Tư liệu
Vài suy nghĩ định hướng trong việc tiếp cận tuổi trẻ
29/12/2008 15:57 (GMT+7)
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

Thích Thiện Thông
(Thành viên BHP tỉnh BR-VT)

1. Đặt vấn đề

Khế lý khế cơ chính là phương thức của những người mang sứ mạng “hoằng pháp vi gia vụ, lợi sanh vi bổn hoài”. Một bài thuyết pháp dù có sâu sắc, chính chắn, toàn mỹ đến đâu đi nữa nhưng không phù hợp với đối tượng tiếp nhận thì cái chính chắn, cái toàn mỹ đó cũng không có ý nghĩa gì. Ngược lại, dù một bài thuyết pháp có sức cuốn hút, lôi kéo đến đâu đi nữa nhưng nếu nội dung đi ra ngoài phạm vi của Phật giáo thì cái cuốn hút, lôi kéo đó cũng chỉ là mộng mị, giả dối, mê hoặc mà thôi. Do vậy, đứng trước một đối tượng nào đó, chúng ta phải thấy được khả năng tiếp nhận của họ để thuyết giảng. Với đối tượng là tuổi trẻ, chúng ta phải làm cách gì để đem Phật pháp đến với họ một cách hiệu quả nhất?

Đối với tuổi trẻ mà chúng ta dùng hai chữ Hoằng pháp thì có vẻ hơi xa lạ và khó hiểu. Bởi vì tuổi trẻ là tuổi mới lớn, đôi khi các em chưa ý thức được vấn đề này. Đối với các em trong độ tuổi đang say mê đi tìm hương sắc của cuộc sống nên bất cứ yếu tố nào mang tính chất kì lạ, hấp dẫn đều có thể lôi cuốn các em vào vòng xoáy ngay. Một độ tuổi mà phần đông là chưa có những xúc chạm đáng kể với những thử thách, cạm bẫy và những thú vui của cuộc đời thì tâm hồn các em rất ngây thơ và nhạy cảm, vẫn vô tư theo đuổi những đối tượng mà mình cho là lý tưởng và tin cậy, mà lắm lúc chẳng thấy được mục đích của sự theo đuổi ấy là gì và nó đi đến đâu. Đến khi biết nó là ảo ảnh hay một tuồng kịch chưa hạ màn thì mọi chuyện đã rồi.

Từ cái tính năng động, tìm tòi muốn khám phá những bức màn bí mật của cuộc sống đã giúp các em có rất nhiều sinh lực để đi đến những thành tựu lớn. Nhưng cũng có em đường đời không may mắn, cuộc sống không ưu đãi, liên tiếp gặp những trở ngại và rào cản khiến cho tương lai mờ mịt, sự nghiệp dang dß. Chính điều đó, đã làm các em mất niềm tin và ý chí, lắm lúc phải suy sụp gục ngã.

Tuổi trẻ lại là độ tuổi đang chuyển mình trong mọi khía cạnh, từ vật lý cho tới tâm lí, từ nhận thức cho tới tư duy, cho nên những biến đổi thăng trầm của xã hội rất dễ tác động và có thể gây những ấn tượng mạnh cho các em. Vì thế, nếu có một sự chuyển biến tốt đẹp theo chiều hướng khả quan thì các em sẽ hấp thụ được một xu hướng tốt, một ấn tượng đẹp; còn như sự chuyển biến mang tính chất tiêu cực, thoái hóa thì sẽ để lại trong tâm hồn các em một hình ảnh điêu tàn, hoang phế, tác động và ảnh hưởng rất lớn đến sự định hướng cho tương lai của các em.

Mang một hoài bão, một ước mơ thánh thiện và một bầu nhiệt huyết hăng say của tuổi trẻ, các em có đầy đủ khả năng lao vào cuộc sống bất tận để xây dựng và cống hiến làm cho cuộc sống nẩy hoa. Nhưng các em cũng dễ chán nản và thay đổi khi sự nghiệp bất thành, khi bị phong ba bão táp của cuộc đời vùi giập.

Với năng lực và ý chí cầu tiến mạnh mẽ, lẽ ra các em phải đi tới một phương trời xa rộng. Nhưng lắm em phải chùn bước ngã lòng khi cạm bẫy cuộc đời giăng lối, khi màn đêm bao phủ và khi những thú vui, vật lạ mang tính cách suy đồi quá sức hấp dẫn và khêu gợi.

Càng ngày xã hội càng văn minh, các phương tiện về mọi lãnh vực quá ư là đầy đủ, thậm chí còn thừa thãi đối với nhu cầu thọ dụng của mọi người. Những thứ đồi trụy ngày càng phổ biến làm ảnh hưởng và tác động không nhỏ đến sự trong trắng của các em.

Do vậy, hoằng pháp trong giai đoạn này, nhất là đối với tuổi trẻ, thật không phải là một vấn đề đơn giản và dễ thực hiện.

