Tư liệu
Hoằng pháp với tuổi trẻ Việt Nam
29/12/2008 15:57 (GMT+7)
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

Thích Thiện Quang
(Thành viên BHP tỉnh Khánh Hòa)

Cách đây hơn 2.550 năm về trước, tại xứ Ấn Độ, Đức Phật Thích Ca Mâu Ni - với trí năng toàn giác và lòng bi mẫn bao la - đã khởi sự đẩy bánh xe Pháp lăn vào cuộc đời. Cỗ xe Phật pháp ấy lại cứ được tiếp tục di chuyển đến khắp năm châu bốn bể, bởi các thế hệ học trò của Ngài từ đời này sang đời khác. Và cho dù lăn qua không gian của một đất nước nào, vào một thời đại nào, chiếc xe ấy vẫn bám chặt vào hai bánh “ khế lý - khế cơ” từ nguyên thủy của người đẩy nó.

Chính vì vậy, Phật giáo khi truyền vào Việt Nam thấm đẫm sắc màu Việt Nam, phù hợp căn cơ của người Việt Nam, thích ứng với tâm nguyện con người của đất Việt. Điều đó đã được chiều dài lịch sử Việt Nam chứng minh.

Từ đó, để thấy rằng: Sự nghiệp hoằng pháp của Phật giáo nước nhà trước thềm thiên niên kỷ mới cũng không thể đi ra ngoài quỹ đạo ấy. Điều cốt yếu ở đây là phải làm sao uyển chuyển vận dụng “Những hạt mưa giáo pháp Phật Đà” để tưới tẩm cho từng hạt giống, căn cơ, trình độ, lứa tuổi khác nhau một cách hữu hiệu nhất. Trong bản tham luận này, tôi xin được xoay quanh vấn đề “Hoằng pháp với tuổi trẻ Việt Nam”, gọi là một vài tâm tư nguyện vọng của người hậu học gởi đến buổi tọa đàm.

Phàm là tuổi trẻ thì dễ thích ứng với những cái gì mới mẻ. Đặc biệt là giai đoạn hiện nay, lúc mà khoa học công nghệ phát triển như vũ bão, kèm theo đó là những làn gió văn hóa phương Tây ào ạt tràn vào, thì tuổi trẻ càng dễ nghiêng về phía ấy. Vì vậy, làm như thế nào để những người trẻ tuổi tìm về với suối nguồn Phật pháp, đây chính là vấn đề cần đặt ra.

Trước tình hình như vậy, đòi hỏi người hoằng pháp phải chuyển tải nội dung giáo lý sao cho thật khoa học, khách quan, trong sáng, dễ hiểu; đồng thời vừa phù hợp và đáp ứng một cách thiết thực đến nhu cầu, tâm lý của các bạn trẻ. Để làm được điều này, người xiển dương Phật pháp ngoài hình thức cảm hóa giới trẻ bằng “thân giáo” ra, còn cần phải rèn luyện thuần thục các yêu cầu sau:

- Không những nhuần nhuyễn về “nội điển” mà còn am hiểu những tri thức khoa học, những hiểu biết về đời sống.

- Ngoài vốn từ Hán-Việt, còn cần không ngừng làm phong phú vốn từ thuần Việt. Các thuật ngữ Phật pháp, các pháp số nói riêng và nội dung giáo lý nói chung phải được diễn đạt mới mẻ bằng tiếng mẹ đẻ. Vì những lời Phật dạy, nếu được ngân lên trong tiếng mẹ đẻ, thì dễ đi vào lòng người hơn. Nó gần gũi, ấm áp, thiết tha như lời ru của mẹ.

Thế hệ trẻ được sinh ra và lớn lên trong thời đại mới, chịu sự tác động mạnh mẽ của nền văn minh công nghiệp mới. Chính vì vậy, song song với việc rèn luyện thuần thục các yêu cầu trên, người hoằng pháp muốn lưu truyền nguồn chảy giáo lý Phật Đà vào trong dòng sông tâm linh của tuổi trẻ, còn đòi hỏi vận dụng khéo léo các điểm cơ bản sau:

