Tư liệu
Hạnh giảng sư
29/12/2008 15:57 (GMT+7)
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

Thích Giác Tín
(Thành viên Đoàn giảng sư THPG TP.HCM)

Chúng ta, những người theo dấu chân Đức Phật, đều đang an trú trong ngôi nhà của Như Lai. Như Lai là một trong mười danh hiệu chỉ cho một bậc đã giác ngộ hoàn toàn, đã giải thoát khỏi tất cả các triền phược buộc ràng. Như vậy, Như Lai hay Phật là người có khả năng dẫn dắt và giúp vạn loài sống an vui, giải thoát ngay giữa đời thường. Không những thế, chúng ta, những giảng sư còn là sứ giả của Như Lai, thay Đức Phật hoằng truyền Chánh pháp nhằm giúp cho tất cả mọi loài sống an vui ngay tại thế gian này. Chính vì thế, chúng ta phải vào nhà Như Lai, mặc y Như Lai và ngồi tòa Như Lai rồi mới nên vì mọi người mà giảng nói Chánh pháp. Đây cũng chính là hạnh mà một vị giảng sư cần phải tu tập.

Theo kinh Pháp Hoa, phẩm Pháp Sư thứ 10, những ai muốn vì bốn chúng mà nói kinh Pháp Hoa thì phải vào nhà Như Lai, mặc y Như Lai và ngồi tòa Như Lai. Thật ra thì tất cả những ai muốn khai hóa diễn bày Chánh pháp, muốn đi vào trong bất kỳ một hội chúng nào với tâm hoàn toàn không lo âu hay sợ sệt cũng đều phải tu tập ba hạnh này. Bởi vì sao? Bởi vì nhà Như Lai chính là tâm từ bi rộng lớn đối với tất cả chúng sanh. Nhưng làm thế nào chúng ta an trú trong ngôi nhà Như Lai này? Không có cách nào khác hơn là chúng ta phải tu tập ngay trong từng niệm để phát triển tâm từ bi rộng lớn thông qua việc làm của ba nghiệp – thân, khẩu, ý. Xuất phát từ tâm yêu thương chân thật này, chúng ta có thể đem niềm an vui, hạnh phúc cho muôn loài mà không hề có bất kỳ một ý niệm phân biệt nào. Cũng vậy, với tâm từ bi rộng lớn, chúng ta có thể đến với vạn loại chúng sanh nhằm giúp họ vơi nhẹ khổ đau, sầu lo hoặc phiền muộn, thậm chí có thể giúp họ chấm dứt tất cả phiền muộn, khổ đau ngay khi có thể được. Đạo Phật là đạo thiết thực, hiện tại, vì thế để phát triển tâm từ bi, đồng thời đem lại lợi lạc cho quần sanh, chúng ta phải thực hành bố thí. Tất nhiên, bố thí khi thực hành vẫn không ngoài tài thí, pháp thí và vô úy thí. Nhưng vì hạnh phúc hay khổ đau đều xuất phát từ tâm, từ cõi lòng sâu thẳm của con người, cho nên đối với chúng ta, những vị giảng sư, pháp thí luôn luôn tối thượng. Vì thế, vị giảng sư bố thí pháp với tâm bình đẳng không hề hối tiếc, chẳng trông quả báo, chẳng cầu tiếng tăm, chẳng tham lợi tức, chỉ vì cứu hộ tất cả chúng sanh, vì nhiếp thọ chúng sanh, vì lợi ích chúng sanh, vì học tập bổn hạnh của chư Phật, vì tăng trưởng bổn hạnh của chư Phật, vì trụ trì bổn hạnh của chư Phật, vì hiển hiện bổn hạnh của chư Phật, vì diễn thuyết bổn hạnh của chư Phật, và cũng vì chúng sanh thoát khổ được vui. Trên tinh thần đó, vị giảng sư khi giảng pháp chẳng thấy tự thân, chẳng thấy vật bố thí hay pháp bố thí, chẳng thấy người thọ, chẳng thấy phước điền, chẳng thấy nghiệp, chẳng thấy báo, chẳng thấy quả, chẳng thấy đại quả, chẳng thấy tiểu quả. Theo tinh thần kinh Hoa Nghiêm, vị ấy đã hành trọn vẹn hạnh hoan hỷ và là một vị Bồ tát sơ địa an trú nơi địa hoan hỷ, bởi vì vị ấy sống một cuộc sống hoan hỷ và có khả năng giúp mọi người sống an lạc, hoan hỷ như chính bản thân mình. Đây chính là hạnh thứ nhất, hạnh từ bi rộng lớn, mà một vị giảng sư cần phải tu tập.

