Tư liệu
Những ca khúc bất hủ viết về mẹ
29/12/2008 16:00 (GMT+7)
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

Mùa Vu lan, đối với đa phần người Việt cũng là mùa báo hiếu. Đây là dịp để chúng ta bày tỏ tấm lòng đối với các đấng sinh thành. Tuy nhiên, do sự tích Mục Kiền Liên -Thanh Đề mà mùa Vu lan luôn gắn với hình ảnh người mẹ. Từ xưa đến nay đã có rất nhiều hình thức biểu hiện tình mẫu tử và ở loại hình âm nhạc, đã có những ca khúc viết về mẹ thật tuyệt vời...

"Đêm khuya trăng mơ mắt trông về nơi cõi xa mờ. Nơi xa xăm kia con quay nhìn quê cũ dấu yêu. Ôi tình quê hương nơi chốn xa có bà mẹ. Tóc màu hoe bạc, chiều chiều mắt ngấn lệ vì con..." - đó là đoạn mở đầu ca khúc Quê mẹ của nhạc sĩ Thu Hồ, một ca khúc đã từng làm day dứt lòng người suốt hơn 60 năm qua, nhất là đối với những người con xa quê. Thu Hồ tên thật là Hồ Thu, sinh năm 1919 tại làng Tân Mỹ, nhìn ra cửa biển Thuận An (Huế).

Ông là lứa ca sĩ đầu tiên của Việt Nam (đi hát từ năm 1936, lúc đó thường hát nhạc Tây) nổi tiếng với bài La chanson du gondolier. Nhạc sĩ Trần Văn Lý là người anh họ và là thầy dạy nhạc đầu tiên của Hồ Thu. Năm 1943, Hồ Thu rời Huế vào Nam làm Trưởng ga tàu hỏa tại ga Dầu Giây - Long Khánh (nay thuộc tỉnh Đồng Nai). Dạo đó, Dầu Giây còn hoang vu, chỉ có dân mộ phu từ Bình-Trị-Thiên vào làm công nhân đồn điền cao su cho Pháp... Những đêm giữa rừng cao su, Hồ Thu nhớ nhà, nhớ mẹ và ông đã sáng tác ca khúc đầu tay Quê mẹ, ký tên Thu Hồ: "...Ra đi, con dâng đời cho gió sương. Quê người ngồi đếm những ngày vui qua... Mẹ ơi, ra đi đời con sá chi, mơ ngày về dưới ánh đèn lâm ly. Bên mẹ vui quên khúc ca ngày đi. Ai ngờ rồi cũng đến ngày phân ly...".

Một ca khúc về mẹ rất đặc sắc nữa, đó là bài Mẹ tôi của Nhị Hà: "Mẹ tôi nắng mưa chẳng ngại nhọc nhằn. Mẹ tôi mỉm cười nhìn bóng con ngoan. Không than, không phiền dù lâm hoạn nạn. Lòng tin con mình xứng thành người dân... Chiều chiều, bên liếp lều tranh. Mẹ tôi đứng đợi đàn con. Trước gió tóc trắng lòa xòa. Đôi mắt dịu hiền như bể tình thương...". Đoạn kết của bài hát với hình ảnh "Chiều nay đốt hương tưởng niệm trước mồ. Nhìn khói đau lòng tưởng nhớ năm xưa..." khiến ai mà chẳng ngậm ngùi!

Rất nhiều người đã cho rằng ca khúc Lòng mẹ của Y Vân mới là bất hủ. Quả vậy, bài hát Lòng mẹ có sức lan tỏa từ thành thị cho đến thôn quê. Giai điệu nhẹ nhàng, dễ hát. Ca từ giản dị nhưng giàu hình ảnh, truyền cảm... Nhiều bà mẹ đã ngân nga bài hát này để vừa ru con ngủ, vừa thể hiện tình cảm dạt dào của mình đối với đứa con yêu: "...Lòng mẹ thương con như vầng trăng tròn mùa thu. Tình mẹ yêu mến như làn gió đùa mặt hồ. Lời ru man mác êm như sáo diều dật dờ. Nắng mưa sớm chiều vui cùng tiếng hát trẻ thơ... Dù cho mưa nắng không quản thân gầy mẹ hiền. Một sương hai nắng cho bạc mái đầu buồn phiền. Ngày đêm sớm tối vui cùng con nhỏ một niềm. Tiếng ru êm đềm mẹ hiền năm tháng triền miên...".