1. Trước tiên, cần quan sát, nhìn nhận, xem xét, tìm hiểu giới trẻ hôm nay cần những gì? Họ có được những điều kiện thuận lợi gì? Họ có những khát khao, ước ao, mong mỏi gì? Hay họ đang gặp phải những khó khăn, bế tắc, những hụt hẫng, khổ đau trong cuộc sống như thế nào?... Chúng ta không nên vội vàng nhồi nhét giáo lý Phật pháp vào đầu óc họ quá sớm. Cũng chưa nên vội đưa ra những lời khuyên “như thế này, như thế kia”, “không nên thế này, không nên thế khác”. Bởi tâm hồn họ đang ứ đầy những khúc mắc, như chiếc ly đang chứa đầy nước, nếu chúng ta đổ thêm vào thì chỉ tràn ra ngoài, không những thế đôi lúc nó còn gây phản tác dụng nữa là khác. Trong trường hợp như vậy, tốt nhất người hoằng pháp nên im lặng quan sát, lắng nghe những lời bộc bạch, thổ lộ, giãi bày tâm tư của giới trẻ, để cho họ nói lên tất cả những gì họ cần nói. Trong quá trình lắng nghe một cách bao dung độ lượng những gì họ trình bày, thì từ trong sâu thẳm tâm linh sẽ ứng chiếu ra cho chúng ta phương pháp giải quyết phù hợp nhất. Chúng ta nhớ lại câu chuyện Đức Phật độ cho một người đàn bà có duy nhất một đứa con, bà ta yêu thương con hơn cả mạng sống của mình, nhưng khốn khổ thay đứa con ấy lại lăn ra chết. Nếu lúc này, đem Tứ Thánh đế, Bát Thánh đạo, Vô thường, Khổ, Không, Vô ngã… giảng cho bà lão, thì hoàn toàn không đem lại kết quả gì, vì trong lòng người phụ nữ lúc này đang ngập tràn đau khổ. Nhưng thật phúc lành thay cho người phụ nữ ấy! Bà ta gặp được Đức Phật - Đấng Toàn Giác với tình thương bao la. Đức Phật đã để cho bà kể lể, vật vã khóc than, phơi trải toàn bộ nỗi xót xa, tiếc thương, đau khổ cùng tột của bà. Hơn nữa, Đức Phật lại còn nhận lời sẽ cứu sống con bà. Tuy nhiên, liền sau đó Đức Phật đã đưa ra một điều kiện, đó là xin cho được một nhúm tro của gia đình nào mà từ trước đến nay chưa bao giờ có người chết. Và cuối cùng, người đàn ấy đã tự mình nhận chân đạo lý Vô thường bằng sự nếm trải của con tim. Nếu lúc bà lão đem nỗi đau ứ nghẹt cõi lòng đến, chúng ta vội vàng giảng giải lý Vô thường rằng: “đó là quy luật tất nhiên của vũ trụ vạn vật, có sanh thì có tử, không thể nào làm cho người chết rồi sống lại được đâu…”, thì bà lão sẽ ngã quỵ vào tuyệt vọng bi đát. Trái lại, Đức Thích Tôn đã lặng yên lắng nghe, quán chiếu để thấy rõ niềm đau và tia hy vọng mong manh trong tâm bà lão. Từ đó, Đức Phật nương theo lòng mong cầu của bà, để truyền đến những lời vàng ngọc, làm bừng cháy lên ngọn lửa hy vọng trong bà: “Được, Ta sẽ cứu sống con bà”. Sau lời hứa này của Đức Thế Tôn, bà ta nhanh chóng hồi phục lại sinh lực, như người sắp chết đuối vớ được chiếc phao. Tiếp theo, Đức Phật lại khéo léo chỉ ra cái lẽ vô thường, bằng cách cho bà lão trực nhận sinh động từ thực tế cuộc sống, qua câu nói: “Nhưng phải làm sao xin cho được một nhúm tro của gia đình nào từ trước đến nay chưa hề có người chết”. Làm sao có chuyện một gia đình ở Ấn Độ, trải từ đời này qua đời kia, từ thế hệ này sang thế hệ nọ, mà lại không có người thân nào chết! Vậy là bà lão hân hoan lên đường đi tìm nhúm tro để cứu con mình và đó cũng chính là đang trên con đường dẫn đưa bà đến với ngôi nhà Phật pháp. Thật cao quý thay, cách hướng đạo chân tình và tràn đầy trí tuệ của đức Thích Ca Mâu Ni Từ Phụ!

