Sách
Tam Bảo văn chương
Đoàn Trung Còn
16/07/2011 14:27 (GMT+7)
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng


Đạo lý từ bi của Phật rất dễ cảm hóa tấm lòng thanh bạch của nam nữ thanh niên. Mỗi khi rỗi rãnh việc đồng áng hay việc dệt vải quay tơ, hoặc nhằm những ngày lễ Phật, Tết Nguyên Đán, rằm tháng giêng, mồng tám tháng tư, rằm tháng bảy, cùng là nhằm những ngày vía Phật, những ngày rằm, mồng một, thì hàng thiếu niên hoặc theo cha mẹ, hoặc rủ nhau đi chùa. Bấy giờ nơi am thanh cảnh tịnh, ngoài thì hoa đẹp, cỏ thơm, không khí mát mẻ, khỏe khoắn, nhẹ nhàng, trong thì mấy tượng Phật đầy vẻ từ hòa dường như đang tìm những sự tùy phương mà tế độ chúng sanh, cùng với khói trầm nghi ngút khiến cho lòng trần thấy dứt mà lòng đạo phấn chấn lên. Rồi đến khi viếng thầy, một vị hòa thượng cao niên, ăn nói hiền hòa, nhu mì, tùy thuận căn cơ mà khuyến khích hoặc an ủi mình, thì người thanh niên ta rất lấy làm cảm mến, dường như trút sạch gánh ưu sầu, phiền muộn. Lại có khi được nghe vị pháp sư giảng câu kinh, nghĩa kệ; từ trên ngôi cao, những lời khuyên làm lành, lánh dữ, tu phước, trồng duyên, rót vào tai mình một cách cao thượng, thanh tao, người thanh niên cùng người bình dân nam nữ ta lắm khi ứa lệ vì quá cảm cái sự hiền lành.

Sau khi ấy, trở về nhà, hoặc nằm trên võng mà ru em, hoặc trong khi giã gạo đôi ba bạn muốn hò ăn nhịp cho quên sự lâu dài, hoặc đương khi thả thuyền theo rạch nhằm lúc trăng trong mà động đến nguồn thơ, bấy giờ họ mới ca hát bắt vần cho vui. Những câu ca dao ấy phần nhiều là về hiếu, về tình, về tình hiếu xen lẫn, có khi cũng bàn qua vài việc thế sự luận đàm. Trong khi cảm hứng ấy, họ không quên ngôi cổ tự, họ vẫn nhớ vẻ mặt từ hòa của đức Phật, đức Bồ Tát, họ vẫn mến cái đức thuần hậu của vị hòa thượng hoặc vị pháp sư, và họ còn canh cánh bên lòng những lý thiện phước từ trong kinh kệ đưa ra.

Cho nên trong nhiều câu ca dao có thấm nhuần tinh thần của ngôi Tam Bảo.

Như về hiếu thì:

Mỗi đêm mỗi thắp đèn trời,
Cầu cho cha mẹ sống đời với con.

Đã đành thọ phép Di Đà,
Hiếu trung giữ trọn, gian tà mặc ai
 
Vô chùa thấy Phật muốn tu,
Về nhà thấy mẹ, công phu không đành.
 
Tu đâu cho bằng tu nhà,
Thờ cha kính mẹ, hơn là đi tu.
 
Như về tình thì:
Ngó lên am tự chùa vàng,
Tu thì đặng đó, bỏ nàng ai nuôi?
 
Anh đi lưu thú Bắc Thành,
Bỏ em khô héo như nhành từ bi.
 
Chữ rằng phú quý tại thiên,
Vì ai nên nỗi bạn hiền gian nan.
 
Người đời ai khỏi gian nan,
Gian nan có thuở, thanh nhàn có khi.
 
Phải chi lên đặng Ngọc Hoàng,
Lén coi sổ bộ duyên nàng về ai.
 
Bé thơ chi đó dỗ dành,
Chẳng qua duyên nợ, bậu đành hay không?
Tượng linh dù rách cũng thờ,
Lỡ duyên anh chịu, mong chờ tin em.
 
Sông dài cá lội biệt tăm,
Phải duyên phu phụ, ngàn năm cũng chờ.
 
Trên trời vần vũ,
Dưới âm phủ đá dựng tư bề.
Làm sao cho trọn chữ phu thê,
Đây chồng đó vợ, ra về có đôi.
 
Sóng bên doi bỏ vòi bên vịnh,
Anh với nàng trời định đã lâu.
 
Cơ trời dâu bể đa đoan,
Tơ duyên vắn vỏi, thiếp chàng xa nhau.
 
Thân em buôn bán tảo tần,
Lòng anh sao nở tỵ trần xuất gia.
 
Đặt bàn thệ nguyện giữa trời,
Sao hôm có lặn, còn lời sao mai.
 
Phải chi cao đất thấp trời,
Hỏi thăm duyên nợ đổi dời thế nao.
 
Chim bay về núi Điện Bà,
Phân chồng rẽ vợ, ai mà chẳng thương.
Nghĩ nào mà lại tuôn rơi,
Thắp nhang mà lạy Phật trời định phân.
 
Về tình, hiếu xen lẫn thì:
 
Lưu ly nửa nước nửa dù,
Nửa thương cha mẹ, nửa sầu căn duyên.
 
Mình hòa, phụ mẫu không hòa,
Căn duyên để vậy, hay là dứt đi?
 
Về thế sự luận đàm hoặc về các mối cảm đối với nhà Phật thì:
 
Chuông già đồng điếu chuông kêu,
Gái khôn trai dỗ lâu ngày cũng xiêu.
 
Tưởng là chùa rách Phật vàng,
Hay đâu chùa rách chứa đàng quỷ ma.
 
Tội người, vô số Di Đà,
Còn mang chuỗi hột, áo già làm chi.
 
Con vua thì được làm vua,
Con sãi ở chùa thì quét lá đa.
 
Muốn đi tu, công phu chưa có,
Muốn ở chùa, chuông mõ cũng không.
Đã đành cắt tóc đi tu,
Một ngày cửa Phật, mười thu cõi trần.
 
Tai nghe chuông mõ vang vầy,
Ghé vô am tự nghe thầy giảng kinh.

» Ảnh đẹp
» Liên kết website
Search
» Từ điển Online
Từ cần tra:
Tra theo từ điển:
» Âm lịch