Vào cuối thập niên 1950, Y Vân là nhạc công chơi đại hồ cầm cho các nhà hàng ở Sài Gòn để kiếm tiền nuôi mẹ và 2 em. Mỗi đêm khi anh đi chơi nhạc thì bà cụ ở nhà bê thau quần áo của anh ra giặt ở máy nước công cộng. Có một đêm, bà cụ giặt đến 2 giờ sáng thì bị cảnh sát bắt vì vi phạm lệnh giới nghiêm. Sáng ra, khi biết chuyện, Y Vân đã vừa khóc vừa viết Lòng mẹ: "...Thương con thao thức bao đêm dài, con đà yên giấc mẹ hiền vui sướng biết bao. Thương con khuya sớm bao tháng ngày, lặn lội gieo neo, mái tóc trót đành đẫm sương...". Viết xong, anh hát cho mẹ nghe. Lần này thì cả hai mẹ con đều khóc... Nhạc sĩ Y Vân mất ngày 28.11.1992 trong khi bà mẹ vẫn tại thế. Bà Minh Lâm (vợ nhạc sĩ Y Vân) kể: "Đứng trước quan tài, mẹ chồng tôi đã không hề khóc một tiếng. Có lẽ tất cả nước mắt để khóc thương con, bà cụ đã âm thầm nuốt ngược vào trong. Chúng tôi nghe cụ nói: Người đời thường bảo: con "đi" trước mẹ là bất hiếu, nhưng mẹ chẳng trách con đâu bởi con đã làm tròn chữ hiếu ngay từ lúc viết xong bài Lòng mẹ...".

Một bài hát ca tụng tình mẫu tử khác cũng được tác giả viết khi mẹ mình vẫn còn sống, đó chính là ca khúc Bông hồng cài áo (thơ Nhất Hạnh, nhạc Phạm Thế Mỹ). So với Lòng mẹ thì Bông hồng cài áo khó hát hơn nhưng vẫn hết sức phổ biến: "Mẹ, mẹ là dòng suối dịu hiền. Mẹ, mẹ là bài hát thần tiên. Là bóng mát trên cao. Là mắt sáng trăng sao, là ánh đuốc trong đêm khi lạc lối... Mẹ, mẹ là lọn mía ngọt ngào. Mẹ, mẹ là nải chuối buồng cau. Là tiếng dế đêm thâu, là nắng ấm nương dâu. Là vốn liếng yêu thương cho cuộc đời...".

Nhạc sĩ Phạm Thế Mỹ tâm sự: "Tôi từng có một thời gian bị bắt giam vì tham gia phong trào Phật giáo đấu tranh (1963). Ở trong tù, người tôi nghĩ đến nhiều nhất là mẹ của mình. Ra tù, tôi tình cờ đọc được bài văn xuôi Bông hồng cài áo của thiền sư Nhất Hạnh và tôi đã phổ thành ca khúc vào năm 1967. Tôi có cái may mắn là làm được bài hát tụng ca tình mẹ trong thời gian mẹ mình còn sống. Có nhiều lần mẹ tôi dắt cháu nội đi dạo chơi và về nhà rất muộn. Cả nhà lo lắng, hỏi han thì mẹ tôi trả lời: "Đang tính về thì máy thu thanh nhà ai đó phát bài Bông hồng cài áo của con, mẹ bỏ về không đành...".

Sẽ là thiếu sót nếu không nhắc đến các ca khúc Mừng tuổi mẹ (Trần Long Ẩn), Mẹ ngồi sàng gạo (Bắc Sơn), Vu lan nhớ mẹ (thơ MTK, nhạc Võ Tá Hân) và còn nhiều ca khúc hay viết về mẹ nữa...

(Theo: Thanh Niên 23/08/2007)

» Ảnh đẹp
» Liên kết website
Search
» Từ điển Online
Từ cần tra:
Tra theo từ điển:
» Âm lịch