Về sau, những học trò của Đấng Thế Tôn lại tiếp tục vận dụng phương cách này để đưa người vào đạo. Nhà sư Gia La Đồ Lê thường khuyên những người hoằng đạo rằng: “Hãy chỉ vẽ cho chúng sanh những gì chúng sanh cần mà chưa vội rao giảng cho chúng sanh những gì ta biết”. Như vậy, chính từ sự lắng nghe và tìm hiểu một cách thấu đáo những gợn trào ưu tư trong lòng của các bạn trẻ, tự khắc sẽ đưa đến cho ta câu trả lời tuyệt vời nhất, một giải pháp hữu hiệu nhất.

2. Tuổi trẻ hôm nay được học tập ở nhà trường, xã hội hoặc thông qua các phương tiện thông tin đa dạng, đã tự mình kiện toàn các tri thức khoa học. Thanh thiếu niên nam nữ hôm nay thường tôn trọng và đề cao lý trí. Họ không ngừng nỗ lực nghiên cứu và học hỏi để nâng cao sự hiểu biết, tiếp cận với những thành tựu khoa học hiện đại nhất. Vì vậy, để đưa các bạn trẻ đi vào khu vườn đầy hoa thơm trái ngọt của Phật pháp, chúng ta cần chuyển tải nội dung giáo lý sao cho thật là khoa học, khách quan, sáng sủa, rõ ràng, gọn gàng và dễ hiểu. Phật giáo vốn tự bản chất của nó là một khoa học và siêu việt cả khoa học. Tuy nhiên, khi trình bày Phật pháp cho các bạn trẻ nói riêng cũng như cho các đối tượng khác nói chung, cần đảm bảo tính khách quan khoa học. Đòi hỏi cách lập luận chặt chẽ lô-gích, sáng rõ mạch lạc, lý lẽ phải thuyết phục, dẫn chứng phải chính xác, sử dụng nhuần nhuyễn các thao tác quy nạp và diễn dịch… Nói như nhà bác học Albert Einstein: “Tôn giáo mà không có khoa học là tôn giáo mù, khoa học mà không có tôn giáo sẽ là khoa học què”.

Chính vì đề cao tinh thần khoa học trong quá trình hoằng pháp đối với tuổi trẻ, cho nên đi kèm theo là sự tôn trọng khâu tiếp nhận của bạn trẻ. Chúng ta không nên áp đặt một chiều theo kiểu ban ân huệ từ trên xuống. Trái lại, chúng ta cần xây dựng một bầu không khí cởi mở, tương thông, tạo điều kiện cho các bạn trẻ thảo luận, bàn cãi, tư duy một cách thấu đáo, để cuối cùng tự bản thân giới trẻ nhận chân ra vấn đề và thực hành theo. Tính tôn trọng người tiếp nhận đã được đức Phật thường khuyến khích và nhắc nhở:

“ Đừng vội tin bất cứ điều gì vì đó là truyền thống do nhiều thế hệ để lại.
Đừng vội tin bất cứ điều gì vì đó là điều được nhiều người nói đến.
Đừng vội tin bất cứ điều gì vì đó là điều được viết trong sách vở của các nhà hiền triết cổ xưa… Chỉ sau khi quan sát và phân tích, thấy rằng đó là điều hợp với lẽ phải, đem lại sự lợi ích cho mình và cho mọi người, thì hãy chấp nhận và sống theo nó” ( Tăng Chi I. Kinh Kalama - Các Vị ở Kesaputta).

3. Trong quá trình hoằng pháp, chúng ta cần làm nổi bật tính ưu việt, toàn hảo và thiết thực đối với đời sống của đạo Phật. Để thấy được tính vượt trội, vẹn toàn, an lành của đạo Phật, thì không thể nào quên việc liên hệ, so sánh giữa Phật giáo với cuộc sống con người hiện tại, đặc biệt là con người Âu-Mỹ. Xu hướng chung của thế hệ trẻ hôm nay, đều đang hướng về những thành tựu to lớn, choáng ngợp mà các nước phương Tây đã gặt hái được trong những thập niên qua. Chính vì vậy, nhiệm vụ của người hoằng pháp là phân tích, đánh giá một cách khoa học, khách quan những gì được và chưa được của các nước có nền kinh tế phát triển phồn thịnh. Tại sao các nhà khoa học lớn, các trí thức vĩ đại của phương Tây lại quay về nghiên cứu Phật giáo, tán thán ngợi khen giáo lý Phật Đà? Chúng ta cần phải hướng dẫn cho thế hệ trẻ nhận thức rõ thực trạng diễn ra trong suốt những thập niên của sự phát triển khoa học kỹ thuật. Kể từ khi cách mạng công nghiệp ở các nước phương Tây nổ ra, bên cạnh đời sống con người được cải thiện rõ rệt, các nhu cầu tiện nghi vật chất vô cùng dồi dào phong phú, thì cũng làm nảy sinh những vấn đề mới đầy lo ngại cho loài người:

+ Công nghiệp ở các nước Anh, Pháp… không ngừng được cải tiến, nâng cao, hàng hóa được sản xuất ngày càng nhiều, trong khi đó thị trường tiêu thụ trong nước thì có hạn. Thế là việc tranh giành, xâm lấn thị trường bắt đầu, chiến tranh nổ ra. Chiến tranh giữa các cường quốc tư bản với nhau, chiến tranh giữa các nước tư bản với nhân dân thuộc địa. Đặc biệt là hai cuộc Đại chiến thế giới thứ I và thứ II long trời lở đất. Quả địa cầu xanh tươi bây giờ trở thành vàng úa, sặc mùi khói súng, máu và nước mắt... Lúc này, con người mới chợt nhận ra lời Phật dạy về tình thương, về lòng từ bi sao mà tha thiết thế!

KeySesling trong quyển “Reisetagebeines eines philosophen” (Du ký của một triết gia) nhận định: “Chỉ có lý tưởng Bồ tát mới có thể cứu vãn toàn thế giới ra khỏi cơn hỗn độn và sự hủy diệt”.

+ Chiến tranh không những hủy diệt con người mà còn tàn hại cả môi trường sống, muôn vàn côn trùng và cây cỏ. Bên cạnh đó, khói của các nhà máy, của các động cơ, các chất thải công nghiệp tuôn vào bầu không khí và lai láng ra mặt đất vô tội vạ. Rồi tình trạng khai thác nguồn tài nguyên thiên nhiên bừa bãi, vét sạch tôm cá của lòng biển, đốn cây phá rừng nghênh ngang. Và hậu quả là môi trường sống đặt trong tình trạng báo động khẩn cấp: Tầng ozone bị thủng, hiệu ứng nhà kính, trái đất ngày một nóng lên, thiên tai bão lụt liên miên. Đến lúc này, người ta mới thấm thía lời Phật dạy về lòng vị tha, về vô ngã. Không nên vì lợi mình mà hại người, hại vật; phải biết “vong ngã” quên mình; thương người, thương vật là thương mình.

+ Khoa học công nghệ phát triển đến chóng mặt, cuốn con người vào dòng xoáy của thời đại máy móc. Con người trở nên khô cứng vì suốt ngày bị gò ép bởi máy móc và kỷ luật của công xưởng, tâm hồn con người ngày một chai lì, xơ cứng và dễ cáu gắt. Mái ấm gia đình không còn là nơi ấm êm, che chở nữa. Cha không truyền thông được với con, vợ không thông cảm được với chồng, anh không hiểu được em. Mỗi người sống trong một thế giới riêng, cô lập. Sáng mở mắt ra đã thấy mọi người hối hả lật đật, người thì ra chợ bán buôn, người thì đến xí nghiệp, công sở… Tối mịt mới về, ăn qua quýt vài miếng, rồi thì ai về phòng nấy, đóng sầm cánh cửa lại, nhốt mình trong bốn bức tường lặng câm và tự gặm nhấm những khắc khoải, ưu tư, vui buồn của riêng mình, không ai chia sớt được cho ai. Không khí trong gia đình thì bức bối, ra ngoài xã hội thì đâu có hơn gì. Người ta quan hệ với nhau, nói cười với nhau, tay bắt mặt mừng với nhau, chẳng qua là vì công việc, vì giao dịch làm ăn. Còn “hợp đồng” thì còn vui vẻ, hết “hợp đồng” thì “sống chết mặc bay”. Thậm chí người ta âm thầm mưu hại nhau, dùng thủ đoạn với nhau, giành giật nhau trong công việc làm ăn, những “ hợp đồng”, những “đấu thầu”, “đấu giá”. Sống trong môi trường như vậy, con người ngày một cô đơn, thu mình trong ốc đảo giữa hoang mạc khô khốc cuộc đời. Tâm hồn con người bị áp lực của đời sống hiện đại đẩy vào ngõ cụt, bế tắc, không lối thoát. Chính vì vậy, đời sống tinh thần của con người ở các nước Tây phương đang trở nên báo động. Tình trạng đầu óc căng thẳng, bức xúc, bạo động và “stress” diễn ra khá phổ biến. Bệnh viện tâm thần được xây dựng nhiều hơn. Các bác sĩ tâm lý, các nhà tư vấn tâm lý ngày càng nhiều. Các vụ tự tử vì tuyệt vọng, bế tắc trong cuộc sống càng nhiều hơn.