2. Một vài suy nghĩ định hướng tiếp cận

Đối với độ tuổi này chúng ta phải luôn biểu hiện sự linh động mới mẻ. Phải biết hòa nhập với thời cuộc để thấy được những nhu cầu, ước muốn của chúng trong từng giai đoạn. Nhất là đối với Việt Nam, một nước đang có nhiều đổi mới và chuyển mình, bắt buộc người hoằng pháp phải linh động và sáng tạo thì mới bắt kịp nhịp điệu tiến triển của xã hội và nhận thức của tuổi trẻ.

Trong giai đoạn này, các em đang háo hức đón nhận những thành quả rất đáng tự hào của đất nước và có thể đang tắm gội một cách say sưa trong đó. Cho nên rất khó mà thấy được những giá trị hiện hữu bên ngoài, cho dù đạo Phật chúng ta luôn hiện hữu bên cạch các em. Nhưng lắm lúc cái gần mình nhất lại cách xa ngàn trùng. Đối với tuổi trẻ, chúng ta phải hiểu được tâm sinh lý của các em, thấy được những khát vọng cầu tiến của các em để giúp các em định hướng. Tuổi trẻ thì có nhiều sự bồng bột và hiếu thắng vì vậy làm người hoằng pháp chúng ta phải vững trãi và kiên nhẫn để có thể cảm thông và lắng nghe các em nói. Thái độ và khoảng cách của chúng ta cũng hết sức quan trọng. Ta đứng trên phương diện nào để đối thoại với các em? Tư cách của một giảng sư? Của một người lớn? Hay của một bậc thầy? Hoàn toàn không phải như vậy. Ta phải đứng trên tư cách của một người cha, một người anh và một người bạn luôn thể hiện sự quan tâm, hiểu biết và sẵn sàng chia sẻ những khó khăn của các em.

Trong độ tuổi giao thoa, vừa mở cửa để tiếp xúc và đón nhận những hương sắc của cuộc đời, các em còn rất nhiều phân vân và do dự, vì vậy cần hướng đến mục đích nào đây? Nói dễ hiểu là các em cần chọn cho mình một hướng đi trong tương lai. Lúc này chúng ta phải kịp thời đến để hỗ trợ và tư vấn cho các em với bổn phận của một người đi trước và hướng dẫn, giúp các em có đủ niềm tin và sự sáng suốt để quyết định cho một tương lai của mình. Đối với tuổi trẻ, chúng ta không chỉ là người tác động giáo dục, nhận thức hướng đi mà còn phải hiểu về những chuyển biến thực sự những tâm lí trong con người các em nữa. Vì giai đoạn này, các em có rất nhiều tâm sự và chuyển biến. Nếu chúng ta tác động đúng lúc sẽ làm cho các em vững vàng hơn. Tuổi mới lớn, có nhiều em chưa tự khẳng định về mình được, chúng ta phải giúp các em những thông tin và phương tiện hữu hiệu để các em có đầy đủ sức mạnh và lập trường hoàn thiện nhân cách và khả năng sáng tạo của chính mình.

Các em rất cần một người bạn hiểu mình để nương tựa và chia sẻ những thăng trầm, đắc thất giữa cuộc đời. Chúng ta sẵn sàng trong tư thế của một người bạn thân, một người tri kỷ. Chính cái vấn đề tình cảm cũng làm các em băn khoăn không ít. Đứng trên nguyên tắc nào để tìm cho mình một người tâm đầu ý hợp? Một người có thể đi trọn một con đường với mình mà không thay lòng đổi dạ? Tất nhiên là chúng ta không tư vấn cho các em lập gia đình, nhưng chúng ta phải hướng dẫn và tư vấn để các em chọn cho mình một con đường.

Đối với tuổi trẻ, chúng ta cần phải bỏ bớt một số nghi thức và những thủ tục lễ giáo thông thường thì mới có thể tạo sự gần gũi và cảm thông. Chúng ta phải luôn cởi mở, hoạt bát, không nên quá nghiêm nghị và cứng nhắc để tạo bầu không khí bình thường, tự nhiên cho chúng. Có nhiều thầy nhiều cô muốn tạo sự thân ái gần gũi mà lại luôn “hình sự” thì làm sao các em có cơ hội để tiếp xúc đây? Muốn các em mở cửa sổ tâm hồn thì chúng ta phải là người mở trước. Phải nói rằng: tươi vui, hoạt bát, với một chút tế nhị nhẹ nhàng là một ưu điểm lớn để chinh phục và đi vào tâm hồn các em.

Chúng ta phải nên thực hành những tính cách như vậy, cứng thì phải tập cho mềm, “hình sự” thì phải tập cho cởi mở, khó gần thì phải tập cho dễ gần. Ai cũng thích đắm mình trong một khung cảnh thiên nhiên với cỏ hoa và gió mát, bướm chim và cây. Chính cái thay đổi linh hoạt, uyển chuyển của người hoằng pháp cho thích hợp với tâm sinh lý của mọi người là phương tiện quyền xảo giúp vị đó dễ dàng thành công trong công việc của mình.