Hạnh thứ hai mà một vị giảng sư cần phải tu tập là hạnh nhẫn nhục. Như trên đã trình bày, tâm từ bi rộng lớn được ví như ngôi nhà Như Lai, an trú nơi tâm này thì không có bất kỳ ai có thể làm tổn hại người nói pháp. Cũng vậy, hạnh nhẫn nhục được ví như y Như Lai. Khoác lên người chiếc y Như Lai này tức là đã an trú nơi hạnh nhẫn nhục, vị giảng sư niệm niệm luôn khiêm hạ cung kính, chẳng tự hại, chẳng hại người, chẳng hại mình, người chẳng tự thủ trước, chẳng thủ trước người, chẳng thủ trước cả hai, cũng chẳng tham cầu danh tiếng lợi lộc. Hơn thế nữa, chúng ta, những vị giảng sư, phải luôn tự nhủ rằng, chúng ta thuyết pháp cho chúng sanh khiến họ lìa tất cả sự ác, dứt phiền não, khiến họ luôn nhẫn nhục nhu hòa. Thành tựu được hạnh nhẫn này, vị giảng sư cho dù thình lình gặp những việc phi thường cũng không kinh, vô cớ gặp những điều ngang trái cũng không giận. Giả sử có người ác đem lời ác mắng nhiếc, trêu chọc, nguyền rủa, đồng thời dùng dao gậy đánh đập... tất cả những điều ấy cũng không làm động loạn tâm của vị giảng pháp. Tu tập hạnh nhẫn này, chúng ta cũng luôn niệm niệm nghĩ nhớ rằng thân này không tịch, không ngã ngã sở, không thật, tánh trống rỗng không hai, đều không có khổ hoặc vui, vì tất cả pháp đều trống không vậy. Vị giảng sư cũng cần phải rộng nói cho mọi người, khiến cho chúng sanh diệt trừ kiến chấp này. Vì thế cho nên, chúng ta dù nay bị khổ nhục, phải nhẫn thọ, vì thương xót chúng sanh, vì lợi ích chúng sanh, vì an vui chúng sanh, vì nhiếp thọ chúng sanh, vì chẳng bỏ chúng sanh, vì để tự giác ngộ và khiến người giác ngộ, và cũng vì lòng không thối chuyển đối với Phật đạo. Theo tinh thần kinh Hoa Nghiêm, nếu thực hiện đươc như thế là chúng ta đã thành tựu được Vô vi nghịch hạnh và là Bồ tát trú nơi Phát quang địa thứ ba.

Quán sát tất cả các pháp đều không là hạnh tu thứ ba của một vị giảng sư. Đây cũng chính là tòa Như Lai đích thực dành cho vị giảng sư giảng nói Chánh pháp. Do tu tập, quán sát nhất thiết pháp giai không như vậy nên vị ấy không hề sanh tâm đảo điên phân biệt các pháp hoặc có hoặc không, là thật hay chẳng phải thật, là sanh hay chẳng phải sanh. Cũng chính do quán sát tất cả các pháp thảy đều không thật có, không danh không tướng, không lường không ngằn, không ngại, không chướng chỉ do nhân duyên mà có, từ điên đảo mà sanh, cho nên trong khi giảng nói Chánh pháp, tâm vị ấy luôn an ổn, không có chút khiếp nhược, không có lòng e sợ trước bất kỳ một hội chúng nào. Do vì tu tập quán sát tất cả các pháp đều không, đều là sự hiện hữu tương đối, tùy thuộc lẫn nhau và vô thường, cho nên vị ấy biết như thật rằng các pháp đều vô ngã, vô nhân, không có tác giả, chẳng có thọ giả, không chân thật, như huyễn, như mộng, như bóng vang, chính vì thế vị ấy không có lòng mong cầu bất cứ một điều gì, nhưng vẫn sống một cuộc sống vì lợi lạc quần sanh6. Theo tinh thần kinh Hoa Nghiêm, vị giảng sư đã thành tựu được Thiện hiện hạnh và là vị Bồ tát an trú nơi Hiện tiền địa thứ sáu. Tu tập quán sát trọn vẹn tất cả các pháp đều không chính là tòa Như Lai đích thực dành cho một vị giảng sư.

Tóm lại, những ai muốn hoằng truyền Chánh pháp đều phải vào nhà Như Lai, mặc y Như Lai và ngồi tòa Như Lai. Nhà Như Lai không phải là chùa to Phật lớn, hội chúng đông, giảng đường rộng, mà chính là tâm từ bi vô lượng đối với muôn loài, khi tu tập tâm này cũng chính là tu tập tâm xả bỏ, vô cầu, vô chấp. Y Như Lai chẳng phải là tấm y vải vóc tầm thường mà chúng ta thường mặc, mà chính là tự tánh luôn nhu hòa nhẫn nhục trong mọi hoàn cảnh. Tòa Như Lai cũng chẳng là pháp tòa cao rộng, danh xưng, chức vị cao tột, mà chính là tất cả đều không. Tu tập tâm từ bi rộng lớn cụ thể chính là thực hành bố thí nhằm đem lại lợi lạc cho mọi người, mọi loài. Nói cách khác, đây chính là tu tập giới - nhiêu ích hữu tình giới, một trong tam tụ tịnh giới (nhiếp luật nghi giới, nhiêu ích hữu tình giới và nhiếp thiện pháp giới). Tự tánh không sân, chí nguyện bền vững, cho dù vô cớ gặp những điều ngang trái tâm cũng không động loạn; đây chính là tu tập thiền định. Quán sát nhất thiết pháp giai không để biết như thật các pháp đều từ điên đảo mà sanh, từ duyên hợp mà có cho nên tự tánh lìa được si loạn, thế chẳng phải là tu tập trí tuệ ư? Được như vậy, vị giảng sư đã tu tập giới, định, tuệ một cách trọn vẹn, khi đó vị ấy an trú nơi nhà Như Lai, an vui mặc y Như Lai, và thanh thản ngồi tòa Như Lai, rồi vì an vui, giải thoát và giác ngộ cho muôn loài mà diễn bày, rộng nói Chánh pháp của Như Lai.

Sách tham khảo:

+ Kinh Diệu Pháp Liên Hoa, HT Thích Trí Tịnh (dịch), Nhà Xuất bản Tôn Giáo, Hà Nội, 2001.
+ Kinh Đại Phương Quảng Phật Hoa Nghiêm (4 quyển), HT Thích Trí Tịnh (dịch), Nhà Xuất bản Thành Phố Hồ Chí Minh, 1999.

» Ảnh đẹp
» Liên kết website
Search
» Từ điển Online
Từ cần tra:
Tra theo từ điển:
» Âm lịch