an bình, hạnh phúc cho con người và xã hội.  

Viên Trí
Nguồn: Báo Giác Ngộ số 457

(vi tính: phatphap.wordpress.com)

» Ảnh đẹp
» Liên kết website
Search
» Từ điển Online
Từ cần tra:
Tra theo từ điển:
» Âm lịch