Tại sao ta lại chọn tuổi trẻ? Bởi vì tuổi trẻ là một lực lượng hùng hậu về trí lực và sinh lực, là cái hạt nhân của xã hội, là thế hệ kế thừa. Cho nên, nếu được giáo dục và hướng dẫn đúng đắn sẽ giúp ích rất nhiều cho đất nước và đạo pháp. Đến với tuổi trẻ, chúng ta phải là tuổi trẻ. Nghĩa là chúng ta phải trẻ trung hóa tâm hồn của mình. Thấy được sự vấp ngã, ích kỉ, vội vàng của chúng là những việc rất bình thường và phải có ở tuổi mới lớn. Chúng ta không trách cứ, phê bình mà chấp nhận và chia sẻ để tạo niềm cảm thông sâu sắc cho các em. Với tuổi trẻ, chúng ta phải luôn ở thế chủ động. Tìm hiểu, lắng nghe những thao thức, suy tư và vướng mắc của các em, để rồi từ đó vạch ra một phương pháp chuyển hóa, tháo gỡ, đưa các em đi đúng hướng.

Nhìn vào thực tế, trong các đạo tràng tu học sinh hoạt, rất ít sự hiện diện của các em trẻ tuổi. Đây không phải là vấn đề của hôm nay mà nó có cả một chuỗi dài của quá khứ còn đọng lại cho tới bây giờ. Phải chăng là đạo Phật không phù hợp với tuổi trẻ? Hay là chúng ta chưa có một phương hướng cụ thể dành riêng cho tuổi trẻ, một sự linh động thực sự để cuốn hút chúng? Vấn đề này chúng ta phải đặt trong những thao thức, trăn trở hàng đầu đối với ngành hoằng pháp của chúng ta.

Hiện nay, đất nước chúng ta đang trên đà phát triển và đổi mới, phải nói gần như toàn cục để hòa mình vào một cuộc hội nhập mới trong mọi lãnh vực. Hơn ai hết, trong tinh thần “phụng sự chúng sanh là cúng dường chư Phật”, chúng ta cũng không thể không nhập cuộc. Đã nhập cuộc thì phải chuẩn bị tư thế và chiến lược mới có thể thành công. Hoằng pháp cũng phải theo xu thế của thời đại mà uyển chuyển cho phù hợp và hiệu quả với phương châm “tuỳ duyên bất biến” và “đồng sự nhiếp” là phương tiện rất hữu ích cho chúng ta.

3. Một vài kiến nghị bước đầu:

Để việc “hoằng pháp với tuổi trẻ” hay đưa đạo Phật vào tuổi trẻ có kết quả tốt, chúng tôi xin đưa ra vài kiến nghị như sau:

+ Đối với tuổi trẻ, nên chọn những giảng sư trẻ, có học thức uyên bác cả đạo lẫn đời, năng động, vui tính và hiểu tâm lý trẻ hướng dẫn, giảng dạy.
+ Tạo nhịp cầu ảnh hưởng bằng cách cho một số giảng sư trẻ có trình độ học vấn thi vào các trường đại học, cao đẳng để tác động vào lớp trẻ tư tưởng và ngôn ngữ của đạo Phật. Từ đó, có thể tạo nguồn lực dẫn dắt chúng vào cửa đạo.
+ Khuyến khích các vị trụ trì nên quan tâm nhiều hơn nữa đối với lớp trẻ, tạo sự cởi mở, thân mật để khuyến khích các em mạnh dạn bước vào cửa đạo.
+ Ban Hoằng pháp T.Ư nên có một giáo trình thật cụ thể để hướng dẫn cho lớp trẻ mà nội dung phải sinh động và liên hệ nhiều đến thực tế và thời cuộc, cũng như những ước vọng của các em.
+ Thường xuyên mở những chương trình tọa đàm, thảo luận liên quan đến đời sống và nhu cầu của tuổi trẻ trong tinh thần phật pháp như: “Đạo Phật với tuổi trẻ” , “Đạo Phật giúp gì cho tuổi trẻ”...
+ Mở những khóa bồi dưỡng tâm lý học cho các giảng sư trẻ, để nâng cao trình độ nhận thức tâm lý con người.
+ Giáo hội nên tạo sự liên hệ với các trường đại học, cao đẳng, để các giảng sư có dịp giao lưu thân thiện với quần chúng tuổi trẻ.

Trên đây là những suy nghĩ thiển cận và một vài kiến nghị nhỏ bé về đề tài “Hoằng pháp với tuổi trẻ”. Hy vọng rằng trong nội dung bài viết này, có đôi điều lợi ích để có thể đóng góp cho sứ mạng “Hoằng pháp lợi sanh” của người con Phật trong thời đại mới.

Cuối cùng, kính chúc chư tôn đức thân tâm thường lạc, Phật sự viên thành.

» Ảnh đẹp
» Liên kết website
Search
» Từ điển Online
Từ cần tra:
Tra theo từ điển:
» Âm lịch