Bên cạnh đó, lại có một số thanh niên nam nữ lao vào ăn chơi sa đọa, hưởng thụ một cách phung phí. Sống một đời sống trác táng, trụy lạc, không còn biết đạo đức, nhân phẩm là gì, coi thường kỷ cương phép nước, nướng mình trong các sòng bạc, phiêu bồng theo nàng tiên nâu trong các ổ hút. Thật đáng thương hại xiết bao!

Chính vì những ung nhọt đó, vì những nhức nhối mà mặt trái của khoa học công nghệ tuôn vãi ra, đã làm cho chính người trong cuộc - một nhà tư tưởng phương Tây - phải thốt lên: “Khoa học không có lương tâm, chỉ là sự hủy diệt tâm hồn”.

Trách nhiệm của những người hoằng pháp chúng ta là làm thế nào cho thế hệ trẻ Việt Nam thấu rõ một cách sáng suốt thực trạng này. Chúng ta hiểu vì sao các nhà đại trí thức Tây phương lỗi lạc nói riêng cũng như con người ở các nước đó nói chung lại tự nguyện quay ngược về tắm mình trong “dòng sông Phật pháp”. Phải chăng, họ được sinh ra, lớn lên, được nuôi dưỡng và hít thở trong bầu không khí khoa học công nghiệp Âu-Mỹ, cho nên họ cảm thấy ngột ngạt bức bối và cố vùng vẫy thoát ra, để tìm một làn không khí trong lành, tươi mát hơn. Thật vậy, những nhà văn, nhà triết học, nhà tư tưởng, nhà khoa học lớn đã miệt mài nghiên cứu, tìm hiểu, thực nghiệm Phật giáo; và họ đã đưa ra những phát biểu, nhận định vô cùng chính xác, khách quan.

Francis Story trong cuốn Đạo Phật là tôn giáo thế giới có nói: “Dù kiến thức khoa học mở rộng tầm nhìn của con người đến đâu đi nữa, giáo pháp Đức Phật vẫn còn có chỗ để chấp nhận và đồng hóa với các khám phá mới lạ. Vì Đức Phật không dựa trên những quan điểm giới hạn của những trí óc thô thiển”. Hay, như nhà toán học, nhà vật lý học và triết gia người Pháp Blaise Pascal đã từng khẳng định:

“Phật giáo mang đến một chân lý xa hơn, Phật giáo chứng minh rằng qua sự hiểu biết, con người có thể chế ngự được hoàn cảnh xung quanh, thoát khỏi sự cuốn hút và sử dụng các luật tắc để tự vươn lên”.

Đặc biệt là Albert Einstein, nhà vật lý học vĩ đại của thế kỷ XX, cha đẻ của thuyết Tương đối, được giải thưởng Nobel về vật lý vào năm 1921, đã phát biểu một cách hào sảng rằng:
“Nếu có một tôn giáo nào đương đầu được với khoa học hiện đại thì đó là Phật giáo. Phật giáo không cần xem xét lại quan điểm của mình để cập nhật hóa với khám phá khoa học. Phật giáo không cần phải từ bỏ quan điểm của mình để theo khoa học, vì Phật giáo bao gồm cả khoa học cũng như vượt qua khoa học”.

Trên đây là một vài suy nghĩ cạn cợt của lớp hậu học, thành tâm gởi đến buổi tọa đàm. Kính chúc buổi toạ đàm thành tựu viên mãn và nguyện cầu cho mưa móc giáo lý Phật Đà tưới nhuần khắp thế gian, rửa trôi những khổ đau oi nồng của trần thế.

» Ảnh đẹp
» Liên kết website
Search
» Từ điển Online
Từ cần tra:
Tra theo từ điển:
» Âm lịch